Phân luồng khó khăn vì các trường đua nhau cho điểm tổng kết cao ngất
Điểm tổng kết năm học luôn cao ngất ngưởng thì việc phân luồng học sinh sẽ mãi khó khăn và kỳ thi tuyển sinh 10 vẫn cạnh tranh gay gắt, áp lực rất lớn cho xã hội.
Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là một chính sách đúng, phù hợp với điều kiện phát triển đất nước nhằm cân bằng trình độ lao động ở các ngành nghề khác nhau.
Thế nhưng, việc phân luồng học sinh hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn và dẫn đến áp lực cực lớn cho kỳ thi tuyển sinh 10 công lập, nhất là đối với những đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…
Đâu là nguyên nhân của vấn đề và vì sao các trường cứ mãi loay hoay chuyện phân luồng học sinh mà vẫn không đạt được hiệu quả, thậm chí còn bị phụ huynh phản đối khi con em họ không được thi vào lớp 10?
Học sinh và phụ huynh đều rất căng thẳng trong kỳ thi tuyển sinh 10 (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Cuộc chạy đua khốc liệt vào các trường trung học phổ thông công lập
Năm nay, vì dịch bệnh Covid-19 nên lịch thi tuyển vào lớp 10 trên cả nước dồn dập trong khoảng chục ngày, nhiều nhất là từ ngày 16/7 đến ngày 24/7.
Theo dõi kỳ thi này, ai cũng cảm nhận được “cuộc chiến” chạy đua để giành 1 suất vào lớp 10 công lập quả là rất vất vả với các thí sinh. Đặc biệt là những trường nội đô ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khối trường chuyên của các tỉnh.
Áp lực không chỉ đến với thí sinh mà ngay các địa phương này cũng phải huy động số lượng phòng ốc, cán bộ, giám thị, giám khảo, nhân viên phục vụ rất lớn.
Chẳng hạn, ngày 16/7 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2020-2021. Năm nay, địa phương này có trên 82 ngàn học sinh lớp 9 dự thi để cạnh tranh khoảng 66 ngàn chỉ tiêu vào lớp 10 công lập.
Thành phố Hồ Chí Minh đã phải huy động 135 trường trung học có cơ sở vật chất hiện đại, an toàn làm điểm thi. Sở Giáo dục phải huy động 11.446 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi và 3.430 cán bộ, giáo viên làm công tác chấm thi.
Thành phố Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh 10 là từ ngày 17/7 với trên 89 ngàn học sinh lớp 9 dự thi để cạnh tranh hơn 64 ngàn chỉ tiêu.
Video đang HOT
Để tổ chức cho kỳ thi này, Thành phố Hà Nội đã bố trí 172 điểm thi, huy động 12 nghìn cán bộ, giáo viên coi thi và giám sát phòng thi, 1.700 nhân viên phục vụ tại các điểm thi.[1]
Nhìn vào tỉ lệ chọi của kỳ thi tuyển sinh 10 của thí sinh ở nhiều trường học trên cả nước, chúng ta thấy tính cạnh tranh còn gay gắt hơn tỉ lệ chọi của các trường đại học.
Và, với chừng ấy thí sinh, chừng ấy cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ cho kỳ thi ở mỗi địa phương thì chúng ta thấy không chỉ là áp lực của học sinh, giáo viên mà số tiền nhà nước, nhân dân đổ vào kỳ thi này là vô cùng lớn.
Nếu phân luồng tốt thì áp lực kỳ thi sẽ giảm đi rất nhiều
Chúng tôi cho rằng công tác phân luồng học sinh sau khi các em tốt nghiệp trung học cơ sở hiện nay chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch thì có nhiều nguyên nhân nhưng có 2 nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất là các trường trung học cơ sở trên cả nước hiện nay chưa đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách chính xác. Vì bệnh ngụy tạo thành tích nên học sinh bây giờ đa số được tổng kết điểm cuối năm từ khá trở lên.
Chính vì cách đánh giá không chính xác như vậy nên dẫn đến việc nhiều học sinh vẫn ảo tưởng là mình học được vì cuối năm phần lớn học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trở lên nên các em không tự đánh giá đúng về học lực.
Vì không lường được sức học của mình nên học sinh hết lớp 9 là sẽ làm đơn dự thi vào lớp 10 để tiếp tục học cao lên.
Cũng chính vì đánh giá, xếp loại học sinh như vậy nên nhà trường khó để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học trò sau khi các em tốt nghiệp trung học cơ sở.
Vậy nên, những ngày đầu tháng 7 vừa qua có tờ báo phản ánh, nhiều phụ huynh ở Trường trung học cơ sở Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội) đã phản đối việc chuyện nhà trường ép cha mẹ học sinh phải viết đơn tự nguyện không đăng ký cho con dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2020-2021.[2]
Giá như, các nhà trường đánh giá chính xác sức học của học trò thì việc phân luồng sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều, và phụ huynh cũng không thể phản đối được. Nhưng vì trường nào cũng nâng điểm cho học trò nên khi xảy ra chuyện phụ huynh phản đối thì nhà trường lúng túng và tất nhiên dư luận xã hội cũng không đồng tình.
Thứ hai là tư tưởng của phụ huynh bao giờ cũng muốn cho con em mình học cao để nuôi dưỡng ước mơ sau này có được công việc làm nhàn hạ, có cơ hội thăng tiến bản thân mà chưa quan tâm, cân nhắc thỏa đáng năng lực, sở trường, tính cách và mong muốn của con em mình.
Học để sau này thành “thầy”, có địa vị chứ ít phụ huynh dễ dàng chấp nhận cho con đi học nghề hay vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để vừa học văn hóa, vừa học nghề.
Chính rào cản lớn này khiến cho phụ huynh chưa mặn mà cho con từ bỏ con đường học văn hóa chuyển sang học nghề để sau này thành “thợ”.
Hơn nữa, với học bạ, danh hiệu học tập mà nhà trường công nhận, phát thưởng cho con em mình nhiều như hiện nay nên dẫn đến việc nhiều phụ huynh khó có nhận định chính xác về sức học của con em mình.
Giải pháp nào cho việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở?
Thứ nhất: chúng tôi cho rằng vấn đề cốt lõi nhất là các nhà trường phải đánh giá, xếp loại học sinh chính xác mới phân loại được học sinh.
Một khi chủ trương học thật, đánh giá thật được xuyên suốt thì mới dễ dàng phân luồng được.
Thứ hai: đầu lớp 9 thì khi họp phụ huynh, nhà trường phải lưu ý cho phụ huynh biết về kết quả học tập của học sinh có kết quả ở lớp 8 không tốt.
Cuối học kỳ I của lớp 9 thì nhà trường họp phụ huynh, thông báo, tư vấn cho phụ huynh để họ biết và chủ động chuyển đổi con đường học tập của con em mình sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Thứ ba: nhà trường cần phối hợp với các trường dạy nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên có những buổi tư vấn về nghề nghiệp nhằm giúp cho học sinh định hướng về tương lai của mình.
Một khi các công tác được triển khai đồng bộ thì việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ trở nên dễ dàng, phụ huynh cũng không phản đối.
Còn cứ như hiện nay, điểm tổng kết năm học luôn cao ngất ngưởng thì việc phân luồng học sinh sẽ mãi khó khăn và kỳ thi tuyển sinh 10 vẫn cạnh tranh gay gắt, áp lực rất lớn cho xã hội.
Thực tế cho thấy, không có mấy phụ huynh lại dễ dàng chấp nhận con em mình bỏ ngang chuyện học văn hóa để đi học nghề khi mà điểm tổng kết năm học được xếp loại học lực khá trở lên.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/ap-luc-tu-dau-20200716105709087.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/truong-noi-gi-vu-bi-to-ep-phu-huynh-khong-cho-con-thi-lop-10-653687.html
Học sinh Hà Nội thi Ngữ văn mở đầu kỳ thi vào lớp 10 THPT
Sáng nay (17/7), học sinh tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 THPT, với môn thi đầu tiên là Ngữ văn lúc 7h55.
Ngày 17/7, học sinh THCS tại Hà Nội bước vào kỳ thi lớp 10, với môn thi Ngữ văn đầu tiên.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/7, với gần 89.000 thí sinh tham dự, tăng hơn gần 4.000 thí sinh so với năm ngoái.
Các thí sinh sẽ thi môn Ngữ văn đầu tiên trong sáng 17/7, với thời gian làm bài là 120 phút. Đến 14h25 chiều cùng ngày, thí sinh sẽ thực hiện bài thi môn tiếng Anh, với thời gian thi 60 phút.
Ngày 18/7, thí sinh sẽ thi môn Toán trong 120 từ 7h50' sáng.
Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Hai nguyện vọng này phải trong cùng một khu vực tuyển sinh.
Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, không nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 2.
Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên. Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.
Theo công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, dự kiến 62% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 2,6% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập tự chủ, 20% số học sinh tuyển vào trường THPT ngoài công lập, 7,5% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và 7,9% số học sinh tham gia học nghề./.
Cách tính điểm xét tuyển theo nguyên tắc:
Điểm xét tuyển = (Điểm môn Toán cộng Điểm môn Văn) x 2 cộng Điểm môn Ngoại ngữ cộng Điểm ưu tiên (nếu có)
Phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS: Rẽ hướng trường nghề Những năm gần đây, học sinh phân luồng sau THCS của Nghệ An có xu hướng tăng. Đây là kết quả quá trình chuyển biến nhận thức của học sinh và phụ huynh. Nhưng thực tế sau phân luồng vẫn còn một số bất cập... Học sinh học nghề tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An. Thay...