Phẩm màu E 102 được phép sử dụng trong mì ăn liền
Đây là kết luận chính thức của Văn phòng Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam ( Codex) đưa ra ngày 21/7, sau nhiều thông tin trái chiều về tác hại của phẩm màu vàng Tartrazine trong mì ăn liền.
Nhiều sản phẩm mỳ gói, bánh, kẹo hiện sử dụng phẩm màu vàng E 102. Ảnh minh họa: Nhật Minh.
Trước đó, mì Tiến Vua bò cải chua của Công ty Masan được quảng cáo không chứa phẩm màu E 102 mà công ty này coi là độc hại. Điều này đã châm ngòi nổ cho “chiến tranh” mì gói vì thực tế rất nhiều sản phẩm của các hãng mì khác, thậm chí của chính Công ty Masan có sử dụng phẩm màu này.
Phẩm màu vàng tổng hợp E 102 hay Tartrazine bị hạn chế sử dụng ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra một số chuyên gia lo ngại, nó có thể gây hiếu động thái quá ở trẻ, gây hen, gây yếu năng lực ở nam giới… Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng vì phẩm màu này không chỉ có trong thực phẩm mà được sử dụng trong nhiều loại bánh, kẹo….
Video đang HOT
Cũng vì thế, hôm nay Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam chính thức có thông báo khẳng định, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có E 102 đúng hàm lượng.
Để đưa ra khẳng định này, Ủy ban Codex Việt Nam đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia và đã tư vấn trực tiếp với các cơ quan, tổ chức quốc tế về phụ gia thực phẩm tại hội nghị Đại hội đồng Codex thế giới lần thứ 34 vừa được tổ chức tại Thụy Sĩ.
Theo đó, phẩm màu này đã được Ủy ban hỗn hợp chuyên gia về phụ gia thực phẩm quốc tế của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới, cũng như Hội đồng khoa học thuộc Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu nghiên cứu đánh giá nhiều lần. Các bên đều đã thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được là 7,5mg trên mỗi kg thể trọng mỗi ngày.
Ngoài ra, E 102 vẫn nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex (năm 2010). Cho đến nay các nước trong Liên minh châu Âu, Mỹ, các nước trong ASEAN và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E 102 trong chế biến thực phẩm.
Ban kỹ thuật Codex quốc tế về phụ gia thực phẩm đang hoàn thiện các điều khoản quy định mức tối đa của E 102 cho khoảng 80 loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau. Nhiều tiêu chuẩn Codex có nêu rõ mức tối đa trong sản phẩm. Ví dụ, tiêu chuẩn Codex cho mì ăn liền quy định mức tối đa cho E 102 là 300 mg/kg hay trong tương ớt là 100 mg/kg.
Ban kỹ thuật về phụ gia thực phẩm của Ủy ban Codex Việt Nam cũng kiến nghị tăng cường quản lý nhằm đảm bảo việc sử dụng phụ gia nói chung và phẩm màu Tartrazine đúng mục đích và liều lượng.
Năm 2009, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá lại tính an toàn của phẩm màu Tartrazine E 102 theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, ban Hội thẩm kết luận rằng hiện tại không cơ sở dữ liệu để sửa đổi quy định về mức ăn vào hằng ngày chấp nhận được.
Theo VNE
Hiểm họa transfat - Người tiêu dùng cần được bảo vệ
Đó là thông điệp mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam muốn gửi tới các cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng dầu chiên trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng .
Transfat và sức khỏe tim mạch
Transfat là một trong những yếu tố gây tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt. Theo các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra transfat còn có thể là tác nhân gây cản trở lưu thông máu gây ra các bệnh tim mạch nghiêm trọng - đó là một trong số các thông tin liên quan đến transfat trong báo cáo của TS. Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, tại buổi hội thảo "Hiểm họa transfat - Người tiêu dùng Việt Nam cần được bảo vệ" vừa được tổ chức vào cuối tháng 2 tại Hà Nội do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chủ trì.
Cũng tại hội thảo này, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, transfat là chất béo có hại có trong các loại thực phẩm sử dụng loại dầu chiên không đảm bảo chất lượng (đã qua quá trình hydro hóa ở nhiệt độ cao). Và cũng chính transfat là yếu tố gây rối loạn lipid máu và các bệnh tim mạch. Xu hướng của các gia đình hiện nay, đặc biệt là các gia đình trẻ, lại vô hình chung thích sử dụng những sản phẩm sử dụng dầu chiên có thể chứa transfat vì sự hấp dẫn bắt mắt và sự đa dạng về chủng loại như một số loại mì ăn liền, khoai tây chiên... Tuy nhiên, rất ít người trong số họ có thể lường trước được những nguy hiểm ẩn giấu mà họ đang mang đến cho bản thân và gia đình vì theo PGS Lâm đã báo cáo: Dầu chiên bị hydro hóa dùng trong chế biến giúp cho sản phẩm được bảo quản lâu hơn và tươi ráo hơn nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất đồng thời hấp dẫn người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không biết cách lựa chọn thực phẩm thì bệnh tim mạch chắc chắn sẽ có cơ hội tấn công vào cơ thể, bởi theo TS. Nguyễn Thị Bạch Yến: Các bệnh tim mạch đang trở nên phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên các bệnh này có thể phòng ngừa được một cách hữu hiệu nếu chúng ta nhận thức được tầm nguy hiểm của bệnh tim mạch, cũng như trang bị đầy đủ kiến thức về cách phòng ngừa, ví dụ như cần tránh xa các loại thực phẩm có transfat.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ
Nhận thấy tác hại của transfat, các cơ quan quản lý thực phẩm của các quốc gia phát triển trên thế giới đã bắt tay vào hành động. Năm 2003, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên áp dụng luật kiểm soát các loại thực phẩm có chứa transfat. Tiếp theo là Canada, quốc gia tiếp theo áp dụng luật yêu cầu tất cả các loại thực phẩm phải ghi rõ hàm lượng transfat trên bao bì. Ở nước ta hiện nay chưa có quy định nào về việc niêm yết thông tin về transfat trên bao bì. Theo phát biểu tại hội thảo của ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Với những tác hại do transfat gây ra hiện nay, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải ghi rõ thông tin về hàm lượng transfat trên bao bì sản phẩm. Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp quản lý transfat để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ thông tin trên bao bì khi lựa chọn thực phẩm. Tốt nhất nên chọn sản phẩm có niêm yết thông tin về transfat trên bao bì rõ ràng để đảm bảo sức khỏe tim mạch cho cả gia đình.
Theo SK&ĐS
Những màu thực phẩm nên tránh Chất tạo màu nhân tạo thường không tốt cho sức khỏe. Vì vậy bạn hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm khi mua để tránh các chất gây màu độc hại. Năm 1976, người tiêu dùng Mỹ cảm giác như họ đang ở trong một bộ phim kinh dị khi Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ FDA tuyên bố màu đỏ...