Phải bàn kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT
Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 năm nay đang chịu áp lực rất lớn do dịch Covid-19 – ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Chiều 2.8, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương bàn kỹ về phương án thi tốt nghiệp THPT.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi. Về cơ bản, việc chuẩn bị đã hoàn tất, từ ban hành quy chế, đề thi (đã giao đề đến tận hội đồng thi các địa phương, đang đi sao), phần mềm chấm thi, tập huấn cho cán bộ coi thi…
Bộ GD-ĐT đề xuất thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt trong diễn biến dịch Covid-19
Bộ GD-ĐT đề nghị thi làm 2 đợt
“Mọi việc đã sẵn sàng, nhưng Covid-19 xuất hiện lại. Trước tình hình này, mục tiêu tổ chức kỳ thi phải an toàn tuyệt đối, không chỉ về chuyên môn mà cả về sức khỏe. Chúng tôi đã họp trực tuyến, hầu hết các địa phương đều báo cáo đã chuẩn bị chu đáo. Có 2 địa phương đề nghị xin dừng thi và xét tuyển đặc cách, là Đà Nẵng và Quảng Nam”, ông Nhạ cho biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT “đề xuất phương án chia làm 2 đợt thi”. Đợt 1, các địa phương không có nguy cơ cao về dịch bệnh sẽ tổ chức thi. Các địa phương chưa an toàn như Đà Nẵng, Quảng Nam thì thi đợt 2. Các thí sinh thuộc diện F1, F2 cũng được tổ chức thi đợt 2.
Dù phương án này là “rất khó khăn” nhưng ông Nhạ nhấn mạnh: “Bộ cố gắng chọn vất vả để làm sao kỳ thi được an toàn, đảm bảo chất lượng không chỉ tốt nghiệp phổ thông mà còn phân loại cho đại học, đảm bảo công bằng, minh bạch cho các em”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chỉ đạo các trường đại học xét tuyển sinh phù hợp với tinh thần tự chủ và đảm bảo lợi ích tối đa cho học sinh, để các em thi sau vẫn được xét vào đại học, chứ không mất cơ hội.
Bản tin Covid-19 ngày 2.8: Một ngày 34 ca mới, nỗi lo từ những ca bệnh không triệu chứng
Dịch rất phức tạp, chưa hình dung sẽ diễn biến ra sao
Cũng phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng tình hình dịch rất phức tạp và chưa hình dung được sẽ diễn biến tiếp theo ra sao, nên cần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội, “không nên có những tiếng nói khác trong hệ thống chính trị”.
“Thủ tướng hỏi đi hỏi lại là dư luận xã hội hiện nay ra sao, nên cần tuyên truyền và chuẩn bị thật tốt. Hiện dư luận và báo chí có ý kiến đặt đi đặt lại về vấn đề này, nên đề nghị nếu đã chọn phương án rồi thì thống nhất trong trao đổi. Các địa phương nếu đã cam đoan thi an toàn, thì đề nghị cần chăm chút, tập trung cho kỳ thi không kém phòng ngừa, chống Covid-19″, ông Bình nói.
Sức khỏe và an toàn tính mạng phải được đặt lên hàng đầu
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT đã được quy định ở luật Giáo dục nên nếu không thi trên toàn quốc thì chỉ có Quốc hội có thẩm quyền quyết định dựa trên đề xuất của Chính phủ…
Theo ông Thắng, Bộ GD-ĐT phải liên tục theo dõi và tham mưu cho Chính phủ quyết sách phù hợp với từng thời điểm vì dịch bệnh diễn biến khó lường. Bộ GD-ĐT không nên đưa ra một quyết định cứng nhắc mà cần căn cứ vào thực tiễn từ nay đến khi diễn ra kỳ thi. “Sức khỏe và an toàn tính mạng của thí sinh, giáo viên và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến kỳ thi”, ông Thắng đề nghị.
Tuệ Nguyễn
Cũng theo ông Bình, việc bảo đảm an toàn với học sinh thì tương đối dễ vì trong địa phương với nhau, biết F0, F1, nhưng cái khó là lực lượng giáo viên của các trường đại học đến giám sát và hỗ trợ thi.
“Những người này sẽ di chuyển ra khỏi địa phương, phải chuẩn bị thế nào đây, tâm lý của họ thế nào. Chúng ta có 2 đợt thi, vậy tiêu chí là gì? Khi nào thi đợt 1, khi nào thi đợt 2 cần rất rõ ràng. Mấy ngày tới, có thể 1, 2 địa phương có xuất hiện dịch chẳng hạn, thì ta dựa vào tiêu chí nào để làm?”, ông Bình khuyến nghị.
Theo ông Bình, luật Giáo dục đại học không bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT quốc gia, việc thi do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định và hằng năm có thông tư hướng dẫn. Luật cũng không quy định đặc cách tốt nghiệp nên vấn đề đặc cách là không thể được, nhưng Bộ trưởng có thể quyết định nội dung và phương thức thi.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế rà soát tất cả mọi tình huống, đảm bảo thi là phải an toàn – ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
“Không phải vì dịch mà lại tranh luận về thi”
Phát biểu về việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Không vì câu chuyện dịch mà lại tranh luận về thi”. “Lúc này chúng ta bàn về thi là bàn về phòng dịch, bởi thi là một cuộc tập trung đông người, chứ không bàn về câu chuyện có cần thi hay không, tốt nghiệp hết thì thi làm gì? Chỗ nào cách ly xã hội, ai ở đâu ở yên đó, thì đương nhiên không thể đi thi được. Chỗ nào F1, đang cách ly tập trung theo quy định thì đương nhiên không đến phòng thi được. Còn các nơi khác thi là theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của T.Ư theo lộ trình đổi mới giáo dục. Chúng ta làm tinh thần là tuyệt đối an toàn. Giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, rà tất cả mọi tình huống, đảm bảo thi là phải an toàn”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Ông Đam cho hay: “Trong kỳ thi có một tỷ lệ các cháu chỉ muốn lấy chứng chỉ tốt nghiệp, không tham gia xét tuyển vào đại học, thì xử lý rất đơn giản. Số thứ hai là các cháu có trường đại học theo tự chủ đã xét học bạ và đủ tiêu chuẩn vào trường rồi, nhưng theo quy định là phải có bằng tốt nghiệp THPT thì mới vào được, cũng liệt vào nhóm thứ nhất”.
“Cái quan trọng là nhóm thứ ba, các cháu muốn vào đại học theo trường mình thích nhưng trường đó lại yêu cầu thi, thì số này chúng ta sẽ tổ chức thi. Đề nghị Thủ tướng không kết luận 2 đợt, vì có thể 3 đợt, tùy vào tình hình. Đương nhiên, xã hội sẽ có một luồng dư luận là không đảm bảo tuyệt đối công bằng, vì các cháu này có thời gian ôn thi dài hơn. Nhưng đây là sự động viên của toàn xã hội đối với các cháu không may ở vào vùng dịch. Các trường đại học đã có số lượng các năm trước bao nhiêu cháu ở vùng này rồi, thì để lại một phần chỉ tiêu, cần thiết thì tăng chỉ tiêu để hỗ trợ các cháu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng giao cho Bộ GD-ĐT căn cứ thực tiễn để chỉ đạo các địa phương phương án đảm bảo an toàn, có phương án chặt chẽ với các địa phương được cách ly. Những khu vực giãn cách xã hội, có ổ dịch thì chưa thi. Đảm bảo việc thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định.
Bộ Y tế phát thông báo khẩn số 22: Tìm người liên quan đến bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam.
Ý kiến:
Học sinh lớp 12 năm nay chịu áp lực rất lớn, ảnh hưởng việc học, thi do dịch Covid-19 – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Hãy thí điểm xét tốt nghiệp, không tổ chức thi
Trong tình huống dịch bệnh đang lây lan nghiêm trọng mà chúng ta còn chưa tìm ra nguồn lây nhiễm ban đầu thì không nên và không nhất thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Mọi hoạt động tập trung đông người cần phải hạn chế. Nếu vẫn quyết định thi, liệu Bộ GD-ĐT có đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối cho thí sinh và phụ huynh cũng như những người tham gia vào công tác tổ chức thi hay không? Nhân năm nay dịch Covid-19 thì Bộ GD-ĐT hãy thí điểm việc xét tốt nghiệp để thấy được điều này rất nên làm, không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi mang tính toàn quốc chỉ để loại ra mấy phần trăm thí sinh. Hãy xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả học tập THPT. Còn việc xét tuyển ĐH, CĐ, các trường chắc chắn sẽ có phương án phù hợp và chắc chắn cũng không gặp phải khó khăn gì. Trường tốp dưới họ chỉ cần thí sinh tốt nghiệp THPT. Còn trường tốp trên có thể tổ chức một kỳ thi riêng, không tập trung thi trực tiếp được do dịch Covid-19 thì có thể thi qua mạng, hoặc họ xét thêm các tiêu chí khác…
Gs Nguyễn Minh Thuyết
(Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Sao câu nệ mãi một kỳ thi !
Nếu cho rằng có thi thì học sinh mới học để nhằm giữ cho bằng được kỳ thi, tôi cho rằng không ổn và không chính đáng. Thực tế học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình trước ngày 15.7. Trong những năm gần đây, kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ đậu trên 95%, năm nay kỳ thi chỉ còn mục đích là tốt nghiệp THPT, yêu cầu đề thi chắc chắn sẽ giảm nhẹ để phù hợp với việc học sinh phải nghỉ học kéo dài thì tỷ lệ đậu chắc sẽ còn cao hơn. Vậy chúng ta cứ câu nệ mãi một kỳ thi để làm gì khi tình hình dịch bệnh diễn ra khá phức tạp.
Nguyễn Văn Ngai
(Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Bỏ thi sẽ không ảnh hưởng nhiều
Với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cao như mọi năm, nếu bỏ thi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nếu tổ chức thi thì việc kiểm tra nhiệt độ, mang khẩu trang, ngồi cách xa để giảm thiểu nguy cơ truyền nhiễm… không phức tạp lắm. Nhưng sẽ tốn kém hơn vì cần nhiều không gian, nhiều giám thị…
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ
(Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope – Mỹ)
Dù thi 1 hay 2 đợt đều có nhiều vấn đề
Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay cần được cân nhắc kỹ trên tình hình thực tế dịch bệnh. Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu kỳ thi có thể thấy trong tình huống bất khả kháng có thể không tổ chức kỳ thi này.
Mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, việc không tổ chức thi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Mục tiêu phục vụ tuyển sinh cho các trường ĐH, nếu không có kỳ thi này, mọi việc sẽ khó khăn hơn nhưng không phải không có cách. Dù chưa có quyết định chính thức nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các trường ĐH phải tính đến phương án dự phòng.
Trong khi đó, nếu quyết định tổ chức kỳ thi dù 1 hay 2 đợt, cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể, nếu thi 1 đợt và xét đặc cách tốt nghiệp cho các thí sinh vùng dịch, các thí sinh này sẽ khó khăn hơn khi xét tuyển vào các trường khi không có điểm thi. Nếu thi 2 đợt, có thể xảy ra tình huống kết quả đánh giá thí sinh khác nhau. Chưa kể, 2 lần thi nếu tổ chức xa nhau cũng vẫn làm xáo trộn lịch tuyển sinh và lịch học năm mới của các trường.
Pgs-Ts Bùi Hoài Thắng
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Như tham gia một trò chơi mạo hiểm
Dù mong muốn thi tốt nghiệp để lấy điểm xét tuyển vào một trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng thi tốt nghiệp trong thời điểm này giống như mạo hiểm làm một việc gì đó mà tụi em bắt buộc phải tham gia vì không còn lựa chọn nào khác. Ba mẹ em cũng lo lắng bảo thà để năm sau học lại chứ vẫn không dám để con mạo hiểm thi trong năm nay.
Lưu Hải Phong
(Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Đi thi phải chịu áp lực rất lớn
Bố mẹ em đang rất lo lắng vì độ nguy hiểm của dịch bệnh. Còn bản thân em, cả tuần nay không dám ra khỏi nhà, trong kỳ thi bọn em sẽ ngồi chung với nhiều bạn đến từ trường khác, không biết rõ là các bạn có đi du lịch hay có nguy cơ mắc bệnh hay không. Do vậy đi thi trong thời điểm này bọn em cũng chịu áp lực tâm lý rất lớn, vừa áp lực về bài thi, vừa mang tâm lý lo sợ lây bệnh từ cộng đồng.
H.A
(Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Khá nguy hiểm
Không chỉ riêng em, nhiều bạn bè của em cũng đã được xét tuyển vào đại học, việc thi tốt nghiệp bây giờ chỉ mang tính hình thức, vì thực tế, nhìn vào học bạ đã có thể đánh giá được quá trình học của tụi em, trong khi đi thi bây giờ khá nguy hiểm, bọn em rất lo lắng.
B.Y.V
(Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Thanh Niên (ghi)
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Tiềm ẩn rủi ro
Ngày 5/6, tại cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu bàn về thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói rằng, kỳ thi được Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương, do đó địa phương phải chuẩn bị kỹ, tránh việc chỉ đạo chưa chu đáo, tiềm ẩn rủi ro.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở địa phương năm 2019
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra ngày 9-10/8 không đơn thuần chỉ xét tốt nghiệp mà căn cứ vào kết quả kỳ thi, ngành giáo dục điều chỉnh, bổ sung cách dạy và học; địa phương đánh giá kết quả giáo dục so với các địa phương khác và làm cơ sở cho các trường ĐH tuyển sinh. Vì thế, yêu cầu kỳ thi phải đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.
Ông Nhạ nói, dù kỳ thi đã được Chính phủ giao cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện nhưng Bộ GD&ĐT, bản thân bộ trưởng cũng chịu trách nhiệm rất lớn. Vì thế, các địa phương phải chuẩn bị sớm, kỹ từng khâu. "Kỳ thi này đã được tổ chức nhiều năm và bài học của kỳ thi 2018 vô cùng đắt giá vẫn còn đó", ông nói.
Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi cũng đặc biệt quan trọng, đặc biệt khâu chuẩn bị và lắp đặt camera bảo đảm chất lượng theo quy định; tránh hiện tượng có camera nhưng không hoạt động hoặc hoạt động trục trặc. Một số vùng miền núi hay xảy ra mưa lũ, địa phương cần có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn cho điểm thi, hỗ trợ thí sinh đến dự kỳ thi an toàn, kịp thời.
Về tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT lưu ý địa phương giám sát kỹ một số khâu như in sao, vận chuyển đề thi; bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Cần nghiên cứu thật kỹ và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi. Ngoài ra, một điểm mới là năm nay thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT, việc này giúp phát hiện ra những "điểm trũng" để có chính sách tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Nhạ cũng yêu cầu, tất cả cán bộ, giáo viên, thanh tra năm nay được cử đi làm thi phải được tập huấn kỹ về quy chế thi. Sau khi tập huấn phải được kiểm tra để xem cán bộ nắm đến đâu, không được tham gia cho có hoặc kiểu "đánh trống ghi tên". Khi tham gia, cán bộ phải nắm được vai trò, nhiệm vụ cụ thể của mình là gì.
Về học tập, Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu các Sở chỉ đạo các nhà trường ôn tập, chuẩn bị tốt kiến thức theo chương trình để học sinh tham gia kỳ thi tốt nhất. Kỳ thi năm nay tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi.
Kiến nghị của các địa phương
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, dự kiến năm nay Hà Nội có khoảng 80.000 thí sinh, tăng 2.000 so với năm ngoái. Kỳ thi năm nay giao cho các địa phương nên thành phố xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, giám sát kỹ từ việc chuẩn bị đến khâu tổ chức thi. Hà Nội sẽ chuẩn bị 3.354 phòng thi với khoảng 8.700 cán bộ coi thi; 1.340 cán bộ phục vụ thi.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nói rằng, năm nay thành phố có lượng thí sinh dự thi tương đương Hà Nội (khoảng 80.000). Ông Hiếu cho biết, địa phương sẽ bố trí điểm thi ở trung tâm; việc giao đề, nhận bài thi sẽ diễn ra trong 1 ngày ở một nơi tập trung có công an giám sát. Năm nay, giáo viên địa phương coi thi, chấm thi, do đó để tránh việc giáo viên chấm trúng bài thi của học sinh, thành phố sẽ bố trí 2 khu chấm thi A và B và giáo viên phải chấm chéo.
Ông Hiếu đề nghị Bộ GD&ĐT ra đề thi nhằm xét tốt nghiệp, nhưng đảm bảo phân hóa để các trường ĐH tuyển sinh, bởi trước đó, đề thi một số năm, chuyên gia góp ý có một số câu thí sinh không làm được. Ngoài ra, ở khâu chấm thi, cần có lực lượng công an từ Bộ Công an và công an địa phương giám sát 24/24h. Kỳ thi năm nay muộn nên cần điều chỉnh việc chấm thi phúc khảo kết thúc trước thời gian khai giảng năm học mới, ông Hiếu nói.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, cho biết năm nay tỉnh có 18.700 thí sinh dự thi, trong đó có tới 9.000 em ở miền núi, trung du nên việc bố trí điểm thi phải tính toán. Ông Quốc ủng hộ điểm mới trong kỳ thi năm nay là sẽ đối sánh học bạ và điểm thi, nhưng ông đề nghị Bộ không nên tiếp tục xếp thứ tự điểm trung bình của các môn thi của các địa phương. Theo ông Quốc, việc xếp thứ tự điểm trung bình giữa các địa phương bất cập và gây áp lực cho các sở GD&ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói rằng, kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT không buông xuôi, khoán trắng cho các địa phương mà sẽ làm hết chức trách, nhiệm vụ. Điều này không chỉ thể hiện ở khâu ra đề thi, cung cấp khâu kỹ thuật liên quan chấm thi mà thể hiện rõ ở khâu thanh tra. Mục đích của thanh tra nhằm làm rõ hơn việc phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra ở tất cả các khâu, giúp các cấp làm đúng việc, nhiệm vụ.
Tuy năm nay có 3 lực lượng thanh tra cấp bộ, sở, tỉnh nhưng sẽ có hướng dẫn rõ trách nhiệm, rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm, vì thế không có chuyện chồng chéo giữa các lực lượng. Yêu cầu mọi công đoạn thanh tra không có khoảng trống, điểm mờ mà có mặt hết trong tất cả các khâu từ chuẩn bị thi, thi, đến chấm thi, làm phách...
Công bố kết quả thi tốt nghiệp ngày 27/8
Ngày 5/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, sau khi kết thúc kỳ thi hơn 2 tuần, ngày 27/8, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi cho thí sinh.
Theo ông Trinh, sau khi Bộ ban hành Quy chế thi, các địa phương cần bắt tay nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo thi. Trên cơ sở phải thực hiện các phần việc đúng quy chế, phân rõ chức năng, nhiệm vụ từng người. "Trong làm thi, khâu nào cũng quan trọng nhưng có 3 khâu quan trọng nhất chính là: in sao đề thi, bảo quản bài thi, chấm thi", ông Trinh nói.
Các địa phương đặc biệt chú ý địa điểm lưu trữ bài thi, triển khai chấm thi. Hai khâu này được dự báo nhiều rủi ro có thể xảy ra. Ông Trinh cho rằng, nếu thực hiện đúng quy trình, quy chế đảm bảo sẽ không có gian lận xảy ra. Tuy nhiên, nếu ai đó có ý định gian lận từ đầu thì không lường hết được. Do đó, khi lựa chọn cán bộ tham gia làm thi, địa phương nên phối hợp lực lượng công an xác định phẩm chất, đạo đức cán bộ.
Ông Trinh lưu ý, trong quá trình chuẩn bị các địa phương phải rà soát từng khâu. Trong đó, vai trò của Sở GD&ĐT thể hiện rõ trong việc đảm bảo đội ngũ coi thi, chấm thi, cơ sở vật chất; in sao đề thi. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh có phương án tốt nhất phục vụ và chấm thi trắc nghiệm. Phiếu trắc nghiệm phải in giống phiếu mẫu, đúng hướng dẫn. "Địa phương nào gây ra lỗi về phiếu, trách nhiệm trực tiếp giao cho Sở GD&ĐT", ông Trinh nói.
Nguyễn Hà
Thí sinh lo lắng thi hay dừng kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dịch Covid -19 Hiện nay dịch Covid -19 diễn ra phức tạp nhưng thí sinh vẫn không biết kỳ thi tốt nghiệp THPT có diễn ra hay không khi có nhiều đề nghị nên dừng tổ chức kỳ thi này. Học sinh lớp 12 băn khoăn, lo lắng không biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có diễn ra khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại...