PGS Văn Như Cương: Một người thầy đặc biệt
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Ước gì nền giáo dục Việt Nam có được nhiều người như thầy Văn Như Cương”
Đúng 10 năm trước, tôi có cuộc phỏng vấn đầu tiên với PGS Văn Như Cương. Giống như hình ảnh đáng mến trên giảng đường, PGS trò chuyện với tôi nhiệt tình, hồn hậu và đặc biệt hài hước.
Thầy giáo toán giỏi văn
Sinh ra ở vùng đất hiếu học Quỳnh Lưu, Nghệ An, từ nhỏ, cậu bé Văn Như Cương ý thức chỉ có học thật giỏi mới mong đổi đời. Giỏi cả hai môn toán và văn nhưng ông đã coi toán là xương cốt còn văn là da thịt của cuộc sống.
Thầy Văn Như Cương là người đã mở đường cho việc hình thành các trường dân lập Ảnh: XUÂN TRUNG
Năm 1954, PGS Cương ra Hà Nội học Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm. Ra trường đi dạy một thời gian, theo tiếng gọi của GS Nguyễn Thúc Hào, thầy đã cùng về quê xây dựng Trường ĐH Sư phạm Vinh.
Từ đây, PGS Cương được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971. Về nước, thầy tiếp tục giảng dạy tại ĐH Sư phạm Vinh. Ở đây, các giáo viên và sinh viên không chỉ phục thầy Cương bởi phương pháp dạy toán dễ hiểu mà còn mê giọng hát cũng như tinh thần thể thao của thầy.
PGS Cương có niềm đam mê đặc biệt với sách. Ông đã xuất bản trên 60 đầu SGK, sách tham khảo phổ thông, giáo trình đại học và nghiên cứu về toán học với tư cách chủ biên hoặc đồng tác giả.
Video đang HOT
Không chỉ giỏi toán, PGS Văn Như Cương còn được biết đến với tài làm thơ. Ngay cả khi làm thơ về toán ông cũng viết rất hóm: “Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi! Trong toán nhiều công thức/ Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn”.
Mở đường cho các trường dân lập
PGS Văn Như Cương nhạy bén đặc biệt với những đổi mới. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đổi mới đã len vào mọi ngành nghề, trừ giáo dục. Khi đó, PGS Cương quyết định cùng một người bạn của mình là Nguyễn Xuân Khang, giảng viên Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐHQG Hà Nội), đứng ra mở trường tư thục.
Tháng 8-1988, Bộ Giáo dục tổ chức hẳn một cuộc hội thảo để hai ông lên thuyết trình về kế hoạch thành lập trường dân lập. Và ngày 1-6-1989, bà Trần Thị Tâm Đan, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã ký quyết định thành lập Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. PGS Cương kể đêm 1-6-1989, ông Khang chạy sang ôm chầm lấy ông, vừa khóc vừa nói: “Thầy ơi… ký rồi!”. Nước mắt ông trào ra vì sung sướng..
PGS Cương chia sẻ nếu năm đầu tiên có dưới 100 học sinh trường sẽ đóng cửa. Nhưng không ngờ có đến hơn 1.000 em đăng ký và trường phải tổ chức một cuộc thi tuyển để nhận khoảng 800 em.
Sự ra đời của Trường THPT Lương Thế Vinh đã mở đường cho hàng loạt trường dân lập khác trên cả nước.
Thẳng thắn phản biện
Ba năm nay, PGS Văn Như Cương dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư gan nhưng bất cứ lúc nào, mọi suy nghĩ của thầy đều hướng về đổi mới giáo dục. Là chủ tịch một trường dân lập, bình thường người ta sẽ phải cẩn thận khi phát ngôn về những bất cập trong quản lý, nhưng PGS Cương lại khác. Thầy là người phản biện tích cực đối với Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa hồi năm 2014. Thầy cũng nêu rất nhiều về ý kiến đổi mới thi và tuyển sinh.
Với sự thẳng thắn và những đóng góp không biết mệt mỏi cho nền giáo dục Việt Nam, PGS Cương từng được chọn là thành viên Hội đồng Giáo dục quốc gia Việt Nam.
Phó tiến sĩ và… lợn
Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mang tiếng là phó tiến sĩ nhưng lương chẳng đủ ăn, ông cùng vợ quây mảnh sân nhà làm chuồng nuôi lợn. Mỗi tháng, trừ các loại chi phí rau cám, chú lợn của ông cũng đem lại cho chủ 70 đồng, bằng đúng lương giảng viên. Bạn bè đến chơi, có người cám cảnh nhưng ông chỉ cười: “Nhà có hai phó tiến sĩ đấy, một tôi, một lợn”. Nhưng rồi lợn cũng chỉ nuôi được 2-3 lứa là hết tiền mua thức ăn, đành phải bán sớm. Lại có người hỏi sao ông cho nó “bảo vệ” sớm thế, ông đáp: “Hết đề tài (rau cám) nên tôi cho nó “bảo vệ” sớm chứ sao!”.
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937, tạ thế lúc 0 giờ 27 phút ngày 9-10-2017 (ngày 20-8 năm Đinh Dậu) tại nhà riêng.
Lễ viếng được cử hành từ 10 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút ngày 12-10-2017 (ngày 23-8 năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Lễ truy điệu vào hồi 12 giờ 30 phút cùng ngày.
An táng tại đài hóa thân hoàn vũ, Nghĩa trang Văn Điển.
Theo NLD
Phó giáo sư Văn Như Cương qua đời
Sau ba năm chống chọi với bệnh tật, phó giáo sư Văn Như Cương đã qua đời rạng sáng 9/10 ở tuổi 80.
Thầy Văn Như Cương thường đánh trống khai giảng năm học mới.
Mắc bệnh ung thư gan ba năm qua, thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật. Thầy sống tại cơ sở A của trường ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), dự lễ khai giảng, tiễn học sinh lớp 12 ra trường, phát biểu động viên các em.
Thầy Cương nhận được nhiều sự yêu mến của học trò. Cách đây 7 tháng, khi thầy ốm nặng phải nằm viện, 3.000 học sinh toàn trường hát vang ca khúc truyền thống Bài ca Lương Thế Vinh như một món quà tinh thần giúp thầy mau khỏi bệnh.
Hơn 19.000 con hạc giấy đã được gấp và treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh cơ sở Nam Trung Yên. Các em tin rằng, những con hạc giấy sẽ giúp thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật.
Thầy Cương cùng các giáo viên hát Quốc ca trong lễ chào cờ ngày khai giảng.
Được bác sĩ cho xuất viện sau thời gian điều trị, sáng 17/3, thầy Văn Như Cương trở về trường THCS Lương Thế Vinh. Khi xe chở thầy về đến trường, hàng trăm học sinh đứng dọc hành lang vỗ tay chào đón cùng tiếng trống trường giòn giã.
Thầy giáo Văn Như Cương sinh 1937, là nhà giáo, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia. Ông là tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo sư.
Thầy Văn Như Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, hiện thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Nổi tiếng thẳng tính, thầy từng nhiều lần lên tiếng chỉ rõ những hạn chế của nền giáo dục.
Theo VNE
Thầy Văn Như Cương và triết lý về số không Thầy Cương hóm hỉnh nói sau này mất đi, nhờ học sinh làm bia mộ hình tròn, để nhớ thầy vẽ đường tròn đẹp, coi như cuộc đời toàn vẹn. Cách đây gần 40 năm, độc giả Nguyễn Quốc Cường được học thầy Văn Như Cương và vẫn nhớ những hình tròn thầy vẽ tay chính xác như compa, nhớ bài triết lý...