Phân luồng học nghề: ‘Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’
Có giai đoạn, cả nước mỗi năm khoảng 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không đậu vào lớp 10 nhưng chỉ vài phần trăm trong số đó đi học nghề, một ít học bổ túc văn hóa, còn lại ra thẳng thị trường lao động mà chưa qua đào tạo.
Công tác hướng nghiệp tốt sẽ là một yếu tố giúp học sinh lựa chọn học nghề – ẢNH: M.Q
Vì sao gần hai chục năm qua, dù đặt ra nhiều mục tiêu nhưng cả nước chưa bao giờ đạt được con số đã đề ra trong công tác phân luồng?
Hướng nghiệp quá muộn và thiếu chuyên nghiệp
GS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: “Một trong những nguyên nhân lớn nhất cản trở việc này là công tác hướng nghiệp quá chậm trễ và thiếu chuyên nghiệp. Lâu nay, chúng ta chỉ mới tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay trước kỳ thi THPT. Nghĩa là sắp tốt nghiệp THPT rồi, các em mới được tiếp cận với việc lựa chọn hướng đi cho tương lai, mà phần lớn chỉ hướng theo một con đường duy nhất: vào ĐH”.
Theo GS Ga, hiện nay tốt nghiệp THPT là có cơ hội học ĐH, nên việc hướng nghiệp chậm trễ như vậy không phù hợp với công tác phân luồng, nếu không muốn nói là hết sức mâu thuẫn. Lúc này, sức ép cho bậc ĐH quá lớn, khi gần như 100% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ chỉ có mong muốn học ĐH.
“Những em không có điều kiện hoặc không đủ năng lực đậu ĐH, lúc đó mới đi học nghề, thì coi như đã lãng phí mất 3 năm học THPT. Nếu như các em được hướng nghiệp từ năm lớp 6, 7, 8, thì những ai xác định không học ĐH, ngay sau khi tốt nghiệp THCS đã có thể đi học trường nghề hoặc theo đuổi những con đường riêng”, GS Ga nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho rằng hướng nghiệp ở ta hiện mới chỉ cung cấp những thông tin đơn giản mà chưa có phương pháp kích thích, khơi gợi niềm yêu thích nghề nghiệp. Theo ông Toàn, sử dụng biện pháp hành chính để hướng học sinh đi học nghề trong khi các em chưa thực sự yêu thích, thì dù có vào học rồi, học sinh cũng nghỉ.
Tâm lý bằng cấp, thiếu cơ hội việc làm
Video đang HOT
Tâm lý “phải học ĐH bằng mọi giá”, tư duy “có bằng cấp mới thành công” là nguyên nhân lớn khiến việc phân luồng sau THCS không thể thực hiện.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, trăn trở: “Người VN ai cũng muốn học cao để thành công. Đó là lý do mà trong những năm qua, mặc dù chúng tôi tuyên truyền, hướng nghiệp rất mạnh mẽ nhưng học xong lớp 9 các em vẫn quyết lên lớp 10 để sau này vào ĐH. Con đường học nghề rồi sau đó liên thông, thì vẫn mang tiếng là “học nghề”, phụ huynh chưa thể thay đổi tư duy này”.
Ở một số địa phương, việc này khó khăn gấp nhiều lần khi nằm trong điều kiện kinh tế kém thuận lợi. Ông Nguyễn Anh Linh, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận, cho rằng việc lay chuyển tâm lý của phụ huynh đã khó, càng khó hơn khi tại địa phương việc làm dành cho người học nghề còn rất hạn chế do không phải thành phố lớn, không có khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp sản xuất cũng ít. “Điều đó cản trở việc thay đổi suy nghĩ của phụ huynh. Nếu như học nghề ra có việc làm ngay và thu nhập khá thì sẽ đỡ hơn. Hằng năm, tỉnh có khoảng 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào lớp 10, thì chỉ 60 – 70 em chịu đi học nghề, còn lại hầu hết đi lao động tay chân mà không qua đào tạo”, ông Linh chia sẻ.
Từ đó, theo GS Bùi Văn Ga, để vận động phụ huynh học sinh “chịu” theo luồng học nghề, thì phải giải quyết được vấn đề việc làm tốt cho người học.
Mặc dù nhà nước đã đưa ra các quyết sách về phân luồng rất rõ ràng, nhưng một số bộ, ngành lại có những quy định gây mâu thuẫn, ảnh hưởng nhất định. Chẳng hạn, Bộ Y tế – Bộ Nội vụ đã quyết định “khai tử” viên chức trình độ trung cấp các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên kể từ năm 2021, và từ năm 2025 để được xếp hạng viên chức các ngành này, người lao động phải có trình độ CĐ trở lên. Lý do là vì VN đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN, quy định để được hành nghề điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên thì thời gian đào tạo tối thiểu là 3 năm. Dược, nha sĩ và bác sĩ đòi hỏi thời gian dài hơn. Tương tự, trong lĩnh vực du lịch, người tốt nghiệp trung cấp không đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Bửu Toàn nhìn nhận: “Quy định đó cũng có ít nhiều gây ảnh hưởng, tuy nhiên vẫn không đáng kể bằng vấn đề tâm lý, tư duy người học hoặc công tác hướng nghiệp còn yếu”.
Xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (khi chưa sáp nhập vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp như hiện nay) năm cao nhất là 10,7% (2011 – 2012), còn lại rất thấp. Đặc biệt, năm học 2014 – 2015 chỉ đạt 3,6%.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường THCS của thành phố sẽ có từ 1 – 2 giáo viên chuyên trách công tác tư vấn hướng nghiệp, 100% có phần mềm chuyên dụng để khảo sát năng lực nghề nghiệp cho học sinh và 100% học sinh được khảo sát năng lực nghề nghiệp dựa trên phần mềm đó.
Các giải pháp mà Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra gồm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và định hướng nhận thức của xã hội về công tác phân luồng, xây dựng cổng thông tin về giáo dục hướng nghiệp làm tài nguyên phục vụ công tác hướng nghiệp cho cả giáo viên và học sinh các trường THCS…
Theo thanhnien.vn
Những con số không tưởng!
Ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS học sơ cấp, trung cấp và 40% tốt nghiệp THPT học CĐ, là mục tiêu mà đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều này là bất khả thi.
Học sinh Trường TC Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương - ẢNH: M.Q
Đề án này cũng đề ra đến năm 2025, các con số sẽ lần lượt là 40% và 45% cho từng bậc học.
Thực tế chỉ dưới 10 - 20%
Từ 7 năm trước, Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị đã có nội dung về tăng cường phân luồng học sinh (HS) sau THCS. Theo đó, đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Thời điểm đó cho tới năm 2017, học nghề bao gồm hệ thống giáo dục chuyên nghiệp (các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thuộc Bộ GD-ĐT) và hệ thống dạy nghề (các trường CĐ, TC nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH).
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho biết giai đoạn 2011 - 2017, khi quy mô TCCN có năm cao nhất lên đến 650.000 chỉ tiêu thì tuyển đầu vào THCS mỗi năm chỉ được khoảng hơn 30.000 HS. "Nếu tính trên tổng số 1,2 - 1,3 triệu HS bậc THCS hằng năm thì tỷ lệ đó chỉ khoảng 2,4%, cộng thêm với số lượng học CĐ, TC nghề nữa thì được khoảng 6 - 7%", ông Vinh thông tin.
Tại TP.HCM, năm 2017 có khoảng 70.000 HS tốt nghiệp THCS. Thế nhưng, theo số liệu từ năm học trước, số lượng HS vào học các trường TC, CĐ cũng chỉ khoảng gần 10%. Năm nay, có khoảng 87.000 HS thi vào lớp 10, thì tổng chỉ tiêu tại các trường THPT công lập là 65.000. Sẽ có 22.000 HS không trúng tuyển còn lại đang được hàng trăm trường THPT ngoài công lập chào đón, ngoài ra còn rất nhiều trung tâm GDTX cũng sẵn sàng tiếp nhận những ai rớt cả công lập lẫn ngoài công lập. Vậy còn nguồn nào cho các trường TC và CĐ có tuyển TC?
Trong khi đó, con số 40% HS tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học CĐ cũng được cho là một con số "trong mơ". Chẳng hạn, năm 2017 có 860.000 HS tốt nghiệp THPT thì có khoảng hơn 200.000 thí sinh vào học CĐ, chỉ đạt hơn 20%.
Theo GS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong nhiều năm qua Bộ GD-ĐT luôn cố gắng hết sức triển khai lộ trình phân luồng theo Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị nhưng không làm được do nhiều bất cập. Hằng năm chỉ có khoảng 5 - 7% HS tốt nghiệp THCS vào học các trường TC.
Tại tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cũng cho biết những năm qua tỷ lệ vào lớp 10 luôn đạt chỉ tiêu nhưng tỷ lệ vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì không thực hiện được. "Mỗi năm chỉ có khoảng 60 - 70 em tốt nghiệp THCS vào học nghề trên tổng số hơn 6.600 HS. Nếu đúng như chỉ tiêu của Chỉ thị 10 đề ra, thì lẽ ra phải là 2.000".
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, cũng thông tin, hằng năm tỉnh có khoảng 20.000 HS tốt nghiệp THCS thì có 85% HS vào lớp 10 công lập và các trung tâm GDTX. 15% còn lại, có HS vào trung cấp, có người đi làm xa...
Phân cấp chứ chưa phân luồng
Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, nhìn nhận: "Dường như chúng ta lâu nay mới chỉ phân cấp chứ chưa phân luồng. Mới chỉ đặt ra mục tiêu có bao nhiêu HS sẽ vào bậc ĐH, bao nhiêu vào bậc CĐ, bao nhiêu TC, chứ chưa thực sự tạo ra "luồng" cho người học theo".
Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng ở Singapore, Bộ Nhân lực xác định luôn tỷ lệ HS đi theo các con đường giáo dục nghề nghiệp khác nhau sau 10 năm học. "Ví dụ, Viện Giáo dục kỹ thuật (ITE) hằng năm nhận khoảng 25%, ĐH 40%, và trường TC (Junior College 2 năm) là 30%. Sau khi tốt nghiệp có thể đi làm hoặc học tiếp lên ĐH. Vì thế, để đảm bảo tính đồng bộ, chúng ta rất cần quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số HS tốt nghiệp THCS hoặc bỏ học ở THCS và số tốt nghiệp THPT để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực HS chuẩn xác, để đưa ra các khuyến cáo".
Cả một thách thức
Với mục tiêu đặt ra, ông Vinh cho rằng hiện nay có hơn 12.000 trường THCS và THPT, nếu mỗi trường tối thiểu 1 giáo viên, thì trong vòng 2,5 năm nữa, chúng ta phải đào tạo trên 12.000 giáo viên hướng nghiệp. Mỗi năm phải đào tạo khoảng hơn 4.000 người có đủ năng lực tư vấn hướng nghiệp là cả một thách thức.
Bà Trang Thủy lo ngại: "Hiện nay, hướng nghiệp tại trường phổ thông không những không bài bản mà còn lệch lạc. Giáo viên vẫn định hướng cho HS trường CĐ, TC chỉ dành cho HS trung bình, yếu, còn HS khá giỏi thì nên vào ĐH. Như vậy là không đúng. Hướng nghiệp là phải định hướng cho các em học cái gì phù hợp với sở thích, hoàn cảnh, điều kiện sống, nhu cầu nhân lực...".
Ngoài ra, việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành khiến cho việc phân luồng cũng không hiệu quả. Bà Thủy nêu rõ: "Trong tờ phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia, chỉ có nguyện vọng học ĐH và CĐ sư phạm. Còn các nguyện vọng học CĐ, TC thì sao? Tại sao để những HS có nhu cầu học CĐ, TC thiệt thòi khi phải tìm hiểu thêm ở một kênh thông tin khác, đăng ký vào một bộ hồ sơ khác?".
Theo thanhnien.vn
"Phân luồng" giúp học sinh và gia đình tiết kiệm thời gian, tiền bạc Thực tế cho thấy, nhiều học sinh yếu, kém nhưng lại có năng khiếu và rất khéo tay khi học nghề. Hơn nữa, hiện nay trong xã hội đang có tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" nên công tác phân luồng học sinh đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Phân luồng học sinh từ việc nâng cao chất lượng hướng nghiệp, dạy...