PGS Bùi Hiền tiếp tục công bố phần 2 cải tiến ‘Tiếq Việt’
PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội – vừa quyết định công bố phần 2 của nghiên cứu cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt được nghiên cứu trong suốt gần 40 năm sớm hơn dự định.
PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội – vẫn miệt mài hoàn thiện phần thứ hai của đề xuất. Ảnh: Theo Vietnamnet
Theo PGS.TS Bùi Hiền, trong phần 1, ông mới chỉ đề cập đến việc cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt. Và thực tế đã cho thấy hệ thống phụ âm cải tiến của tiếng Việt đã thể hiện được chính xác và nhất quán nguyên tắc này, nên tạo ra được bước tiến nhảy vọt về chất trong hệ thống chữ quốc ngữ.
Trong phần 2 này, PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến hệ thống nguyên âm tiếng Việt. Với việc tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội) để từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc 1 âm vị – 1 chữ cái.
Ông Bùi Hiền , có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng và nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt.
Hiện tại, trong hệ thống nguyên âm tiếng Việt đã ghi nhận và thường xuyên dùng theo các quy chuẩn chính tả bao gồm 16 nguyên âm thể hiện bằng những chữ cái trong các vị trí điển hình độc lập hoặc đứng trong tổ hợp âm tiết có phụ âm đi cùng.
Video đang HOT
PGS. Bùi Hiền phân tích: Trong hệ thống nguyên âm tiếng Hà Nội, ngoài các nguyên đơn ra còn rất nhiều nguyên âm đôi và nguyên âm ba. Bởi vậy các cặp đôi nguyên âm đối lập “ngắn – dài” còn thiếu những kí tự cho riêng mình (chẳng hạn như: uu – u; ưư – ư) trong bảng chữ cái quốc ngữ hiện hành đã không hề làm mất tính khu biệt ý nghĩa của những âm vị nguyên âm đó. Thậm chí khi âm vị “ă” ở vào một vị trí phát âm không thể khác được thì cũng không nhất thiết phải viết đúng chữ cái “ă” nữa, mà có thể bỏ dấu “á” đi: ắy nắy – áy náy; con quăy – con quay, ….
Dựa vào đặc điểm của tính chất đó mà xem xét thì ngoài 3 cặp đối lập : a – ă, ơ – â, y – i đã có và thường hay gặp nhất trong tiếng Hà Nội, thấy không cần thiết phải có thêm các kí tự chỉ các nguyên âm đối lập còn thiếu vào bảng chữ quốc ngữ hiện hành (kiểu ee, êê, oo, ôô, uu, ưư).
PGS.TS Bùi Hiền nói về việc bị “ném đá” với đề án mới của mình
PGS Bùi Hiền khẳng định, đây là nghiên cứu, đề xuất khoa học cá nhân, việc có thể áp dụng hay không do Chính phủ quyết định.
Ở thời điểm này, Chính phủ và Bộ GDĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, ở thời điểm khác, nếu thấy đây là đề xuất hợp lý, cơ quan chức năng có thể xem xét.
Theo Trí Thức Trẻ
Phó giáo sư 40 năm nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ
Dù dư luận cười chê, gia đình ngăn cản, PGS Bùi Hiền vẫn quyết tâm nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ, đến khi nào "nhắm mắt mới thôi".
Trưa 30/11, trong căn hộ ở khu tập thể cũ quận Thanh Xuân (Hà Nội), PGS.TS ngữ văn Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) liên tục nghe điện thoại. Ông khi thì phóng viên đề nghị gặp gỡ, lúc là "than thở" của người bạn, hay người bà con ở Phú Thọ chúc mừng "nhầm" vì tưởng nghiên cứu của ông được Nhà nước công nhận... Tất cả đều xoay quanh công trình khoa học cải tiến chữ quốc ngữ mà PGS Hiền công bố (một nửa) tại hội thảo về ngôn ngữ vào tháng 7 ở Quy Nhơn (Bình Định).
Ngồi bên chiếc bàn gỗ cũ chất đầy từ điển tiếng Việt, Nga - Việt..., phó giáo sư 83 tuổi cầm bảng chữ cái tiếng Việt mới do ông biên soạn, giới thiệu mạch lạc với khách. So với bảng hiện hành, bảng mới bổ sung 4 chữ cái Latinh F, J, W, Z và bỏ chữ Đ trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành. Giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có cũng được thay đổi.
Cụ thể, C sẽ được thay cho Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R. Ông đồng thời tạo thêm một chữ cái mới cho âm vị "nhờ" (nh). Như vậy, từ Giáo dục sẽ được viết mới thành Záo zụk, tiếng Việt thành tiếq Việt...
Bảng chữ cái mới do PGS.TS ngữ văn Bùi Hiền biên soạn.
Ông Hiền bảo đã mất 40 năm nghiên cứu công trình khoa học này. 22 năm trước khi công trình bước đầu cho ra kết quả, ông nêu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ trên một tạp chí khoa học nhưng không được xem xét. "Công trình bị lắng đi, không ai đả động nhưng tôi vẫn làm vì nhận thấy những bất cập của tiếng Việt hiện nay gây khó khăn lớn cho người mới học và người dùng", ông giải thích.
PGS Hiền phân tích, tiếng Việt là chữ tượng thanh, đáng ra một chữ cái sẽ biểu đạt cho một âm vị và ngược lại một âm vị chỉ được biểu đạt bằng một chữ cái. Tuy nhiên, thực tế tiếng Việt hiện nay không tuân thủ nguyên tắc đó.
Có 3 hạn chế lớn của chữ quốc ngữ được tiến sĩ ngữ văn Bùi Hiền chỉ ra. Điểm đầu tiên là 2-3 chữ cái cùng biểu đạt một âm vị, ví dụ chữ D - Gi - R đều biểu đạt cho âm [z], các chữ C - K - Q đều biểu đạt âm [k]. Điểm thứ hai là cùng một chữ cái nhưng biểu đạt nhiều âm vị, như chữ a trong từ ca có âm vị là a nhưng trong từ cửa lại mang âm ơ. Bất cập cuối cùng là một số âm vị phụ âm đứng cuối vần như ch, ng, nh được biểu đạt bằng hơn một ký tự.
"Ta dùng quen rồi nên không để ý những điểm bất hợp lý đó, nhưng trẻ con và người nước ngoài mới học tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn. Họ không thể hiểu nổi vì sao chữ cái G đọc là gờ, khi ghép với A sẽ tạo được thành từ đọc là Ga,nhưng ghép với i thì không thể đọc là ghi. Vì thế, tôi cải tiến chữ quốc ngữ để loại bỏ những bất hợp lý đó, đơn giản hóa tiếng Việt, giúp mọi người dễ học, dễ nhớ, sử dụng được bền", ông Hiền nói.
Bảng chữ cái mới với 33 chữ cái đơn (thay vì 38 chữ cái đơn và ghép như hiện nay) biểu đạt cho 33 âm vị, theo ông Hiền đã đáp ứng được nguyên tắc khoa học của ngữ âm là một âm vị được biểu hiện bằng một chữ viết và mỗi chữ chỉ biểu đạt cho một âm vị.
Với bảng chữ này, PGS Hiền cho rằng học sinh lớp 1 chỉ cần nửa năm sẽ đọc, viết thành thạo, thay vì mất cả năm như hiện nay. Những người quen chữ viết hiện nay cũng chỉ cần tối đa một tuần là thao tác được tốt với văn bản bằng chữ cái mới. Nếu bảng chữ cái mới được thông qua, Nhà nước cũng không cần tổ chức xóa mù chữ lại cho toàn dân như nhiều người lo ngại. Các tài liệu hiện có vẫn dùng song song với sách, báo mới ra được viết bằng bảng chữ mới.
Ngoài tiết kiệm thời gian, công sức cho người bắt đầu học chữ, theo PGS Bùi Hiền bảng chữ cái mới ngắn gọn hơn sẽ giúp người viết thao tác nhanh, giảm được 8% giấy mực in ấn.
PGS.TS Bùi Hiền - tác giả nghiên cứu cải tiến chữ tiếng Việt. Ảnh: Quỳnh Trang.
40 năm miệt mài cho nghiên cứu không được cấp kinh phí hay tạo ra nguồn thu, ông Hiền khiến gia đình không hài lòng, con cái can ngăn. Tuy nhiên, ông bảo trừ khi nhắm mắt mới thôi làm. Việc nghiên cứu chính là cách để ông thư giãn, thay vì đánh cờ, đi du lịch như nhiều người bằng tuổi. "Cụ Nguyễn Lân 90 tuổi vẫn làm được từ điển tiếng Việt, thì tôi ở tuổi 83 vẫn là trẻ trung, còn sức lực lắm, nên vẫn nghiên cứu để giúp ích cho mọi người", ông Hiền nói.
Bỏ qua những ồn ào từ dư luận, phó giáo sư cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khâu cuối cùng của công trình nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ. Bản toàn diện gồm cả cải tiến nguyên âm và phụ âm, ông dự tính sẽ báo cáo trong một hội nghị khoa học về ngôn ngữ trong năm tới. Nếu được Hội đồng khoa học nghiệm thu, công trình có thể được hội đồng gửi lên cấp có thẩm quyền xem xét.
"Tôi không tính chuyện tự gửi nghiên cứu đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng nếu các cơ quan thấy nghiên cứu của tôi xác đáng, có tính khả thi hoặc cho rằng đây là gợi ý tốt để họ nghiên cứu thêm và muốn tôi lên giải trình, tôi luôn sẵn sàng", PGS nói.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Tác giả đề xuất cải cách tiếng Việt: "Có người nói tôi rửng mỡ" PGS. TS Bùi Hiền, tác giả công trình nghiên cứu cải tiến chữ cái tiếng Việt cho biết có nhiều người khi biết ý tưởng này đã phê phán nặng nề và chê ông là người "rửng mỡ". Mới đây, cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn...