Phản hồi của SV sư phạm bị “phân biệt”
Bị “ phân biệt” nhưng kết quả thi tuyển giáo viên của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc vừa qua SV Trường ĐH Hùng Vương, Tây Bắc… có điểm số tương đương, cao hơn nhiều so với SV tốt nghiệp chính quy các trường khác.
Như chúng tôi đã thông tin, đợt xét tuyển công chức giáo viên năm 2011- 2012, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã từ chối SV tốt nghiệp các trường: ĐH Hùng Vương và ĐH Tây Bắc, cử nhân sư phạm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 với lí do kém chất lượng.
Kết quả thi tuyển giáo viên vừa qua của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, SV các trường “bị phân biệt” có điểm số tương đương thậm chí cao hơn SV tốt nghiệp chính quy các trường khác
Qua đấu tranh, cuối cùng Sở đã chấp nhận tuyển dụng tất cả SV các trường ĐH chính quy. Tuy nhiên, ngày 12/11/2012 Sở Giáo dục lại đưa ra hướng dẫn tuyển dụng số 305 mà theo các SV là “sự phân biệt rất bất công”.
Theo hướng dẫn trên, khi xét tuyển chia làm 3 nhóm:
Nhóm 1: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ được hưởng 30% số chỉ tiêu biên chế và khi số người tuyển còn thừa sẽ được xét tiếp ở nhóm 2.
Nhóm 2: Sinh viên các trường sư phạm (được thống kê ở trên) và số sinh viên chưa trúng tuyển của nhóm 1 được 50% số chỉ tiêu.
Video đang HOT
Nhóm 3: Riêng sinh viên Trường ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc (được đào tạo sư phạm chính quy) lại bị đẩy xuống nhóm 3 cùng với cử nhân các trường đại học chính quy (ngoài sư phạm) và số sinh viên chưa trúng tuyển nhóm 1, 2 chia nhau 20% số chỉ tiêu ít ỏi còn lại.
Nhiều SV tốt nghiệp hệ sư phạm chính quy Trường ĐH Hùng Vương và Trường ĐH Tây Bắc bức xúc vì thông báo tuyển GV kiểu phân biệt của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc
Ngày 23 và 26/12/2012, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc tổ chức đợt thi sát hạch chất lượng giáo viên các cấp. Sinh viên tất cả các trường được làm chung đề theo chuyên môn của mình. Nếu ai không qua vòng thi tự luận thì sẽ bị loại ngay.
Kết quả thi tuyển vừa được công bố cách đây vài ngày cho thấy SV Trường ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc, cử nhân sư phạm các trường có điểm số tương đương như SV tốt nghiệp sư phạm chính quy các trường khác.
Thậm chí, ở môn Hóa học, SV tốt nghiệp cử nhân Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có điểm số cao nhất (97,5/100 điểm) trong tất cả các ứng viên.
Một SV trong số “bị phân biệt” tâm sự: “Trong số chúng tôi dù có người kém nhưng cũng nhiều người tốt, giỏi. Việc từ chối hàng trăm SV như vậy không chỉ gây bức xúc mà còn lãng phí nguồn chất xám phục vụ cho chính ngành giáo dục”.
Dù còn phải đợi xét tuyển hồ sơ nhưng như một SV hệ cử nhân sư phạm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tâm sự: “Dù bị loại mình cũng vui với điểm số như vậy, các bạn tốt nghiệp chính quy phải nể phục”.
Mong mỏi lớn nhất của những SV các trường “bị phân biệt” là lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nhìn nhận lại và cho họ được xét công bằng như SV tốt nghiệp các trường khác.
Theo Văn Chung (Vietnamnet)
SV ĐH Sư phạm Hà Nội bị chê, hiệu trưởng phân trần
"Trường ĐHSP Hà Nội có điểm đầu vào cao trong hệ thống các trường sư phạm, chúng tôi không tin rằng trường tôi đào tạo kém hơn các trường khác..."
PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội lên tiếng trước việc sinh viên trường mình bị Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc "chê" trong kỳ thi tuyển giáo viên 2012.
Như tin đã đưa, sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc, hệ cử nhân của trường ĐHSP Hà Nội... bị Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc từ chối xét tuyển công chức năm 2012. Sau khi dư luận và báo chí lên tiếng phản ứng, sở này đã "nới" điều kiện dự tuyển. Tuy nhiên, cơ hội cho các sinh viên cũng rất thấp, bởi họ chỉ được dự tuyển ở 20% tổng số chỉ tiêu.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, Trường ĐHSP Hà Nội tự hào có điểm đầu vào cao trong hệ thống các trường sư phạm. "4 năm học, chúng tôi không tin lắm rằng trường tôi đào tạo kém hơn các trường khác".
Vị phó hiệu trưởng chia sẻ cách đào tạo của Trường ĐHSP Hà Nội, qua đó để xã hội hiểu hơn về câu chuyện liên quan đến "đầu ra" của giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào cho biết, hiện nay có hai mô hình đào tạo giáo viên phổ biến, đó là mô hình đồng thời và tiếp nối. Giải thích rõ hơn, ông Trào cho hay, bất kỳ một giáo viên nào trước khi ra trường cũng phải học qua hai phần gồm: các môn học chuyên ngành và các môn học nghề (nghiệp vụ sư phạm). Khác nhau ở chỗ, mô hình đào tạo đồng thời, sinh viên phải học cùng lúc hai phần trên. Ở mô hình đào tạo tiếp nối, sinh viên học các môn chuyên ngành trong 3 năm đầu, năm thứ 4 học nghề. "Cả hai mô hình này, chưa có cuộc khảo sát nào chứng tỏ bên nào tốt hơn", PGS.TS Nguyễn Văn Trào khẳng định.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Riêng Trường ĐHSP Hà Nội, có hai hệ đào tạo giáo viên là hệ cử nhân và cử nhân sư phạm. Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân đang bị Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc "chê". Nói thêm về hệ cử nhân, ông Trào cho hay, hệ này được trường áp dụng mô hình đào tạo tiếp nối. Sau khi học xong chuyên ngành, sinh viên được học nghiệp vụ sư phạm do trường ĐHSP Hà Nội cấp chứng chỉ. Đáng lưu ý, thời lượng học nghiệp vụ sư phạm của hệ cử nhân và cử nhân sư phạm là như nhau.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trào, sinh viên hệ cử nhân của trường có kiến thức chuyên ngành trội hơn sinh viên cử nhân sư phạm. Ngoài ra, nhờ mô hình đào tạo tiếp nối sinh viên có thể chủ động chuyển đổi nghề nghiệp. Ví dụ, một sinh viên tốt nghiệp ngành địa lý ở trường này, có thể tiếp tục học nghề sư phạm để đi dạy học. Nếu không muốn, sinh viên có thể học nghề khác liên quan đến địa lý để làm các việc liên quan. Ông Trào khẳng định: "Các em sinh viên hệ cử nhân của trường ĐHSP Hà Nội ra trường có đầy đủ năng lực, trình độ để trở thành giáo viên".
Có những ý kiến băn khoăn về mô hình đào tạo cử nhân của trường ĐHSP Hà Nội có hợp "lệ" hay không? Hệ cử nhân có phải là hệ B giống như cách phân chia ở các trường cấp 3 trước đây? PGS.TS Nguyễn Văn Trào trả lời: "Các loại hình đào tạo của trường ĐHSP HN đều theo chuẩn của Bộ GD & ĐT. Chúng tôi cho rằng, SV tốt nghiệp từ các loại hình đều giống nhau. Nếu để nói mô hình nào tốt hơn cần phải tranh luận. Trường ĐHSP Hà Nội cũng không có khái niệm hệ A hệ B nào hết".
"Cũng có những sinh viên khi ra trường phản ánh không xin được việc. Bản thân trường cũng nhiều lần nghĩ nên làm thế nào? Nhưng có một khó khăn là việc tuyển người thuộc về các địa phương, trường khó can thiệp. Chúng tôi cũng không có quyền quyết định nhận người này, người kia, chỉ có trách nhiệm với xã hội tạo ra sản phẩm tốt cho ngành giáo dục", ông Nguyễn Văn Trào phân trần.
Vị phó hiệu trưởng cho hay, khi có những phản hồi chính thức từ phía sinh viên và địa phương, Trường ĐHSP Hà Nội sẽ trao đổi gặp gỡ địa phương để tìm hiểu, đưa ra hướng xử lý. "Nếu tôi là các sinh viên ở Vĩnh Phúc bị phân biệt, tôi nghĩ rằng sinh viên cần nói rõ với nơi tuyển dụng, giải thích cho họ hiểu hơn về trường đào tạo mình. Có thể sinh viên quá hiền...", Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Trào chia sẻ.
Trước đó, lãnh đạo các trường ĐH Hùng Vương và ĐH Tây Bắc cũng lên báo giới bày tỏ bức xúc trước việc Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc "chê" sinh viên các trường này. Trong đó, trường ĐH Trường ĐH Hùng Vương gửi công văn đến Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc giải thích, đề nghị tiếp tạo điều kiện cho các em, nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc.
Dương Tùng (Khampha.vn)
Sở Giáo dục "chê" SV sư phạm giỏi? "Thay vì bị loại từ vòng hồ sơ, sinh viên đợi đến vòng xét tuyển chính thức mới bị loại". Phân vùng chỉ tiêu Như tin đã đưa, sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc, hệ cử nhân của trường ĐHSP Hà Nội... bị Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc từ chối xét tuyển công chức năm 2012....