Phân bổ kịp thời tiền và hiện vật đến những người ở tuyến đầu chống dịch
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định số tiền và hàng ủng hộ sẽ được phân bổ kịp thời tới các địa điểm cách ly, ngành y tế và các đơn vị liên quan để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại cuộc họp.
Chiều ngày 23/3, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì cuộc họp với các Ban, Bộ ngành liên quan để bàn về việc phân bổ tiền và hàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được gửi về UBTƯ MTTQ Việt Nam. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ.
Công khai, minh bạch trong phân bổ
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 17/3/2020, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Qua một tuần phát động, đã có nhiều cơ quan, tổ chức, Tập đoàn, doanh nghiệp và đông đảo các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay ủng hộ phòng, chống Covid-19.
Trước tình hình đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất phân bổ kịp thời số tiền và hàng hỗ trợ này đến các cơ sở trực tiếp làm công tác khám, điều trị, các cơ sở cách ly như: hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế, đồ bảo hộ, vật tư ý tế, dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó cũng phân bổ để hỗ trợ các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế, lực lượng quân đội, lực lượng công an trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống dịch; hỗ trợ những người đang phải cách ly tại các khu cách ly tập trung; hỗ trợ các cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như: người lao động mất việc làm, giảm thu nhập ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống…
Trước đề xuất của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận với mong muốn việc phân bổ tiền và hàng diễn ra nhanh chóng, kịp thời nhất trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chính ủy Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, lực lượng quân đội đã sử dụng nguồn dự trữ của Bộ Quốc phòng và nguồn ngân sách của Chính phủ để hỗ trợ 140 điểm cách ly trên cả nước nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho đồng bào ở khu cách ly. Chính vì vậy, việc phân bổ tiền, hàng tới các địa điểm này cần dựa trên số liệu thống kê thực tế và tránh hiện tượng không đồng đều, từ đó tạo thêm nguồn lực để động viên cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ vượt qua khó khăn, quyết tâm cùng Đảng, Chính phủ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại các khu cách ly.
Video đang HOT
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an cho hay, đến nay, Bộ Công an đã kiểm soát 1.700.000.000 công dân nhập cảnh vào Việt Nam trong đó có kiều bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Mới đây, Bộ trưởng Tô Lâm đã có công văn yêu cầu lực lượng Công an trên cả nước tiếp cận toàn bộ số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam và tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Việc rà soát các đối tượng liên quan ở mỗi địa bàn sẽ là cơ sở quan trọng để địa phương đó tiến hành cách ly và hạn chế hiện tượng lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Nhấn mạnh tới chủ trương phân bổ kịp thời tiền và hàng tới những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên cho rằng, việc phân bổ số tiền ủng hộ này phải diễn ra trước khi kinh phí về ngân sách của nhà nước được phân bổ, bởi việc sử dụng tấm lòng của đồng bào sẽ đẩy mạnh hơn nữa sức mạnh của dân tộc, từ đó phát huy tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân và ý nghĩa của của những tấm lòng đối với những người đang ngày, đêm chống dịch.
“Cuộc chiến này cần phải có nguồn lực lâu dài, chính vì vậy Bộ Công an đã chuẩn bị sẵn sàng bệnh viện dã chiến với 200.000 – 300.000 giường trong một thời gian ngắn để phục vụ yêu cầu của quốc gia. Bên cạnh đó, mỗi chiến sĩ công an luôn là những người ở tuyến đầu chống dịch và luôn xác định tâm lý là những người phơi nhiễm đầu tiên nhưng các đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, số tiền ủng hộ cũng cần dành một phần để trang bị đồ bảo hộ cho đội ngũ ở tuyến đầu này”, ông Nguyễn Hồng Nguyên nhấn mạnh.
Đề cập đến những giáo sư, những nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang ngày đêm cống hiến hết sức mình tại các phòng nghiên cứu để tạo ra các các bộ xét nghiệm nhanh phát hiện người nhiễm Covid-19, ông Nguyễn Hồng Nguyên cho rằng, Mặt trận cần phải khích lệ tinh thần sáng tạo của mỗi nhà khoa học, phải hỗ trợ và động viên kịp thời những người đang ngày đêm âm thầm làm việc này.
Là đơn vị tiếp nhận ủng hộ từ việc nhắn tin qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Anh Tuấn chia sẻ, chưa bao giờ việc phát động nhắn tin lại tạo được hiệu ứng lớn trong nhân dân như lần này, chỉ sau 5 ngày phát động, số tiền thu được đã là trên 56 tỷ đồng với hơn 1 triệu lượt người tham gia đóng góp. Con số này thể hiện sự quan tâm lớn của toàn dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện công khai, minh bạch số tiền thu được từ các nhà mạng, Thứ trưởng Phan Anh Tuấn cho rằng, Bộ sẽ làm việc với nhà mạng để sớm chuyển nguồn tiền này sang UBTƯ MTTQ Việt Nam để phân bổ sớm cho các bệnh nhân, những người đang ở khu cách ly, chi cho việc mua sắm thêm các trang, thiết bị y tế bổ sung cho hoạt động phòng, chống dịch theo cơ chế đặc thù.
Quang cảnh cuộc họp.
Có danh sách và phương án thống kê cụ thể
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cám ơn sự vào cuộc tích cực của các ban, bộ, ngành cùng các cơ quan liên quan trong việc vào cuộc cùng MTTQ Việt Nam ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời khẳng định số tiền và hàng này sẽ được phân bổ kịp thời tới các địa điểm cách ly, ngành y tế và các đơn vị liên quan để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đối với việc phân bổ tiền ủng hộ phục vụ việc mua máy móc, vật tư, thiết bị y tế thiết yếu cung cấp cho các cơ sở y tế trực tiếp phục vụ công tác khám, điều trị và các cơ sở cách ly, bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần có văn bản cung cấp danh mục các trang thiết bị cần thiết để UBTƯ MTTQ Việt Nam có kế hoạch phân bổ sớm nhất và kịp thời nhất.
Đối với việc phân bổ hàng hóa, hiện vật, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế cung cấp danh sách các cơ sở cách ly tập trung và các cơ sở y tế trực tiếp khám, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 cùng danh sách bệnh nhân và đội ngũ bác sỹ, y tá, lực lượng công an, quân đội để UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân tiến hành hỗ trợ hiện vật, hàng hóa trực tiếp đến các cơ sở này.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng cảm ơn những tấm lòng và sự vào cuộc tích cực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với việc vận động trong hệ thống ủng hộ và không thu phí giao dịch đối với các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho bà con trong việc chuyển tiền và tạo nên khí thế, quyết tâm vượt qua dịch bệnh của người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc
Diệp Phượng
Sóc Trăng quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer
Sóc Trăng là tỉnh nằm trong khu vực ĐBSCL với dân số trên 1,3 triệu người, chủ yếu với 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống; trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,71%, dân tộc Hoa chiếm 5,02%.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm đến việc tăng cường công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Quan tâm chăm lo bà con Khmer làm ăn phát triển kinh tế.
Những năm qua Mặt trận và các đoàn thể các cấp đã phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến công tác dân tộc.
Mặt trận tỉnh cũng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh rà soát, thay thế, bổ sung người có uy tín năm 2019 là 609 người. Trong 2 năm qua Sóc Trăng đã tổ chức cho 90 người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra nhân dịp lễ, hội truyền thống của đồng bào dân tộc, tỉnh thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; Tổ chức họp mặt mừng Chol Chnam Thmay, mừng Sene Dolta, qua đó tỉnh đã trao tặng được 20 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ là người dân tộc bức xúc về nhà ở.
Hiện toàn tỉnh có 10 trường dân tộc nội trú, 1 trường bổ túc Pali Trung cấp Nam Bộ đào tạo tăng sinh và nguồn cán bộ dân tộc Khmer cho các tỉnh trong khu vực. Hàng năm công tác tuyển sinh học sinh dân tộc thiểu số vào các trường dân tộc nội trú luôn được tỉnh quan tâm. Năm 2018 số học sinh dân tộc thiểu số được xét tuyển vào các trường phổ thông dân tộc nội trú là 1.092 em; có 82 em học sinh dân tộc trúng tuyển vào các trường dự bị đại học.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được nâng cao, nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Trong năm 2018, toàn tỉnh có 11.440 hộ thoát nghèo, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 27.154 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer là 13.013 hộ, chiếm 12.98% tổng số hộ đồng bào Khmer (giảm 4.97% so với năm 2017).
Thời gian qua huyện Mỹ Xuyên cũng tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer bằng nhiều hoạt động. Đáng chú ý, Uỷ ban MTTQ huyện tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn Quỹ Vì người nghèo huyện đã hỗ trợ xây dựng 106 căn nhà Đại đoàn kết, tổng số tiền 3.960.000.000 đồng cho hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn (trong đó có 29 căn dân tộc Khmer, số tiền 1.110.000.000 đồng).
Chia sẻ về công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua, ông Dương Sà Kha- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết: Công tác chăm lo sức khỏe nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm và thực hiện tốt, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh được quan tâm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 bệnh viện cấp huyện, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 2 bệnh viện tư nhân. Tính đến nay, 109/109 xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, trong đó có 100/109 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 97/109 trạm y tế có bác sĩ; 775/775 khóm, ấp có cán bộ y tế, bình quân có 4,1 bác sĩ/10.000 dân.
Ngày 8/10, Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Vũ Dương Châu-Trưởng ban Dân tộc đã đến khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường công tác dân tộc Khmer trong tình hình mới" tại tỉnh Sóc Trăng. Tại đây ông Vũ Dương Châu đánh giá cao công tác triển khai, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường công tác dân tộc Khmer trong tình hình mới" tại tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua, đồng thời đề nghị, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Sóc Trăng thời gian tới cần phải xác định công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị; từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương...
Lưu Hồng Tài
Theo ĐĐK
MTTQ sẽ sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hỗ trợ phòng, chống Covid-19 MTTQ sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phải sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí vận động xã hội phòng chống Covid-19. Đây là khẳng định của bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Cứu trợ Trung ương, sau Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống...