Phải thay đổi cách dạy tiếng Anh
Từ việc Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 không đạt mục tiêu (Báo ngày 30-12), sinh viên, giảng viên và chuyên gia giáo dục nhìn nhận lại cách dạy tiếng Anh trong nhà trường hiện nay.
ảnh minh họa
Và điểm chung của những ý kiến này là chương trình đào tạo tiếng Anh trong trường học hiện nay nặng về ngữ pháp, thời gian đào tạo ít, không có môi trường thực hành nghe – nói, sĩ số lớp đông…
“Điệp khúc” ngữ pháp
Bạn N.N.B. – sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – kể thời phổ thông và ngay cả ĐH, học và thi tiếng Anh ở trường chỉ là để đối phó.
Theo B., thời phổ thông, giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp, hầu như không có bất kỳ hoạt động rèn luyện kỹ năng giao tiếp nào.
“Vào ĐH, thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh, tôi học lớp tiếng Anh căn bản trong chương trình đào tạo của trường vì mất căn bản. Lớp đông, giảng lý thuyết nhiều nên tôi không tiếp thu được bao nhiêu.
Đến năm 4, phải tích lũy đủ 10 tín chỉ tiếng Anh để tốt nghiệp nên tôi tiếp tục đăng ký học. Cũng có bạn học ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài và nộp chứng chỉ quốc tế cho trường. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện học ở trung tâm” – B. kể thêm.
Tương tự, Nguyễn Minh Trí – sinh viên Trường ĐH Sài Gòn – cho biết việc học tiếng Anh của bạn từ phổ thông, ĐH tập trung vào “điệp khúc” ngữ pháp.
“Ở phổ thông, kiến thức tiếng Anh chủ yếu tập trung vào ngữ pháp. Để thi ĐH cũng luyện ngữ pháp. Chương trình tiếng Anh không chuyên, chuyên ngành bậc ĐH cũng tập trung nhiều vào… ngữ pháp mà ít thực hành giao tiếp.
Thời gian học chỉ có 6 tín chỉ Anh văn không chuyên và 6 tín chỉ Anh văn chuyên ngành. Môi trường thực hành kỹ năng hạn chế. Mỗi tuần học hai buổi nhưng lớp khá đông nên thời gian thực hành giao tiếp cũng rất ít” – Trí .
Video đang HOT
Trong khi đó, một sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết vì mất kiến thức căn bản bậc phổ thông nên việc học tiếng Anh ở bậc ĐH là “cực hình”. Dù đã hoàn thành chương trình đào tạo hơn một năm nhưng vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp vì vướng đầu ra tiếng Anh…
Ở góc độ khác, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói đầu vào ngoại ngữ của sinh viên yếu trong khi thời gian dành cho tiếng Anh quá ít nên khó có kết quả tốt.
“Hầu hết các lớp học tiếng Anh có sĩ số trên 35 sinh viên nên rèn luyện kỹ năng giao tiếp là không khả thi. Chúng ta kêu gọi giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy nhưng rất khó” – giảng viên này nói.
Ông Phan Thanh Tiến – Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) – cũng cho rằng thời gian đào tạo tiếng Anh không chuyên ở ĐH chỉ có 7 tín chỉ là quá ít so với yêu cầu.
Lâu nay việc đánh giá năng lực ngoại ngữ chỉ chú trọng vào từ vựng, ngữ pháp và bỏ qua kiểm tra nghe, nói. Việc đo lường như vậy lặp đi lặp lại nhiều năm, nhiều bậc học khiến người học không chú trọng rèn luyện kỹ năng này
ThS BÙI THỊ THANH TRÚC
Tăng thời gian rèn giao tiếp
Có kinh nghiệm trong đào tạo tiếng Anh, TS Vũ Thị Phương Anh xác định nguyên nhân chính dẫn đến sinh viên học nhiều năm vẫn không sử dụng được tiếng Anh là chương trình, phương pháp giảng dạy có vấn đề và người học thiếu môi trường thực hành giao tiếp.
Bà Phương Anh nói: “Đội ngũ giảng viên tiếng Anh hiện nay nhiều người học từ nước ngoài về, kiến thức và kỹ năng rất tốt.
Nhưng họ cũng khó có thể làm gì đột phá nếu chương trình và phương pháp giảng dạy vẫn như vậy. Việc học tiếng Anh nặng về thi cử đã trói buộc người học và giáo viên rất nhiều.
Lứa tuổi THCS khá đẹp để học ngoại ngữ. Tuy nhiên, tiếp xúc ban đầu và trong một thời gian dài không đúng phương pháp đến khi vào ĐH, các trường dù có làm cách nào cũng rất khó cải thiện.
Học ngoại ngữ mà chỉ chăm chú vào các con chữ trong sách thì không thể phát triển được. Phải thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy”.
Trong khi đó ThS Bùi Thị Thanh Trúc, trưởng khoa ngoại ngữ Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM, cho rằng cần phải thay đổi cách đo lường năng lực người học qua các bài thi.
Từ đó, hướng người học đến mục tiêu sử dụng ngoại ngữ trong khi vẫn đảm bảo kiến thức ngữ pháp.
“Lâu nay việc đánh giá năng lực ngoại ngữ thường chỉ chú trọng vào từ vựng, ngữ pháp trong khi bỏ kiểm tra nghe, nói. Việc đo lường này chưa đầy đủ và không chính xác, được lặp đi lặp lại nhiều năm, nhiều bậc học khiến người học không chú trọng rèn luyện kỹ năng này” – ThS Trúc nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, ThS Tống Thị Huệ – Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng chương trình phổ thông cần thay đổi theo hướng tăng thời gian rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
“Hiện nay giáo viên phải đảm bảo thời lượng theo quy định cứng, hầu như không có thời gian giúp học sinh thực hành nghe – nói nên sinh viên yếu các kỹ năng này” – ThS Huệ nói thêm.
Theo TTO
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 xa vời thực tế
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có một số mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học.
ảnh minh họa
có một số mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học, do đó, cần phải xây dựng chuẩn đầu ra tương ứng và phải có lộ trình để sinh viên đạt được.
Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo "Tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường cao đẳng đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2008-2016", do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 29/12 tại TP.HCM.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho rằng đề án dù đạt được nhiều kết quả như ngành giáo dục sẽ triển khai một số chương trình đào tạo giáo viên về ngoại ngữ; 100% sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và khung năng lực giáo viên ngoại ngữ theo các cấp học và trình độ đào tạo..., song quá trình triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đạt được mục tiêu đặt ra.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến thất bại của đề án là lộ trình triển khai dạy và học ngoại ngữ rất khác nhau. Một số trường triển khai chậm do thiếu giảng viên và không xây dựng lộ trình cụ thể theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Trong khi đó, một số trường lại xây dựng lộ trình triển khai nhanh nhưng không tính tới các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở thực tế phát triển của trường...
Ông Tuấn cho rằng nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ chưa đầy đủ, chưa tạo động lực, mục tiêu phấn đấu cho người học.
Sinh viên thiếu động lực học, thụ động tương tác trong giờ học, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ mà chỉ học cho đủ điều kiện trúng tuyển đại học và tốt nghiệp.
Giảng viên có trình độ ngoại ngữ không đồng đều, số người được đào tạo ở nước ngoài ít, trong khi đó chi phí để thi và lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khá cao và bị giới hạn về thời gian.
"Chương trình, giáo trình, tài liệu học tập vẫn ở mức độ cơ bản, không được cập nhật thường xuyên hướng tới chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Học liệu chưa phong phú, thiếu hấp dẫn sinh viên", ông Tuấn phân tích.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, thừa nhận dù đề án có được nhiều thành công song mục tiêu đề ra thời gian qua chưa đạt được.
"Vì vậy, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ bổ sung cho đề án giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua đề án chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định mới cho đề án giai đoạn 2017-2025", bà Hữu nói.
Theo đó, các trường sẽ phải rà soát yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Những trường chưa công bố chuẩn đầu ra cần xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên. Bên cạnh đó, một số trường thời gian qua đặt chuẩn B1 bậc 3 nhưng cũng gặp khó khăn với chuẩn này và cũng lưỡng lự có tiếp tục đặt chuẩn này hay không.
Để đạt mục tiêu đề án chuẩn ngoại ngữ quốc gia như Chính phủ đã phê duyệt, các trường cần tiếp tục xây dựng chuẩn đầu ra nhưng có lộ trình phù hợp để triển khai yêu cầu chuẩn đầu ra đó.
"Thời gian tới, việc triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia sẽ là một trong 9 trọng tâm của Bộ GD&ĐT. Dạy học ngoại ngữ sẽ là một mục tiêu trong nhà trường để triển khai đề án ngoại ngữ trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra không như giai đoạn vừa qua", bà Hữu cho biết.
Theo Zing
Những sự kiện đình đám của ngành Giáo dục năm 2017 Năm 2017 trôi qua với rất nhiều sự kiện giáo dục tác động mạnh mẽ đến xã hội. Bên cạnh những thành tựu xuất sắc, thì đâu đó trong ngành giáo dục vẫn tồn tại những vấn đề đáng lưu tâm xuất phát từ học sinh, phụ huynh và hiện hữu ngay cả trong chính nhà trường, trong đội ngũ giáo viên trên...