Phá đường dây ma túy quốc tế cực lớn, thu giữ 1,3 tấn ketamin
Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cảnh sát Đài Loan ( Trung Quốc) triệt phá một đường dây ma túy xuyên quốc gia cực lớn do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu.
Điều đáng lo ngại là, ngoài núp bóng những nhà máy dược chuyên sản xuất thuốc chữa COVID-19 để thu mua hàng ngàn tấn hóa chất, tiền chất để sẵn sàng cho “ra lò” những mẻ ma túy khổng lồ, các lô hàng cấm trị giá hàng chục triệu USD này được các tay trùm ma túy quốc tế sử dụng chiêu thức ngụy trang cực kỳ tinh vi, lần đầu tiên được phát hiện, có thể “qua mặt” tất cả các biện pháp kiểm tra từ soi chiếu bằng các loại phương tiện, máy móc hiện đại tới thô sơ như sử dụng chó nghiệp vụ của lực lượng chức năng.
Đường dây tội phạm nguy hiểm
Đầu tháng 8/2023, qua kênh hợp tác quốc tế, cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp cho Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an nguồn tin có hai đối tượng người Đài Loan sang Việt Nam có ý định lợi dụng tàu đánh cá để buôn lậu hàng hóa nghi là ma túy, vận chuyển từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ qua tuyến đường biển.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao thư khen của Thủ tướng Chính phủ cho Cục CSĐT tội phạm về ma túy và Cơ quan đại diện của Bộ Công an tại nước ngoài.
Nhận được thông tin trên, với sự nhạy bén nghiệp vụ và kinh nghiệm đấu tranh, khám phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia; sự mưu trí, sáng tạo, kiên trì của lực lượng trinh sát, điều tra viên và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã xác lập chuyên án, chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, cơ quan chức năng và công an địa phương, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng xác minh, làm rõ toàn bộ hành vi của các đối tượng trong đường dây. Đầu tháng 9/2023, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phát hiện 6 đối tượng trong đường dây đã nhập cảnh vào Việt Nam, đặt khách sạn, thuê xe, phiên dịch, thuê kho và mua 100 tấn xi măng tập kết tại kho hàng ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Sau khi đảm bảo các điều kiện, các đối tượng trên lại xuất cảnh quay về Trung Quốc. Trong thời gian này, Cục CSĐT tội phạm về ma túy tập trung làm rõ quy luật, thủ đoạn hoạt động của đường dây và xác định, số 100 tấn xi măng trên chỉ để các đối tượng dùng ngụy trang cho lô hàng ma túy trị giá hàng chục triệu USD, đang làm thủ tục xuất đi nước ngoài tiêu thụ qua tuyến đường biển. Ngày 20/9, hai đối tượng chính điều hành đường dây nhập cảnh vào Việt Nam. Ngay sau đó, các đối tượng di chuyển đến kho hàng tại Hải Phòng và chỉ đạo bốc dỡ các bao tải chứa ma túy cất giấu trong kho xi măng. Nhận định thời cơ đến, Cục CSĐT tội phạm về ma túy quyết định phá án.
Sáng 22/9, Cục chủ trì, phối hợp cùng Công an TP Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Viện Khoa học hình sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Vụ 4 (VKSND Tối cao), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 1 (Bộ Tư lệnh cảnh sát biển), Cục Hải quan TP Hải Phòng đồng loạt bắt các đối tượng liên quan và khám xét khẩn cấp các kho hàng.
Tại kho hàng Công ty TNHH Tường Phát, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, lực lượng chức năng thu giữ 30 bao tải không nhãn mác, mỗi bao khối lượng 25 kg, kết quả giám định 30 bao trên chứa ketamin, tổng khối lượng 750 kg. Ban chuyên án bắt giữ đối tượng cầm đầu đường dây là Liêu Chí Hoài (43 tuổi, quốc tịch Trung Quốc).
Từ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cục CSĐT tội phạm về ma túy tiến hành khám xét kho hàng tại Thái Bình – nơi các đối tượng thuê để cất giấu ma túy, đồng thời mời 5 đối tượng có liên quan về CQĐT để phối hợp làm rõ. Tiếp tục mở rộng vụ án, ngày 24/9 tại Hà Tĩnh, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ Phạm Duy Khánh (35 tuổi, ở Hà Tĩnh) làm nghề tài xế xe khách. Khánh chính là kẻ được thuê chở các bao tải chứa ma túy từ nước ngoài qua cửa khẩu Cầu Treo về Việt Nam. Khám xét xe, CQĐT thu giữ 22 bao tải giấu trong bình xăng giả và giường nằm của khách, cùng chủng loại với 30 bao tải thu giữ tại Hải Phòng. Kết quả giám định 22 bao là ma túy ketamin, khối lượng 550 kg. Theo tính toán, sau khi nhận 22 bao ketamin, các đối tượng sẽ cất giấu 52 bao chứa 1,3 tấn ketamin lẫn trong các bao xi măng, vận chuyển bằng đường biển sang nước ngoài tiêu thụ. Nếu vận chuyển trót lọt sang Đài Loan, lô hàng này sẽ có giá 1.300 tỷ đồng.
1,3 tấn ma túy ngụy trang trong các bao xi măng để vận chuyển đi tiêu thụ bằng đường biển.
Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, CQĐT đã tập trung lực lượng đấu tranh, khai thác làm rõ hành vi phạm tội, đồng thời củng cố tài liệu mở rộng điều tra vụ án. Thực hiện chủ trương hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, Cục CSĐT tội phạm về ma túy báo cáo và được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý, cử tổ công tác phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an ở nước ngoài cùng lực lượng chức năng của nước bạn bắt giữ các đối tượng trong đường dây, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn.
Quá trình điều tra, CQĐT cũng xác định bằng các tài liệu, chứng cứ điện tử còn lưu lại các thiết bị và đấu tranh, làm rõ, các đối tượng khai nhận, vào tháng 6/2023, chúng đã vận chuyển thành công 500 kg ma túy ketamin (trị giá 500 tỷ đồng) ngụy trang trong các gói cà phê rồi đóng vào container vận chuyển từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) qua đường biển đưa sang Đài Loan tiêu thụ. Hiện, CQĐT đã xác định được 2 container chứa ma túy có vận đơn, có thời điểm đã thông quan như trên và đang phối hợp với cơ quan chức năng Đài Loan điều tra, làm rõ. Cục CSĐT tội phạm về ma túy cũng đã tách vụ việc trên thành chuyên án riêng để điều tra về các đối tượng liên quan.
Video đang HOT
Núp bóng nhà máy dược, sản xuất thuốc chữa COVID-19 để điều chế ma túy
Ngoài số ma túy vận chuyển mỗi lần rất lớn, riêng một chuyến bị lực lượng Công an Việt Nam bắt quả tang đã tới 1,3 tấn, đường dây ma túy quốc tế này còn có thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Tại CQĐT, đối tượng cầm đầu Liêu Chí Hoài khai nhận cùng một số đối tượng thuê nhà, thuê xưởng ở một địa điểm tại nước ngoài rồi núp bóng nhà máy dược, chuyên sản xuất thuốc chữa COVID-19 để nhập khẩu các tiền chất, dung môi từ Thái Lan về xưởng và sản xuất ma túy tổng hợp dạng ketamin, sau đó vận chuyển về Việt Nam đưa sang nước thứ ba tiêu thụ. Liêu Chí Hoài sinh ra tại Đài Loan, vốn là kỹ sư hóa chất rất giỏi công nghệ, chính y là kẻ điều hành hoạt động sản xuất ma túy trong đường dây. Vốn đã có vợ con nhưng khi sang Việt Nam, Hoài sống như vợ chồng với một đối tượng nữ người nước ngoài và cả hai đều bị cảnh sát Việt Nam bắt cùng lô ma túy khủng.
Sở dĩ bọn chúng chọn Đài Loan làm địa bàn tiêu thụ là do giá ketamin tại đây rất cao, tới 1 tỷ đồng/kg, trong khi loại ma túy này tại khu vực Tam Giác Vàng chỉ khoảng 200 triệu đồng/kg và đường dây này lại tự nhập nguyên liệu là các hóa chất thông thường với giá rất rẻ, núp bóng dưới danh nghĩa sản xuất thuốc chữa COVID-19 thì đủ thấy mức siêu lợi nhuận chúng có thể thu được. Kết quả điều tra xác định, trong 1 năm qua, công ty của các đối tượng đã được cấp phép nhập khẩu 64 loại tiền chất, hóa chất, dung môi với số lượng gần 9.000 tấn, trị giá hơn 5,7 triệu USD.
Đối tượng cầm đầu Liêu Chí Hoài.
Tuy nhiên, việc vận chuyển ma túy sang Đài Loan lại rất khó khăn do đặc điểm địa hình là đảo nên không có đường bộ, chỉ có đường biển và đường hàng không. Do đó, chúng chọn Việt Nam vốn có bờ biển rất dài và lâu nay đường biển thường được các đường dây ma túy quốc tế ưu tiên vận chuyển những lô hàng lớn do biển mênh mông, việc các lực lượng chức năng triển khai phát hiện và bắt giữ rất khó khăn. Cùng với chính sách xuất nhập khẩu khá cởi mở, đường dây này chọn cảng Đình Vũ (Hải Phòng) và cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) là 2 cảng chính để lợi dụng vận chuyển “hàng”. Sau khi sản xuất ở nước ngoài, ma túy thành phẩm được vận chuyển về Việt Nam qua tuyến đường bộ, tập kết ở Thái Bình, sau đó đưa ra Hải Phòng để xuất đi nước thứ ba.
Đặc biệt, đường dây này có thủ đoạn ngụy trang ma túy rất mới, lần đầu tiên được phát hiện. Do là những kỹ sư hóa chất giỏi, nên ngay trong quá trình sản xuất ma túy, chúng đã tìm cách để đối phó với các lực lượng chức năng bằng cách pha trộn thêm một chất vào ma túy thành phẩm trước khi vận chuyển đi tiêu thụ mà nếu bằng các biện pháp kiểm tra ma túy thông thường sẽ không thể phát hiện ra thứ chúng vận chuyển là gì. Để lật tẩy thủ đoạn cực kỳ tinh vi trên, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phải trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Lực lượng kỹ thuật hình sự phải rất vất vả suốt 9 ngày ròng rã tiến hành giám định, trên cơ sở khai thác cả những clip các đối tượng truyền về cho Lâm Chí Hoài để hỏi về từng công đoạn sản xuất ketamin. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho biết, ma túy được các đối tượng trong chuyên án sản xuất theo 5 công đoạn, 4 công đoạn đầu đã hoàn thành ra sản phẩm ketamin là chất ma túy, nhưng chúng dùng công đoạn tiếp theo là cho một chất khác để pha trộn thành chất mới là N-Boc-Ketamin, chất này lại không nằm trong danh mục ma túy, nhằm ngụy trang trong quá trình vận chuyển ma túy mà các phương pháp nhận dạng, kiểm tra thông thường của ta hiện nay chưa thể phát hiện ra được đó là ma túy. Nhận được đề nghị trưng cầu giám định của ban chuyên án, khi sử dụng các biện pháp giám định thường dùng thì không thể phát hiện ra ketamin, sau đó, lực lượng kỹ thuật hình sự phải dùng nhiều loại trang thiết bị hiện đại, sử dụng nhiều thông tin, tài liệu khoa học quốc tế mới chứng minh được ketamin có trong mẫu giám định tang vật thu giữ trong vụ án, khiến chúng tâm phục, khẩu phục.
Như vậy, trong thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã triệt xóa đường dây sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia; khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can tại Việt Nam. Qua hợp tác quốc tế, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã cử tổ công tác hợp tác với nước bạn thu giữ lượng hóa chất rất lớn gồm hơn 400.000 tấn mà các đối tượng trong đường dây dùng để sản xuất ma túy. Mới đây, Trung Quốc tiếp tục thu thêm 100 tấn hóa chất nữa.
Ghi nhận thành tích của các tập thể trong chuyên án, ngày 16/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Thư khen ban chuyên án; Bộ trưởng Bộ Công an cũng có Quyết định thưởng cho các tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh chuyên án. Ngày 24/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Thư khen cho Cục CSĐT tội phạm về ma túy và các đơn vị, công an địa phương có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Săn tội phạm trên biên giới Việt Lào
Tuyến biên giới Việt Lào, đoạn qua khúc ruột miền Trung với tiêu điểm là các cửa khẩu Cha Lo, Cầu Treo và Nậm Cắn, những ngày cuối năm lực lượng chức năng lại căng mình để đấu tranh với các loại tội phạm, lợi dụng sự tất bật của những ngày giáp tết để hoạt động.
Trong đó, nổi bật trên hai tuyến biên giới là bọn tội phạm luôn tìm mọi cách đưa ma túy, pháo nổ, hàng cấm từ Lào, Thái Lan về Việt Nam để tiêu thụ.
Gia tăng tội phạm dịp cuối năm
Những ngày cuối năm, có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao, nối giữa hai tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) và Bolikhamsai (Lào), mặc dù còn đúng một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song chúng tôi đã cảm nhận được "sức nóng" tại đây, khi lượng hàng hóa, phương tiện tập kết để chuẩn bị thông quan đông hơn rất nhiều so với thường lệ.
Cùng với việc cán bộ hải quan tăng cường tăng ca để đẩy nhanh thủ tục, thì lực lượng phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng phải căng sức để đấu trí với các thủ đoạn gian lận của tội phạm trên tuyến.
Đối tượng vận chuyển 60.000 viên ma túy tổng hợp và 3kg ketamin qua biên giới bị bắt giữ.
Thiếu tá Lê Khánh Hải Hà, Đội trưởng Đội Vũ trang - Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, mặc dù không còn nhộn nhịp như những năm trước đây, song khu vực cửa khẩu Cầu Treo vẫn luôn là điểm nóng về buôn lậu, nhất là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Ngoài các loại mặt hàng tiêu dùng thông thường, thì tội phạm thường tìm cách tuồn pháo nổ, hàng cấm, ma túy từ Lào, Thái Lan về Việt Nam để tiêu thụ.
Bên cạnh các thủ đoạn thường gặp như giấu hàng trong xe ô tô, nhiều đối tượng còn lợi dụng các đường ngang, lối mở để vận chuyển hàng cấm, tập kết trong rừng sâu để trung chuyển về xuôi. Để ngăn chặn, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị phải thường xuyên bám địa bàn, cắt rừng, băng đèo để thực hiện nhiệm vụ, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng.
Theo đánh giá, trên tuyến biên giới Việt Lào, "mặt hàng" được thẩm lậu vào Việt Nam nhiều nhất dịp này là pháo nổ và ma túy. Cuộc chiến đấu tranh với tội phạm liên quan đến lĩnh vực này cũng vì thế mà hết sức gian nan, khó khăn, vất vả. Thậm chí là đối mặt với hiểm nguy, khi đối tượng luôn trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả để cướp hàng và thoát thân khi bị phát hiện.
Thượng tá Nguyễn Vinh Cảnh, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Với tuyến biên giới Việt Lào dài 165 km, ngoài Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thì địa bàn Hà Tĩnh còn có 1 cửa khẩu phụ Đá Gân tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn; cùng với đó, có 9 xã biên giới trải dài trên 3 huyện miền núi nên trong những năm qua, địa phương này luôn là điểm nóng về hoạt động của tội phạm.
Tháng 11/2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố đối tượng vận chuyển hàng lậu trị giá hơn 1 tỉ đồng qua biên giới.
Tội phạm ma túy hoạt động quanh năm, nhưng thời điểm cuối năm vẫn phức tạp hơn cả. Thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy vô cùng manh động, liều lĩnh, nhiều thủ đoạn che giấu tinh vi.
Một số người Việt cấu kết với người Lào tạo thành mạng lưới, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Đặc biệt, chúng thường thuê người dân tộc ở gần khu vực biên giới để cắt rừng vận chuyển. Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng các đường xuyên Á, khu kinh tế cửa khẩu và việc xuất nhập cảnh tham quan, du lịch... để vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Trong năm vừa qua, lực lượng phòng chống ma túy của Hà Tĩnh đã triệt phá thành công 6 đường dây ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; đặc biệt, đã phối hợp Công an tỉnh Bolikhamsai triệt phá thành công đường dây ma túy trên nước bạn, bắt giữ 2 đối tượng người Lào mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; triệt xóa 2 tụ điểm ma túy phức tạp.
Mới đây nhất, khoảng 19 giờ 15 phút ngày 2-11-2022, trên tuyến QL8A đoạn qua địa phận thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, lực lượng của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Tĩnh mật phục, bắt giữ 2 đối tượng Phạm Quang Huy (sinh năm 2003) và Hoàng Thị Khánh Ly (sinh năm 2000), cùng trú tại tỉnh Hà Nam khi đang sử dụng xe gắn máy vận chuyển 60.000 viên ma túy tổng hợp và 3 kg ketamin từ Lào ra Hà Nội cho một người đàn ông không quen biết, với giá 150 triệu đồng.
Bắt giữ các đối tượng cùng tang vật là hàng tạ pháo nổ.
Chặn hàng thẩm lậu qua biên giới
Cùng với ma túy, pháo nổ là một trong những loại hàng lậu được tội phạm tìm mọi cách thẩm lậu qua biên giới dịp này nhiều nhất, vì nhu cầu sử dụng dịp tết của nhiều người tăng cao. Do lợi nhuận kếch sù nên tội phạm liên quan đến lĩnh vực này cũng rất đa dạng, đủ mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội đều có thể dễ dàng bị lôi kéo tham gia vận chuyển, mua bán khiến cho việc đấu tranh trên lĩnh vực này gặp không ít khó khăn.
Để vận chuyển hàng qua biên giới, có nhiều phương thức, thủ đoạn như giấu ngụy trang trong xe khách liên vận, xe chở hàng quốc tế hoặc lợi dụng đường ngang, lối mở, đường tiểu mạch để đưa về sát biên giới Việt Nam tập kết, sau đó vận chuyển về xuôi để tiêu thụ.
Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, tuần tra biên giới dịp cuối năm.
Mới đây nhất, vào hồi 18 giờ ngày 4-12-2022, tại luồng xuất nhập cảnh Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang đối tượng Đinh Văn Trung (sinh năm 1990), trú tại xã An Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) dùng xe ô tô đầu kéo mang BKS 37H-022.84 kéo theo rơ moóc 37R-034.32 đi từ Lào về Việt Nam, vận chuyển 14 hộp pháo hoa nổ có trọng lượng gần 20 kg, loại 36 quả có nhãn hiệu nước ngoài.
Để qua mắt các lực lượng chức năng, đối tượng Trung đã gia cố cabin xe đầu kéo rồi cất giấu số pháo nổ trên. Trước đó không lâu, Công an huyện Hương Khê phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Giàng, bắt giữ thành công đối tượng Trương Ngọc Thứ (sinh năm 1985), trú tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê khi đang dùng xe ô tô vận chuyển 9 bao tải, bên trong chứa 169 hộp pháo hoa nổ, nhãn hiệu nước ngoài, tổng trọng lượng khoảng 200 kg. Thứ khai nhận, mua số pháo nổ trên của một người Lào ở khu vực biên giới mang về bán để kiếm lời.
Cũng không riêng gì địa bàn Hà Tĩnh, tại Nghệ An và Quảng Bình, những ngày cuối năm ở khu vực giáp biên giới, tội phạm liên quan đến pháo nổ nói riêng và gian lận thương mại nói chung, đều tăng cường hoạt động. Cuối tháng 11-2022, Công an huyện Quế Phong (Nghệ An) bắt 2 đối tượng Vi Thị Hoa (sinh năm 1982) và Lương Thị Tuyết (sinh năm 1988) cùng trú tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong khi đang vận chuyển 108 kg pháo nổ được mua từ Lào về để bán trong dịp tết.
Cùng thời gian này, Công an Quảng Bình bắt Tạ Văn Cường (sinh năm 1975), trú tại thị xã Ba Đồn và Trần Thị Viên (sinh năm 1988), trú tại Khe Sanh, Quảng Trị khi đang vận chuyển, tàng trữ hơn 120 kg pháo hoa nổ, là những minh chứng cho thấy, tội phạm trên tuyến liên quan đến lĩnh vưc này, luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, diễn ra thường xuyên và liên tục, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình truy bắt.
Tổ chức tiêu hủy lô hàng nhập lậu qua biên giới.
Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết thêm: nhận định, thời điểm cuối năm luôn tiềm ẩn nhiều loại tội phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm qua biên giới, gây mất trật tự an toàn xã hội. Do đó, Công an huyện Hương Sơn đã chủ động lên phương án, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của công an tỉnh và lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan và các đơn vị liên quan, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm.
Các lực lượng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải, hành lý qua lại khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn. Qua đó, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng các loại phương tiện hoán cải để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.
Theo Thượng tá Long, gần tết Nguyên đán là cao điểm phát sinh các loại tội phạm về buôn bán, vận chuyển ma túy, pháo nổ. Đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, phân tán hàng lậu bằng nhiều cách để đối phó với các cơ quan chức năng như hàng hóa được xé lẻ rồi giấu trong hành lý; nhét vào các khoang rỗng tự tạo trên thành xe, cửa xe, gầm sàn xe... để vận chuyển hoặc được các đối tượng mang balô vượt biên qua biên giới.
Từ nay đến cuối năm, thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hà Tĩnh về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các lực lượng chức năng liên quan, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, bám địa bàn biên giới; tích cực đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng và hải quan của nước bạn Lào để nắm bắt thông tin, tổ chức bắt giữ các đối tượng nghi vấn khi qua cửa khẩu. Trong đó, tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp tết, đặc biệt là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và nhóm mặt hàng cấm là ma túy và pháo nổ.
Ngụy trang thuốc lá lậu trong khay nhựa chở từ Long An về Vĩnh Long Người đàn ông ngụy trang thuốc lá lậu trong khay nhựa rồi dùng xe máy chở thuê từ Long An về Vĩnh Long thì bị công an bắt giữ. Vào lúc 11 giờ 15 phút ngày 31.10, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy Công an H.Vũng Liêm (Vĩnh Long) bắt quả tang một người có hành vi vận chuyển...