PGS Nguyễn Xuân Hoàn: các trường khó tự chủ hoàn toàn do các quy định chồng chéo
Trong quá trình vận hành, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ cũng gặp không ít bất cập, khó khăn.
Tự chủ đại học đã được bàn thảo hơn 10 năm qua, dù đã có những quy định của pháp luật, tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình triển khai thì một số trường đại học vẫn còn vướng một số rào cản, vướng mắc khi thực hiện mô hình tự chủ đại học.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (HUFI) cho rằng, có được cơ chế tự chủ sẽ giúp cho các trường đại học có thể vươn mình phát triển mạnh mẽ nhiều hơn nữa.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng cách hiểu về tự chủ đại học đang có sự khác nhau. Theo thầy, việc thực hiện mô hình tự chủ trong các trường đại học công lập tại Việt Nam được hiểu như thế nào?
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Hoạt động tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung, tại HUFI nói riêng đang là thể chế rất phù hợp được triển khai trong những năm gần đây. Cơ chế tự chủ được hiểu là đơn vị có quyền ra quyết định, kiểm soát hoạt động của đơn vị mình trên 5 phương diện chính:
Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy.
Tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp.
Tổ chức bộ máy, phát triển nguồn lực.
Huy động, quản lý, sử dụng tài chính và tài sản.
Hợp tác trong và ngoài nước.
Mục đích chủ yếu của việc giao quyền làm chủ cho hệ thống giáo dục đại học có thể hoạt động một cách có hiệu quả, đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của xã hội. Mô hình “tự chủ giáo dục đại học” đã được các nước tiên tiến phát triển trên thế giới như Úc, Mỹ, Anh, Singapore…áp dụng rất thành công.
Tại Việt Nam, cơ chế tự chủ đã và đang đi đúng mục đích thực hiện ban đầu. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học thực sự là cần thiết lúc này.
Đây không chỉ là cách thích ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, mà còn là cách để phát triển nguồn lực của các cơ sở giáo dục, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học, doanh nghiệp và xã hội.
Vậy theo thầy, việc tự chủ sẽ giúp được gì cho các trường đại học công lập?
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Việc tự chủ trong nhiều công tác như: Tài chính, tài sản, tuyển sinh, đào tạo, phát triển nguồn lực…các cơ sở giáo dục đại học sẽ vươn mình phát triển lên rất nhanh. Có thể kể đến như việc các ngành mới ra đời, chương trình đào tạo được đổi mới, thích ứng với hướng phát triển ứng dụng cho doanh nghiệp và xã hội.
Video đang HOT
Đi song hành cùng với đó, việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất thì Nhà trường có thể chủ động để đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Cơ sở vật chất phát triển, ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội đòi hỏi công tác tuyển sinh, đào tạo của đơn vị giáo dục đại học phải phát triển theo từng ngày.
Như vậy, việc tự chủ cũng giúp cho các trường đa dạng, chủ động trong công tác tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, đặc biệt là trong việc thay đổi phương thức đào tạo, công nhận tốt nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình học tập của sinh viên.
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (ảnh: HUFI)
Bên cạnh đó, với cơ chế tự chủ cũng sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học được chủ động trong công tác tuyển dụng nhân lực ở bên ngoài, cũng như phát triển nguồn nhân lực tại chỗ để có có chất lượng cao, những chuyên gia đầu ngành.
Ngoài việc có thể chủ động sắp xếp nhân sự, bố trí giảng viên vào các vị trí phù hợp, cơ sở giáo dục đại học còn có thể xác định điều kiện làm việc phù hợp với năng lực nhân sự, phát triển tối đa khả năng của nhân sự.
Đặc biệt, trong cơ chế này, các trường còn được chủ động huy động nguồn nhân lực có học hàm, học vị cao, những chuyên gia đầu ngành trong các ngành nghề mà trường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ với các vị trí phù hợp.
Sự tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học cũng là cơ hội để các cơ sở có trách nhiệm hơn trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ ở địa phương.
Vậy những bất cập khi các trường đại học như HUFI thực hiện cơ chế tự chủ là gì, thưa thầy?
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Trong quá trình vận hành, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ cũng gặp không ít bất cập, khó khăn.
Cụ thể: Các trường khó có thể thực hiện việc tự chủ hoàn toàn do các quy định còn chồng chéo, đúng quy định này thì lại chưa đúng với quy định kia đã làm cho các đơn vị tự chủ lúng túng trong các giải pháp xử lý.
Hay là chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập thành lập công ty, doanh nghiệp thuộc trường làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính không đáng có.
Sinh viên đóng học phí, làm thủ tục nhập học ở HUFI (ảnh: HUFI)
Thầy có thể phân tích vì sao tại các trường đại học công lập được tự chủ thường có học phí cao hơn so với những trường chưa tự chủ?
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Trong thực hiện cơ chế tự chủ, HUFI đã không xin ngân sách của Nhà nước để chi đầu tư, chi thường xuyên. Vì thế, việc thu học phí có phần cao hơn trước đây. Bởi tự chủ là “lấy thu bù chi”.
Khi không có nguồn ngân sách nhưng các cơ sở vẫn phải phát triển cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ và chi nhiều hơn với những khoản học bổng, hỗ trợ học phí cho người học. Do đó, việc tự chủ đi đôi với học phí cao hơn là chất lượng đào tạo tốt hơn, điều kiện học tập tốt hơn và các chính sách hỗ trợ người học tốt hơn.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định với toàn xã hội rằng: “Không có bất cứ sinh viên khó khăn nào bị bỏ lại phía sau”.
Ví dụ: Năm học 2020-2021, nhà trường đã chi gói hỗ trợ khó khăn cho toàn bộ sinh viên là 40,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn vì dịch bệnh là gần 5 tỷ đồng…
Tóm lại, tự chủ đại học là cơ chế tất yếu trong quản lý, hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội, yêu cầu của các cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với cuộc cách mạng đổi mới của ngành giáo dục.
Thầy có kiến nghị gì để thúc đẩy quá trình tự chủ đại học hiệu quả tại Việt Nam?
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Theo tôi, các luật cần phải đồng bộ, tránh chồng chéo với nhau có như vậy mới tránh gây khó khăn cho các trường khi thực hiện tự chủ.
Tôi cho rằng, đã có Luật Giáo dục Đại học thì các luật liên quan cũng phải thay đổi, đồng bộ như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư…
Trân trọng cảm ơn thầy.
Trường đại học tốp đầu tiên phong đổi mới tuyển sinh, mở thêm ngành đào tạo
Năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ và chuyển đổi số trong đào tạo để khẳng định vị trí trên hệ thống các trường đại học trong nước và quốc tế.
Ảnh minh họa
Trong đó, có tự chủ về tuyển sinh, về đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị. Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố mở ngành đào tạo mới cũng như điều chỉnh về các tiêu chí tuyển sinh để tìm được những thí sinh phù hợp với yêu cầu đầu vào, đáp ứng tiêu chí đào tạo và theo học được chương trình.
Mở mới nhiều ngành đào tạo
Với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và công cuộc chuyển đổi số, năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học đã thông báo mở thêm một số ngành học mới để phù hợp với xu thế phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Năm 2022, trường bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm: Marketing số (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II - TP Hồ Chí Minh); chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội).
Ba chương trình mới đều có cách tiếp cận hiện đại trong thiết kế và tổ chức thực hiện trên nguyên tắc căn bản, mở, linh hoạt nhằm giúp người học có nền tảng nghề nghiệp, có khả năng nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp và thích nghi sáng tạo trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.
Trường Đại học Thương mại cũng dự kiến phân bổ nhiều chỉ tiêu cho những ngành, chuyên ngành mới. Ở chương trình đào tạo chuẩn, trường có thêm ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế).
Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị kinh doanh và Quản trị nhân lực. Đồng thời, trường có thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý; chương trình tích hợp ngành Kế toán.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025. Theo quy hoạch này, so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó, bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.
Một số ngành, chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở Đại học Quốc gia Hà Nội như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số ... Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành. Nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt: có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể có thể là sự tích hợp.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, thời gian tới, sẽ có sự thay đổi không chỉ về danh mục các ngành nghề mà kéo theo là thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, cũng như nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra, đương nhiên kéo theo cả sự đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương thức tuyển sinh đầu vào, từ đó cũng mang đến rất nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho người học và cả cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới phương thức tuyển sinh
Nếu như những năm trước, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì năm nay, nhiều trường đại học tốp trên đã giảm chỉ tiêu đối với phương thức này và tăng chỉ tiêu xét tuyển riêng, nhằm lựa chọn được các thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nghiên cứu, lựa chọn phương án, sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Như vậy, ngoài 3 phương thức tuyển sinh (xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, xét tuyển kết hợp), năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cũng ghi rõ, kết quả của kỳ thi này chỉ là cơ sở để các trường đại học xem xét tuyển sinh. Mục tiêu đã thay đổi nên các trường cũng phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh thực tiễn, nhất là những trường tốp đầu. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên, một số cơ sở giáo dục đại học mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng, trong đó có sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi đánh giá tư duy nên ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định đến thí sinh. Vì thế, các trường đại học cần sớm công bố đề án tuyển sinh để thí sinh tìm hiểu và nắm chắc một số quy định. Từ đó, có định hướng trong học tập và đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi thông tin, năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.200 sinh viên, với 39 ngành ở 7 khối. Đáng chú ý, chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ giảm từ 70% xuống 50% tổng chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhà trường dự kiến dành 10% chỉ tiêu với phương thức tuyển thẳng; 20% chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ và 20% xét tuyển từ kết quả thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách hoa Hà Nội.
Bên cạnh xét tuyển bằng các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, năm 2022, một số cơ sở giáo dục đại học bổ sung các tiêu chí về hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu, phỏng vấn... để tuyển sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Bất kỳ đóng góp nào cho xã hội đều đáng trân quý. Ví dụ, học sinh tham gia chiến dịch mùa hè xanh, các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng tại địa phương, tham gia tình nguyện viên trong mùa dịch COVID-19 hoặc thí sinh tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, viết bài luận để trình bày những thế mạnh của mình... Việc bổ sung thêm các tiêu chí xét tuyển như trên nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thế mạnh về hoạt động xã hội đăng ký xét tuyển, có cơ hội hiện thực hóa ước mơ vào đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh là việc nên làm, vì đây là xu hướng chung của các trường đại học trên thế giới đã làm từ rất lâu. Sự thành công của một người không chỉ nằm ở thước đo kiến thức mà còn ở các kỹ năng, năng lực và nhiều yếu tố khác. Do đó, nếu có những thang đánh giá toàn diện sẽ giúp chọn được người học phù hợp với mục tiêu đào tạo của các trường đại học.
Công tội cần phải rõ ràng khi thực hiện tự chủ đại học Nếu sau khi sơ kết, cơ quan chức năng đề xuất được Quốc hội ban hành một luật riêng về hoạt động tự chủ thì sẽ là tốt nhất. LTS: Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập từ khi ban hành đến nay đã được...