PGS Chu Cẩm Thơ và lý giải môn học nào quan trọng
“Môn học nào quan trọng? Những điều tôi trải qua chỉ cho thấy, người ta chẳng thể thiếu điều gì trong số những gì cần phải học. Nhưng ở mỗi thời điểm, người ta ý thức được sự quan trọng của mỗi môn học ở các mức độ khác nhau, và hoàn toàn mang tính thời điểm”.
Học để đi thi, vì bắt học?
PGS. TS Chu Cẩm Thơ (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Trung tâm toán tư duy Pomath) có bài chia sẻ về tầm quan trọng của các môn học, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Về phương diện cá nhân, tôi rất ngại phải đối mặt với câu hỏi này. Tôi đã thấm thía khi đi tìm câu trả lời ở các phụ huynh, các học sinh khi tiến hành nghiên cứu về việc giáo dục toán học.
Trong các khảo sát mà tôi tiến hành, hầu hết học sinh trả lời tôi là học toán để đi thi, vì bị bắt học. Phụ huynh cũng có câu trả lời tương tự.
Và rất nhiều người giỏi toán, đã từng thành công khi theo đuổi việc học toán về sau cũng bỏ, mà không thấy môn Toán quan trọng.
Qua những lần ấy, đủ để tôi rút ra một kết luận (tạm thời) rằng: môn học quan trọng, được người ta chọn học, học nhiều cũng có thể không thực quan trọng, bởi đó cũng chỉ là những nhận thức lối mòn hoặc mang tính nhất thời mà thôi.
Ngay cả bây giờ, khi cả thế giới nói đến 4.0, nói đến AI (trí tuệ nhân tạo) và toán/ toán ứng dụng vì thế ngày càng được quan tâm, nhưng nhớ rằng, với những ca sĩ, với vận động viên thể thao, họ sẽ chẳng mảy may quan tâm nếu môn đó vi phạm vào thời gian luyện tập, vào đam mê mà họ theo đuổi.
Mỗi thời điểm, người ta ý thức được sự quan trọng của mỗi môn học ở các mức độ khác nhau (Ảnh minh họa)
Không chọn môn thích để theo đuổi
Thời đi học, tôi học rất giỏi sử, rất thích lịch sử. Giá sách của tôi rất nhiều sách sử, từ lịch sử Việt Nam đến thế giới. Tôi cũng có thói quen nếu tặng sách thì chọn sách sử (vì nghĩ nó ai cũng đọc được, và cần đọc). Nhưng tôi không chọn sử là nghiệp theo đuổi.
Tôi chọn sử là hành trang cho công việc, cho cuộc đời mình, khi áp dụng bất cứ điều gì, cũng phải nghĩ trước sau, về “lịch sử” vấn đề và nghĩ về tương lai (những hậu quả, những ảnh hưởng). Sử dạy tôi những điều đó, người dạy sử, truyền tình yêu sử cho tôi dạy tôi như thế.
Thời tôi đi học, tôi được đánh giá có năng khiếu văn chương. Nhưng tiếng Việt của tôi thì không tốt lắm. Đã có lúc tôi gặp khó khăn khi không phân biệt tốt các loại từ vựng, đặt câu theo mẫu không chuẩn, …
May thay, tôi được khuyến khích viết văn để bù điểm tiếng Việt. Tôi viết theo cách của mình và được chấp nhận. Nhưng có năm, tôi không được giáo viên khuyến khích nữa (đấy là một cô giáo mới), thế nên tôi chán học văn.
Tôi không viết gì trong thời gian đó. Tôi cũng ít đọc những tác phẩm liên quan, mà chỉ đọc theo ý thích của mình.
Video đang HOT
Thời tôi đi học tôi sợ môn thể dục, mặc dù tôi rất thích thể thao. Tôi ghét phải khởi động rồi chạy mấy vòng trên sân trường bê tông bằng chân đất. Tôi ghét phải úp mặt xuống đất. Tôi không thể làm nhanh những động tác theo mẫu, mà có giúp đỡ tôi cũng khó làm được (bây giờ thầy dạy Yoga cho tôi cũng than phiền như thế).
Nhưng tôi thích đánh cầu lông, đá cầu và xem đá bóng. Tôi đã từng “đem” đội bóng lớp mình đi chiến đấu khắp những lớp, những trường ở khu vực. Đội bóng nữ lớp tôi còn vô địch…
Nhưng giờ, tôi ý thức được môn học nào quan trọng nhất với con tôi ở thời điểm này: chính là thể dục thể thao.
Tôi biết thói quen rèn luyện sức khỏe, tinh thần thể thao trượng nghĩa không thể nói suông, đọc sách mà thành. Nhìn tụi nhỏ của tôi, trong đó có con tôi cứ thiêu thiếu điều đó, thấy những người lớn xung quanh tôi sớm nhu nhược, sớm than vãn, bệnh tật. Tôi tin rằng, họ đã nhận thức chưa đúng về môn Thể dục thể thao.
Môn học quan trọng, được người ta chọn học, học nhiều cũng có thể không thực quan trọng, bởi đó cũng chỉ là những nhận thức lối mòn hoặc mang tính nhất thời mà thôi. (Ảnh minh họa)
Môn học quan trọng tùy từng thời điểm
Môn học nào quan trọng? Những điều tôi trải qua chỉ cho thấy rằng người ta chẳng thể thiếu điều gì trong số những gì cần phải học.
Nhưng ở mỗi thời điểm, người ta ý thức được sự quan trọng của mỗi môn học ở các mức độ khác nhau, và hoàn toàn mang tính thời điểm. Lý do của điều đó, chính là phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội, của chính họ mà biến thành sự lựa chọn.
Vậy nên, nếu một môn học nào đó không tự chứng minh được sẽ đáp ứng nhu cầu đó ra sao, người dạy môn học đó không làm cho người học cảm nhận được họ sẽ đạt được nhu cầu của mình qua môn học thì mọi triết lý sẽ vẫn là xa vời.
Việc cường điệu để nhấn mạnh tàm quan trọng của môn học bằng cách hạ bệ một môn học khác chắc chẳng có ích lợi gì (vì có người đã làm mà chẳng đem lại kết quả gì).
Thay vì thế, tôi chọn cách mà tôi vẫn làm: cho người học cơ hội lựa chọn, để họ bày tỏ nhu cầu, và tôi sẽ nỗ lực để họ chọn vì môn học tôi dạy giúp họ đạt được mục tiêu mà họ mong muốn.
Theo Dân Trí
Tạo "khoảng trống" trong chương trình đào tạo sư phạm
Theo chiến lược "dạy ít, học nhiều", giáo dục Singapore tập trung nâng cao chất lượng học tập của sinh viên bằng cách tạo thêm nhiều "khoảng trống" trong chương trình học để giáo viên có thể thực hiện những kế hoạch giảng dạy riêng, cùng sinh viên định hình một môi trường giáo dục riêng và bồi dưỡng nghiệp vụ.
ảnh minh họa
Nghiên cứu một số kinh nghiệm về đào tạo giáo viên ở Singapore, ThS. Dương Thị Thuý Hà - Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - tại Hội thảo khoa học quốc tế "Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm": Với mô hình "dạy ít, học nhiều", kiểu học vẹt, học vì thành tích và phong cách giảng dạy "dành cho tất cả mọi người" sẽ bị loại bỏ.
Thay vào đó, sinh viên sẽ chủ động hơn trong học tập, khám phá tri thức thông qua các thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, học các kỹ năng sống và xây dựng nhân cách nhờ chiến lược đào tạo hiệu quả và sáng tạo.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thêm nhiều cơ hội học tập và rèn luyện toàn diện để phát triển tư duy, nhân cách và những tố' chất để thành công trong tương lai.
Theo ThS. Dương Thị Thuý Hà, để hỗ trợ việc đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục Singapore cam kết thực hiện những thay đổi về cấu trúc chương trình học và cung cấp những nguồn lực cần thiết. Bộ sẽ tăng cường tính linh hoạt, chủ động của các trường bằng cách rút gọn chương trình giảng dạy tới 10-20% để tạo "thời gian trống"; đồng thời, giảm 2 giờ làm mỗi tuần cho mỗi giáo viên để họ có thêm thời gian lên kế hoạch giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.
Trợ cấp cho giáo viên tiềm năng
Bộ Giáo dục Singapore rất thận trọng trong việc tuyển chọn những giáo viên tiềm năng từ số học sinh thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích học tập sau khi tốt nghiệp THPT.
điều này, theo nghiên cứu của ThS. Dương Thị Thuý Hà, mặc dù thành tích học tập là yếu tố thiết yếu, nhưng một điều quan trọng không kém ở những người được tuyển chọn là phải có sự yêu thích, cam kết gắn bó với công việc giảng dạy.
Các giáo viên tiềm năng này trong thời gian đào tạo sẽ được hưởng mức trợ cấp tương đương 60% lương của giáo viên chính thức. Tuy nhiên, vì được hưởng quyền lợi này nên họ cũng phải cam kết sẽ tham gia giảng dạy trong ít nhất 3 năm sau khi chính thức vào nghề.
Mọi giáo viên đều phải được đào tạo theo chương trình giảng dạy của Viện Giáo dục Quốc gia (NIE). Tại đây, tùy theo khởi điểm đầu vào, họ sẽ lấy bằng cử nhân hay các học vị cao hơn.
Viện Giáo dục Quốc gia cũng có mối liên hệ mật thiết với các trường, bởi chính tại các trường phổ thông, những giáo viên cao cấp (master teacher) sẽ đóng vai trò dẫn dắt, chỉ bảo thêm cho mọi giáo viên mới ra trường trong nhiều năm.
"Nhân tố quan trọng đem lại thành công cho các chương trình đào tạo giáo viên của NIE chính là sự hợp tác chặt chẽ "ba bên" giữa NIE, Bộ Giáo dục Singapore và các trường trong nước.
Bộ ba này cùng đồng thuận quan điểm trong sứ mệnh cũng như tầm nhìn về việc đào tạo thế' hệ giáo viên có tư duy sáng tạo. Điều này đảm bảo sự đồng thuận quan điểm về sứ mệnh, tầm nhìn, hệ thống giá trị của nhà trường cũng như quá trình thực thi nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên sau đào tạo" - ThS. Dương Thị Thuý Hà .
Giáo viên có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp
Mỗi năm, các giáo viên được hưởng 100 giờ dành cho phát triển nghề nghiệp. Họ sẽ tham gia các khoá học tại Viện Giáo dục Quốc gia tập trung vào một môn học nào đó hay kiến thức sư phạm, cũng có thể giúp giáo viên có cơ hội lấy được những bằng cấp cao hơn.
ThS. Dương Thị Thuý Hà cho biết: Phần lớn khoảng thời gian dành cho phát triển nghề nghiệp này được thực hiện ngay tại ngôi trường mà giáo viên đó đang giảng dạy, do chính các chuyên gia phát triển đội ngũ nhân lực của nhà trường đảm nhiệm.
Các chuyên gia đó có nhiệm vụ nhìn ra được những vấn đề tồn tại của trường, chẳng hạn vấn đề học toán của một nhóm học sinh, hay giới thiệu các phương pháp giảng dạy mới. từ đó phát triển nghề nghiệp cho các giáo viên.
Trường học nào cũng có một quỹ chuyên dùng để hỗ trợ phát triển nghề nghiệp giáo viên, trong đó cho giáo viên tiếp xúc với các vấn đề mới về giáo dục bằng cách tạo điều kiện tham quan các mô hình giáo dục hiệu quả của những nước khác.
Năm 2010, Trung tâm giáo viên Singapore bắt đầu đi vào hoạt động để khuyến khích các giáo viên tích cực những phương pháp giảng dạy tốt nhất.
Cũng giống như mọi ngành nghề khác ở Singapore, hàng năm ngành giáo dục nước này đều có những phần thưởng tôn vinh cụ thể với các thành tựu, đóng góp xuất sắc của các nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục.
Sau ba năm tham gia giảng dạy, các giáo viên sẽ được đánh giá thường niên để xem họ có tiềm năng phát triển theo hướng nào trong số' ba lộ trình liên quan tới lĩnh vực của họ: trở thành giáo viên cao cấp (tức là có thể chỉ dẫn cho những nhà giáo non kinh nghiệm hơn), các chuyên gia về chương trình giảng dạy hay nghiên cứu hoặc trở thành nhà lãnh đạo trường học.
Những giáo viên có tiềm năng phát triển thành các lãnh đạo trường học sẽ được chuyển tới nhóm quản lý cấp trung và được đào tạo để có thể đảm nhiệm công việc trong vai trò mới. Người ta sẽ đánh giá hiệu quả của các nhà quản lý cấp trung này để xem họ có tiềm năng trở thành các hiệu phó và sau này là hiệu trưởng hay không.
Ở mỗi giai đoạn đều có một loạt những kinh nghiệm và chương trình đào tạo cần phải trang bị cho những người này để phục vụ cho công việc quản lý và thích ứng với sự chuyển đổi chuyên môn.
Bài học cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của Singapore, ThS. Dương Thị Thuý Hà cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tô cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành; chọn lọc kỹ các sinh viên thi vào ngành sư phạm và chỉ tiêu tuyển sinh tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành, sát nhu cầu tuyển dụng khi tốt nghiệp.
Cùng với đó, đổi mới chính sách, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thông thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Cần phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước theo đúng địa chỉ, đúng hướng đối với các cơ sở đào tạo tốt, có chất lượng thì ưu tiên nguồn lực nhiều hơn những cơ sở không đảm bảo chất lượng.
Đối với những ngành nghề xã hội cần, nhà nước cần mà xã hội chưa đáp ứng đủ thì cũng phải có chính sách ưu tiên hơn. Với những ngành nghề các trường đã cung cấp đủ, xã hội đã tự cân đối nhu cầu, nhà nước không nên dùng ngân sách bổ sung cho các cơ sở đó nữa.
Ngoài ra, cần chọn người học là những học sinh giỏi, có thành tích xuất sắc tốt nghiệp THPT vào các trường sư phạm, là người tâm huyết, yêu nghề, cam kết gắn bó với công việc giảng dạy.
Có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với giáo viên, điều chỉnh mức lương dành cho giáo viên mới ra nghề để đảm bảo nghề giáo cũng có sức hấp dẫn tương đương các ngành nghề khác.
Hằng năm, Bộ giáo dục Singapore đều tiến hành kiểm tra mức lương khởi điểm của các ngành nghề khác nhau, theo đó sẽ có điều chỉnh mức lương dành cho các giáo viên mới ra nghề để đảm bảo trong mắt các tân cử nhân, nghề giáo cũng có sức hấp dẫn tương đương các ngành nghề khác.
Theo thời gian, mặc dù lương nhà giáo không tăng nhiều như lương các nghề khác, nhưng bù lại họ được tiếp cận với nhiều cơ hội khác nhau để có thể nắm giữ những vai trò khác ngoài cương vị một nhà giáo.
Theo Giaoducthoidai.vn