Phần mềm học trực tuyến: Ai kiểm duyệt, đánh giá nội dung?
Các chuyên gia giáo dục cho rằng học trực tuyến là xu hướng tất yếu của giáo dục nhưng để áp dụng phương thức đó một cách bền vững và hiệu quả thì không thể tùy tiện lựa chọn phần mềm giáo dục
UBND TP HCM vừa ra văn bản cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2 và kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép học sinh nghỉ hết tháng 3 do dịch Covid-19. Các trường phổ thông trên địa bàn TP đã có kế hoạch chủ động ứng phó với đợt nghỉ dài hơi này, bảo đảm ôn tập kiến thức cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Như vậy, các hệ thống học tập trực tuyến sẽ góp phần hỗ trợ cho học sinh ôn tập kiến thức trong kỳ nghỉ dài.
Dùng phần mềm “tự nguyện”
Trước đó, Sở GD-ĐT TP HCM ra văn bản về tăng cường triển khai phần mềm Smartschool và cung cấp tài khoản cho phụ huynh hướng dẫn học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19. Theo văn bản này, Sở GD-ĐT đã làm việc với Công ty CP Trường học thông minh (Smartschool) để hỗ trợ phụ huynh trên địa bàn TP trong việc hướng dẫn học sinh học tập tại nhà.
Giáo viên một trường THPT tại TP HCM tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến
Các trường phổ thông sử dụng phần mềm Smartschool, công ty sẽ cung cấp miễn phí thêm các tài khoản cho phụ huynh học sinh để truy cập bài giảng điện tử từ ngày nhà trường đăng ký sử dụng phần mềm đến khi có thông báo hết thời gian tạm nghỉ học do dịch Covid-19. Sau đó, tùy điều kiện thực tế, các trường căn cứ yêu cầu đổi mới dạy và học, kiểm tra đánh giá, có kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin qua phần mềm Smartschool bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, trên cơ sở vận động tài trợ hoặc thỏa thuận với cha mẹ học sinh với tinh thần “tự nguyện”.
Được biết, phần mềm này có những bài giảng minh họa, video, tư liệu, học liệu điện tử và hướng dẫn chi tiết tổ chức các hoạt động học tập của các môn lịch sử, địa lý, đạo đức – giáo dục công dân. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn giới thiệu các phần mềm do đối tác cung cấp theo yêu cầu chuyên môn của phòng chuyên môn sở, như hệ thống mạng xã hội học tập trực tuyến ViettelStudy, giáo viên, học sinh và phụ huynh mạng xã hội học tập trực tuyến để học sinh được khai thác các nội dung miễn phí trên hệ thống. Hay hệ thống học trực tuyến của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tất cả đơn vị có nhu cầu, VNPT sẽ cung cấp miễn phí tài khoản trên hệ thống trực tuyến của VNPT đến tháng 7-2020.
Khó đo lường hiệu quả
Một chuyên gia giáo dục cho rằng phương pháp dạy học trực tuyến phải phát triển như một phương thức dạy chính thống theo xu hướng thế giới chứ không chỉ là để chống chế trong mùa dịch. Nhưng đến nay, chưa có một quy trình, khuôn khổ kiểm định nội dung của các cơ quan chuyên môn nào đối với các công ty phát triển phần mềm giáo dục có nội dung dạy học mẫu. Bởi lẽ, công ty giáo dục bán sản phẩm dựa trên nền học liệu sẵn có trong sách giáo khoa, được xây dựng lại theo phương pháp riêng của từng đơn vị và thương mại hóa chúng. Tức là công ty được cấp phép kinh doanh sẽ đồng nghĩa với việc nội dung đã được kiểm duyệt và trên thực tế, cơ quan chuyên môn giáo dục không thể kiểm duyệt cụ thể nội dung, phương pháp của đơn vị vì là mặt hàng kinh doanh thì “thuận mua vừa bán”.
Như vậy, nội dung của các công ty phần mềm giáo dục có thực sự hữu ích, hiệu quả hay chỉ đưa ra để “móc túi” phụ huynh thì không cơ quan nào có thể kiểm duyệt được, chính phụ huynh là khách hàng phải tự dựa trên kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của bản thân để lựa chọn, đôi khi phải chấp nhận sự lựa chọn này trong thế bị động.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo – ĐHQG TP HCM, quy trình kiểm duyệt đối với các công ty phát triển phần mềm giáo dục cũng như những công ty kinh doanh các mặt hàng khác, còn về nội dung thì không thể thống nhất, đồng bộ được vì mỗi đơn vị sẽ có cách khai thác riêng để sản phẩm của mình phong phú, thu hút khách hàng hơn. Như vậy, rất khó để quản lý nội dung, không thể quản lý nguồn học liệu của đơn vị, càng khó hơn khi đánh giá sản phẩm của đơn vị nào tốt, phù hợp với từng đối tượng ra sao.
Khi các trường phổ thông muốn đưa vào sử dụng phần mềm nào thì đó là quyền của mỗi trường nên cân nhắc kỹ, phụ huynh phải đưa ra ý kiến dựa theo kinh nghiệm của bản thân. Đến hiện tại, chưa có tiêu chí chung để đánh giá những sản phẩm của các đơn vị nhưng về mặt giáo dục, vẫn nên ưu tiên lựa chọn những phần mềm có hình ảnh tốt, ngôn ngữ học liệu phù hợp, kỹ năng sư phạm. Về lâu dài, đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.
ThS Trần Hoàng Cẩm Tú, Viện trưởng Viện E-learning – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định các trường tự đưa ra tiêu chí về nội dung cho các công ty nhưng đôi khi sản phẩm quảng cáo và thực tế tỉ lệ nghịch. Đối với các trường ĐH, để đánh giá một giáo án dạy theo phương pháp trực tuyến thì hội đồng đánh giá phải mất đến 3 tháng, qua rất nhiều công đoạn và không phải môn nào cũng áp dụng được hình thức này.
“Nhưng ở các trường phổ thông, quá trình đánh giá này diễn ra rất nhanh, có những trường không có hội đồng đánh giá chuyên môn. Như vậy, về mặt chuyên môn, không thể bảo đảm 100%, đây chỉ là cách để đối phó, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh, học sinh chứ chưa thật hiệu quả” – ThS Trần Hoàng Cẩm Tú nhận định.
Cần kho dữ liệu miễn phí
ThS Trần Hoàng Cẩm Tú cho rằng các Sở GD-ĐT nên có đề xuất mở một kho dữ liệu sử dụng chung miễn phí thì sẽ giảm được sự chênh lệch giữa các trường, tổ chức các bài giảng đa phương tiện mẫu từ phòng chuyên môn của sở để giáo viên tham khảo. Xuất phát từ sở thì chắc chắn sẽ có nghiệm thu và đơn vị nghiệm thu sẽ bảo đảm được chuyên môn, tính sư phạm, kỹ thuật, hình ảnh. Tâm lý của phụ huynh khi sử dụng sẽ yên tâm hơn, các trường cũng dễ dàng triển khai.
Bài và ảnh: Nguyễn Thuận
Theo nguoilaodong
Phòng chống Covid-19: Thêm nhiều trường cho sinh viên nghỉ tiếp, hoặc học trực tuyến
Các trường đại học như Thương mại, Kinh tế quốc dân, Luật Hà Nội, Thủy lợi, Học viện Tài chính... đã chính thức ra thông báo cho sinh viên nghỉ học tiếp, hoặc học theo hình thức trực tuyến.
Sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội - Ảnh Ngô Chuyên
Hai hôm nay, một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã ra thông báo cho sinh viên đại học, học viên và nghiên cứu sinh sau đại học nghỉ học tiếp tuần 7 (từ 17.2 đến hết 23.2), thậm chí có đơn vị cho nghỉ đến hết tháng 2. Một số trường tuy vẫn tổ chức dạy học, nhưng theo hình thức không tập trung.
Theo thông báo của Trường đại học Kinh tế Quốc dân, trường kéo dài thời gian không tổ chức cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh toàn trường học tập trung từ 17.2 đến hết 23.2. Trong thời gian trên, tất cả các lớp học phần sẽ học theo hình thức Blended learning (một trong các hình thức học trực tuyến qua mạng).
Trường này yêu cầu sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh theo dõi thông báo của nhà trường trên cổng thông tin của trường, các trang quản lý đào tạo và tài khoản email do nhà trường tạo lập để cập nhật thông tin và tham gia các lớp học theo hình thức Blended learning.
Cán bộ, viên chức, giảng viên của trường vẫn làm việc bình thường và thực hiện giảng dạy theo hình thức Blended learning.
Giáo viên tự pha chế, phát miễn phí nước rửa tay trước cổng trường phòng virus corona
Trường đại học Thương mại tuy không cho sinh viên nghỉ tiếp, nhưng đã quyết định tổ chức triển khai phương án dạy học trực tuyến trên phần mềm Trans từ 17.2. Lịch giảng dạy và học tập trực tuyến được thực hiện theo đúng thời khóa biểu học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 mà trường đang thực hiện. Kế hoạch học trực tuyến sẽ được thực hiện cho đến khi nhà trường có thông báo mới.
Riêng các học phần quốc phòng - an ninh, giáo dục thể chất, thực hành kế toán máy, thực hành quảng cáo điện tử, thực hành khai thác dữ liệu trên mạng internet thì không tổ chức học trực tuyến. Phòng Quản lý đào tạo của trường được giao xây dựng lịch học bù khi sinh viên trở về trường học tập tập trung theo phương pháp giảng dạy truyền thống.
Trường này cũng lưu ý, trong thời gian giảng dạy và học tập trực tuyến, ký túc xá của trường không tiếp nhận sinh viên.
Học viện Tài chính cũng thông báo tiếp tục duy trì hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến tập trung thông qua phần mềm Zoom Cloud Meetings từ 17.2 đối với hệ đại học chính quy, đại học văn bằng 2 và liên thông đại học. Lịch học và thi kết thúc học phần các khóa/lớp từ 23.2 trở đi sẽ được học viện thông báo cụ thể vào ngày 20.2.
Trường đại học Thủy lợi thông báo điều chỉnh thời gian trở lại trường giảng dạy và học tập sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của giảng viên và sinh viên bắt đầu từ thứ 2, ngày 24.2. Với những sinh viên đã mua vé tàu xe di chuyển lên trường học tập không thể đổi được vé xe, nhà trường vẫn đón tiếp sinh viên trở lại trường bình thường. Các cán bộ, viên chức khối quản lý phục vụ làm việc bình thường.
Trường đại học Luật Hà Nội cũng thông báo, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên sinh viên, học viên tất cả các bậc, hệ đào tạo của trường (tại cơ sở chính cũng như tại phân hiệu ở Đắk Lắk và tại các đơn vị liên kết) được nghỉ học từ 17.2 đến hết 23.2. Trường không tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá trong thời gian chưa tổ chức giảng dạy, học tập.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội vừa có quyết định cho sinh viên tiếp tục nghỉ học thêm 1 tuần nữa. PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nói: "Xin lỗi các em đang sẵn sàng và tự tin chuẩn bị lên trường, rất tiếc chúng ta phải tiếp tục lùi lịch lên lớp 1 tuần nữa. Chúng ta có công cụ phòng chống dịch, nhưng chưa đủ thông tin cần thiết để kiểm soát dịch bệnh".
Kết quả khảo sát của Trường đại học Bách khoa Hà Nội - Quý Hiên chụp lại
Sở dĩ có lời xin lỗi trên bởi trước khi có quyết định, trường này cũng đã gửi câu hỏi tới sinh viên toàn trường, trong đó có nội dung: Bạn có tự tin về sức khỏe và cách đảm bảo sức khỏe của bạn trước dịch Covid-19 và sẵn sàng quay lại lớp học không? Khoảng một nửa sinh viên đã trả lời là tự tin.
Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về lịch học của các trường đại học ở các bản tin tiếp theo.
Theo Thanh niên
Con nghỉ vì lo corona, nghỉ rồi lại sợ con... mất bài 'Học sinh nghỉ vì dịch bệnh, tôi thấy rất nhiều trường tổ chức dạy trực tuyến nhưng trường của con tôi thì không. Cháu bị hổng kiến thức so với học sinh các trường khác thì làm sao thi cuối năm?', nhiều phụ huynh lo lắng. Thầy Hoàng Thế Dương (Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang giảng bài môn hóa...