Phần Lan tìm ra giải pháp thay thế khí đốt của Nga
Phần Lan cho biết họ có thể bù đắp lượng thiếu hụt khí đốt từ Nga bằng các nguồn khác và các mạng lưới năng lượng của Phần Lan sẽ tiếp tục “hoạt động bình thường”.
Một nhà máy khí đốt của Gasum ở Rikkl, Imatra, miền Đông Phần Lan. Phần lớn khí hóa thạch nhập khẩu từ Nga đến Phần Lan qua thị trấn biên giới Imatra. Ảnh: Lehtikuva
Theo đài truyền hình công cộng Phần Lan YLE (yle.fi), nhà điều hành mạng lưới khí đốt Phần Lan Gasgrid cho biết rằng nguồn cung cấp khí đốt cho nước này vẫn ổn định bất chấp việc Nga cắt nguồn cung vào hôm 21/5.
Olli Sipil, Giám đốc điều hành của Gasgrid, thông báo việc cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga cho Phần Lan đã kết thúc vào sáng thứ Bảy (21/5). Thay vào đó, khí đốt đã bắt đầu chảy đến Phần Lan từ Baltic và việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
“Hệ thống của Phần Lan hiện đang cân bằng về mặt thương mại và vật lý. Tất nhiên, điều bất ngờ luôn có thể xảy ra; các lỗi kỹ thuật có thể xảy ra trong hệ thống. Đó là hoạt động bình thường”, ông Sipil cho biết.
Kể từ 21/5, công ty năng lượng Gasum của Phần Lan đã nhập khẩu khí hóa thạch thông qua đường ống Balticconnector, kết nối Inkoo trên bờ biển phía Nam của Phần Lan với Paldiski ở Estonia.
Theo Jukka Leskel, Giám đốc điều hành của hiệp hội Năng lượng Phần Lan, việc gián đoạn nhập khẩu khí đốt từ Nga “không phải là vấn đề lớn” đối với hệ thống năng lượng Phần Lan. Đối với một số công ty riêng lẻ, nó có thể gây khó khăn trong tương lai, nhưng không có vấn đề trong vòng vài tháng tới.
Video đang HOT
Trước đó một ngày, công ty năng lượng Gasgrid của Phần Lan đã ký một thỏa thuận với Excelerate Energy có trụ sở tại Texas (Mỹ) để thuê tàu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu cuối Exemplar trong 10 năm. Con tàu sẽ giúp đáp ứng một phần nhu cầu khí đốt của Phần Lan trong trường hợp thiếu hụt.
Chính phủ Phần Lan lưu ý trạm đầu cuối trên sẽ được sử dụng vào mùa Đông năm sau và sẽ được đặt tại miền Nam Phần Lan. Nếu các cấu trúc cảng cần thiết ở Estonia được hoàn thành trước, kế hoạch là đặt trạm này tạm thời trên bờ biển Estonia. Chi phí của dự án LNG ước tính vào khoảng 460 triệu Euro theo thỏa thuận 10 năm.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Matti Vanhanen cho biết quyết định của Nga ngừng bán khí đốt cho nước này không liên quan đến quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan.
“Nhìn bề ngoài, có thể dễ dàng nói rằng các quyết định liên quan đến năng lượng là một phần áp lực do tìm kiếm tư cách thành viên NATO, nhưng không phải vậy. Điều đó có liên quan đến các lệnh trừng phạt và thực tế là chúng tôi không sẵn sàng chấp nhận thanh toán năng lượng của Nga bằng đồng rúp. Và họ (Moskva) đã thông báo trước với chúng tôi rằng việc giao hàng sẽ sớm bị cắt”, ông Vanhanen nói.
Theo ông Vanhanen, việc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga cũng mang rất nhiều ý nghĩa vì nó đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên. Đường ống sẽ được đóng lại và điều đó sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 5% tổng lượng tiêu thụ năng lượng ở Phần Lan. Nó chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp, giao thông vận tải, kết hợp phát nhiệt và điện. Hiện khoảng 30% khí đốt của Phần Lan đang được nhập khẩu từ các nước Baltic thông qua đường ống Balticconnector. Lượng nhập khẩu này cùng với trạm LNG, được cho là đủ để đáp ứng nhu cầu của Phần Lan.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho nước láng giềng Phần Lan hôm 21/5. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã “ngừng hoàn toàn việc giao khí đốt” vì chưa nhận được khoản thanh toán bằng đồng rúp từ công ty năng lượng nhà nước Gasum của Phần Lan “vào cuối ngày làm việc ngày 20/5″.
Gazprom đã cung cấp khoảng 1,5 tỷ mét khối khí đốt cho Phần Lan vào năm ngoái. Lượng khí đốt đó chiếm khoảng 2/3 lượng tiêu thụ khí đốt của cả nước nhưng chỉ chiếm 8% tổng lượng năng lượng sử dụng.
Nguyên nhân sâu xa khiến Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, với quyết định ngăn cản nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, đang giúp nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin trong một cuộc gặp ở Moskva năm 2020. Ảnh: AFP
Phần Lan và Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã công khai tuyên bố không ủng hộ động thái này. Vậy nguyên nhân sâu xa ở đây là gì?
Trang tin Inews.co.uk (Anh) ngày 22/5 dẫn lời một cựu quan chức hàng đầu của NATO cho rằng mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm gia tăng tầm quan trọng chiến lược của nước này.
Tiến sĩ Jamie Shea, cựu Phó Tổng thư ký NATO, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có "truyền thống" sử dụng cách tiếp cận này. Năm 2009, ông Erdogan phản đối bổ nhiệm Anders Fogh Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch, làm Tổng thư ký của NATO, vì những lý do tương tự như những lý do mà Ankara đang viện dẫn trong trường hợp của Thụy Điển và Phần Lan.
"Tổng thống Erdogan nghĩ rằng bằng cách gây ra thách thức vào thời điểm quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng NATO như một đòn bẩy để giải quyết các vấn đề song phương", Tiến sĩ Shea nói.
Một tình huống tương tự cũng xảy ra vào năm 2019 khi NATO muốn áp dụng các kế hoạch dự phòng quốc phòng mới cho ba quốc gia Baltic - Estonia, Latvia và Litva.
Karabekir Akkoyunlu, giảng viên về chính trị Trung Đông tại Đại học Soas ở London nhận xét: "Dường như ông Erdogan cho rằng xung đột ở Ukraine đã nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cả Nga, Ukraine và phương Tây. Mặc dù không ai thích hành động cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng không ai muốn xa lánh Ankara".
Ngoài ra, quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đối với Thụy Điển và Phần Lan cũng có thể do tình hình chính trị ở trong nước.
Năm 2019, đảng Công lý và Phát triển (APK) do ông Erdogan lãnh đạo đã bị đánh bại tại 5 trong số 6 thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Istanbul và Ankara, trong các cuộc bầu cử địa phương. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng do kinh tế suy yếu, đồng lira giảm giá mạnh trong vài tháng qua và lạm phát gia tăng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm tới và cuộc "phô trương quyền lực" trên trường quốc tế có thể đưa cử tri quay trở lại ủng hộ ông Erdogan và đảng APK.
Theo ông Akkoyunlu, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ do đó sẽ nhấn mạnh vào một số loại bảo đảm hoặc hành động hợp tác từ các quốc gia này, mà ông Erdogan có thể thể hiện như một chiến thắng ở trong nước.
Tuy nhiên, trong khi những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người Kurd là một nguyên nhân, Tiến sĩ Shea lưu ý: "Đó cũng là một cách để có thêm nguồn cung cấp vũ khí đến Thổ Nhĩ Kỳ từ châu Âu và Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã không hài lòng với việc các nước khác từ chối cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể Ankara muốn chấm dứt các hạn chế do một số nước châu Âu, trong đó có Phần Lan và Thụy Điển, áp đặt đối với xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ".
Một vấn đề đặc biệt hóc búa là tranh cãi với Mỹ về thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu cho Thổ Nhĩ Kỳ, đã đổ vỡ vào năm 2019 sau khi Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Mỹ ngừng cung cấp máy bay phản lực F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã hối thúc Quốc hội chấp thuận nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như bán phiên bản mới nhất, điều này có thể giúp làm dịu sự bất bình của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Thụy Điển và Phần Lan.
Về phần mình, Tiến sĩ Akkoyunlu kết luận: "Trong khi dường như ông Erdogan đang nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với phương Tây, ông ấy cũng đang gửi một tín hiệu đến Điện Kremlin về giá trị của Ankara đối với Nga".
Ba Lan thực hiện giải pháp độc lập khí đốt mới sau khi bị Nga cắt nguồn cung Một số nước châu Âu đang tăng cường kết nối đường ống để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ba Lan mở đường ống dẫn khí đốt mới từ Litva và dự kiến đưa vào hoạt động một số đường ống khác nhằm đảm bảo nguồn cung. Ảnh: AFP Theo trang tin Euractiv.pl (Ba Lan) ngày 2/5, Ba Lan đã mở...