Phấn khởi chương trình phổ thông mới
Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu từ lớp 1. Trải qua 3 tuần học, giáo viên và học sinh đều rất phấn khởi.
Chương trình không chỉ thay đổi về mặt nội dung, phương pháp mà còn đổi mới không gian lớp học, tạo được hứng thú cho học sinh.
Học mà chơi, chơi mà học
Có mặt tại lớp 1/6, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) vào giờ Toán học, PV Báo SGGP được “mục sở thị” không khí lớp học sôi động qua bài “Xếp hình” do cô Nguyễn Thị Thu Vân đứng lớp. Chia sẻ với chúng tôi, cô Thu Vân cho biết, sau khi kết thúc bài hình vuông, hình chữ nhật và hình tam giác, sách giáo khoa (SGK) mới có thêm bài “Xếp hình” (chương trình giáo dục cũ không có – PV) với nhiều hoạt động như phân loại hình khối, ghép các hình khối để tạo thành sự vật.
Để triển khai bài học, giáo viên này tổ chức 4 học sinh thành một nhóm trao đổi, lên các ý tưởng tạo hình khác nhau. Đông Quân, học sinh ở nhóm 6 cho biết, con thích xe lắm nên ghép một hình vuông và 2 hình tam giác thành hình xe tải. Còn Ý Nhi, thành viên nhóm 2, quyết định ghép một hình vuông và một hình tam giác lại tạo hình con cá. Sau khi các nhóm ghép hình các sự vật, tất cả sản phẩm sẽ được triển lãm trước lớp, mỗi nhóm cử đại diện giới thiệu về sản phẩm của mình. Không khí lớp học càng trở nên hào hứng với những tiếng vỗ tay và ý tưởng mới của học sinh.
Tương tự, đối với giờ học môn tiếng Việt tại Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cô giáo Nguyễn Anh Thụy, khối trưởng khối 1 cho biết, khác biệt lớn nhất trong phương pháp triển khai chương trình GDPT mới là học sinh được chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức thông qua những hình ảnh trực quan sinh động trong thực tế cuộc sống, giáo viên chỉ đóng vai trò dẫn dắt và định hướng.
Cô Nguyễn Anh Thụy, Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TPHCM đang giảng dạy chương trình học mới giúp các em phát triển nhiều mặt. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đơn cử khi học bài âm “C”, thay vì yêu cầu học sinh nhìn sách ghi nhớ thuộc lòng mặt chữ như phương pháp giảng dạy truyền thống thì ở chương trình mới, giáo viên sẽ trình chiếu bức tranh với nhiều sự vật, hiện tượng trên bảng tương tác. Nhiệm vụ của học sinh là xung phong lên bảng khoanh tròn các sự vật, hiện tượng có tên gọi bắt đầu bằng âm “C”.
Ngoài ra, thiết kế môn tiếng Việt theo chương trình GDPT cũ là giới thiệu lần lượt 28 chữ cái rồi mới dạy học sinh cách viết in hoa, ghép vần thì đối với chương trình GDPT mới, mỗi âm đọc được giới thiệu song song hai kiểu chữ in thường và in hoa, sau đó hướng dẫn cách ghép vần tạo thành chữ. Nhằm giúp học sinh ghi nhớ cùng lúc nhiều kiến thức, cô Anh Thụy chia sẻ “bí quyết” là tăng cường liên hệ đồ dùng trong thực tế, hướng dẫn học sinh tìm chữ viết trên các vật dụng cụ thể nhằm giúp các em nhớ lâu kiến thức.
Hầu hết giáo viên dạy lớp 1 đều có chung nhận xét, chương trình mới được thiết kế theo hướng tăng cường các hoạt động, không gò bó về mặt phương pháp mà khuyến khích vai trò chủ động, sáng tạo của cả người dạy lẫn người học. Nhờ đó không khí lớp học trở nên gần gũi, sinh động, học sinh “chơi mà học, học mà chơi”.
Tăng tương tác với phụ huynh
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình), giờ học môn Hoạt động trải nghiệm được mở đầu bằng việc trình chiếu một đoạn video clip tập hợp hình ảnh học sinh đi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cùng với gia đình. Cô Trương Thị Kim Nhung, lớp 1/5 cho biết, trước đó giáo viên đã kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc cung cấp hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của học sinh, qua đó tạo cách dẫn dắt bài học vừa gần gũi vừa mới lạ đối với học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Vân hướng dẫn học sinh lớp 1/6 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 bài học nhóm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Năm học này lần đầu tiên môn học Hoạt động trải nghiệm được thiết kế trong chương trình lớp 1. Cụ thể, môn học được thiết kế theo hình thức chủ đề, đi từ những chủ đề gần gũi với học sinh là “Gia đình”, sau đó mới mở rộng ra “Nhà trường” và “ Xã hội”. Mỗi tuần, học sinh lớp 1 có 3 tiết hoạt động trải nghiệm, trong đó 2 tiết được lồng ghép nội dung vào các tiết chào cờ và sinh hoạt chủ nhiệm trên lớp, 1 tiết còn lại thiết kế trong thời khóa biểu theo nhiều chủ đề khác nhau, phù hợp độ tuổi học sinh.
Do là môn học lần đầu tiên chính thức đưa vào giảng dạy nên hàng tuần, tổ khối chuyên môn đều trao đổi, rút kinh nghiệm để có phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Cô Kim Nhung bày tỏ, một trong những điểm mới của giảng dạy theo chương trình GDPT mới là cần sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trong các hoạt động chuẩn bị tài liệu, đồ dùng, sản phẩm tại nhà.
Cụ thể, phụ huynh có thể hỗ trợ con quay video clip, làm các vật dụng, sản phẩm liên quan nội dung bài học. Thông qua các hoạt động chia sẻ và hỗ trợ hoạt động học tập trên lớp, giáo viên và phụ huynh hiểu hơn về điểm mạnh cũng như chưa tốt của từng học sinh, từ đó có định hướng giáo dục phù hợp.
Như vậy, nhờ đổi mới về phương pháp và nội dung giảng dạy, học sinh lớp 1 đang học chương trình GDPT mới ngoài việc được cung cấp kiến thức còn rèn kỹ năng vận dụng và liên hệ thực tiễn, qua đó lồng ghép giáo dục một số kiến thức và kỹ năng xã hội. Đặc biệt, nhờ tận dụng tiện ích của các thiết bị công nghệ, đẩy mạnh kênh hình ảnh (tranh ảnh, video clip, phần mềm trình chiếu) và kênh tiếng (âm thanh, bài hát, trò chơi tương tác), khiến học sinh hứng thú hơn trong học tập, qua đó giúp các em tự tin, phát triển các kỹ năng như khả năng trình bày, phản biện, làm việc nhóm.
Theo lộ trình triển khai chương trình GDPT mới, năm học 2021-2022, chương trình sẽ tiếp tục triển khai với lớp 2 và lớp 6. Với lớp 2, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã tiếp nhận hồ sơ của 4 đơn vị nhà xuất bản với 33 bản mẫu, tương ứng 9 môn học. Trong đó, môn Toán có 4 bản mẫu, tiếng Anh 8 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn 3 bản mẫu. Riêng với chương trình lớp 6 được thiết kế thành 11 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc (gồm Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp) và môn tự chọn Tiếng Anh. Sau thời gian thông báo và tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK, Bộ GD-ĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK, trong đó môn Tin học có 4 đầu SGK, Tiếng Anh 9 đầu sách, các môn còn lại mỗi môn 3 đầu sách.
Khám phá những tòa bảo tháp độc đáo của Cố đô Huế
Tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ, tháp Đại Giác của chùa Huyền Không, tháp Miến Điện của chùa Thiền Lâm... là những tòa bảo tháp Phật giáo ấn tượng mà du khách phải ghé thăm ở Cố đô Huế.
1. Gắn liền với chùa Thiên Mụ, bảo tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng của xứ Huế trong nhiều thế kỷ qua. Theo sử sách, tháp được xây dựng ở phía trước chùa Thiên Mụ vào năm 1844, nhân ngày lễ bát tuần của Thái Hoàng Thái Hậu Nhân Tuyên Tử Khánh.
Về mặt kiến trúc, tháp Phước Duyên cao 21m, gồm 7 tầng, xây theo hình khối bát giác (có 8 mặt). Bên trong tháp, từ tầng thứ 2 trở lên đỉnh có bậc thang đi lên theo hình xoắn ốc. Bảy tầng tháp thờ 7 vị Phật khác nhau.
Nét đáng chú ý trong kiến trúc của tháp là các chi tiết trang trí bằng pháp lam - sản phẩm cao cấp phủ men màu đa sắc lên cốt kim loại - chỉ tồn tại ở Huế từ đời Minh Mạng đến đời Tự Đức. Đó là các hình ngọn lửa nơi góc đao mái mỗi tầng, và nhất là bình cam lồ bằng đồng trên đỉnh tháp.
Cửa tháp thường xuyên khóa kín. Hằng năm, tháp chỉ mở chốc lát vào dịp Tết Nguyên đán và đại lễ Phật đản, với sự túc trực của người giữ phận sự. Bởi vậy, nội thất bảo tháp vẫn là điều "bí ẩn" của hầu hết mọi người...
2. Tọa lạc tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, chùa Huyền Không được xây dựng năm 1978, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được nhiều người biết đến ở xứ Huế. Công trình ấn tượng nhất của chùa là tòa bảo tháp Đại Giác, được khánh thành năm 2015.
Ngôi bảo tháp này được mô phỏng theo mẫu ngôi đại tháp ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo ở Ấn Độ, với kích cỡ thu nhỏ. Công trình gồm 5 đỉnh tháp chụm vào nhau, trong đó tháp chính nằm ở trung tâm cao 37 mét, bốn tháp phụ xung quanh cao khoảng 24 mét.
Thiết kế của tháp thể hiện một phần vũ trụ quan của Phật giáo với Núi Tu-di (Sineru) ở trung tâm và tứ đại châu (Đông Thắng thần châu, Tây Ngưu hóa châu, Nam Thiện bộ châu và Tây Ngưu hóa châu) ở bốn hướng.
Không gian trong tháp bố trí thành 6 tầng. Hai tầng cao nhất để tôn trí xá-lợi của Đức Phật, xá-lợi chư Thánh Tăng và tượng Phật; ba tầng tiếp theo dùng làm nơi tàng trữ tài liệu nghiên cứu Phật học, nơi hành thiền và trưng bày các món quà lưu niệm; tầng thấp nhất là phòng Khánh tiết...
3. Tọa lạc trên đồi Quảng Tế, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, chùa Thiền Lâm được thiền sư Hộ Nhẫn lập ra năm 1960, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nổi tiếng của Huế. Điểm nhấn của chùa là ngôi bảo tháp mang phong cách Miến Điện đặc sắc.
Tòa tháp có màu trắng, đỉnh vàng cao vút, uy nghi mà thanh thoát. Từng đường nét kiến trúc được tạo hình tinh xảo, toát lên sắc màu nghệ thuật Phật giáo Nam Tông.
Tháp được chia làm hai tầng. Tầng dưới là chính điện, nơi đặt tượng Phật Thích Ca cùng bức tượng được tạo tác sống động như người thật của thiền sư Hộ Nhẫn - người sáng lập chùa. Tầng trên tôn trí Xá lợi Phật Thích Ca và chư Thánh tăng.
Nhìn từ xa, bảo tháp của chùa Thiền Lâm nổi bật giữa núi đồi của Cố đô Huế...
Mời quý độc giả xem video: Dấu thương xứ Huế. Nguồn: VTV Travel
Diện mạo mới của ngọn hải đăng 90 tuổi ở Tây Ban Nha gây tranh cãi Ngọn hải đăng lâu đời trên mỏm đất ở miền Bắc Tây Ban Nha trở thành tâm điểm chú ý sau khi một nghệ sĩ sơn lại nó. Chủ đề đang gây chia rẽ trong cộng đồng dân cư địa phương. Tác phẩm nghệ thuật mới hoàn thành mang tên Infinite Cantabria của nghệ sĩ Okuda San Miguel là bức tranh đầy màu...