Phân vân khi chọn chuyên ngành
Vào được đại học đúng khoa đã chọn, nhưng khi quyết định chọn chuyên ngành, sinh viên vẫn cảm thấy lo và thiếu tự tin trước quyết định của mình.
Trước khi thi đại học, nhiều bạn chọn một khoa nào đó có thể vì thích, cảm thấy phù hợp và có thể “phác thảo sơ” về công việc mà bạn sẽ làm sau này. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào học và chuẩn bị chia chuyên ngành, sinh viên lại bắt đầu lo sợ vì: “Mình chọn đã đúng chưa? Liệu mình có hối hận với sự lựa chọn này? Các bạn mình có chọn như mình không nhỉ?”
“Nhiều bạn thường hay chọn theo… số đông, ví dụ như khoa Báo chí có hai chuyên ngành là Báo in và Báo hình. Nhiều bạn thích Báo in nhưng thấy bạn bè học Báo in ít, thì lại chuyển qua Báo hình, để rồi sau này cảm thấy hối hận vì không phù hợp” – Bảo Anh (sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH & NV Hà Nội) cho biết.
Một bên “kinh tế”, một bên “đam mê”
Việc chọn chuyên ngành cũng được sinh viên cân nhắc rất kĩ. Các bạn đã lớn, có thể tự quyết định được con đường tương lai, hiểu được khả năng mình tới đâu và biết bản thân thích hợp với ngành nào. Nhưng dù đam mê thế nào thì cũng phải xét đến khả năng kinh tế cũng như vấn đề việc làm sau này…
“Mình học Xã hội học. Sau này mình sẽ chọn chuyên ngành Xã hội học truyền thông vì bản thân mình cảm thấy ngành này thú vị, cơ hội việc làm cũng nhiều và hiện tại công việc part-time của mình có liên quan đến truyền thông. Dù cho mình rất thích Xã hội học văn hóa, nhưng mình vẫn không thể hình dung được mình sẽ làm gì khi mình tìm hiểu sâu vào chuyên ngành này. Học Xã hội học truyền thông thì sẽ giúp ích được cho công việc của mình hơn” – Xuân Nguyện (sinh viên năm 2 ĐH Tôn Đức Thắng) bày tỏ.
“Mình sợ mình sẽ chọn chuyên ngành sai, vì ban đầu, khi chọn khoa, mình đã sai rồi. Mình muốn học Điện tử viễn thông nhưng thấy Công nghệ thông tin “hot” hơn, thế là đi thi và đậu. Trong khoa Công nghệ thông tin có ngành Khoa học máy tính rất hay, nhưng khó tìm việc và chưa phổ biến ở Việt Nam, trong khi chuyên ngành liên quan đến mạng và truyền thông thì dễ xin việc và có tương lai hơn. Mình thì chỉ cảm thấy bản thân hợp với “phần cứng”, nhưng “phần mềm” thì học đỡ vất vả, khả năng việc làm lại cao, lương tốt, mình không biết chọn thế nào” – Quốc Hùng (sinh viên năm 2 ĐH KHTN) chia sẻ.
Bạn nên cân nhắc thật kĩ trước khi đưa ra một quyết định đúng đắn nhé!
Chuyên ngành nào cũng muốn học
Video đang HOT
Có rất nhiều bạn cảm thấy mình chưa bao giờ hối hận khi trở thành sinh viên của một khoa nào đó và lại càng tâm đắc khi nghe giới thiệu về từng chuyên ngành trong khoa. Với nhiều bạn, mỗi chuyên ngành đều có cái hay riêng và thật tuyệt khi… được học hết.
“Mình thích PR và Truyền hình. Nhưng PR nằm trong chuyên ngành Báo in còn Truyền hình thì thuộc chuyên ngành còn lại. Mình rất phân vân. Có thể mình sẽ chọn Báo hình, còn môn PR thì mình sẽ đăng kí… học chơi cho vui. Dù sao mình vẫn cảm thấy phân vân lắm vì không biết khả năng có học được Báo hình không. Những bạn chọn Báo hình thì nêu ra đủ thứ lý do tốt đẹp để chọn chuyên ngành đó, còn những bạn học Báo in cũng ra sức bảo vệ chuyên ngành của họ. Mình thì thích cả hai nhưng chỉ được chọn một, chưa biết sau này sẽ làm gì cụ thể, dẫu sao thì biết hết vẫn hơn. Có lẽ mình quá tham lam rồi” – NB (sinh viên năm 2 ĐH KHXH & NV) nói.
“Thật sự mình vẫn chưa biết được học chuyên ngành nào thì thích hợp hơn, dễ tìm việc hơn, nên mình muốn… học hết để sau này tìm việc dễ hơn. Nhưng nếu không thể học hết, mình sẽ chọn ngành có nhiều bạn học nhất, mấy chuyên ngành còn lại, mình sẽ tự học thêm bằng việc đọc sách” – Bảo Nhung (sinh viên năm 2 ĐH Kinh Tế) chia sẻ.
Chuyên ngành không quyết định được tương lai của bạn
Khi đã vào đại học và cân nhắc chọn khoa, hẳn bạn cũng đã phải đắn đo rất nhiều, thậm chí có nhiều bạn vẫn không biết chắc rằng khoa ấy có thật sự thích hợp với bản thân hay không. Bước vào chọn chuyên ngành, bạn sẽ đến gần hơn với con đường sự nghiệp phía trước. Dẫu cho có quá nhiều chuyên ngành khiến bạn phân vân, nhưng khi đã trở thành sinh viên thì bạn đã có một nền tảng kiến thức nhất định, rèn luyện thêm kĩ năng thì về sau chuyện “thất nghiệp” khó có thể xảy đến.
Vấn đề quan trọng không phải là “chọn chuyên ngành để sau này đi làm”, mà là chọn chuyên ngành phù hợp với sở thích của bạn để trình độ chuyên môn được nâng cao. Rất nhiều sinh viên sau này ra trường làm trái ngành, cuộc sống có nhiều ngã rẽ thú vị mà bạn không thể quyết định được, thế nên hãy theo khả năng và đam mê, đừng bao giờ bị tác động bởi bạn bè, hoàn cảnh hoặc “nghe người ta nói…”. Bạn sẽ tự tin hơn với thế mạnh của chính mình. Chúc bạn sớm có quyết định đúng!
Theo Mực Tím
Tuyển sinh ĐH-CĐ: E dè khối thi A1
Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung khối thi A1(toán, lý, tiếng Anh) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, nhiều trường tuyển sinh khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin hồ hởi đón nhận và khẳng định khối thi này phù hợp nhu cầu đào tạo.
Thế nhưng, chính các trường lại chưa mặn mà với việc tuyển sinh khối này.
Khi nhắc đến ngoại ngữ, lãnh đạo các trường đều thống nhất đó là chìa khóa không thể thiếu để thực hành nghiệp vụ chuyên ngành, nhưng rốt cuộc vẫn từ chối tuyển sinh ba môn toán, lý, ngoại ngữ vì lo ít sinh viên dự thi và ngại thay đổi bộ máy tổ chức tuyển sinh cũ.
Cần nhưng... chưa tuyển
Theo PGS.TS Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, khối A1 phù hợp với tất cả chuyên ngành đào tạo hiện có của nhà trường, song phương án này sẽ được nhà trường xem xét cho... mùa tuyển sinh 2013 trở đi.
Muốn thi khối A1 đợt 2 Ngày 28-12, gần 300 học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) đến tham quan ĐH Quốc gia TP.HCM (ảnh). Ban đào tạo ĐH Quốc gia đã phát phiếu thăm dò về phương án lựa chọn khối thi A1 trong năm 2012. Kết quả, trong 93 phiếu thu hồi có 19 phiếu (chiếm hơn 20%) chọn phương án thi khối A1 cùng với khối D1. Trong khi đó, phương án chọn khối A1 thi cùng ngày với khối A không có phiếu nào.
"Việc công bố khối thi mới phải chờ đến hội nghị tuyển sinh tháng 1-2012 mới chính thức quyết định là quá muộn" - PGS Sơn khẳng định.
Trong khi đó, trường luôn có thí sinh dự thi đông nhất cả nước là ĐH Cần Thơ lại không quan tâm đến phương án bổ sung khối A1. Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng nhà trường, dù nhận thấy cải tiến và đổi mới tuyển sinh là cần thiết nhưng hội đồng tuyển sinh của trường vẫn giữ ổn định các khối thi A, B, C, D. Lý do ông Xê đưa ra là nếu chọn phương án bổ sung khối A1 sẽ gây xáo trộn cho thí sinh cũng như công tác tổ chức thi, xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.
Với Học viện Ngân hàng, các chuyên ngành đào tạo nghiệp vụ đều cần tiếng Anh, nhưng dự kiến trường không đưa khối thi mới vào đợt thi tuyển 2012. Theo TS Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo, việc tổ chức thi thêm một khối sẽ làm công tác tuyển sinh vất vả hơn rất nhiều, từ khâu tổ chức thi, phân loại hồ sơ, đến thống kê, xét điểm đầu vào... Ngoại ngữ đặc biệt cần cho kinh tế - tài chính, nhưng không vì thế mà bắt buộc thi đầu vào phải có môn học này. Thí sinh thi khối A tốt nghĩa là tư duy ổn, hoàn toàn có khả năng tiếp nhận các kiến thức nhà trường bồi đắp sau này trong quá trình đào tạo", TS Dũng nói.
Tương tự, Th.S Tạ Quang Lâm, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bày tỏ quan điểm không ủng hộ bổ sung khối A1. Theo ông Lâm, nếu đợt 1 bổ sung khối A1, ngoài việc ảnh hưởng công tác kỹ thuật, thí sinh nào chọn khối A1 sẽ không được thi khối A vì thi cùng ngày. Nếu trường nào muốn chọn thêm các thí sinh giỏi tiếng Anh thì bổ sung khối D1 sẽ đỡ phức tạp hơn bổ sung khối A1.
Trường ĐH Luật TP.HCM cũng dự tính đưa thêm khối A1 nhưng do lo ngại những rắc rối như sợ ảnh hưởng đến thí sinh, việc phân bổ, xác định chỉ tiêu giữa các khối cho từng ngành... nên trường không bổ sung khối A1. PGS-TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng nhà trường, kiến nghị "việc bổ sung khối thi Bộ GD-ĐT nên áp dụng cho những mùa tuyển sinh sau thì hợp lý hơn".
Nhiều trường vẫn từ chối tuyển sinh ba môn toán, lý, ngoại ngữ vì lo ít sinh viên dự thi và ngại thay đổi bộ máy tổ chức tuyển sinh cũ. (Ảnh: Hà Bình).
Ngại khâu tổ chức thi
Tiếp nhận thông tin Bộ GD-ĐT đã chọn phương án bổ sung khối A1, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nơi có đến bốn trường thành viên đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, cho rằng: "Nếu thi bổ sung khối A1, ĐHQG TP.HCM cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề tôi băn khoăn là ở khâu tổ chức, ra đề, in sao đề thi vì không biết sẽ có bao nhiêu thí sinh đăng ký thi khối A1".
TS Nghĩa phân tích thông thường trong đợt thi thứ nhất có khoảng 50% tổng số thí sinh dự thi nên nếu thêm khối A1 sẽ phải tính toán lại về khâu kỹ thuật.
Là trường nhiều lần đề xuất bổ sung khối thi A1 cho ngành công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khẳng định chắc chắn sẽ tuyển thêm khối A1 nếu được Bộ GD-ĐT cho phép. Tuy vậy, PGS.TS Lê Hữu Lập, phó giám đốc học viện, cho hay dù hưởng ứng nhưng học viện dự định không tổ chức thi tuyển đối với khối này mà xét tuyển thông qua kết quả của thí sinh từ trường khác có tổ chức thi khối A1.
"Nếu khối A1 thi riêng, khác đợt với khối A, học viện còn cân nhắc việc tổ chức. Nếu thi khối mới chung đợt với khối A, trường quyết định không tổ chức thi khối A1 mà sẽ xét tuyển khối này như đã xét tuyển khối D1 năm 2011", PGS Lập nói.
Riêng tại Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, khối A và A1 với 370 chỉ tiêu được xác định để xét tuyển hai ngành công nghệ thông tin- truyền thông và điện tử viễn thông. PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - hiệu trưởng nhà trường - cho hay dù chỉ tuyển 370 chỉ tiêu cho cả hai khối A và A1, trường vẫn quyết định tổ chức thi tuyển. Vấn đề phát sinh lớn nhất của trường khi bổ sung khối mới là công tác chấm thi.
Theo tiết lộ của một trường ĐH sẽ tổ chức thi tuyển khối A1, do khối thi này nhiều trường chỉ xét tuyển mà không thi nên các trường gửi thí sinh thi nhờ sẽ phải chịu một khoản phí thỏa thuận với trường có tổ chức thi.
Theo kế hoạch, để chấm thi ngoại ngữ cho thí sinh thi khối A1, trường sẽ "nhờ" các giảng viên của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội đảm nhận.
Trong khi đó, dù vẫn giữ ổn định các khối thi đồng thời ủng hộ phương án bổ sung khối thi, nhưng PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, phân vân: "Bộ GD-ĐT chọn bổ sung khối A1 là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trước khi áp dụng phải được bàn tính kỹ, có giải pháp để không bị rối, đồng thời tất yếu phải đảm bảo quyền lợi của thí sinh".
"Nếu thực hiện phương án bổ sung khối thi A1 mà trường có trường không thì những thí sinh chọn thi khối A1 không đậu nguyện vọng 1 sẽ xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo thế nào?" - ông Hùng băn khoăn.
Một cách thận trọng, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: "Vấn đề tuyển sinh ĐH-CĐ rất nhạy cảm vì nó không chỉ là chuyện của các trường mà liên quan đến cả xã hội. Hơn nữa, số lượng thí sinh thi lại lần thứ hai, thứ ba... hằng năm lên đến 300.000-400.000 (chiếm trên 20% tổng số thí sinh cả nước), việc đổi mới tuyển sinh cần phải có lộ trình để bảo đảm tính công bằng về thông tin và điều kiện ôn tập cho mọi thí sinh. Bên cạnh đó, chủ trương đổi mới đều phải kèm theo giải pháp kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi".
Theo TTO
Trung Quốc: Lo ngại về việc xóa bỏ chuyên ngành khó xin việc Quyết định mới đây của Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc loại bỏ những chuyên ngành đại học có ít triển vọng việc làm đã khiến các chuyên gia nhận định rằng việc này sẽ dẫn đến "xu hướng vụ lợi" trong giáo dục đại học. Cần phải thực hiện các nỗ lực để điều chỉnh các chuyên ngành theo sự phát...