Phải đi đến cùng sự thật
Sau hơn 2 tuần vào cuộc, Bộ Công Thương ngày 8/11 đã thông báo kết quả kiểm tra hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ( VINASTAS) về vụ hội này thực hiện khảo sát và công bố thông tin về nước mắm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đoàn kiểm tra nêu rõ tên nhà tài trợ thì hoặc là có thể minh oan cho công ty A, doanh nghiệp B kia; hoặc là cơ quan hữu trách có cơ sở, chứng lý quan trọng để có thể trả lời bước đầu cho câu hỏi: Động cơ của việc tài trợ và nhận tài trợ này là gì?!
Theo kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành các cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc khảo sát nước mắm của VINASTAS không bảo đảm tính độc lập, tin cậy và minh bạch. Báo cáo kết quả kiểm tra cho thấy mặc dù hoạt động nhân danh VINASTAS nhưng khi thực hiện không xây dựng đề án, kế hoạch khảo sát rõ ràng; khảo sát chủ yếu do chủ tịch và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của VINASTAS phê duyệt và giám sát.
Vinastas phải cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát “nước mắm nhiễm asen”.
Báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành cũng chỉ ra quá trình lấy (mua) mẫu của VINASTAS thiếu tin cậy. Trong đó, toàn bộ 150 mẫu đã mua không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính. 89 mẫu chỉ có hóa đơn bán lẻ, hóa đơn bán hàng, bản kê bán hàng của nơi bán; 61 mẫu chỉ có bảng kê do cán bộ đi mua tự lập. Ngoài ra, có sự không thống nhất trong quá trình mã hóa mẫu; một số mẫu không được mã hóa trước khi yêu cầu thử nghiệm. “Theo thông tin do VINASTAS cung cấp, hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài, vì vậy không bảo đảm tính độc lập như quy định tại điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” – báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra chỉ rõ.
Đánh giá về nội dung thông tin do VINASTAS cung cấp, đoàn kiểm tra cho rằng việc hội này đồng nhất khái niệm asen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín” – một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học và gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng. Đặc biệt, bài “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” trên trang web của VINASTAS ngày 18/10 có nội dung “104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín) – một loại á kim cực độc” là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ khoa học và pháp lý, gây hoảng loạn và bức xúc trong xã hội.
Đoàn kiểm tra cũng nhấn mạnh việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của VINASTAS có dấu hiệu vi phạm quy định tại Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.
Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VINASTAS cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát “nước mắm nhiễm asen” gây hoang mang trong dư luận; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo điều lệ các cá nhân liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao Bộ Nội vụ làm rõ tư cách pháp lý của VINASTAS trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức kiểm tra việc chấp hành điều lệ đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động; giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của VINASTAS theo quy định pháp luật.
Video đang HOT
Bên hành lang Quốc hội chiều 8/11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng việc được công bố thông tin kết quả kiểm tra đối với VINASTAS đến mức nào phải dựa trên quy định pháp lý. Bà Phong Lan nhận định việc công khai thông tin còn có giá trị để rút kinh nghiệm cho các trường hợp khác, tránh lặp lại bài học đã xảy ra. “Trước đã có chuyện nước tương 3-MCPD rồi. Nếu làm được thì làm tới, công bố rõ ràng đi. Không kết tội nhưng phải giải thích được động cơ nào để làm chuyện đó. Đây là vấn đề luật pháp, đoàn kiểm tra kiểm tra xong thì quyền họ công bố đến mức nào thì cũng có luật định hết. Cứ úp úp mở mở cũng kỳ” – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận xét.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần nêu tên cơ quan tài trợ một cách công khai. Theo ông, cơ quan tài trợ phải là cơ quan độc lập, một tổ chức xã hội nhằm mục đích khoa học để bảo đảm công bằng, khách quan. Còn cơ quan tài trợ nếu là doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nước mắm, thì hành vi tài trợ đó, kết quả công bố đó là có vấn đề. “Có thể người ta đã lợi dụng việc công bố kết quả đó để cạnh tranh không bình đẳng. Việc này nếu có thì cần phải xử lý nghiêm túc. Tôi hy vọng Bộ Công Thương sẽ vì lợi ích chung, vì tính trong sáng và nghiêm túc của pháp luật. Để bảo đảm tính cạnh tranh của pháp luật thì sẽ công bố tên của nhà tài trợ đó ra” – TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Nếu đoàn kiểm tra nêu rõ tên nhà tài trợ thì hoặc là có thể minh oan cho công ty A, doanh nghiệp B kia; hoặc là cơ quan hữu trách có cơ sở, chứng lý quan trọng để có thể trả lời bước đầu cho câu hỏi: Động cơ của việc tài trợ và nhận tài trợ này là gì?!
Chỉ trích dẫn “theo thông tin do VINASTAS cung cấp…” và rồi đơn thuần kết luận việc nhận tài trợ bên ngoài để làm khảo sát, xét nghiệm đã khiến cho tính độc lập bị mất đi thì quả thật đoàn kiểm tra liên bộ do Bộ Công Thương chủ trì đã gây thất vọng không nhỏ. VINASTAS thừa hiểu nhận tiền là không khách quan và chắc chắn cũng nắm rõ điều 28 – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vậy tại sao họ vẫn nhắm mắt làm bừa, tại sao họ cố tình nhập nhèm các tiêu chuẩn và độ an toàn/nguy hại của asen…? Đó là những câu hỏi rất cần được làm rõ.
VINASTAS có thể sẽ phải chịu nhiều hình phạt trong thời gian sắp tới nhưng nhà tài trợ đã chi tiền cho VINASTAS thực hiện và công bố cuộc khảo sát về nước mắm tai hại như chúng ta đã biết cũng phải bị xem xét, xử lý. Làm như thế mới công bằng, mới đi đến cùng sự thật!
(Theo Báo Pháp Luật)
Bộ Nông nghiệp đầu tiên báo cáo Thủ tướng về chất lượng nước mắm
Ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông tin về chất lượng nước mắm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8568/VPCP-TTĐT ngày 10/10/2016 về việc kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh về "Nước hóa chất = nước mắm công nghiệp" và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9030/VPCP-KGVX ngày 22/10/2016 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức tới người dân về loại và hàm lượng Arsen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang dư luận".
Theo đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện của Bộ Y tế, Bộ Công Thương để rà soát, bổ sung một số thông tin có liên quan về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nước mắm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và khẳng định kết quả kiểm tra nước mắm của đoàn kiểm tra liên ngành cho kết quả 100% các mẫu đều an toàn - ảnh nguồn Vietnamnet
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Arsen có thể tồn tại dưới dạng vô cơ và hữu cơ; arsen hữu cơ là kết quả của quá trình trao đổi chất tự nhiên, do đó có trong thực phẩm (bao gồm cả cá). Vì vậy, sản phẩm nước mắm được lên men từ cá có tồn tại arsen hữu cơ.
Arsen hữu cơ không gây độc cho người, vì vậy không cần đánh giá mức độ nguy hại và không quy định giới hạn tối đa trong thực phẩm (đặc biệt là sản phẩm nước mắm với mức tiêu thụ hàng ngày rất thấp).
Trong khi đó, arsen vô cơ (còn gọi là thạch tín) gây độc cho con người, do vậy, có quy định giới hạn tối đa (hàm lượng an toàn) trong thực phẩm.
Như vậy, theo công bố ngày 22/10 của Bộ Y tế, 247/247 mẫu nước mắm của 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (lấy ngẫu nhiên trên thị trường và một số siêu thị) được kiểm nghiệm không phát hiện asen vô cơ. Điều này cũng có nghĩa 100% mẫu nước mắm an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông tin: hiện nay, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, hàm lượng Arsen vô cơ tối đa trong nước chấm (bao gồm cả nước mắm) được quy định là 1 mg/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dẫn kết quả khảo sát trên tạp chí Food Chemistry (tháng 2/2008) về hàm lượng Arsen có trong nước mắm sản xuất ở Việt Nam và Thái Lan xuất sang Áo cho thấy tổng asen chỉ từ 0,69-2,75 mg/l, trong đó, chủ yếu là arsenobetaine, một dạng asen hữu cơ không độc hại, không phát hiện Arsen vô cơ.
Về quy định về phụ gia trong sản xuất nước mắm, tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm do Việt Nam và Thái Lan đồng đề xuất Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) ban hành quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm thuộc 6 nhóm.
Bộ Y tế cũng ban hành thông tư quy định 400 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, trong đó quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong sản xuất nước mắm có thể sử dụng một hoặc một số phụ gia nằm trong danh sách 17 phụ gia quy định. Bên cạnh đó, theo kết luận này, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đảm bảo độ tinh khiết, đúng đối tượng sử dụng và không vượt ngưỡng theo quy định.
Về chất lượng nước mắm và việc ghi nhãn minh bạch, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nước mắm là sản phẩm truyền thống, lâu đời của Việt Nam. Phương pháp sản xuất truyền thống là quá trình lên men tự nhiên hỗn hợp bao gồm cá và muối. Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá như cá cơm, cá nục, cá trích, cá thu...Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sản phẩm nước mắm đã trở nên đa dạng hơn.
"Ngoài sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp truyền thống nêu trên còn có các sản phẩm được tạo thành thông qua việc pha chế nước mắm được sản xuất bằng phương pháp truyền thống này với việc bổ sung thêm các chất tạo màu, chất tạo ngọt, chất điều vị, chất bảo quản", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy hiện nay, một số cơ sở sản xuất chỉ thể hiện thông tin về hàm lượng đạm tổng trên nhãn, không công bố hàm lượng đạm axit amin hay đạm amoniac hoặc công bố không trung thực hàm lượng đạm trên nhãn.
Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm sử dụng phụ gia thì việc thể hiện các thông tin về các loại phụ gia đã được sử dụng trong quá trình sản xuất nước mắm cũng chưa minh bạch như: thể hiện không đầy đủcác loại phụ gia sử dụng; chỉ thể hiện mã số ký hiệu phụ gia; thể hiện các nội dung trên nhãn không đúng kích cỡ, vị trí theo quy định nên rất khó nhận biết.
Để đảm bảo minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức rà soát Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ hơn khái niệm nước mắm truyền thống; quy định cụ thể hơn về phân loại, ghi nhãn và các nội dung khác để đảm bảo phù hợp, hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế CODEX STAN 302-2011 "Standardforfish sauce"", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ.
(Theo Giáo Dục)
Nước mắm an toàn, xử lý trách nhiệm của Vinastas thế nào? Qua kiểm nghiệm cho thấy, không phát hiện Asen vô cơ (thạch tín) và cũng không thấy nước mắm bị nhiễm các kim loại nặng khác như chì, cadimi, thủy ngân. Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường cho đánh giá 67% số mẫu nhiễm...