PGS Phan Thị Hà Dương: Không nên ‘hạ chuẩn’ tiến sĩ với hiện trạng ở Việt Nam
“ Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ” cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay.
Chúng ta không nên áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.
Đây là quan điểm của PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương trước những tranh luận về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18/2021 của Bộ GD-ĐT. VietNamNet trân trọng giới thiệu với độc giả:
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2021. Ảnh: NAG Nguyễn Á
Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT mới ban hành (và dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) đã gây xôn xao trong giới khoa học, trong đó có nhiều ý kiến phản biện về việc ‘hạ chuẩn’ đầu ra của tiến sĩ.
Đặc biệt, ngày 15/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng ‘nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ’.
Tôi cũng có một số ý kiến đóng góp về tiêu chuẩn đầu ra của việc đào tạo tiến sĩ như sau:
Cần đi thẳng vào hiện trạng giáo dục
Như chúng ta biết, Thông tư có nội dung và mục đích nhằm hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định chung trong các văn bản pháp luật, có hiệu lực 45 ngày sau khi ban hành; và thời gian hiệu lực của Thông tư có thể chỉ 4 năm (như trường hợp ta đang bàn là Thông tư 08/2017 sẽ bị thay thế bằng Thông tư 18/2021 này).
Do đó, Quy chế theo Thông tư 18 sẽ được áp dụng ở ngay hiện tại và trong tương lai gần, chứ không phải ở một tương lai xa, khi ta giả thiết đã có những điều chúng ta muốn xây dựng. Vì vậy, chúng ta nên phân tích việc áp dụng Quy chế trong hiện trạng giáo dục và xã hội ta hiện nay.
So với các nước tiên tiến được không?
Video đang HOT
Khác với Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ cũ (Quy chế 2017), Quy chế mới (Quy chế 2021) không yêu cầu luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế.
Có ý kiến cho rằng ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Pháp, không có yêu cầu công bố với tiến sĩ. Theo tôi, ta cũng nên xét một cách tổng thể. Trước hết, ở Pháp thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng Tiến sĩ khoa học (Habilitation – bằng cấp cao nhất trong khoa học, kết quả của một quá trình tối thiểu 3 năm nghiên cứu cao cấp hơn sau bằng tiến sĩ) – đảm bảo vấn đề từ gốc là thầy hướng dẫn đã có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu. Trong khi đó, Quy chế mới của ta đã ‘hạ chuẩn’ so với Quy chế cũ khi không yêu cầu thầy hướng dẫn phải có công bố quốc tế. Ngoài ra, luận án ở Pháp được hai phản biện đánh giá với các tiêu chí cao – hầu hết các kết quả nghiên cứu trong luận án đã được gửi đi và sớm được công bố trên các tạp chí hay hội thảo khoa học uy tín.
Việc đánh giá luận án tiến sĩ ở Pháp hay nhiều nước tiên tiến là do cộng đồng khoa học đánh giá và đáng tin tưởng vì đó đã là một cộng đồng khoa học phát triển. Cộng đồng khoa học của chúng ta đã đủ phát triển chưa khi mà trong tấm bằng tiến sĩ của Pháp ghi đầy đủ tên các thành viên Hội đồng với quan trọng nhất là hai phản biện; còn ở ta, để tránh tiêu cực, tên của hai phản biện độc lập mãi mãi là bí ẩn với mọi người?
Đề xuất công khai tên của phản biện độc lập là rất hợp lý; nhưng chừng nào trong Quy chế chưa quy định những điểm mới như vậy, thì chúng ta vẫn phải xây dựng các điều khoản dựa trên các quy định cũ.
Có một số ý kiến cho rằng với Quy chế này, chúng ta vẫn có thể đạt được chuẩn mực cao bằng cách nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, giới hạn danh sách các tạp chí được Hội đồng Giáo sư công nhận. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, của tương lai xa, chứ chưa thể áp dụng ngay vào trong Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8 này.
Chính vì cộng đồng khoa học của chúng ta chưa đủ phát triển như vậy nên để có thể tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, chúng ta cần chấp nhận một số chế tài quy định các điều kiện hội nhập quốc tế. Do đó, để có thể nâng cao chất lượng, chúng ta chưa thể hạ chuẩn đầu ra.
Một trong những băn khoăn của nhiều người là có thể có những ngành/chuyên ngành mà khó để công bố quốc tế thì ý kiến “đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, bảo đảm chất lượng”, có lẽ là thỏa đáng.
Có thực sự tự chủ tích cực?
Với các quy chế trước đây, từng cơ sở đào tạo vẫn có thể giữ nguyên chuẩn đầu ra hoặc nâng cao lên (như Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Vậy thì vấn đề tự chủ về công nhận trình độ tiến sĩ sẽ tạo điều kiện để những cơ sở đào tạo chưa đạt được chuẩn đầu ra như trước đây sẽ có chuẩn đầu ra thấp hơn?. Liệu chúng ta có thể tin rằng ở các cơ sở đạo tạo đó, các bằng tiến sĩ sẽ tiếp cận được chuẩn mực quốc tế? Và liệu chúng ta có thể chắc rằng xã hội sẽ phân biệt được bằng tiến sĩ của trường nào có giá trị hơn trường nào và chính thị trường sẽ đào thải các bằng tiến sĩ kém chất lượng?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét thực tế bằng tiến sĩ ở Việt Nam được sử dụng như thế nào? Tôi rất chia sẻ với ý kiến của GS Ngô Việt Trung rằng: Các cơ quan nhà nước hay các cơ sở đào tạo (công hay tư) là những nơi chủ yếu sử dụng bằng tiến sĩ như một yếu tố để nâng cao vị trí công tác; trong đó có nhiều nơi chỉ quan tâm đến tấm bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của tiến sĩ. Vì vậy, có thể nhiều người sẽ tìm đến những nơi đào tạo tiến sĩ dễ dãi để có tấm bằng; và xã hội chưa đủ phát triển để phân biệt và đào thải những bằng tiến sĩ kém chất lượng.
Tóm lại, theo tôi, Quy chế này cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. Chúng ta không thể áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.
Chúng ta ghi nhận là Quy chế mới đã có một số thay đổi tích cực như: Các cơ sở đào tạo có thể công nhận kết quả học tập lẫn nhau, yêu cầu nghiên cứu sinh sinh hoạt khoa học thường xuyên ở cơ sở đào tạo, có thể tiến tới việc tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh. Nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giữ một chuẩn đầu ra tiếp cận với trình độ quốc tế.
Tôi rất mong rằng tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh Quy chế này để có thể phát huy những mặt tích cực của Quy chế, nhưng không hạ chuẩn đầu ra, nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ: Có đủ thông thoáng?
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT ban hành đủ chặt chẽ để kiểm soát chất lượng, và đủ thông thoáng để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự quyết, tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của mình.
Ảnh minh hoạ/internet
Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội.
Tháo gỡ những vướng mắc
Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 (gọi tắt là Quy chế) có nhiều điểm mới so với Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT.
Quy chế vẫn đủ chặt chẽ để kiểm soát hoạt động đào tạo tiến sĩ, đảm bảo chất lượng, đồng thời vẫn đủ thông thoáng để các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thực hiện quyền tự quyết, tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của mình. "Chúng tôi rất hào hứng chờ đợi ngày Thông tư số 18 có hiệu lực" - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh bày tỏ.
Lãnh đạo Trường ĐH Luật nhận xét, Quy chế này được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH, đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, có tính hội nhập quốc tế hơn.
Quy chế đã bổ sung nhiều quy định mới so với Thông tư 08 như: công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, xác định rõ hơn quyền và trách nhiệm của nghiên cứu sinh (trong việc xây dựng kế hoạch học tập, tham gia hoạt động ở đơn vị chuyên môn như trợ giảng...), cho phép đào tạo trực tuyến...
Đặc biệt, Quy chế đã rà soát rất kỹ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn đào tạo trình độ tiến sĩ ở các cơ sở GDĐH khi thực hiện Thông tư số 08 để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam như: tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh, điều kiện bảo vệ luận án...
Việc bổ sung vào tiêu chuẩn, điều kiện này các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước từ 0,75 điểm trở lên trong danh mục được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận, sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước phát hành là điểm tháo gỡ nút thắt lớn nhất trong công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay.
"Tôi đánh giá những quy định này sẽ tác động tích cực đến hoạt động đào tạo tiến sĩ, từ tuyển sinh cho đến đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, tháo gỡ những vướng mắc mà các cơ sở GDĐH đang gặp phải" - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhận định.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh. Ảnh internet
Phù hợp với quyền tự chủ đại học
Cho rằng, nhiều quy định mang tính hình thức của Thông tư số 08 đã được loại bỏ hoặc điều chỉnh cho hợp lý hơn trong quy định mới này, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh: Đây cũng là chủ trương đúng đắn, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt đối với đào tạo các nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Ví dụ, thông báo tuyển sinh công khai trước khi tuyển sinh 30 ngày, thay vì 3 tháng như Thông tư 08, việc thay đổi đề tài, bổ sung người hướng dẫn được thực hiện trong thời gian đào tạo chứ không còn ấn định mốc thời gian, thủ tục cấp bằng tiến sĩ cũng đơn giản hơn...
"Đặc biệt, chúng tôi ủng hộ việc quy định rõ ràng các thời hạn thực hiện các thủ tục hành chính, trên cơ sở đó các cơ sở GDĐH có trách nhiệm thực hiện đúng và người học có thể giám sát việc thực hiện.
Với những quy định như vậy, tôi tin rằng cả 2 phía (nhà trường và người học) đều thấy thuận lợi hơn, minh bạch hơn, đỡ mất nhiều thời gian vào các thủ tục hành chính không có nhiều ý nghĩa; tập trung vào chuyên môn hơn" - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nói.
Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Quy chế mới đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Các cơ sở GDĐH đã được tự chủ nhiều hơn trong hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, từ khi tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho đến khi cấp bằng tiến sĩ.
Các quy định của Quy chế dành nhiều quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo như ban hành Chương trình, quy định về nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh, quyết định thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ trong khung tiêu chuẩn mà Bộ GD&ĐT quy định, số lần tổ chức tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, quyết định đào tạo trực tuyến...
Hầu như quy định nào của Quy chế cũng trao cho cơ sở đào tạo quyền quy định cụ thể trong Quy chế đào tạo của mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với quyền tự chủ đại học đã được Luật GDĐH quy định.
Tuy nhiên, tự chủ đại học luôn song hành với trách nhiệm giải trình nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Quyền luôn đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm. Vì thế, Quy chế đã có những quy định về trách nhiệm báo cáo, công khai cũng như một số quy định chặt chẽ bắt buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện trong quá trình đào tạo.
"Về cơ bản, Quy chế mới đã tạo được hành lang pháp lý đủ thông thoáng nhưng cũng không kém phần chặt chẽ nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, người học và cộng đồng xã hội" - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh.
Chuẩn đầu ra Tiến sĩ: Công nhận bài báo khoa học trên tạp chí trong nước Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới được ban hành bổ sung việc công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước đối với chuẩn đầu ra trình độ tiến sĩ. Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ . Theo đó, quy chế...