Phải dùng công nghệ cao để chống thi hộ
Sau vụ bắt quả tang 24 thí sinh thi hộ cho 24 sinh viên hệ liên thông ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhiều trường đại học, cao đẳng ở TP. HCM đã siết chặt hơn kỷ cương phòng thi.
Không phải cá biệt
Tối 12/11, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bắt quả tang 24 thí sinh thi hộ môn Anh văn cho 24 sinh viên hệ liên thông của trường. Một số thí sinh thi hộ đã làm giấy chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên giả để qua mặt cán bộ coi thi.
Sự việc tại trường ĐH Tôn Đức Thắng không phải cá biệt. Ngày 17/11 vừa qua, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM cũng lập biên bản 36 thí sinh vi phạm quy chế trong buổi thi môn Anh văn.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, cho biết: “Đó là kỳ thi Anh văn đầu ra để sinh viên đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp.
Kỳ thi này có 3.800 sinh viên tham gia và trường đã lập biên bản vi phạm quy chế thi với 36 sinh viên, trong đó, có thí sinh đi thi hộ. Đối tượng thi hộ cũng làm giả chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên để vào phòng thi. Hầu hết thí sinh thi hộ là sinh viên của trường hoặc của một số trường đại học khác.
Những năm gần đây, trường siết chất lượng đầu ra bằng các kỳ thi Anh văn, Tin học để cấp chứng chỉ. Nhiều sinh viên đã hết thời hạn lấy bằng tốt nghiệp nên làm liều, nhờ người khác đi thi”. TS Trần Đình Lý cho biết, ngay sau kỳ thi đó, nhà trường đã đề ra nhiều biện pháp để chống việc học hộ, thi hộ như kiểm tra thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân trước khi thí sinh vào phòng thi. Nhà trường cũng làm bảng ảnh sinh viên để đối chiếu khuôn mặt với những thí sinh đang dự thi.
Nhiều trường khác như: ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Công nghệ TP. HCM, ĐH Công nghiệp TP. HCM cũng từng phát hiện thí sinh đi thi hộ cho sinh viên trong trường.
Sử dụng công nghệ cao
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Nhà trường đã làm thẻ sinh viên dạng thẻ PET để lưu dữ liệu. Sinh viên đến trường chỉ cần quét thẻ để vào lớp.
Lúc đi thi, trường sẽ căn cứ dữ liệu trên thẻ sinh viên, nhận dạng khuôn mặt, chứng minh nhân dân để vào phòng thi”. Tuy nhiên, sử dụng thẻ PET chỉ có thể kiểm soát tốt khi có lực lượng cán bộ coi thi, giảng viên lớn để tránh tình trạng sinh viên đưa thẻ để bạn quét giùm, khi nghỉ học. Do đó, trường đang dùng máy lấy dấu vân tay để điểm danh sinh viên. Việc này được trường thực hiện thử nghiệm trên 10.000 sinh viên học tại cơ sở An Phú Đông (Q. 12, TP. HCM). Giữa tháng 12/2014, trường sẽ triển khai đại trà trong toàn trường.
Video đang HOT
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM lập bảng ảnh kiểm tra sinh viên trước khi vào phòng thi, như cách làm ở kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Sử dụng thẻ PET kiểm soát sinh viên trước khi vào phòng thi cũng là phương án mà trường ĐH Văn Hiến, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM thực hiện. ThS Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, cho biết: “Đầu năm học, nhà trường có liên kết với ngân hàng làm thẻ cho sinh viên, với nhiều chức năng như: Rút tiền, dùng ra vào trường và thư viện…
Tuy nhiên, áp dụng công nghệ đó chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp nhà trường nhận dạng sinh viên khi đi thi. Nhà trường đã làm bảng ảnh của sinh viên đang theo học tại trường để đối chiếu với thí sinh, giống như cách kiểm tra thí sinh dự thi trong tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trong quá trình làm bài thi, nếu phát hiện hay nghi ngờ thi hộ, trường sẽ kiểm tra thông tin của thí sinh ngay. Quan điểm của trường là siết chặt kỷ luật phòng thi nhưng vẫn tạo sự thoải mái cho sinh viên làm bài tốt”.
Khi sinh viên đi thi mà quên thẻ sinh viên, giấy chứng minh nhân dân, sẽ được trường nhập thông tin kiểm tra, đối chiếu một cách nhanh chóng. Những trường hợp khác như sinh viên bị mất thẻ sẽ được trường tiến hành lăn tay, chụp hình lại rồi vào phòng thi làm bài và bổ sung giấy tờ sau.
ThS Phạm Thái Sơn cho rằng, điều quan trọng là các trường cần khơi gợi tư duy tự học và học thật, thi thật để tích lũy kiến thức. Trên giảng đường các bạn không cố gắng, sau khi ra trường, các bạn sẽ rất khó thích nghi với môi trường làm việc ở các doanh nghiệp.
Theo Quang Duy/Báo Sinh viên Việt Nam
Bắt quả tang 24 người thi hộ tại ĐH Tôn Đức Thắng
Tối 12/11, ĐH Tôn Đức Thắng đã bắt quả tang ngay tại phòng thi 24 người làm giả giấy tờ để thi hộ cho sinh viên của trường.
Trước đó chiều 12/11, một người đã gọi điện tới lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, có một nhóm sinh viên tổ chức thi học kỳ hộ, tối cùng ngày sẽ thi môn Anh văn 3 tại trường.
Sau khi tiếp nhận thông tin, phòng thanh tra - pháp chế - an ninh đã rà soát lịch thi và xác định đúng là 19h tối 12/11 có bốn phòng thi môn Anh văn 3 của 104 sinh viên liên thông. Kế hoạch tổ chức kiểm tra đã được vạch ra.
Quen biết nên thi giúp?
Theo kế hoạch, phòng thanh tra - pháp chế - an ninh trích xuất lý lịch của toàn bộ sinh viên bốn phòng thi này (bao gồm ảnh, địa chỉ, tên cha mẹ...), bên cạnh cán bộ coi thi còn bố trí thêm tám người xuống từng phòng kiểm tra với mục tiêu không bỏ sót sinh viên nào.
Nếu có nghi ngờ về hình ảnh, cán bộ sẽ hỏi thêm hai câu: địa chỉ ở đâu và tên cha mẹ là gì. Gần 19h toàn bộ sinh viên vào phòng thi.
Ông Nguyễn Quốc Bảo - trưởng phòng thanh tra - pháp chế - an ninh cho biết, theo quy định, trong lúc làm bài cán bộ coi thi vẫn được quyền kiểm tra nhân thân của sinh viên.
19h, sinh viên bắt đầu làm bài cũng là lúc tám cán bộ tăng cường xuống các phòng thi để kiểm tra nhân thân từng sinh viên. Kết quả, 24 thí sinh thi hộ đã bị phát hiện. Cán bộ trường lập biên bản đình chỉ thi, thu giữ thẻ sinh viên và yêu cầu người thi hộ làm tường trình.
24 người thi hộ sau đó được đưa về phòng riêng và trường yêu cầu viết tường trình, chụp hình và lăn lấy dấu vân tay. Với những người có giấy tờ tùy thân, trường giữ giấy tờ và cho về. Những người không có giấy tờ tùy thân, trường yêu cầu gọi người nhà lên bảo lãnh.
Riêng hai người cho biết không có giấy tờ tùy thân cũng không có người thân, sau đó đã được một người trong nhóm thi hộ (có giấy tờ) bảo lãnh. 21h30, toàn bộ 24 người thi hộ đã được cho về.
Theo tường trình của một người thi hộ, trường liên lạc với sinh viên đã thuê người này thi hộ thì được biết sinh viên và người thi hộ biết nhau qua Facebook và liên lạc với nhau để thực hiện.
Cũng theo tường trình của người thi hộ, đa số cho biết họ quen biết với sinh viên và chỉ thi hộ giúp, không có thỏa thuận về tiền. Trong khi đó, có vài trường hợp tường trình là có sự thỏa thuận về tiền bạc khi thi hộ, một trường hợp cho biết giá thi hộ là 800.000 đồng. Tuy nhiên họ vẫn chưa nhận tiền.
Công an phường không can thiệp
Theo một cán bộ của trường, ngay sau khi bắt quả tang 24 người thi hộ, trường đã gọi điện cho ông Khôi - đội trưởng đội an ninh Công an Q.7 (TP.HCM) - để trình báo và yêu cầu tiếp nhận vụ việc. Ông Khôi trả lời đây là vấn đề nội bộ, trường xử lý theo quy chế.
ĐH Tôn Đức Thắng, nơi vừa bắt quả tang 24 người thi hộ.
Một lúc sau ông Khôi gọi điện lại báo rằng đã xin ý kiến chỉ huy và vì đây không phải là kỳ thi quốc gia nên trường ghi nhận hồ sơ và xử lý theo quy chế của trường.
Trường gọi điện trình báo sự việc với trưởng công an phường Tân Phong - nơi trường trú đóng - và cũng nhận được câu trả lời tương tự, đồng thời công an phường cho biết không thể đưa người xuống trường.
Trường tiếp tục gọi điện cho người phụ trách trường ở PA83 (Phòng an ninh chính trị nội bộ) Công an TP.HCM và được hướng dẫn cách giải quyết khá chi tiết như trường đã làm trong phần nêu ở trên.
Riêng với những người không có giấy tờ tùy thân và thân nhân bảo lãnh, trường tiếp tục liên hệ với PA83 và được hướng dẫn liên hệ với công an phường mời họ đến làm chứng khi ghi biên bản, nhưng công an phường vẫn không đến trường hỗ trợ giải quyết vụ việc.
Một lãnh đạo của trường cho biết nhiều khả năng có đường dây thi hộ trong khi trường không có thẩm quyền giữ người nên đã trình báo với cơ quan công an nơi trường trú đóng. Đây là sự việc thi hộ nghiêm trọng và trường muốn làm tới nơi tới chốn để lật tẩy đường dây này và cảnh báo cho những trường khác.
Ngày 13/11, đại diện PA83 Công an TP.HCM đã đến trường nắm thông tin và tư vấn trường cần chuyển hồ sơ cho Công an Q.7. Chiều 13/11, trường đã cử người đến Công an Q.7 để chuyển hồ sơ và nhờ hỗ trợ.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng (TP.HCM) - cho rằng phường giải quyết như thế là thiếu trách nhiệm. Việc thi hộ như vậy đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó việc đầu tiên là công an phường phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin ban đầu vụ việc.
Sau đó, nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì công an phường chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, vụ việc xảy ra thuộc địa bàn quản lý của mình, công an phường cũng phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác để giải quyết.
Phường không vô trách nhiệm
Công an phường Tân Phong (Q.7, TP.HCM) xác nhận có nhận được thông tin vụ việc từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào chiều 12/11 và vụ việc này đã được thông báo cho Đội an ninh công an quận kiểm tra.
"Không phải công an phường từ chối trách nhiệm, tuy nhiên đây chỉ là việc gian lận thi cử của sinh viên trong trường ở kỳ thi kết thúc học phần (môn tiếng Anh) nên việc sinh viên vi phạm quy chế thi của trường thì nhà trường phải xử lý lập biên bản cấm thi đối với các trường hợp sinh viên đó.
Trường hợp nếu là kỳ thi đại học, kỳ thi đầu vào tốt nghiệp hay kỳ thi quốc gia... thì nhà trường không cần nói công an cũng phải vào cuộc, do đó hai việc này khác nhau hoàn toàn" - một lãnh đạo Công an phường Tân Phong nói.
Chúng tôi liên hệ với lãnh đạo đội an ninh Công an Q.7. Vị này nói vụ việc gian lận thi cử xảy ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng không thuộc thẩm quyền của đội nên không xử lý.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn - trưởng Công an Q.7. Ông Tuấn cho biết chưa nắm thông tin vụ việc và nói: "Bận họp".
Theo Minh Giảng/Báo Tuổi trẻ
Tự tô lại chữ trên chứng minh, thí sinh bị nghi thi hộ Do tự ý dán ảnh mới và tô lại chữ đã mờ trên chứng minh thư nhân dân, một thí sinh tại ĐH Ngân hàng đã bị nghi ngờ thi hộ. Sáng nay (9/7), tại HV Ngân hàng, một thí sinh không có ảnh trong thẻ dự thi, chứng minh thư có vấn đề đã bị nghi ngờ là đi thi hộ. Thí...