Phải tháo bằng được 2 điểm nghẽn: Nợ xấu – hàng tồn
Với tư cách là ĐBQH đồng thời là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói “cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, như một giải pháp tháo gỡ khó khăn chung, chứ không thể chỉ trông chờ vào Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: GD&XH
Lấy ví dụ việc “người dân Hàn Quốc ủng hộ vàng cho Chính phủ”, bà Tiến cũng cho biết những năm đầu lập quốc, “gia đình dòng họ nhà tôi từng góp vàng cho Chính phủ”, và giờ “người dân cũng cần phải vào cuộc”.
Nợ xấu là bao nhiêu?
Xuyên suốt chủ đề thảo luận báo cáo của Chính phủ, mối quan tâm của các vị đại biểu QH hầu như xoay quanh 2 điểm nghẽn của nền kinh tế: Nợ xấu và hàng tồn.
Dẫn chứng bằng số liệu suốt 3 năm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận định: Chính phủ đừng xem đó là tình hình đã phục hồi. Bởi chúng ta đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nhắc đi nhắc lại con số 40 ngàn DN phải giải thể, ông Ngân – Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của QH – đánh giá việc này “kéo theo thất nghiệp, nợ xấu ngân hàng”. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ còn 30%, so với 47% của năm trước đã kéo theo sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, DN không hấp thụ được vốn, hoặc có vốn nhưng thiếu niềm tin vào chính sách và nhân dân thì “không còn tiền”.
Theo ông Ngân, nợ xấu đang được để dai dẳng, phát sinh sau khi bong bóng BĐS nổ. Và việc mà Chính phủ cần làm là tập trung giải quyết nợ xấu, tách khối u nợ xấu ra khỏi cơ thể nền kinh tế.
Riêng chuyện tồn kho, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhắc tới con số “70 ngàn căn hộ tương đương khoảng 3 tỉ USD” chính là vốn xã hội và cũng là nợ xấu “đang nằm chôn ở đó”.
ĐBQH Trần Du Lịch thì đề nghị cần những biện pháp mạnh để hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho. “Chúng ta cần mở, đừng lo tái lạm phát mà đóng hết lại. DN cần được khoanh nợ, đừng để họ vì thiếu vốn lưu động mà phải đóng cửa, không trả được nợ”.
Về vấn đề nợ xấu, vị đại biểu QH này yêu cầu NHNN phải công bố rõ ràng nợ xấu là bao nhiêu. Ông kêu gọi QH phải chất vấn quyết liệt về nợ xấu, bởi nếu không rõ nợ xấu là bao nhiêu, ở khu vực nào thì không thể giải quyết được.
Một cách dõng dạc, ông đề nghị lập một uỷ ban quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để có thể tái cơ cấu một cách toàn diện từ cơ cấu đầu tư, ngân hàng, và đặc biệt là tái cơ cấu để giải quyết nợ xấu. “Hơn 40 ngàn DN đã giải thể, phá sản, tăng hơn 6% so với cùng kỳ, họ hết sức chịu đựng rồi, nếu chúng ta cứ kéo dài nợ xấu sẽ gây ra hậu quả rất lớn”.
Là người làm thực tiễn tại DN, ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa xin nêu 3 băn khoăn “tầm vi mô”: Về vốn, đang tồn tại tình trạng không thể giải thích. Vốn huy động trong dân tăng 12%, trong khi đó, dư nợ tín dụng lại tăng trưởng âm, hoặc chỉ 2%. Dòng tiền huy động trong dân đang chảy về đâu? có chảy về khu vực sản xuất kinh doanh không?- ông Hòa nêu câu hỏi.
Video đang HOT
Ông Hòa nêu, riêng nhập siêu chưa tới 1%, là bất thường, phản ánh sự đình trệ của sản xuất. Và vấn đề hàng tồn, dù báo cáo Chính phủ nói có giảm, nhưng không có báo cáo nào chứng tỏ tiêu thụ tăng, hay từ đầu năm các DN co hẹp sản xuất.
Không tăng, đồng lương sẽ mất thêm 8% giá trị
Quá trình thảo luận về ngân sách ngày hôm qua được các vị ĐBQH gắn với sự kiện thời sự mà 22 triệu người hưởng lương đang quan tâm: Việc Chính phủ xin khất lương.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền lên án việc “phân bổ dàn trải vào những cái không cần thiết” là lý do chính của việc “lấy đâu ra tiền mà tăng lương”. “Tôi rất đồng tình với lời nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói đó là cắt gì thì cắt chứ không thể cắt vào buổi đi chợ của người dân”- ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Khánh (Hà Nội) thì đưa ra so sánh: Tiền dùng để tăng lương theo báo cáo của Bộ Tài chính là 60 nghìn tỉ đồng, trong khi đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty lên đến 100 nghìn tỉ đồng. “Cần tránh phân bổ dàn trải để lấy tiền tăng lương cho cán bộ công nhân viên”- bà Khánh kiến nghị.
Tán thành với quan điểm này, ĐBQH Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cũng cho rằng việc “Chính phủ chưa tăng lương theo lộ trình sẽ ảnh hưởng đến người lao động gồm cả khu vực hành chính lẫn khối doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải đưa ra hàng loạt số liệu: TPHCM có hơn 138 ngàn người hưởng lương hưu, hơn 128 ngàn cán bộ công chức, trong đó 78 ngàn đang hưởng dưới “mức ba chấm”. Theo ông, những đối tượng này đang rất khó khăn khi mức chi tiêu tối thiểu, theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, lên tới 2,058 ngàn/tháng.
“Nếu sang năm lạm phát 8% như dự báo mà lương không tăng, có nghĩa đồng lương mất thêm 8% giá trị”- ông Hải nói. “Mức sống người làm công ăn lương chưa đảm bảo ở mức tối thiểu” và vì thế, việc giải thích “Nguồn ngân sách có hạn mà để chậm lương là không hợp lý”.
Ông Hải kiến nghị “Chính phủ phải thực hiện tốt cắt giảm chi tiêu, tăng nguồn thu đúng, hợp lý, để giữ lộ trình tăng tiền lương. Lần này CP cần cam kết với nhân dân nói được phải làm được”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần thành lập uỷ ban phát triển kinh tế
Vừa rồi xảy ra những yếu kém, sai phạm trong tập đoàn là do chúng ta bỏ Luật DNNN, các tập đoàn hoạt động bằng Luật DN “thường” trong khi vốn lại của NN. Và việc kiểm tra, giám sát rất lỏng lẻo. Về đề án đổi mới quản lý, trong thảo luận của Chính phủ thì đổi mới lại hết. Thủ tướng không còn quản lý tất cả các tập đoàn. Bổ nhiệm nhân sự cũng dưới đề xuất lên, theo các quy trình, do các bộ trưởng đề xuất. Các tổng công ty nhỏ thì do bộ, ngành quản lý.
Tuy nhiên, cá nhân tôi không đồng ý mô hình đó, mà muốn có một uỷ ban quốc gia như đại biểu Trần Du Lịch đề xuất, như ở Trung Quốc có Uỷ ban Phát triển kinh tế. Tức là uỷ ban có thể do Thủ tướng đứng đầu để có thể quản lý các tập đoàn. Chứ bây giờ các bộ, ngành chúng tôi thì chỉ quản lý nhà nước chứ quản lý doanh nghiệp thì lại không tách giữa quản lý DN và quản lý nhà nước. Đề án tái cấu trúc DNNN và các tập đoàn lớn mà Chính phủ đang đề ra sẽ còn tiếp tục hoàn thiện.
Theo laodong
'Thay vì hoãn tăng lương, nên cắt các khoản chi không cần thiết'
Có quan điểm khá căn cơ, đòi hỏi lương phải đi đôi với hiệu quả công việc, nhưng đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề xuất không trì hoãn lộ trình tăng lương, thay vào đó phải cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp bách.
Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo chí chiều 22/10, sau khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ báo cáo tại hội trường về nguy cơ ngân sách nhà nước không thể trang trải cho kế hoạch tăng lương tối thiểulên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013.
Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch là đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM, đại biểu chuyên trách của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà
- Xin cho biết quan điểm của ông khi Chính phủ báo cáo khả năng không thể tăng lương như lộ trình đã định?
- Tăng lương là xu hướng cần thiết để bảm bảo cuộc sống của công chức cũng như bộ máy chính trị. Để đảm bảo tăng lương đúng lộ trình, tôi đề xuất cắt giảm các khoản chi thường xuyên khác ngoài lương và trợ cấp xã hội, ít nhất 10% so với thực chi của năm 2012. Vì tôi thấy rằng, chi ngoài lương còn nhiều khoản vô tội vạ.
Tất nhiên, đồng thời với tăng lương là nâng hiệu quả hoạt động, tinh giản bộ máy, xem lại những chức năng không cần thiết. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, chúng ta đã sáp nhập các bộ, tổng cục, nhưng thực tế nhiều nơi bộ máy vẫn phình to ra, vẫn có những trường hợp không làm gì vẫn được hưởng lương và tăng lương đều đặn. Nếu cứ như vậy thì rõ ràng tăng lương không hiệu quả, sẽ gây ra những tác dụng tiêu cực.
Riêng với khu vực doanh nghiệp, lộ trình tăng lương cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bây giờ doanh nghiệp đang khó khăn, coi chừng tăng lương có thể khiến họ càng khó khăn hơn và mất khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ chủ yếu là gia công và lương thấp, không thể đòi hỏi một sớm một chiều thoát ly khỏi đặc điểm này để có lương cao ngay lập tức. Tôi đã tiếp nhận kiến nghị của hiệp hội các ngành hàng với hơn 4 triệu người lao động, họ đề nghị có lộ trình tăng lương phù hợp để họ còn xoay sở.
- Ngân sách nguy cơ không bố trí đủ cho việc tăng lương nhưng vốn xây bảo tàng vẫn được duyệt, trong khi nhiều bảo tàng đã xây chưa hoạt động hết công suất. Theo ông cần rà soát các khoản mục đầu tư này thế nào, bên cạnh việc cắt giảm các khoản chi thường xuyên?
- Chi cho đầu tư phát triển, những hạng mục nào cần thiết thì vẫn phải duy trì, nếu bội chi ngân sách đạt yêu cầu đề ra. Nhưng tôi đề nghị nín lại những gì chưa cần đầu tư gấp, kể cả trụ sở cơ quan. Thay vào đó, vốn đầu tư cần dồn cho những nhu cầu bức xúc như trường học, giao thông nông thôn, bệnh viện. Nén lại những khoản chi không cần thiết để tập trung cho những vấn đề bức bách, như vậy mới có trách nhiệm với dân.
- Các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội kỳ này cho thấy kinh tế xã hội cũng như thu chi ngân sách đang rất khó khăn. Vậy cảm nhận của ông về tình hình hiện nay thế nào?
- Báo cáo của Chính phủ cũng như cơ quan thẩm tra của Quốc hội đều cho thấy về hình thức thì tăng trưởng quý sau vẫn cao hơn quý trước, nhưng chất lượng tăng trưởng và đặc biệt là niềm tin thị trường vẫn là vấn đề rất lớn cần giải quyết.
Nhưng nên nhớ rằng thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ nhiều năm trước. Những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế thế giới và suy thoái 2008 vẫn chưa giải quyết triệt để, chúng ta lại phải đối mặt với những bất ổn mới. Thế giới hiện nay cực kỳ bất ổn, chưa bao giờ tôi thấy dự báo của các định chế thế giới lại thay đổi hàng tuần như thế này. Chúng ta cũng không tài cán gì hơn để dự báo hơn họ, vì vậy cũng không nên tự trói buộc mình vào các chỉ tiêu quá cứng nhắc.
Theo tôi lúc này chúng ta cần đánh giá cả 3 năm còn lại của kế hoạch 5 năm, để từ đó có giải pháp tổng thể hơn. Từ năm 2008 tới giờ, chúng ta liên tục thay đổi chính sách để ứng phó với bất ổn, nhưng lại chậm lồng ghép các biện pháp căn cơ mang tính trung dài hạn để có những thay đổi về chất. Chúng ta chỉ giải quyết triệu chứng bệnh bên ngoài, trong khi cơ thể rất thiếu sức đề kháng. Vì vậy cần tính toán để kiên quyết thực hiện tái cơ cấu toàn diện, nếu không chúng ta cứ loay hoay hoài, mỗi ngày khó khăn chồng chất khó khăn.
- Riêng với những khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Nhà nước cần làm gì thêm?
- Khó khăn của doanh nghiệp đã được nêu ra từ kỳ họp Quốc hội giữa năm. Nhưng như tôi đã nói, Nhà nước chỉ hỗ trợ có mức độ được thôi và với tình hình hiện nay, nhà nước không thể làm gì thêm mà nên để thị trường điều tiết.
Đúng là một loạt doanh nghiệp khó khăn, nhưng thử đặt câu hỏi ngược lại với doanh nghiệp là tại sao trong bối cảnh đó khối đầu tư nước ngoài vẫn hoạt động tốt, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu nhờ khối này? Đó là vì họ làm ăn cơ hơn, bài bản hơn, dựa vào vốn chủ sở hữu nhiều hơn còn ta lại thiếu căn cơ và phụ thuộc nhiều vào vốn đi vay. Phải chấp nhận một bộ phận doanh nghiệp để cho thị trường điều tiết và thanh lọc, chứ không thể dang tay bảo bọc hết được.
- Bộ phận doanh nghiệp cần phải thanh lọc đã hết chưa, thưa ông?
- Tôi nghĩ là chưa. Vấn đề quan trọng lúc này là làm gì thì làm, đừng để những doanh nghiệp có khả năng phát triển lại bị vạ lây. Với những doanh nghiệp đó, vốn là câu chuyện khó nhất. Vì cục máu đông nợ xấu mà ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp thì không có vốn để sản xuất kinh doanh. Tôi đề nghị mạnh dạn cho khoanh nợ với những doanh nghiệp có thị trường, có tiềm năng, để họ được tiếp tục vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Ông dự báo những khó khăn hiện nay còn kéo dài tới bao giờ?
- Tôi cho là những khó khăn hiện nay đã bộc lộ hết rồi, giải quyết nó thế nào phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai phía, doanh nghiệp và chính sách nhà nước. Nhưng lưu ý bất cứ chính sách gì triển khai từ nay tới cuối năm phải cân nhắc cho kỹ, làm sao tránh tác động xấu tới tâm lý cũng như niềm tin của thị trường. Ví dụ giá các mặt hàng thiết yếu phải kiên quyết theo định hướng thị trường, nhưng trong bối cảnh khó khăn này, lộ trình thực hiện có thể chậm lại một chút.
Theo VNE
"Đại gia uống chai rượu 2 triệu, công nhân ăn khoai sáng đi làm" "Báo chí nói nhiều về các đại gia ăn chơi, uống 1 chai rượu hết 1-2 triệu... Trong khi đó, có cô công nhân mỗi sáng ăn 1 củ khoai lang rồi uống nước vào cho nó nở để no bụng...", cử tri quận 3 trăn trở. Sau buổi tiếp xúc cử tri quận 1 vào sáng 17/10, Chủ tịch nước Trương Tấn...