PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng: ‘Tôi chọn trở về Việt Nam’
“Ai cũng có quyết định tương lai của mình. Với tôi, quê hương vẫn là sự lựa chọn ưu tiên”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – người vào danh sách nhà khoa học ảnh hưởng nhất năm 2015 – nói.
Trong số bốn nhà khoa học người Việt nằm trong tốp 1% những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015, PGS TS Nguyễn Xuân Hùng là người duy nhất đang giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam. Đây cũng là lần thứ hai ông có tên trong danh sách này.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng (đứng giữa) tại lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu liên ngành CIRTech – HUTECH. Ảnh: HUTECH.
“Quê hương là chùm khế ngọt”
“Nhận được tin, tôi nghĩ đây là động lực và cũng là thách thức lớn. Tôi cho rằng, đoạn đường nghiên cứu kế tiếp cần nỗ lực hơn rất nhiều”, ông Hùng nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là cựu sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, ông học thạc sĩ trong lĩnh vực Cơ học môi trường liên tục, sau đó nhận học bổng nghiên cứu tiến sĩ về Cơ học tính toán tại Đại học Liege (Bỉ).
Nhận bằng tiến sĩ, ông trở lại Việt Nam tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu. Ông từng là giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, ĐH Việt – Đức và hiện là giảng viên ĐH Hutech TP HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành tại trường.
“Lý do tôi trở về Việt Nam khá giản dị. Tôi được ở gần ba mẹ nhiều hơn, và như một lẽ tự nhiên, tôi muốn gắn bó với môi trường làm việc nơi đây. Ai cũng có quyết định tương lai của mình. Với tôi, quê hương vẫn là sự lựa chọn ưu tiên”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.
Giảng viên ĐH Hutech TP HCM này cho biết, ba mẹ là động lực thôi thúc ông rất nhiều trong sự nghiệp, nên mỗi khi đi xa, ông dễ bị mất thăng bằng trong cuộc sống. Văn hóa, con người Việt Nam, cũng là lý do khiến vị PGS “đi nước ngoài và phải chạy về”.
Theo tiến sĩ trẻ, mỗi môi trường đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Bản thân ông, “khó khăn không phải vấn đề nghiêm trọng”, bởi vì luôn có gia đình, thầy cô, đồng nghiệp, học trò tạo nên sự cộng hưởng lớn.
Đến nay, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng có 90 bài báo ISI được công bố trên các tạp chí chuyên ngành tại Mỹ, Anh, Hà Lan, Singapore… Nghiên cứu của ông tập trung phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, đang được ứng dụng trong lĩnh vực Cơ kỹ thuật, Cơ sinh học, Vật liệu…
Ông cũng cho biết không phân biệt điều kiện sống ở nước ngoài hay Việt Nam. Quan trọng nhất là môi trường tự do trong nghiên cứu và phát huy hết năng lực bản thân, tạo ra được sản phẩm sáng tạo.
Video đang HOT
Ngoài ra, PGS trẻ tuổi còn đảm nhiệm vị trí Phó tổng biên tập tờ báo khoa học “Asia Pacific Journal of Computational Engineering, APJCEN” bằng tiếng Anh với đội ngũ biên tập là các nhà khoa học uy tín trên thế giới.
Tư duy toàn cầu
Tháng 7/2015 vừa, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là một trong bốn nhà khoa học được trao giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức). Giải thưởng sẽ được trao chính thức trong tháng 3-2016 tại Đức.
TS Nguyễn Ngọc Đức – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành, ĐH Hutech TP HCM, người nhiều năm làm việc với PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, cho rằng, việc nằm trong tốp 1% nhà khoa học có ảnh hưởng thế giới là kết quả tất yếu cho quá trình làm việc của giảng viên trẻ.
Theo TS Đức, PGS Nguyễn Xuân Hùng là người có lối tư duy, suy nghĩ toàn cầu, áp dụng, thực hành phù hợp với nơi mình làm việc.
“Từng làm việc chung với ‘thuyền trưởng’ Hùng, tôi thấy anh là người có đam mê, lý tưởng và dám dấn thân. Anh làm việc tận tụy, đúng trách nhiệm nên tôi không ngạc nhiên khi các kết quả từ những công việc do anh chủ trì ngày một đơm hoa kết trái. Một cách đơn giản, đó là sự phản ánh quá trình nỗ lực bền bỉ và lâu dài của anh”, ông Đức nói thêm.
Kể về quá trình làm việc, vị Phó giám đốc Trung tâm nhớ những ngày “anh em kiệt quệ cả tinh thần, thể xác, có lúc vô vọng” khi vấp phải một số khó khăn cố hữu, đặc biệt là thiếu hụt nguồn tài chính để giữ chân người tài. Khi đó, “thuyền trưởng” Nguyễn Xuân Hùng đã không từ bỏ mà cổ vũ anh em với câu nói: “Có thì cùng hưởng, không có anh em lại ăn hủ tíu 10 nghìn đồng”.
Theo TS Đức, chính điều này đã tập hợp những anh em cùng chí hướng – làm nghiên cứu và giáo dục không phải để làm giàu, mà phụng sự, tôn trọng sự thiêng liêng của nó; càng không thể quy đổi một cách sòng phẳng bằng tiền.
Tiền tỷ thu hút tiến sĩ
Nhiều trường đại học, cao đẳng đưa ra chính sách ưu đãi lên đến hàng tỷ đồng để thu hút người có học hàm, học vị về trường mình, nhưng kết quả không như mong muốn.
Các ưu đãi bao gồm hỗ trợ tiền mặt lên đến hàng trăm triệu đồng, phụ cấp ưu đãi theo hệ số lương, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ mua nhà...
Tuy ưu đãi hấp dẫn nhưng số người về trường làm việc không nhiều, thậm chí có trường không thu hút được tiến sĩ nào. Trong khi đó, có trường tuy nhiều người về nhưng sau một thời gian đã dứt áo ra đi vì môi trường không phù hợp.
ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) thu hút được nhiều người về làm việc, nhưng không ít người đã ra đi vì môi trường làm việc chưa phù hợp - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hỗ trợ tiền tỷ
Hiện có một số trường thực hiện chính sách này như ĐH Hạ Long, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Xây dựng Miền Tây, CĐ Cộng đồng Hậu Giang... Đây là những trường ĐH mới được nâng cấp từ các trường CĐ tại địa phương. Hầu hết trường này trực thuộc UBND tỉnh và được tỉnh hỗ trợ kinh phí, riêng ĐH Xây dựng Miền Tây tự bỏ kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi.
Trong số này, ĐH Hạ Long (Quảng Ninh) chi mạnh tay nhất. Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, từ nay đến năm 2017 trường cần tuyển 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài, phần lớn tập trung vào nhóm ngành ngoại ngữ.
Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện, người có học hàm giáo sư - tiến sĩ được hỗ trợ tiền mặt một lần 700 triệu đồng, phó giáo sư - tiến sĩ được 600 triệu đồng, tiến sĩ được 500 triệu đồng và thạc sĩ là 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, người về trường theo diện thu hút này còn được hỗ trợ 3-10 lần mức lương cơ sở hàng tháng.
Ngoài ra, những đối tượng này cũng được hỗ trợ nhà ở công vụ, hỗ trợ tiền tạo lập nhà ở 2,5 - 4,5 tỷ đồng tùy đối tượng. Ngoài việc hỗ trợ trên, người về trường làm việc còn được nhiều ưu đãi khác về việc bố trí công việc phù hợp, ưu tiên xem xét bổ nhiệm cán bộ quản lý, ưu tiên bố trí việc làm cho vợ (chồng) trên địa bàn tỉnh.
Tuy mức ưu đãi thấp hơn, nhưng số tiền ĐH Xây dựng Miền Tây hỗ trợ người về trường làm việc cũng rất lớn. Ngoài các ưu đãi về việc ưu tiên bố trí công việc, bố trí phòng ở, người về trường được hưởng phụ cấp tăng thêm 2-3 lần mức lương tối thiểu chung.
Người có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên còn được hỗ trợ một lần 500 triệu đồng đối với giáo sư - tiến sĩ, 450 triệu đồng đối với phó giáo sư - tiến sĩ và tiến sĩ là 400 triệu đồng. Với bằng cấp được đào tạo ở nước ngoài, mức hỗ trợ tăng thêm 100 triệu đồng.
Trong khi đó, tại ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), người có học vị tiến sĩ cam kết làm việc tại trường tối thiểu năm năm sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi được 100 triệu đồng, hỗ trợ mua nhà giá rẻ...
Ngoài ra, trường còn hỗ trợ về tiền thuê nhà ở, chi phí đi lại hằng tháng. Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang hỗ trợ người có bằng thạc sĩ 70 triệu đồng và tiến sĩ 100 triệu đồng.
Chỉ giải quyết tức thời
Mặc dù đưa ra những hỗ trợ và ưu đãi rất lớn, nhưng kết quả lại chưa như kỳ vọng của các trường. Tháng 3/2015, ĐH Hạ Long thông báo tuyển dụng 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về làm giảng viên theo chính sách thu hút của tỉnh.
Thế nhưng theo số liệu của phòng tổ chức cán bộ ĐH Hạ Long, tính đến thời điểm tháng 8/2015, trường này mới chỉ tuyển được hai người có học vị tiến sĩ, trong đó có một tiến sĩ ngôn ngữ Anh và một tiến sĩ ngôn ngữ Trung Quốc.
Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Xuân - Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng Miền Tây - cho biết, đến nay, trường vẫn chưa tuyển được ứng viên nào theo diện thu hút này. "Có một người nộp hồ sơ, trường liên lạc mời về, nhưng cuối cùng họ không về.
Trường có tiềm lực, nhưng đặc thù đào tạo các ngành kỹ thuật nên chỉ thu hút tiến sĩ nhóm ngành này, không tuyển tiến sĩ khối kinh tế và nhóm ngành khác. Hơn nữa, trường nằm ở tỉnh nên cũng hạn chế sự quan tâm của người muốn về trường" - ông Xuân lý giải về việc chính sách thu hút chưa đạt kết quả như mong muốn.
Cũng theo ông Xuân, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong khi chính sách thu hút chưa hiệu quả, trường phải tự đưa người đi đào tạo. "Năm nay trường có 10 người trúng tuyển nghiên cứu sinh. Dự kiến mỗi năm trường sẽ đưa 8-10 người làm nghiên cứu sinh, phấn đấu đến năm 2020 trường có 25 giảng viên, cán bộ quản lý có học vị tiến sĩ" - ông Xuân nói thêm.
Tại ĐH Thủ Dầu Một, chính sách thu hút này đã giúp trường tuyển được một lượng lớn người có học hàm, học vị khi trường vừa được nâng cấp lên ĐH. Tuy vậy sau thời gian năm năm, nhiều người đã dứt áo ra đi.
Một tiến sĩ về ĐH Thủ Dầu Một theo chính sách này, hiện đã rời trường, cho biết chính sách này thật sự rất tốt cho địa phương nói chung và ĐH Thủ Dầu Một nói riêng. Lúc mới về công tác, môi trường làm việc rất tốt, đội ngũ này đã xây dựng chương trình vững, mở nhiều ngành đào tạo, kể cả bậc thạc sĩ.
Tuy nhiên, thời gian sau này môi trường làm việc không còn như lúc đầu, giảng viên không còn được tự do làm chuyên môn, mà tất cả phụ thuộc vào phòng đào tạo, phòng tổ chức. Chính sách tốt nhưng cách thực hiện nửa vời - chỉ phục vụ việc mở ngành của trường - nên không giữ chân người về trường.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Thủ Dầu Một - cho hay, giai đoạn 2009-2014, có 3 phó giáo sư, 52 tiến sĩ và 338 thạc sĩ về trường theo diện thu hút. Gần 34 tỉ đồng đã được giải ngân cho người về trường.
Thế nhưng hết thời hạn năm năm, 20 người đã ra đi. "Nhờ chính sách này mà đội ngũ giảng viên của trường được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, chính sách này chỉ giải quyết được vấn đề tức thời, về chiều sâu và lâu dài thì không ổn định.
Nhiều người đến với trường nhưng lại không gắn bó. Do vậy trường phải đẩy mạnh việc đào tạo, đưa người của trường đi học thạc sĩ, tiến sĩ để đảm bảo đội ngũ cũng như sự gắn bó lâu dài. Hiện có 61 người đang làm nghiên cứu sinh" - ông Hiệp cho biết.
Cần nhất là môi trường làm việc
Tiến sĩ Phạm Thị Ly - ĐH Quốc gia TP HCM - cho rằng, những chính sách khích lệ về tiền lương, nhà ở, chi phí đi lại... nhằm thu hút người có trình độ cao về các tỉnh làm việc là điều rất cần nhưng không đủ.
Quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc. Môi trường làm việc bao gồm thiết chế quản trị nội bộ (những quy tắc về việc cung cấp kinh phí, sử dụng con người, đánh giá kết quả làm việc); hạ tầng cơ sở; chất lượng lao động, học tập nói chung của đồng nghiệp và của sinh viên; uy tín của nhà trường đối với xã hội...
Chính những điều kiện đủ này mới tạo ra tính chất bền vững của chính sách thu hút người tài.
Chừng nào các trường chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp những điều kiện cần mà không tạo ra điều kiện đủ, các chính sách ấy mới chỉ là những giải pháp ngắn hạn và không lâu bền. Không phải các trường không biết điều này, nhưng họ vẫn nhằm vào những mục tiêu ngắn hạn và hình thức.
Nếu cứ tiếp tục cách tư duy đó thì thật khó lòng nói tới đổi mới chất lượng, và khoảng cách của chúng ta với thế giới sẽ càng thêm giãn rộng.
Theo Minh Giảng/Tuổi Trẻ
Cử nhân, thạc sĩ đua nhau thất nghiệp Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, tỷ lệ lao động trình độ đại học thất nghiệp tăng do tuyển sinh quá nhiều so với nhu cầu lao động. Chúng ta có một truyền thống hiếu học từ ngàn đời, đó là vốn quý của dân tộc, góp phần hun đúc nên nguyên khí...