PGS Văn Như Cương: 225.000 cử nhân thất nghiệp là báo động
“Cần có dự báo nhân lực các ngành trong tương lai để thí sinh xem những năm tới tỷ lệ ngành nghề nào thất nghiệp cao, ngành nào cần nhân lực mà có kế hoạch cụ thể”, PGS Cương nói.
Vừa qua, hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức, đã thống kê Quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Liên quan vấn đề này, phóng viên báo Infonet có cuộc trò chuyện cùng thầy Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT trường PTTH Lương Thế Vinh, Hà Nội).
Thầy Cương cho biết: “Nhìn chung, trên thế giới hiện nay số lượng cử nhân thất nghiệp khá phổ biến. Tuy nhiên, có sự khác nhau về con số giữa các nước và con số 225.000 cử nhân của Việt Nam thất nghiệp trong quý I/2016 đúng là vấn đề báo động.
Hiện nay, một chương trình đào tạo tiên tiến phải tính đến sự chuyển đổi giữa các ngành nghề với nhau. Ở Mỹ, trung bình một đời người họ chuyển nghề 4 – 5 lần và được thông qua đào tạo khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy nên khi ngành này không đủ chỉ tiêu họ có thể dễ dàng chuyển sang ngành khác để tránh nguy cơ thất nghiệp.
Video đang HOT
PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường PTTH Lương Thế Vinh . Ảnh: Infonet.
Ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn tồn tại tư duy, nếu học ngành sư phạm thì sau này ra trường nhất định phải làm giáo viên mà không làm được các ngành khác như biên tập sách, làm hướng dẫn du lịch… thậm chí là làm phóng viên. Thế nên, khi ngành sư phạm đã đủ chỉ tiêu thì những sinh viên mới ra trường thất nghiệp là đương nhiên.
Trong xã hội phát triển như hiện nay, giới trẻ chúng ta cần thay đổi tư duy về nghề nghiệp. Nếu học chuyên ngành Ngoại ngữ chúng ta có thể làm phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch… thậm chí có thể làm lễ tân tại khách sạn lớn, miễn là kiếm ra tiền và có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình chứ không nhất thiết phải làm đúng với chuyên ngành mình đã học”.
Cũng theo thầy Văn Như Cương, một vấn đề nữa chúng ta cần lưu ý là đào tạo. Cử nhân ở các nước ra trường có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng của chúng ta làm một nghề học còn chưa thạo.
Khi cử nhân của chúng ta làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, họ phải đào tạo lại nhân lực một thời gian mới đáp ứng được. Tại sao vậy?
Một trong những nguyên nhân khiến cử nhân thất nghiệp nhiều là việc học và ứng dụng những gì đã học vào thực tế rất rời rạc. Chúng ta vẫn thiên về học lý thuyết quá nhiều, không được thực hành, nên khi ứng dụng thực tế gặp khó khăn là đương nhiên.
Ngoài ra, sinh viên học quá nhiều những môn không cần thiết cho công việc, cho thực tế sau này, gây lãng phí thời gian. Điều này cũng đã được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói đến.
Hơn thế, mỗi chúng ta ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường chủ động và nỗ lực học hỏi những cái mới, cái tiến bộ chứ không thể quá ỷ lại vào giáo trình, giảng viên.
Ngoài ra, giáo dục của chúng ta cũng không làm các thống kê và đưa ra dự báo, cũng như định hướng thị trường nhân lực trong tương lai. Mục đích là để cho học sinh xem trong những năm tới tỷ lệ ngành nghề nào thất nghiệp cao, ngành nào cần nhân lực để học sinh có kế hoạch.
Giả sử, các nhà quản lý đưa ra định hướng 5 năm nữa ngành luật sẽ rơi vào tính trạng thừa nhân lực thì đương nhiên những thí sinh định dự thi vào ngành này sẽ phải xem xét lại. Hiện, việc hướng dẫn nộp hồ sơ vào các trường đại học chỉ trong vẻn vẹn một quyển sách gọi là hướng dẫn tuyển sinh, liệt kê chỉ tiêu cũng như ngành nghề của các trường mà không hề có dự báo nhân lực các ngành trong tương lai.
Hiện nay, mới có báo động đầu tiên là năm nay các trường sư phạm sẽ tuyển sinh ít vì số lượng giáo viên thừa quá nhiều. Đó cũng là báo động có lợi cho thí sinh. Bởi lẽ, những thí sinh nào hăm hở vào sư phạm cũng sẽ nghĩ rằng, nếu thừa mình phải chuyển sang ngành khác để nắm lấy cơ hội có việc làm sau khi ra trường.
Thêm nữa, việc đào tạo không có định hướng gây tốn kém rất lớn cho Nhà nước. Ví như chương trình học cử tuyển ở một số dân tộc, các địa phương cử người đi học và Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng khi học xong lại không có việc. Như vậy, chúng ta cũng cần nghiên cứu lại.
Theo Hoàng Thanh/ Infonet