Phận đời trên đường thiên lý trở về quê hồi khó nhọc ngang qua Đà Nẵng
Trên hành trình rời các tỉnh phía nam chạy xe máy hàng trăm km về quê, nhiều mảnh đời lâm cảnh éo le do dịch Covid-19 lại vướng sự cố trên đường đi. Đến Đà Nẵng, họ chỉ mong được về đến nhà an toàn, ăn bữa cơm rau.
Gian nan đường về quê
Tờ mờ sáng nay (3.10), từ trung tâm TP.Đà Nẵng ngược cung đường quốc lộ 14 B hướng về phía tây thành phố, PV Thanh Niên có mặt tại vùng giáp ranh tỉnh Quảng Nam – TP.Đà Nẵng. Đồng hồ điểm 2 giờ 30 sáng, giữa cơn gió nặng hơi sương thổi khiến tiết trời se lạnh, những chiếc “ngựa thồ” trong đoàn người chạy xe máy từ các tỉnh phía nam về quê kết thúc đoạn đường gần 100 km từ tỉnh Kon Tum đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam đã đến cửa ngõ TP.Đà Nẵng.
Hành trình rời các tỉnh phía Nam hồi hương đầy gian nan của những người con xa xứ mưu sinh. Ảnh HUY ĐẠT
Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam, mờ sáng ngày 3.10, sẽ có 270 người di chuyển bằng xe máy tự phát chạy qua địa phận tỉnh Quảng Nam đến địa phận TP.Đà Nẵng và tiếp tục hành trình về quê các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Nhận được thông tin, Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Công an TP.Đà Nẵng) đã bổ trí cán bộ chiến sĩ dẫn đường, các đội nhóm thiện nguyện ở TP.Đà Nẵng cũng thức trắng đêm chờ đợi hỗ trợ đoàn người về quê tại địa phận xã Đại Hiệp (H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Đêm khuya nghe tiếng gà gáy phát ra từ chiếc lồng trên yên xe đoàn người hồi hương, tiếng trẻ nhỏ khóc ré vì khát sữa và cả những lời động viên nhau bằng giọng đồng bào thiểu số… xé tan không khí yên tỉnh vùng giáp ranh.
Rời các tỉnh phía Nam, vượt hàng trăm km những người xa xứ gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 đã đến cửa ngõ TP.Đà Nẵng vào rạng sáng nay 3.10. Ảnh HUY ĐẠT
Nhóm người đồng bào gốc HMông quay quanh bên đôi vợ chồng trẻ hỏi thăm về thương tích của cả 2 người sau vụ tai nạn vừa xảy ra trên đường Hồ Chí Minh (địa phận tỉnh Quảng Nam). Hỏi ra mới biết, anh Sùng A Xoài (24 tuổi, người đồng bào Mông quê tỉnh Nghệ An) trên đường chở theo vợ mang thai 6 tháng rời tỉnh Bình Phước về quê đã đâm vào taluy đường khiến phương tiện hư hỏng, cả 2 bị thương trầy khắp mình.
Với vết thương tróc da ở 2 cánh tay, ném đau đớn cởi chiếc áo mưa lấm lem bùn đất, anh Xoài kể với PV, do mắt bị mù bên phải từ nhỏ cộng thêm 2 ngày ròng rã chạy xe máy từ tỉnh Bình Phước đến Quảng Nam khiến anh ngủ gật trong lúc lái xe nên đã đâm vào taluy đường.
Anh Sùng A Xoài (quê tỉnh Nghệ An) thị lực kém, cộng thêm chạy xe máy suốt 2 ngày qua chở theo vợ mang thai đã đâm vào taluy đường lúc nửa đêm khiến cả 2 vợ chồng bị thương.. Ảnh HUY ĐẠT
“Quá mệt mỏi xe em đã đâm vào lề đường, nghe cái ầm lúc đó tỉnh ra chỉ nghĩ đến vợ đang mang thai. Cũng may em thì trầy hết cơ tay, vai còn vợ nhờ cái lồng gà ở phía sau xe che đỡ nên trầy 2 đầu gối…”, anh Xoài kể.
Được những người đi cùng giúp đỡ, anh Xoài cắn răng nhịn đau đớn vì vết thương rỉ máu, tiếp tục cầm lái chở vợ nhắm hướng TP.Đà Nẵng mà chạy.
“Lúc chưa bị tai nạn, khi chạy qua đèo Lò Xo (địa phận giáp ranh tỉnh Kon Tum và Quảng Nam – PV) trời đổ mưa lớn, cả người và đồ đạc ướt hết… dừng lại khai báo y tế để vào tỉnh Quảng Nam, 2 vợ chồng lo mấy con gà bị ướt mưa chết nên cởi bớt áo mưa che cho lồng gà. Tài sản mang về quê chỉ có chừng đó thôi.”, Sùng A Xoài nói.
Nén đau đớn, anh Xoài xách chiếc lồng gà gửi lên xe bán tải nhờ chở giúp qua địa phận Đà Nẵng. Chục con gà trong lồng tre là tài sản mà cặp vợ chồng trẻ mang từ tỉnh Bình Phước về quê. Ảnh HUY ĐẠT
Kể về ngày tháng khó khăn ở Bình Phước, Xoài cho biết vì vợ mang thai ngày càng lớn lại thất nghiệp nên quá khó khăn, A Xoài quyết định chở vợ về quê nương nhờ ông bà, chờ ngày sinh con.
“Vợ chồng em đi cạo cao su thuê nhưng vì dịch bệnh nên thất nghiệp mấy tháng nay. Vợ mang thai lớn nên liều mạng chở vợ về quê nuôi con gà, con vịt sống qua ngày”, Xoài tâm sự.
Thành viên CLB bán tải Đà Nẵng chuyển đồ đạc của vợ chồng anh Xoài lên xe, cắt cử người chạy xe máy về đỉnh đèo Hải Vân (Q.Liên Chiểu) để sửa chữa giúp. Ảnh HUY ĐẠT
Sau cú đâm vào taluy đường, vợ anh Sùng A Xoài đang mang thai bị thương ở chân. Cô ngồi thất thần ở cử ngõ TP.Đà Nẵng vào lúc rạng sáng 3.10 Ảnh HUY ĐẠT
Hành trình về nhà dài vô tận
Lái xe máy chở theo lỉnh kỉnh đồ trên yên xe, đèo theo vợ và đứa con nhỏ mới 8 tháng tuổi, anh Sùng A Lỳ (người đồng bào HMông, quê tỉnh Nghệ An) rời tỉnh Bình Phước về quê tỉnh Nghệ An sau thời gian cầm cự vượt qua khó khăn ở đất khách vì dịch bệnh Covid-19.
Dỗ dành đưa sữa cho con nhỏ đang khóc, anh Sùng kể thời gian qua khi dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía nam, vợ chồng anh rơi vào thất nghiệp, khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, dù khó anh Sùng cùng vợ vẫn hy vọng một ngày gần nhất dịch bệnh qua đi thì anh và vợ có thể đi làm công nhân trở lại để kiếm sống còn hơn về quê quay trở lại chuỗi ngày cơ hàn trước đây.
Gia đình nhỏ gian nan trên hành trình rời miền Nam về quê vì dịch Covid-19. Ảnh HUY ĐẠT
“Vợ chồng em không cầm cự nổi nữa, chờ một hai ngày, sau đó là một hai tháng, thất nghiệp không có cái ăn và con nhỏ quá nên đành lái xe chạy về quê. Chạy suốt mấy ngày liền sao thấy đường về nhà cứ dài vô tận…”, A Lỳ nghẹn ngào.
Vừa dừng xe vào cây xăng bên đường ở cửa ngõ TP.Đà Nẵng, chị Ngô Thị Tuyết Lan (quê H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cầu cứu các thành viên Câu lạc bộ bán tải Đà Nẵng nhờ giúp đỡ chạy xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc vì chị Lan đã kiệt sức sau 2 ngày dài một mình chạy xe rời tỉnh Bình Phước.
Đối với người tha phương mưu sinh nơi đất khách đường về nhà giờ đây xa vô tận. Ảnh HUY ĐẠT
Nặng nề đá chiếc chân chống xe máy, chị Lan cho biết cách đây vài năm một mình chị lặn lội vào tỉnh Bình Phước để đi làm công nhân, cuộc sống vất vả nhưng cũng có việc làm nuôi sống bản thân. Khi dịch bệnh bùng phát, công ty cho nghỉ làm nhưng lúc đó chị Lan giữ hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, chị Lan sẽ được quay trở công ty… và thêm nữa là chị Lan không nỡ xa mảnh đất bấy lâu nay đã cưu mang mình.
Thất nghiệp thời gian dài, không thể cầm cự thêm tại tỉnh Bình Phước, nữ công nhân Ngô Thị Tuyết Lan quyết định một mình chạy xe máy về tỉnh Quảng Trị. Ảnh HUY ĐẠT
“Giờ quá khó khăn nên em mới quyết định một mình lái xe máy về quê Quảng Trị, đến đầu đất TP.Đà Nẵng là tay chân mỏi tê cứng, may mắn được các anh chị ở đây giúp đỡ chạy xe, chở qua địa phận giúp. Chỉ mong về quê thật nhanh, được gặp gia đình… ăn bữa cơm ở nhà”, chị Lan rưng rưng.
Ánh mắt trẻ thơ ngây ngô trên hành trình hồi hương đầy gian nan. Ảnh HUY ĐẠT
Lúc 5 giờ 30 phút ngày 3.10, khoảng 100 người đã được lực lượng CSGT Công an TP.Đà Nẵng dẫn đường đến đỉnh đèo Hải Vân, kết thúc đoạn đường đi ngang qua TP.Đà Nẵng
Các nhóm thiện nguyện tiếp tế bánh mì, nước uống miễn phí cho đoàn người về quê tại đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh HUY ĐẠT
Rời khỏi TP.Đà Nẵng, đoàn người hướng ra địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục hành trình hồi hương. Ảnh HUY ĐẠT
Dọc dài từng km trên hành trình về nơi chôn nhau cắt rốn của những người con tha phương mưu sinh là chặng đường đầy gian nan, vất vả. Chưa bao giờ chuyến hồi hương của những phận đời vốn tảo tần mưu sinh nơi đất khách lại xa vời vợi như vậy. Đối với những đứa trẻ chân trần ngây ngô chạy khắp nơi ở vùng giáp ranh TP.Đà Nẵng trong lúc bố mẹ chúng ngồi vật vã nghỉ ngơi lấy sức, có lẽ dấu chân nhỏ này sẽ in hằn trong ký ức những người làm cha mẹ trong cuộc “tháo chạy” vì dịch bệnh này.
Sau nghỉ lễ, những địa phương nào cho học sinh nghỉ học ngừa Covid-19 ?
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đến thời điểm này, đã có các địa phương quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học sau kỳ nghỉ lễ 30.4.
Học sinh Hà Nội sẽ tạm dừng đến trường từ ngày 4.5 để phòng Covid-19 - NGỌC THẮNG
Hà Nội: Toàn bộ học sinh nghỉ học
Cuối giờ chiều 3.5, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản thông báo cho toàn bộ học sinh (HS), học viên các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP tạm dừng đến trường từ hôm nay (4.5) nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sáng 4.5: Thêm 2 ca Covid-19 cộng đồng tại Hà Nội, Đà Nẵng rất phức tạp
Đồng Nai không huy động học sinh dự lễ tổng kết Hội khỏe Phù Đổng
Ngày 3.5, Sở GD-ĐT Đồng Nai đã ra văn bản về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sau dịp lễ. Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường không huy động HS dự lễ tổng kết Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần 10 (2021). Đồng thời, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường học tổ chức lễ tri ân, lễ trưởng thành cho HS cuối cấp theo lớp học; tạm ngưng các hoạt động ngoại khóa như về nguồn, thăm di tích...
Đặc biệt, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS có di chuyển đến và về từ ngoại tỉnh bắt buộc phải khai báo y tế; thực hiện nghiêm thông điệp 5K; hạn chế tối đa việc tổ chức các sự kiện tập trung HS trong trường học, rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng chống dịch và kịch bản xử lý ứng phó với từng cấp độ để có thể triển khai ngay khi có dịch xảy ra.
Lê Lâm
Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường phổ thông tổ chức dạy học trực tuyến qua internet trong thời gian HS tạm dừng đến trường. Riêng lịch tổ chức khảo sát của Sở GD-ĐT đối với lớp 12 theo dự kiến (từ ngày 11 - 12.5) sẽ tạm hoãn, việc triển khai tiếp theo sẽ có hướng dẫn sau.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.Hà Nội cho biết kể cả những trường có lịch kiểm tra học kỳ 2 từ ngày 4.5 cũng tạm dừng và thực hiện vào thời gian thích hợp sau khi HS có thể đi học trở lại.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết quyết định cho HS nghỉ học của Hà Nội căn cứ vào diễn biến phức tạp của dịch bệnh đến chiều 3.5 và công điện của Chủ tịch UBND TP về tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19.
TP.HCM tạm dừng dịch vụ massage, rạp phim, quán net phòng Covid-19
Quảng Nam, Đà Nẵng: Học sinh được nghỉ học đến khi có thông báo mới
Tối 3.5, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 kéo dài, mọi người đi lại rất nhiều, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non, HS tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, sinh viên, học viên Trường Chính trị, các trường ĐH, CĐ, trung cấp trên địa bàn tỉnh được nghỉ học từ ngày 4.5 cho đến khi có thông báo mới.
TP.HCM thông báo khẩn các trường thực hiện nghiêm phòng, chống dịch
Trưa 3.5, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo qua hệ thống điều hành thông minh đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, đề nghị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể trong thông báo khẩn đến các trường học, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tích cực rà soát các điều kiện, biện pháp, phương án phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt thực hiện nghiêm túc công văn yêu cầu giáo viên, HS, cán bộ công nhân viên thực hiện khai báo y tế, nắm chắc tình hình các cá nhân đi ra ngoài thành phố trong thời gian nghỉ lễ.
Thông báo khẩn của Sở nêu rõ thủ trưởng các đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có các biểu hiện chủ quan, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bích Thanh
Vào cuối ngày 3.5, Sở GD-ĐT Đà Nẵng chính thức thông báo cho trẻ mầm non, HS, học viên, sinh viên nghỉ học từ ngày 4.5 để phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới. Sở GD-ĐT Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, trường học chủ động thực hiện kế hoạch dạy - học trực tuyến, hướng dẫn HS, học viên, sinh viên hoàn thành chương trình học tập, chuẩn bị kiểm tra học kỳ 2 và các kỳ thi khác. Sở GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về chuyên môn.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết khi đi học lại, các đơn vị trường học, các bậc học sẽ cân nhắc tùy điều kiện để đôn lịch kiểm tra học kỳ 2 của HS. "Nếu sau này, tình hình phức tạp mà HS phải học trực tuyến thì cũng đã có thể thi xong kỳ kiểm tra học kỳ 2 và tiếp tục hoàn tất chương trình", ông Thành nói. Sở GD-ĐT Đà Nẵng yêu cầu tất cả các cán bộ, giáo viên, học viên phải thực hiện khai báo y tế về lịch trình di chuyển trong suốt đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5 để phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể từ ngày 4 - 6.5, 100% cán bộ, học viên đều phải hoàn tất việc khai báo y tế theo mẫu tờ khai quy định của Sở Y tế Đà Nẵng tại các trường học, nơi làm việc và việc khai báo phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 6.5.
Đối với HS cấp THCS, THPT, cuối tờ khai y tế phải có xác nhận của phụ huynh HS. Đối với trẻ mầm non và HS tiểu học, phụ huynh thực hiện khai báo y tế cho con (cuối tờ khai ghi rõ tên phụ huynh và ký tên). Sở GD-ĐT Đà Nẵng yêu cầu các trường học sử dụng mẫu tờ khai y tế phát cho cán bộ, giáo viên nhân viên, HS - sinh viên; thu nhận, lưu trữ tờ khai tại phòng y tế nhà trường.
Học sinh ở nhiều nơi tại Yên Bái, Hà Nam, Vĩnh Phúc tạm dừng đến trường
Chiều 3.5, UBND tỉnh Yên Bái có văn bản cho HS các cấp tại TP.Yên Bái, TX.Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn và Trấn Yên tạm dừng đến trường đến hết ngày 9.4. Trong thời gian này, các đơn vị trường học tại những địa bàn trên hướng dẫn HS tự học, ôn tập tại nhà bằng các hình thức học tập từ xa. Các địa phương không nằm trong diện trên vẫn đi học bình thường từ ngày 4.5. Các trường phải xây dựng phương án dạy học bù, tăng cường ôn tập cho HS cuối cấp cả trong thời gian tạm dừng đến trường và khi HS quay lại trường học.
Trước đó, UBND các tỉnh Hà Nam và Vĩnh Phúc, những nơi có ổ dịch Covid-19, đều đã có văn bản cho HS toàn tỉnh tạm dừng đến trường từ ngày 4.5 đến hết ngày 8.5, HS phổ thông sẽ chuyển sang học trực tuyến.
Khi cho học sinh nghỉ học, các địa phương cũng đề nghị các nhà trường phối hợp với phụ huynh HS trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe các em khi ở nhà nhằm đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, ngành giáo dục và UBND tỉnh.
Đà Nẵng: Kiểm điểm, đánh giá lại thiếu sót trong phòng, chống dịch COVID-19 Ngày 3/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã họp thảo luận, rà soát, đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi họp. Theo báo cáo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2021...