PGS-TS Vũ Hải Quân: Người trò chuyện với máy tính
Giao tiếp, điều khiển máy tính bằng tiếng nói; dựng lại giọng nói của một người hay phiên dịch tự động giữa người nói tiếng Việt và người nói ngôn ngữ khác… là những dự án của Phòng Thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AILab) nơi PGS-TS Vũ Hải Quân đứng đầu.
Là PGS trẻ của ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ở tuổi 38, TS Vũ Hải Quân cũng là người theo đuổi một lĩnh vực nghiên cứu còn rất trẻ ở Việt Nam: giao tiếp giữa máy tính và con người bằng tiếng nói, mà cụ thể là tiếng Việt. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu đa ngành, liên quan đến cả ngôn ngữ, vật lý, toán học, khoa học máy tính và một số lĩnh vực khác.
Con người làm khoa học
Tốt nghiệp cử nhân Khoa học máy tính tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, với luận văn đạt điểm tuyệt đối, Quân được giữ lại trường làm trợ giảng và học tiếp bậc cao học.
PGS-TS Vũ Hải Quân
Luận văn thạc sĩ cũng như hướng nghiên cứu ban đầu của Quân với thầy mình khi đó là GS Hoàng Kiếm thiên về các ứng dụng đồ họa 3D và nhận dạng hình ảnh. Ở thời điểm những năm 2000, đây là một trong số rất ít nhóm nghiên cứu tiên phong ở Việt Nam về lĩnh vực này. Ngoài nghiên cứu, Quân cùng các đồng nghiệp trong nhóm còn viết giáo trình về đồ họa máy tính, được nhiều cơ sở đào tạo ĐH sử dụng. Cá nhân Quân khi đó được T.Ư Đoàn trao huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo năm 2001.
Video đang HOT
Cùng năm 2001, Quân nhận học bổng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Ý. Chính thời gian nghiên cứu tại ĐH Tổng hợp Trento (Ý) cùng nhóm nghiên cứu “Xử lý ngôn ngữ nói” để phát triển hệ thống dịch tiếng nói trong một dự án quy tụ nhiều nhóm nghiên cứu của các ĐH và công ty lớn trên thế giới đã hình thành trong anh câu hỏi: “Với tiếng Việt – tại sao không?”. Cũng chính vì câu hỏi đó, Quân chăm chú lao vào nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này.
Khó có thể giải thích ngắn gọn những nghiên cứu thuần về thuật toán và khoa học máy tính của anh, nhưng có thể giới thiệu rằng công trình của Quân đã được công bố về một phương pháp tăng chất lượng dịch tiếng nói đã được các nhóm nghiên cứu khác ở ĐH Cambridge (Anh), Johns Hopkins (Mỹ), LIMSI (Pháp)… chọn trích dẫn phương pháp và thực nghiệm của anh để tham khảo. ĐH CMU (Mỹ) cũng chọn tài liệu này giảng dạy cho bậc cao học của trường trong môn học về dịch máy, sau khi hệ thống dịch tiếng nói mà anh cùng với nhóm nghiên cứu ở Trento tham gia phát triển đoạt giải cao nhất cuộc thi về dịch máy quốc tế, vượt qua các đối thủ như IBM, Microsoft cùng thi trong năm đó.
Làm xong tiến sĩ, Quân lại nhận tiếp học bổng sau tiến sĩ (Postdoc) ở ĐH Tổng hợp Leuven (Bỉ) để tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu đã chọn.
Và rồi trước nhiều lời mời tiếp tục ở lại nghiên cứu và giảng dạy tại châu Âu, Quân đưa vợ con về nước. Không chỉ là lựa chọn cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh gia đình, mà chính ở trong nước anh có điều kiện tìm câu trả lời cho “Tiếng Việt, tại sao không?”.
Dạy máy hiểu tiếng Việt
Những nghiên cứu bước đầu đã đi vào ứng dụng thiết thực, phục vụ cộng đồng như hỗ trợ người khiếm thị, người lớn tuổi truy cập thông tin bằng giọng nói; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng hệ thống cung cấp thông tin tự động bằng giọng nói. “Không còn là kiểu tổng đài tự động, thu âm sẵn và người gọi đến phải lựa chọn thông qua thao tác chọn số trên bàn phím như hiện nay. Máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể đối đáp với người gọi đến, hiểu họ cần gì để trả lời, muốn gặp ai để nối máy. Như vậy cơ quan công sở không cần tổng đài viên, hàng không không cần nhân viên đặt chỗ qua điện thoại, thậm chí nếu cần sẽ có những cô tổng đài viên máy kể chuyện bé nghe mà trò chuyện luôn với các cháu bé!…”, Quân giải thích.
Vẻ như từ nghiên cứu cơ bản ở nước ngoài, từ khi về Việt Nam, anh đã chọn hướng nghiên cứu ứng dụng?
Đó là thực tế. Bởi muốn thuyết phục được mọi người thì nghiên cứu khoa học phải có sản phẩm cho người ta có thể nhìn thấy được, sử dụng được. Thậm chí càng về sau này chúng tôi càng chọn những ứng dụng cụ thể phục vụ được cộng đồng miễn phí, chẳng hạn người khiếm thị có thể dùng được iPhone truy cập mạng bằng cách ra lệnh bằng tiếng nói của mình chứ không cần chạm, lướt các chức năng như người bình thường, rồi yêu cầu được nghe đọc tin tức, phần mềm đọc báo tự động cho người già mắt kém, tìm kiếm địa chỉ, thời tiết bằng giọng nói tiếng Việt tương tự như Siri vốn phải dùng bằng tiếng Anh…
Nhưng nếu là khát vọng xa hơn cho những nghiên cứu của mình và AILab?
Tôi nghĩ có thể tóm gọn trong 4 ý chính. Một là các nghiên cứu của chúng tôi phải trở thành sản phẩm phục vụ cho cộng đồng, phi lợi nhuận, càng được nhiều người biết đến, dùng thử và dùng được. Vì suy cho cùng thành quả mà chúng tôi có được là từ nguồn đầu tư trước hết của ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học. Hai là không chỉ với tiếng Việt, mà chúng tôi còn muốn vươn tới các ngôn ngữ khác của các dân tộc anh em trên đất nước mình để nghiên cứu, bảo tồn – điều này cần có sự góp sức của các nhà nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ học… Ba là các nghiên cứu trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh (tái tạo giọng của một người đã mất), giáo dục (hệ thống những từ thường dùng trong tiếng Việt để biên soạn chương trình dạy cho người nước ngoài)… Và cuối cùng là thương mại hóa được các thành quả nghiên cứu khoa học.
***
Khi bài báo này đến tay bạn đọc, PGS-TS Vũ Hải Quân cũng vừa nhận được quyết định bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Trong các mảng công việc được giao, anh vẫn dành thời gian cho Phòng Thí nghiệm AILab, tiếp tục với hướng nghiên cứu của mình.
Theo người lao động
Dạy tin học miễn phí cho người khuyết tật
Sáng 3-12, Tổ chức Catholic Relief Services (CRS), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng phối hợp tổ chức khai giảng dự án đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật cho 25 học viên đến từ các tỉnh thành của miền Trung.
Ảnh minh họa
Tham gia lớp học miễn phí kéo dài sáu tháng này, học viên được đào tạo kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin như đồ họa, lập trình, thiết kế website...
Kết thúc khóa học, các học viên sẽ được giới thiệu việc làm phù hợp với năng lực, sức khỏe và có thu nhập cao hơn trước. Dự án đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật được Bộ GD-ĐT phê duyệt vào tháng 7-2012 và chọn Đà Nẵng là điểm thực hiện.
ĐOÀN CƯỜNG
Theo tuổi trẻ
Gặp chàng trai Bình Định giành ba học bổng tiến sĩ toàn phần Từ Melbourne (Australia), tôi bắt xe đò xuống Geelong (một thành phố nhỏ thuộc bang Victoria cách Melbourne 70km) và hẹn gặp Nguyễn Tiến Vũ (sinh năm 1989, quê Tam Quan, Hoài Nhơn) ở ga Geelong. Một thanh niên rắn rỏi, da rám nắng, vẻ ngoài hơi "bụi", khác với những gì tôi hình dung về Vũ khi biết đây là chàng trai...