Phân luồng học sinh: Gắn với thực tiễn địa phương
Là chủ nhiệm đề tài “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS”, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) có những phân tích cụ thể về phân luồng học sinh (HS) trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giúp nhà quản lý, giáo viên phổ thông nhìn nhận tổng quát về vấn đề này khi thực hiện chương trình; từ đó, thay đổi nhận thức và có giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, góp phần làm tốt công tác phân luồng HS.
Phân luồng học sinh trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới thông qua nhiều hoạt động trong và ngoài nhà trường. Ảnh: NT
Quán triệt phân luồng từ mục tiêu, cấu trúc đến nội dung từng môn học
Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, vấn đề phân luồng HS thể hiện trong chương trình GDPT được xem xét chủ yếu theo 3 khía cạnh: Giáo dục hướng nghiệp (đặc biệt ở THCS và THPT); Tạo cơ hội cho HS tự chọn (môn học, các chủ đề/chuyên đề học tập) đáp ứng nhu cầu, sở thích, định hướng nghề nghiệp của HS; Thực hiện quan điểm chương trình mở, tăng quyền cho địa phương, nhà trường trong việc xây dựng và lập kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương, nhà trường, HS. Qua đó, góp phần thực hiện phân luồng gắn với nhu cầu, thực tiễn địa phương.
Làm rõ hơn, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho biết: Phân luồng HS được thể hiện trong các thành tố, cấu trúc của Chương trình GDPT mới. Theo đó, mục tiêu của Chương trình GDPT mới đã chú trọng đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp của HS. Tự định hướng nghề nghiệp là một năng lực thành phần của năng lực tự chủ và tự học trong hệ thống các năng lực chung cốt lõi.
Giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới, tập trung ở các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở cấp THCS; các môn học ở THPT và Hoạt động trải nghiệm cùng với nội dung giáo dục của địa phương. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên, trong đó tập trung vào các năm học cuối của giai đoạn giáo dục cơ bản và toàn bộ thời gian của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Ngoài ra, trong Chương trình GDPT mới, cả hai giai đoạn (giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp) đều có các môn học tự chọn. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có thêm các môn học và chuyên đề học tập được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu, hứng thú, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi HS.
Trong nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp. Như vậy, qua tăng quyền cho các địa phương, nhà trường trong việc tham gia vào phát triển chương trình mà tạo điều kiện cho việc giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn địa phương; cũng như tạo cho HS cơ hội lựa chọn các nội dung học tập có liên quan tới nhu cầu và thực tiễn địa phương tốt hơn – qua đó góp phần thực hiện phân luồng hiệu quả hơn.
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan
Chương trình của lớp 10, 11, 12 gồm 9 học phần, trong đó HS được chọn 5 học phần để học tập theo sở thích, nhu cầu và định hướng ngành nghề. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế nhà trường có những hướng dẫn cụ thể cho HS, để họ có sự lựa chọn một cách phù hợp. Các trường có thể xây dựng thời khóa biểu luân phiên giữa các khối, lớp để thuận lợi trong tổ chức hoạt động dạy học theo các học phần và phù hợp với đặc thù của môn học (ví dụ: Tối thiểu 2 tiết học liên tục/buổi học/lớp).
Bên cạnh đó, trong quan điểm xây dựng chương trình nêu rõ: Chương trình GDPT được xây dựng theo hướng mở. Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Video đang HOT
Hoạt động ngoại khóa hấp dẫn học sinh. Ảnh minh họa/ INT
Cần chuẩn bị tốt các điều kiện
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan khẳng định: Phân luồng HS là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Làm tốt phân luồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho mỗi HS có cơ hội học tập suốt đời, lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp để phát huy tiềm năng, phát triển tới đỉnh cao của nghề nghiệp. Từ đó, góp phần điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực quốc gia cho phù hợp với yêu cầu của đất nước, nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn nhân lực và xây dựng xã hội học tập.
Mặc dù chủ trương phân luồng HS được chỉ đạo thực hiện từ rất lâu, nhưng theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, cho đến nay thực tế triển khai còn nhiều bất cập, vẫn là một vấn đề khó và “ nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có lẽ một nguyên nhân chính là do công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới chương trình GDPT với yêu cầu phải tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.
Nhận định vấn đề hướng nghiệp và phân luồng HS được quan tâm và quán triệt từ mục tiêu, cấu trúc của chương trình đến nội dung của từng môn học trong chương trình GDPT mới, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu này, cần chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm. Trong đó có yêu cầu về đội ngũ giáo viên cho các môn học có tính chất hướng nghiệp, thực nghiệp, kỹ thuật công nghệ cao hơn, có năng lực giảng dạy tích hợp một số môn.
Đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản với các năng lực cốt lõi để hoàn thành tốt nhiệm vụ hướng nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải được xem là một tiêu chí xếp loại HS, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học. PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cũng nhấn mạnh việc cần huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương vào công tác định hướng nghề nghiệp cho HS, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước.
Phân luồng HS là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Làm tốt phân luồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho mỗi HS có cơ hội học tập suốt đời, lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp để phát huy tiềm năng, phát triển tới đỉnh cao của nghề nghiệp.
Thảo Đan
Theo giaoducthoidai
Chông chênh tuổi 15 vào trường nghề - Bài 3: Nơi nhiều học sinh ra trường có việc làm ngay
Công tác phân luồng nặng hình thức, trường nghề tràn lan, thiếu chính sách thu hút việc làm... là những rào cản khiến chất lượng dạy nghề cho học sinh sau lớp 9 thấp.
Theo đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh (HS) trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Chính phủ, đến năm 2020 cả nước phấn đấu ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 là 40%.
Chủ động kết nối doanh nghiệp, đổi mới đào tạo
Để thu hút HS sau lớp 9 vào học nghề, ngoài chính sách từ Nhà nước về miễn học phí, được liên thông lên CĐ... nhiều trường nghề tại TP.HCM những năm gần đây cũng đã chủ động có nhiều giải pháp đổi mới để đạt chất lượng đầu vào lẫn đầu ra.
Từ hai năm nay, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM không chỉ cung ứng việc làm trong nước đến HS mà còn chú trọng kết nối doanh nghiệp để đưa HS đi làm việc ở nước ngoài. Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường đang hợp tác với một số đối tác ở Nhật Bản. Vừa qua, 13 HS của trường tốt nghiệp được chọn đi làm với mức lương 1.200 USD/tháng.
Theo ông Khiêm, hướng đi này để nâng giá trị nghề trung cấp vì nhu cầu lao động hệ này ở nước ngoài rất lớn. Từ đó trường khuyến khích các em ban ngày học chuyên môn, buổi tối học thêm tiếng Nhật. "Học phí mỗi em chỉ cần đóng 1 triệu đồng. Trong thỏa thuận, phía Nhật sẽ gửi lại 30% chi phí điện, nước cho trường nhưng trường dành số tiền đó làm học bổng để khuyến khích các em học khi được công nhận. Sau đó phía Nhật sẽ sang tuyển dụng, em nào được chọn sẽ học thêm một khóa văn hóa Nhật, được khám sức khỏe rồi đi Nhật làm việc" - ông Khiêm nói.
Nhờ cách làm này mà hai năm nay trường đã kéo giảm từ 40% xuống còn 10% số em bỏ học giữa chừng.
Tương tự, một trong những giải pháp khiến Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng hằng năm tuyển sinh đều vượt chỉ tiêu và có HS bỏ học thấp là do giải quyết được việc làm cho HS sau khi ra trường.
Theo ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã chủ động tìm và ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp để cung ứng việc làm cho HS. Hằng năm trường thu hút khoảng 2 tỉ đồng hỗ trợ từ doanh nghiệp bằng học bổng, thiết bị..., thậm chí doanh nghiệp đến đặt lao động và họ chấp nhận trả học phí để trường đào tạo.
Để nâng chất lượng, nhà trường mời doanh nghiệp vào xây dựng chương trình học, đưa giáo viên đến doanh nghiệp thực tập để cập nhật kiến thức, HSSV có nơi thực tập thực tế...
Đó cũng là cách làm của Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương nên mỗi năm doanh nghiệp đặt hàng hơn 1.000 vị trí việc làm cho trường.
Học sinh lớp trung cấp nghề sau THCS tại Trường CĐ Lý Tự Trọng, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Cần quy hoạch trường lớp, đổi mới hướng nghiệp
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Viện trưởng, Giám đốc chương trình dự báo nguồn nhân lực, Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế) cho rằng công tác hướng nghiệp và tuyển sinh hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc "lùa" các em rớt lớp 10 công lập vào học nghề. Trường nghề thì có nghề nào dạy nghề đó, miễn là có HS, nhất là các trường trung cấp thuộc quận, huyện.
1.900 là số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 409 trường CĐ, 583 trường trung cấp và hơn 900 trung tâm dạy nghề.
Mục tiêu đến năm 2021 cả nước phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm. Ít nhất 80% người học ra trường có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Theo ông Tuấn, đề án phân luồng của Chính phủ là đúng đắn nhưng cần có giải pháp cụ thể. Nhà nước cần phải chú trọng công tác phân luồng gắn liền với hướng nghiệp xuyên suốt quá trình học của HS ở THCS, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo giáo viên tư vấn nghề.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, các trường trung cấp nhiều nhưng đa phần yếu, nghèo nàn, không đầu tư đi cơ sở để quảng bá cho người học, cơ sở thì xuống cấp, giáo viên không có..."Nên quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, tạo nên những trường thật mạnh theo từng nhóm ngành để chất lượng đào tạo đến nơi đến chốn và cũng giúp công tác hướng nghiệp cho HS tốt hơn là mỗi trường mỗi kiểu như hiện nay" - ông Tuấn đề xuất.
Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng đào tạo, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cho rằng nên giao trách nhiệm hướng nghiệp ở THCS cho các trường nghề có chất lượng để phối hợp dạy xuyên suốt cùng các trường. Vì công việc này đòi hỏi người có kiến thức chuyên sâu tổng quát về nghề nên nếu giao cho giáo viên THCS là không hiệu quả.
Ở một góc độ khác, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng ông Phạm Hữu Lộc cũng kiến nghị cần nới rộng chủ trương liên thông cho HS trung cấp lên ĐH bằng việc công nhận văn hóa và bằng CĐ cho các em. "Các em đã học yếu văn hóa mới chọn đi học nghề nhưng khi cần liên thông nâng trình độ lại phải học cả nghề lẫn văn hóa để đi thi là quá áp lực" - ông Lộc kiến nghị.
Sẽ giải thể, sáp nhập các cơ sở dạy nghề yếu kém
Thời gian tới các cơ sở yếu kém hay hoạt động không hiệu quả sẽ được sáp nhập hoặc giải thể. Đồng thời sẽ từng bước sáp nhập các trường trung cấp vào trường CĐ; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện, hợp tác chặt chẽ với các trường CĐ, trung cấp để tổ chức đào tạo.
(Nghị quyết chuyên đề về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Ban cán sự Đảng
Bộ LĐ-TB&XH)
PHẠM ANH
Theo PLO
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề Đó là mục tiêu đặt ra ở Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn do UBND TP Đà Nẵng ban hành. Đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân...