Phạm nhân được đặc xá học kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng
Để giúp các phạm nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, Trại giam Tân Lập ( huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn.
Càng gần đến ngày Quốc khánh 2/9, không khí tại Trại giam Tân Lập càng rộn ràng hơn bởi chỉ vài ngày nữa thôi, hàng trăm phạm nhân sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, có cơ hội làm lại cuộc đời và tái hòa nhập cộng đồng.
Có tên trong danh sách đặc xá lần này, phạm nhân Đào Văn Lực ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đang đếm ngược từng ngày. Hơn 10 năm thụ án tại Trại giam Tân Lập, Lực đã thấm thía những sai lầm mà mình gây ra, quyết tâm cải tạo thật tốt.
Được tham gia các lớp tập huấn trước khi ra Trại, Đào Văn Lực hào hứng: “Tôi cũng rất may mắn đợt này được nhiều cán bộ mời đến các lớp tuyên truyền, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi tham gia tôi thấy rất bổ ích, nhiều thông tin được cập nhật và tôi có nhiều kỹ năng sống hơn. Khi trở về xã hội, điều đầu tiên tôi muốn nói tôi xin cảm ơn ban lãnh đạo trại giam đã tạo điều kiện sớm trở về xã hội, và tôi hứa sẽ trở thành một công dân tốt không tái phạm”.
Lớp học phổ biến kỹ năng sống tái hòa nhập cộng đồng
Giống như những lần đặc xá trước, việc chuẩn bị tư tưởng, tâm lý, kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân đặc xá được Ban lãnh đạo Trại giam Tân Lập rất coi trọng. Trại đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các phạm nhân được đặc xá ở các phân trại với sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát, Liên đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ.
Hầu hết các phạm nhân đều chăm chú học, ghi chép và trả lời các câu hỏi của giáo viên với mong muốn mình sẽ không bị lạc lõng khi trở về và có thể kiếm được việc làm. Trung tá Đỗ Quang Huy, Phó Giám thị Trại tạm giam Tân Lập cho biết: “Trại đã tổ chức các lớp học cho phạm nhân nam và phạm nhân nữ phối hợp với các ban ngành địa phương như Hội luật gia, Hội liên hiệp thanh niên và Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Phú Thọ để tư vấn pháp luật về luật cư trú, giao thông, phòng chống ma túy, kỹ năng sống, kỹ năng tìm việc làm để phạm nhân sau khi được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng và không tái phạm”.
Đào tạo nghề cho các phạm nhân nữ
Năm nay, Trại giam Tân Lập có hơn 300 phạm nhân được xét đặc xá trên tổng số hơn 4.000 phạm nhân đang thụ án tại Trại. Để thực hiện đặc xá đảm bảo công bằng, đúng người, việc nghiên cứu, xét duyệt hồ sơ của các phạm nhân được Hội đồng xét đặc xá Trại giam Tân Lập thực hiện rất kỹ và đúng quy định.
Trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng đội Giáo dục hồ sơ Trại giam Tân Lập cho biết: Ngay sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước, công tác chuẩn bị đặc xá của Trại đã được chuẩn bị kỹ càng. Từ Ban Giám thị tới Ban Chỉ huy các phân trại đều rất chú trọng việc xem xét, đánh giá để bảo đảm tính khách quan, công bằng khi đưa ra danh sách các phạm nhân được đặc xá, trong đó có việc tìm hiểu hoàn cảnh của các phạm nhân.
“Trong quá trình ở trại, chúng tôi cũng quan tâm đến nhân thân và hoàn cảnh điều kiện phạm nhân qua đó có biện pháp giáo dục rất cụ thể từ đó các phạm nhân có nhìn nhận xem xét lại bản thân có ý thức chấp hành pháp luật không chỉ trong trại mà khi được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng họ cũng có điều kiện để tránh vi phạm pháp luật”, Trung tá Vương Thế Huynh nói.
Video đang HOT
Đào tạo nghề cho các phạm nhân nam
Đợt đặc xá năm nay là dịp tốt để mỗi phạm nhân có cơ hội suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc tha tù trước thời hạn mà còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng./.
Văn Hiếu
Theo_VOV
Lá thư xin lỗi gửi chính quyền của người đàn ông 2 vợ, 12 con...
Giờ đây, tôi thấy mình có tội rất lớn với gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp tới phong trào của xã, để UBND xã phải giải quyết những hậu quả nặng nề.
Cho tôi được xin lỗi Ban chấp hành Đảng ủy xã là tổ chức đã thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng cho tôi nên người, mà đến hôm nay tôi không giữ được trọn lời tuyên thệ khi kết nạp. Xin lỗi quê hương Mai Hạ, nơi sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi khôn lớn, nay tôi không phục vụ được gì"...
1- Đưa cho chúng tôi xem một lá thư dài tới 6 trang giấy A4 kín đặc chữ, Thiếu tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng Đội Giáo dục phạm nhân, Trại giam Tân Lập bảo rằng trong số hơn 2.000 thư xin lỗi của phạm nhân ở trại này, đây là lá thư khá đặc biệt bởi không như những người khác viết thư xin lỗi thường gửi cho người thân hay nạn nhân, người viết bức thư này lại gửi cho... chính quyền xã để xin lỗi. Người viết lá thư đặc biệt này cũng khá đặc biệt bởi ông ta từng là bộ đội, thương binh hạng 3/4, và đặc biệt hơn khi ông cùng lúc sống với 2 bà vợ và có tới 12 đứa con.
Ngồi trước mặt chúng tôi là một người đàn ông dáng vâm váp, gương mặt vuông với nước da nâu bóng, nói năng gãy gọn. Thời trai trẻ, hẳn là gã đàn ông đẹp trai. Năm nay 64 tuổi, phạm nhân Lê Tuấn Bút đã ở Tân Lập hơn 6 năm và đây là lần thứ 3 đi tù. Một cán bộ Công an xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) quê ông Bút cho biết, sau khi xuất ngũ về địa phương, do có thành tích trong chiến đấu, Lê Tuấn Bút được địa phương trọng dụng và đã có lúc được làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, nhưng rồi do tham ô tài sản nên ông ta bị kỷ luật, và bắt đầu từ đây, người đàn ông này ngày càng lún sâu vào tội lỗi.
Nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, có lẽ vì ngại nên ông Bút hầu như không nhắc gì tới quãng thời gian đi bộ đội và làm cán bộ xã, mà chỉ nói nhiều tới cái đại gia đình gồm 2 bà vợ và 12 đứa con. Nghe hỏi vì sao lại "ham" vợ lẽ con thêm thế, ông Bút cười bảo "thì cũng tại cố để có thằng con trai thôi cán bộ ạ. Ở quê mà, không có con trai thì kém với anh em, bạn bè lắm".
Lấy bà vợ cả kém 2 tuổi, đẻ một lèo tới 5 đứa nhưng toàn "vịt giời". Có lẽ phải ai từng sống ở quê mới hiểu được cái tâm trạng của người đàn ông không có thằng cu "nỗi dõi tông đường". Vậy là, như các cụ vẫn bảo "khát nước tìm dừa", trong những lần đi buôn bán, ông ta đã quen rồi thêm một bà nữa cũng làm nghề buôn bán. Ông Bút kể rằng ông cũng chẳng giấu bà vợ hai chuyện đã có vợ và cả một "đàn bươm bướm" ở nhà, nhưng bà ta vẫn đồng ý làm vợ ông nên ông chẳng thể "phụ một tấm tình trong thiên hạ".
Vậy là ông vẫn cứ ở với cả hai bà. Vì thế khi bà hai đẻ đứa đầu thì bà cả cũng đẻ đứa thứ 6, mà lần này lại ra thằng cu, nên ông càng không thể bỏ bà cả được. Bà hai đẻ đứa đầu cũng là con trai. Tưởng thế đã có đủ trai gái thì thôi. Nhưng rồi bà hai cứ sòn sòn cho ông thêm một thằng cu và 4 đứa con gái nữa mới thôi.
Làm chủ một đại gia đình như vậy, ông Bút kể rằng để "tề gia", ông đưa ra nguyên tắc bà cả lúc nào cũng phải là chị, còn bà hai đã chấp nhận làm em thì phải luôn biết tôn trọng chị cả. "Ngay cả trong chuyện kinh tế, tôi cũng luôn ưu tiên bà cả hơn một chút. Có may tấm áo manh quần thì bao giờ cũng phải mua cho bà cả trước nên các bà ấy cũng phải chấp nhận thôi".
Vì thế, ngay cả bây giờ, mỗi năm hai bà vẫn cùng nhau từ Bắc Giang lên trại thăm ông chồng chung hai lần, một lần vào tháng Giêng, một lần vào tháng Bảy; còn thì vẫn gửi tiền tiếp tế. Nghe chúng tôi hỏi 3 thằng con trai có đứa nào theo "gien" bố không, ông ta cười bảo "may mà không cán bộ ạ, tôi bây giờ có 2 đứa cháu nội, 18 cháu ngoại rồi. Đứa cháu ngoại con của con gái cả đã vào đại học rồi".
Nhưng, ngoài cái "thành tích" lắm vợ nhiều con, khi xem lý lịch trích ngang của Lê Tuấn Bút mới biết ông ta cũng đã vài lần đi tù, thậm chí đã từng trốn khỏi nơi giam giữ. Năm 1995, Lê Tuấn Bút bị Tòa án huyện Tiên Sơn (tỉnh Hà Bắc cũ) xử 3 năm tù vì tội lừa đảo. Năm 1996, ông lại bị Tòa án huyện Tân Yên (Hà Bắc) xử 12 tháng tù vì tội trốn khỏi nơi giam giữ. Ngày 30/4/2000, Lê Tuấn Bút được đặc xá. Nhưng ra tù, thay vì chí thú làm ăn, chỉ được một thời gian, ông ta lại đi buôn, nhưng lần này là đi buôn ma túy và mắc nghiện.
Hai phạm nhân Cao Thế Từng và Lê Tuấn Bút.
Trong môi trường cải tạo ở trại giam, nhiều người mới nhận ra rằng, chẳng ai yêu mình bằng mẹ. Và họ đã thực sự ân hận, quyết tâm làm lại cuộc đời với những lá thư đẫm nước mắt gửi cho mẹ của mình, mong sao năm mới an lành hơn, hạnh phúc hơn, dẫu họ chưa được về...
20h ngày 21/3/2006, khi vừa cùng một đồng bọn khác đi mua ma túy ở Lóng Luông, Mộc Châu (Sơn La) về đến Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), Lê Tuấn Bút và đồng bọn bị bắt cùng tang vật. Sau khi bị tuyên án 20 năm tù vì tội buôn bán trái phép chất ma túy, tháng 12/2008, Lê Tuấn Bút được đưa lên thụ án ở Trại Tân Lập.
Nghe chúng tôi hỏi lý do viết lá thư xin lỗi gửi Ủy ban nhân dân xã (UBND) Mai Đình, Lê Tuấn Bút bảo rằng 6 năm thụ án ở Tân Lập, nhiều đêm ông ta thường nhớ về quãng đời đã qua, trong đó đã có những năm tháng rất đẹp đẽ và thấy tiếc nuối. Vì thế mà trong khi người khác viết thư về cho bố mẹ, vợ con thì ông ta quyết định viết thư xin lỗi gửi chính quyền, như một cách thể hiện sự ăn năn.
Quả thực, trong lá thư dài tới 6 trang A4 chữ nhỏ li ti của Lê Tuấn Bút, có nhiều đoạn là những lời gan ruột đã được tích tụ trong 8 năm ở tù: "Tôi sinh ra ở một gia đình và quê hương của xã Mai Đình giàu truyền thống cách mạng. Được thừa hưởng những cái đó, nó là động lực để tôi lên đường đi theo cách mạng và cũng đã trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Tôi cũng đã lập chiến công chói lọi mang tính lịch sử của bản thân, quê hương và gia đình.
Sau khi chiến đấu bị thương, trở về quê hương, tuy mang thương tật trên người, tôi vẫn phát huy được bản chất của anh bộ đội, tiếp tục công tác, đã từng là cán bộ chủ chốt của Hợp tác xã ở địa phương với thời gian rất dài, được tổ chức tin yêu, được nhân dân mến mộ. Lẽ ra những cái đó tôi phải giữ và sẽ phát huy mãi mãi để xứng đáng với danh hiệu của người đảng viên.
Thế mà thật đáng tiếc, trước sự việc riêng tư, giữa phong tục, tập quán lạc hậu, tôi đã không đấu tranh nổi, gục ngã, nặng về người nối dõi tông đường. Tôi mất tất cả, phải xa rời tổ chức Đảng vì tôi không còn đủ tư cách là đảng viên nữa. Hàng ngày tôi không được sự giáo dục, rèn luyện của tổ chức Đảng, từ đó tôi dần dần mai một, lối sống buông thả, chơi bời cờ bạc, thoái hóa, biến chất, lao vào dòng xoáy của ma lực đồng tiền, buôn bán ma túy, làm cho gia đình tan nát và nguy hại cho xã hội. Đó là những việc làm xấu xa nhất của tôi, dẫn đến phạm pháp, sa lưới pháp luật.
Giờ đây, tôi thấy mình có tội rất lớn với gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp tới phong trào của xã, để UBND xã phải giải quyết những hậu quả nặng nề.
Cho tôi được xin lỗi Ban chấp hành Đảng ủy xã là tổ chức đã thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng cho tôi nên người, mà đến hôm nay tôi không giữ được trọn lời tuyên thệ khi kết nạp. Xin lỗi quê hương Mai Hạ, nơi sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi khôn lớn, nay tôi không phục vụ được gì. Xin lỗi dòng họ Lê Tuấn, là một trong những dòng họ lớn của thôn Mai Hạ, đã vững vàng cầm lái mọi phong trào ở quê hương, nay tôi đã làm hoen ố. Xin lỗi anh, chị, em, vợ, con trong gia đình, những người phải có trách nhiệm động viên, an ủi giúp nhau suốt cuộc đời, nay tôi đã không làm tròn bổn phận của mình; để gánh nặng cho người khác và cho xã hội cả một gia đình bề bộn.
Tất cả những điều ấy làm tôi vô cùng đau khổ và phải suy nghĩ suốt đời, lương tâm tôi luôn cắn rứt. Tôi viết những dòng thư này ở những năm tháng cuối của cuộc đời mình. Năm nay tôi đã 65 tuổi (theo âm lịch). Càng viết, nước mắt càng ứa ra. Tôi sẽ về hoặc không về được nữa, chẳng ai biết được ở đời này cái chết nó sẽ đến bao giờ. Những lời xin lỗi này mong được UBND xã chấp nhận để cho tôi được yên tâm cải tạo...".
Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Lê Tuấn Bút bảo rằng khi đã bước qua cái ngưỡng của tuổi già, ông càng mong được trở về nhà. Nhìn cái dáng lầm lũi của ông trở lại khu giam, chúng tôi cũng mong ông sẽ chờ được tới ngày ấy, dù biết rằng sẽ còn rất lâu, bởi cái án 20 năm mới thi hành chưa được một nửa.
2- Cũng từng là cán bộ xã, phạm nhân Cao Thế Từng trước khi bị bắt từng làm Chủ tịch UBND xã Bình Bộ, Phù Ninh, Phú Thọ nhưng rồi vì lòng tham, Từng đã tham ô mấy trăm triệu và cái giá phải trả là bản án 17 năm tù. Cũng như Lê Tuấn Bút, nói chuyện với chúng tôi, Cao Thế Từng thường lảng tránh khi được hỏi về quãng đời làm cán bộ mà chỉ nhắc tới gia đình bởi Từng đã lên chức ông nội. Ba đứa con, đứa bé nhất cũng đã 24 tuổi, không còn nỗi lo con sẽ hư hỏng khi không có bố ở nhà, nhưng lại nghĩ nhiều khi con cái phải xấu hổ vì một người cha tội lỗi.
Ở Trại giam Tân Lập, có tới 60% phạm nhân phạm tội buôn bán chất ma túy. Trong số ấy, có cả những phạm nhân từng là sinh viên đại học. Trong lá thư gửi về cho mẹ hiện đang ở bản Hang Kia I, xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình), dù nhiều đoạn viết lủng củng nhưng phạm nhân Vàng A Vàng nhắc rất nhiều về sự tiếc nuối khi lao vào con đường tội lỗi. Học hết phổ thông, Vàng A Vàng được tuyển vào đại học, trở thành niềm hy vọng của cả gia đình. Nhưng rồi, thay vì chăm lo học hành, Vàng lại dấn thân vào ma túy, để giờ đây phải ngồi trong trại giam viết những lời ân hận.
Các phạm nhân cố gắng lao động cải tạo thật tốt để sớm được trở về với gia đình.
"Thật lòng con bật khóc, xin lỗi mẹ và mọi người trong gia đình và bạn bè thân quen. Điều mà trong lòng con nghĩ sâu đậm nhất là tấm gương của bố con. Thật sự con đã làm mất mặt bố, mẹ, anh, chị, em trong gia đình. Nên hôm nay con ân hận quá. Con cảm thấy bản thân mình vẫn nợ mãi mãi mà không bao giờ trả được và cũng không bao giờ mình xin lỗi được mẹ, bố và mọi người thân quen tha lỗi cho bản thân con.
Mẹ ơi! Con nhớ mẹ nhiều. Con biết phạm tội là có lỗi với mẹ, bố và anh, chị, em trong gia đình và bạn bè thân quen nhất là có lỗi với anh em đồng chí, đồng đội học cùng trong đồng nghiệp. Con cảm thấy thật sự xấu hổ với mọi người, con rất mong mẹ và mọi người tha lỗi cho con. Mẹ già ơi, bố con đã mất rồi, con rất thương mẹ già đang ngóng chờ người con bất hiếu này, mẹ đừng lo lắng cho con bất hiếu này nhé.
Bố mất sớm thế này, nhiều lúc con không biết mình phải làm gì, sống ra sao vì con mồ côi cút bố thế này con không thể nào chịu nổi nữa. Mẹ ơi! Con ở trong này lúc nào con cũng lo lắng cho mẹ, lúc nào con cũng mong mẹ luôn mạnh khỏe nhất định mẹ phải đợi được con trai về phụng dưỡng mẹ. Mẹ già ơi! Hôm nay con viết thư xin lỗi mẹ già và mọi người, con không quên nhắc đến bố. Lo lắng cho mẹ già, tiếc thương cho người cha đã khuất ra đi mãi mãi trong tim con...".
Còn với phạm nhân Nguyễn Trọng Đăng, giờ đây cùng với nỗi ân hận thì còn luôn canh cánh nỗi lo khi nghĩ tới tương lai của hai đứa con nhỏ đang phải gửi cho bà mẹ già đã 80 tuổi ở xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) nuôi hộ.
"Mẹ ơi! đã hơn 5 năm qua lần đầu tiên con được viết thư về gia đình cũng như được bày tỏ những cảm xúc của con bao năm qua con không nói nên lời. Có lẽ bố mất sớm nên không có người định hướng cho con từ nhỏ nên những việc làm của con cảm thấy rất thiếu suy nghĩ để rồi giờ đây con làm khổ mẹ, vợ con của con.
Điều con sợ ở đây là hai con nhỏ của con mai sau sẽ ra sao. Với mẹ chưa một ngày báo hiếu mà còn làm mẹ khổ, Nhà nước còn hỗ trợ tuổi già vậy mà con lại để mẹ phải nuôi hai đứa con nhỏ của con. Nhất là giờ đây con lại ở trại xa nhà có lẽ con không còn cơ hội để gặp mẹ nữa rồi. Giờ đây con chỉ biết cầu nguyện cho mẹ được sống khỏe mạnh để còn lo cho hai cháu nhỏ.
Mẹ ơi! Khi con có gia đình, có con, con mới hiểu tấm lòng của bố mẹ, nhất là với con trong lúc này, môi trường này, dù những suy nghĩ ước ao những điều nhỏ nhất cũng không thực hiện được. Mẹ ơi, con đã biết những việc làm trái pháp luật thì phải chịu. Có điều cái đích để con cải tạo là hai đứa con. Nó đã không bố mẹ nhưng ít nhất một năm được nhìn thấy con nó lớn khôn thế nào? học tập ra sao? Những cũng chẳng bao giờ có nữa khi mà con lại bị chuyển trại xa gia đình. Vì vậy con chỉ biết nói ngàn lời xin lỗi mẹ phải làm mẹ khổ.
Mẹ hãy coi hai đứa nhỏ là hình bóng của con để lo cho hai cháu. Mẹ ạ! tuổi thơ của con cũng không có, bây giờ hai đứa nhỏ cũng thế. Tuy bố mẹ còn sống nhưng có làm được gì đâu, con chỉ sợ sau này không có người định hướng dạy bảo nó hư hỏng thì con ân hận lắm. Vì vậy con muốn nói thật nhiều để mẹ hiểu được, để dạy bảo hai cháu nhỏ cho con...".
Có lẽ chỉ giờ đây, sau những năm tháng trả giá cho tội lỗi sau song sắt trại giam, họ mới hiểu rằng cuộc đời luôn công bằng. Mọi tội lỗi đều phải trả giá và cái giá phải trả không chỉ là những bản án tù mà còn là nỗi day dứt, ân hận khôn nguôi của người phạm tội.
Theo An ninh Thế giới
Nụ cười phạm nhân buổi lao động cuối trước ngày đặc xá Nhiều đêm không ngủ vì trông ngóng ngày được đặc xá nhưng buổi lao động cuối cùng trước khi rời trại giam ai cũng rạng rỡ, nhiều tiếng cười vang trong mênh mông nắng gió. Sáng 29/8, 60 phạm nhân phân trại 5 thuộc Trại giam Thủ Đức (Tổng cục 8, Bộ Công an) ráo riết hoàn thành "công trình" của mình trước...