PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Coi chừng đạo đức giả
Thực tế ở Việt Nam cho thấy có những người được trả lương cao nhưng năng suất họ chưa cao. Nhiều khi năng suất không phải do cá nhân tạo ra mà do hoàn cảnh đưa đến, vì vậy đã tạo ra sự bất bình đẳng. Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – một chuyên gia giáo dục nổi tiếng về vấn đề này.
Năng lượng Mới số 400
PV: Có nhiều năm giảng dạy trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không, ông có thể chia sẻ quan điểm về việc vừa qua có một vài phi công Vietnam Airlines “cáo ốm” để phản ứng mức lương hiện tại?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Để xác định chủ đề này, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế khách quan là khi phát triển theo kinh tế thị trường thì phải chấp nhận quy luật của nó. Tuy nhiên, nước ta cũng chưa có kinh tế thị trường thực sự mà luôn có thị trường ảo, có những người thu nhập cao nhưng chưa chắc năng suất họ đã cao. Nhiều khi năng suất không phải do cá nhân tạo ra mà do hoàn cảnh đưa đến. Giờ nếu phi công lái máy bay nhưng hoàn cảnh không cho anh lái máy bay mà chỉ lái taxi thì lương không thể cao được. Kinh tế thị trường (kinh tế tư bản) thì thiên về chủ nghĩa cá nhân nhưng trung thực, cá nhân quyết định làm sao để có lợi cho bản thân. Nhưng Nhà nước phải thiết kế một cơ chế làm sao để khi cá nhân quyết định vừa có lợi cho bản thân vừa có lợi cho xã hội, cho đất nước chứ họ không kêu gọi sự hy sinh như chúng ta.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
PV: Tuy nhiên, ở nước ta nền kinh tế đang phát triển thì cần nhiều sự hy sinh của công dân để chia sẻ khó khăn chung của đất nước chứ, thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Tôi cho rằng, người ta kêu gọi sự hy sinh nhưng cần định rõ đây có hy sinh thật không hay chỉ là đạo đức giả. Vấn đề là không nên kêu gọi sự hy sinh một cách chung chung, thuần túy là chịu thiệt thòi mà Nhà nước phải thiết kế một cơ chế quản lý làm sao để mọi người khi làm việc đều mang lại lợi ích cho bản thân và cho xã hội, cho dân tộc. Ở nước ta có những người chấp nhận hy sinh thì bị thiệt thòi còn có những người kêu gọi hy sinh nhưng chỉ là đạo đức giả. Họ hưởng lợi không ít từ đạo đức giả ấy.
Video đang HOT
Do đó, nếu chưa giải quyết tốt bài toán kinh tế và chính sách hợp lý thì Nhà nước nên có sự tôn trọng xứng đáng với những người hy sinh lợi riêng vì lợi ích dân tộc. Những người phục vụ trong quân đội, phi công quân đội chẳng hạn, lương không cao trong khi lương phi công dân sự thì cao hơn. Do đó, ngay trong lực lượng phi công ở Việt Nam đã có sự chênh lệch rất lớn về lương bổng rồi. Cũng như trong lực lượng công an, tôi thấy nhiều anh công an giao thông đứng ngoài đường, lo an ninh giao thông, phải hít bao nhiêu khói bụi như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe lắm chứ. Mình thấy rất tôn trọng và chia sẻ với sự vất vả của họ. Tuy nhiên, có nhiều người lại nhìn dưới góc cạnh khác, nhìn thấy cảnh sát giao thông là ác cảm… và không tôn trọng.
PV: Hiện nay thị trường lao động mang tính toàn cầu, trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, vậy phi công của Vietnam Airlines có thể chọn những hãng hàng không trả lương cao hơn để làm việc?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Đúng vậy, đặc trưng của kinh tế thị trường là người nào có năng lực, trình độ thì họ có quyền tìm chỗ lương cao để làm tương xứng với năng lực. Bây giờ chúng ta không tưởng tượng trong xã hội chủ nghĩa mà có những ca sĩ thu nhập rất khủng. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là đang theo nền kinh tế thị trường, công nghiệp giải trí phát triển nên ca sĩ nổi tiếng ca hát một buổi thì thù lao cả trăm triệu, trong khi giáo sư chúng tôi giảng một buổi chẳng được bao nhiêu tiền. Qua đó thấy rằng, giá trị thị trường đã quyết định thang giá trị hiện nay. Nếu so bì thì mình đổi nghề đi làm ca sĩ để có thu nhập cao (cười).
Do đó, với đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì những phi công Vietnam Airlines có quyền lựa chọn và làm việc cho những hãng hàng không quốc tế khác… Vì phi công là nguồn nhân lực có năng lực mang tính quốc tế.
PV: Ở đây họ đấu tranh cho mức công bình về lương bổng, vì cùng vị trí đó nhưng cơ trưởng là người Anh, người Mỹ sẽ được trả lương cao gấp đôi, gấp ba một cơ trưởng người Việt Nam? Vì sao có sự chênh lệch lớn như vậy thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Đứng về mặt quản lý phải chấp nhận lương bổng theo thị trường. Còn Nhà nước Việt Nam có thể đánh thuế người Việt Nam khác với đánh thuế người ngoại quốc. Nếu nguồn nhân lực phi công trong nước đủ đáp ứng nhu cầu ngành hàng không nước nhà thì Nhà nước có thể đánh thuế phi công người ngoại quốc cao hơn phi công trong nước là chuyện bình thường.
Trong thị trường toàn cầu hiện nay, chính người lao động có quyền lựa chọn môi trường làm việc cho mình. Vấn đề là nền giáo dục Việt Nam có thể đào tạo người Việt để thay thế những vị trí của người ngoại quốc không. Nếu chúng ta chưa đào tạo được thì buộc phải thuê phi công ngoại quốc và chấp nhận trả họ lương cao thì họ mới đến Việt Nam làm việc. Trên thực tế, chúng ta phải so sánh chất lượng nguồn nhân lực giữa người Việt và người Việt trước đã. Và bên Vietnam Airlines chẳng hạn, họ bảo tôi chỉ trả mức lương người Việt đến mức đó, đòi mức cao quá tôi chịu, không trả nổi. Còn nếu anh có năng lực để làm cho các hãng ngoại quốc thì cũng đành chấp nhận thôi. Vấn đề phi công rất khó xử, nếu đối phó theo quy luật thị trường thì phải tăng lương. Thế thì bộc lộ ra chuyện, bấy lâu nay để chênh lệch quá lớn mới gây ra sự bùng phát như vậy. Nếu chúng ta điều chỉnh dần dần thì sẽ không tạo sự bất bình đẳng, dẫn đến sự đình công vừa qua của phi công Vietnam Airlines.
PV: Qua đó cũng bộc lộ một thực tế, chúng ta làm kinh tế thị trường nhưng có những cái chúng ta cũng chưa thực sự tuân theo quy luật kinh tế thị trường, trong đó có vấn đề lương bổng, thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Chúng ta phải thấy rằng, bao giờ người lao động cũng có quyền dịch chuyển từ công ty này sang công ty khác nếu có mức lương cao hơn và chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn. Hay mình có quyền thương lượng với công ty cũ để có mức lương phù hợp với năng lực của chính mình. Còn nếu mình không có năng lực để chuyển sang công ty khác tốt hơn thì anh không có cơ sở gì để so sánh cả.
Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam có những người được trả lương cao nhưng năng suất họ chưa cao. Vì họ được bổ nhiệm theo sự phân công của tổ chức chứ chưa hẳn dựa trên năng lực thực sự của bản thân. Vừa qua nhiều người cứ lấy lương ngoại quốc để so sánh với lương của Việt Nam thì chưa đúng. Hay có nhiều người cứ so bì học phí của ĐH nước ngoài mấy ngàn, mấy chục ngàn đô la một năm, trong khi học phí ở Việt Nam chỉ mấy trăm đôla. Trong khi đời sống mình thấp, thu nhập mình thấp, lương trả cho thầy thấp và mọi thứ đều thấp thì học phí phải thấp nhưng chất lượng vẫn bảo đảm chứ đâu đến nỗi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thì phải dần điều chỉnh mức học phí đại học để hợp lý hơn chứ không thể đem mức học phí ĐH ở Việt Nam so bì với mức học phí của các nền kinh tế phát triển trên thế giới được. Mức học phí phải điều chỉnh theo GDP của nền kinh tế đất nước.
Chúng ta sống ở Việt Nam mọi chi phí đều thấp. Trong khi người lao động ngoại quốc sang Việt Nam làm việc nhưng gia đình họ vẫn ở nước sở tại, chi phí và mức sống rất cao. Vì thế, phần thặng dư còn lại không quá cao như chúng ta nghĩ đâu. Theo tôi, chúng ta nên nhìn thẳng vào thực tế như vậy hơn là kêu gọi sự hy sinh của công dân. Vì người lao động có quyền lấy nguyên tắc kinh tế thị trường ra để phản biện thì chúng ta đòi hỏi ở họ sự hy sinh. Lời kêu gọi người lao động hy sinh và chịu mức lương thấp chỉ thích hợp trong hoàn cảnh cả dân tộc cùng hy sinh, vì chiến tranh hay vì khủng hoảng kinh tế, đòi hỏi mỗi người phải thắt lưng buột bụng thì sự kêu gọi đó mới có tác dụng thật sự.
PV: Nói về chuyện hy sinh, chúng ta có chính sách kêu gọi trí thức trẻ về nông thôn để góp phần xây dựng nông thôn mới, nhằm thu hẹp khoảng cách với thành thị. Tuy nhiên hiệu quả của chính sách này hiện chưa được định lượng?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Ngay cả chuyện vận động trí thức trẻ về nông thôn thì ngay từ đầu Nhà nước phải có chính sách bù trừ vì những thiệt thòi khi họ về nông thôn. Do đó, Nhà nước phải tạo một chính sách mà khi cá nhân quyết định vừa lợi cho bản thân họ vừa có lợi cho Nhà nước. Nếu trí thức trẻ về nông thôn mà được trả lương cao hơn thì tôi sẽ về. Tôi về là có lợi cho bản thân tôi và có lợi cho chính sách của Nhà nước đấy chứ. Còn tôi về nông thôn mà không có chính sách ưu đãi thỏa đáng thì sự hy sinh này sẽ không bền vững, trí thức trẻ sinh ra chán nản và phản bội lại chính lý tưởng mà mình đã đeo đuổi.
PV: Hiện nay, Nhà nước đã có những chính sách cụ thể để kêu gọi Việt kiều về đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bằng kinh nghiệm và thực tiễn của bản thân thì ông thấy chính sách đã thực sự có hiệu quả?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Điều đơn giản nhất mà mọi người đều nói là Nhà nước phải có chính sách và cách cư xử hợp lý với trí thức Việt kiều về nước. Người tài năng, đức độ được thăng tiến thì người trí thức sẽ có động lực quay về. Việc họ đang sống từ nước có mức sống rất cao, điều kiện phúc lợi xã hội rất tốt để quay về đất nước đang phát triển làm việc thì Nhà nước phải có sự thỏa thuận bằng những chính sách phù hợp, vừa phải thì họ sẽ hy sinh ở một mức độ có thể và mức lương đó nằm trong khả năng chi trả của Việt Nam. Nếu chính sách không khéo thì sẽ sinh ra hệ quả, khi trí thức Việt kiều được trả mức lương quá cao thì trí thức trong nước sẽ so bì. Dĩ nhiên, trí thức Việt kiều không đòi hỏi mức lương ở Việt Nam cao như mức lương ở nước sở tại từng sinh sống. Giống như chuyện phi công ngoại quốc và phi công Việt Nam vừa qua thôi. Trên thực tế cũng có những trí thức Việt kiều về nước làm việc không hiệu quả. Do đó, theo tôi phải làm sao cho chính những cơ quan, doanh nghiệp mời trí thức Việt kiều về với tinh thần trân trọng, còn Nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý phù hợp thực sự chứ không kêu gọi chung chung.
PV: Vậy, chúng ta có thể phạm quy trong một trường ĐH, làm sao để ngày càng thu hút trí thức Việt kiều giỏi về giảng dạy?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Đây là thực tế rất khó. Vì chính ông hiệu trưởng của một trường ĐH công lập ở Việt Nam không phải là người sở hữu ngôi trường và cũng không đủ quyền hành để thuê một ông trí thức Việt kiều giỏi về giảng dạy với mức lương tương xứng. Đó là một trong những rào cản rất lớn làm cho các trường ĐH ở Việt Nam khó thu hút chất xám có chất lượng cao về góp phần phát triển nền giáo dục của nước nhà. Để hiệu quả thực sự thì những viện nghiên cứu trong nước mời giáo sư Việt kiều về nước, làm việc, công trình nghiên cứu có tính ứng dụng, đem lại giá trị thương mại và giáo sư đó phải được trả lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tôi nghĩ sẽ có nhiều trí thức giỏi sẵn sàng về nước để làm việc.
PV: Ông là một trong những trí thức trước 1975 ở miền Nam còn trụ vững trong môi trường giáo dục Việt Nam sau hòa bình đến bây giờ. Từ kinh nghiệm thực tiễn bản thân thì PGS có thể chia sẻ về những bất cập trong cách dùng và sử dụng người giỏi của ta ra sao?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Cuộc đời tôi qua nhiều giai đoạn. Sau 1975 là giai đoạn hòa bình, vui mừng và kỳ vọng. Tôi từng trả lời Báo Sài Gòn giải phóng rất sớm. Tôi hình dung sẽ có bao nhiêu trí thức yêu nước sẽ quay về để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. TP HCM không bị tàn phá, không có trận chiến cuối cùng là điều mà chúng tôi rất hạnh phúc. Sau đó, tôi là 1 trong 4 trí thức miền Nam ra Hà Nội dự Hội nghị Vật lý toàn quốc. Giờ nhìn lại, thấy rằng, cuộc chiến tranh 20 năm đã tạo ra sự đề phòng, sự e ngại quá đáng, không tin con người với nhau, địch – ta, ta – địch. Sự trung thực bị ngờ vực. Chính tôi có thời gian bị ngờ vực tại sao về nước trước 1975, tại sao không ở Australia mà quay về, có tư tưởng hậu chiến của đế quốc hay không? Tôi từng rất tin vào ý trong “Chiếu cầu hiền” của vua Quang Trung, với niềm tin mãnh liệt vào sự trọng dụng người giỏi sau khi đất nước hòa bình. Việc tuyển dụng và trọng dụng người tài giỏi để làm việc trong một thời gian dài không được thể hiện trong chính sách một cách bài bản. Mà thể hiện trên lời kêu gọi là chính nên chưa thực sự hiệu quả.
PV: Nhưng ông đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để xây dựng thành công Bộ môn Kỹ thuật Hàng không của Trường ĐH Bách Khoa TP HCM?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Thực ra ý tưởng thành lập bộ môn Kỹ thuật Hàng không đã phôi thai từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khi Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh lúc đó là GS Trần Hồng Quân, sau này làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tôi soạn chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không. Vận dụng kinh nghiệm làm việc ở Đại học Kỹ thuật từ trước 1975, tôi đề nghị mở những môn nhiệm ý, tức là môn tự chọn, vận động sinh viên từ các ngành khác qua học, nhằm chuẩn bị đội ngũ giảng viên, tiến tới xây dựng bộ môn Kỹ thuật Hàng không. Tuy nhiên, phương thức đào tạo của chúng ta hồi ấy theo kiểu niên chế, nên khó thực hiện. Cơ hội thành lập bộ môn Kỹ thuật Hàng không lại bắt đầu giữa thập niên 90, sau khi tôi đi hoàn tất chương trình Thạc sĩ Quản trị Hành chính công tại Trường Kennedy thuộc Viện ĐH Harvard.
Trải qua rất nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, tính đến thời điểm bây giờ bộ môn Kỹ thuật Hàng không đã đào tạo hàng trăm sinh viên ra trường làm việc có mức lương cao ở các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Có nhiều em rất giỏi và hơn 50 em đã lấy bằng tiến sĩ. Vì nếu không có bộ môn Kỹ thuật Hàng không thì Vietnam Airlines phải đưa rất nhiều người sang nước ngoài học, nguồn nội tệ chảy ra nước ngoài không ít. Và trong các sinh viên đi du học cũng có không ít em ở lại nước ngoài làm việc. Hy vọng khi đất nước mình phát triển đến một mức độ nào đó thì chất xám sẽ quay trở về, cũng giống như trường hợp của Hàn Quốc, Đài Loan trước đây…
PV: Trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!
Theo baomoi.com