Pa pỉnh tộp – vị ngon của suối, hương thơm của rừng
Giữa cái giá lạnh của mùa đông, quây quần cùng nhau nướng cá, rồi hít hà và thưởng thức dư vị của núi rừng, của sông suối trong từng miếng cá thơm ngon mới tuyệt làm sao!
Ai lên Tây Bắc, ai đến bản làng cùng say với điệu xoè hoa, hoà mình với tiếng khèn, tiếng sáo du dương cùngthưởng thức những món ăn truyền thống dân tộc, dân dã mà lắng đọng bởi những hương vị đậm đà được truyền từ ngàn đời. Nào là cơm lam, rêu suối đến thịt trâu gác bếp,măng luộc chấm chẩm chéo… những món ăn của đồng bào Thái luôn làm thoả mãn ý thích của những người yêu ẩm thực vùng cao. Đặc biệt món ăn khiến cho ai đã một lần nếm thử cũng khó thể quên được hương rừng, vị suối đó chính là món pa pỉnh tộp.
Trong tiếng Thái, pa có nghĩ là cá, pỉnh là nướng còn tộp là uốn, gập, như vậy món pa pỉnh tộp đó chính là món cá được gập đôi lại và nướng chín. Do tập quán sinh hoạt của dân tộc Thái thường ở vùng thấp, cuộc sống gắn liền với con khe, bờ suối, ruộng nước nên các món ăn nơi đây thường lạ, hấp dẫn và mang đậm nét vùng sông nước. Pa pỉnh tộp không phải là món ăn mới xuất hiện mà đó là món ăn cổ truyền của nơi đây. Cách chế biến món ăn tuy chẳng mấy cầu kỳ, nhưng muốn món cá nướng lên mà chỉ cần nhìn và ngửi mùi thôi cũng đủ làm cho hàm răng tứa nước miếng thì cũng cần đến các nguyên liệu “cây nhà, lá vườn”. Nào là gừng, sả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, rau húng… và đặc biệt, để làm món cá nổi vị thì không thể bỏ qua hạt mắc khén – một loại gia vị mang đậm nét núi rừng.
Khi đã có đầy đủ các phụ gia cần thiết cho món cá nướng thì nguyên liệu chính cũng cần phải được chọn lọc kỹ càng. Người ta thường dùng cá trắm hoặc chép, trôi to tầm 3 – 4 lạng, cá được bắt từ sông, suối tươi rói, còn quẫy đuôi, sau đó mổ dọc sống lưng, lách cá ra làm đôi, nhưng phải thật khéo léo để phần nội tạng của cá còn giữ được nguyên. Lấy phần mật cá bỏ đi rồi nhồi vào bụng cá cá loại gia vị chuẩn bị trên đã được băm nhỏ, sau đó gập đôi con cá theo chiều ngang, luồn đuôi qua vòng miệng, để chừng 10 phút cho cá ngấm gia vị. Bước tiếp theo ta lấy những đoạn tre, nứa tươi, dài hơn mình cá, chẻ đôi, kẹp cá vào những thanh tre, nứa, cố định hai đầu rồi đem nướng trên than củi đã hồng. Khi nướng cá, chú ý phải trở cá cho đều tay để cá chín đều và không bị cháy xém.
Cá nướng đạt chuẩn khi màu cá vàng rộm, giữ được hương vị tươi ngon tự nhiên của cá. Gắp miếng cá, chưa đặt vào miệng đã cảm nhận được hương vị cay cay núi rừng có trong mắc khén hòa quyện với vị thơm ngon, ngọt béo của cá và các gia vị khác như thôi thúc khiến bạn khó lòng từ chối. Món này ăn kèm xôi nếp dẻo thì khó món nào sánh kịp.
Video đang HOT
Giữa cái giá lạnh của mùa đông, quây quần cùng nhau nướng cá, rồi hít hà và thưởng thức dư vị của núi rừng, của sông suối trong từng miếng cá thơm ngon mới tuyệt làm sao! Chẳng thế mà món pa pỉnh tộp không chỉ là món ăn đãi khách quý khi đến thăm mà nó còn có mặt trong lễ vật ăn hỏi của người Thái.
Theo Afamily
Vì sao người Huế thích ăn cay?
Khó có vùng miền nào tại Việt Nam mà người dân lại thích ăn cay như xứ Huế.
Ai cũng bảo người Huế sao ăn cay thế? Nhưng hãy thử đến Huế một lần trong những ngày đông giá rét hay những ngày mưa dầm lê thê thì mới hiểu hơn vì sao vị cay nồng của ẩm thực cố đô lại quyến rũ đến vậy.
Người Huế thích ăn cay!
Khó có một vùng miền nào tại Việt Nam mà người dân lại thích ăn cay như xứ Huế. Những gia vị cay như ớt, tỏi, tiêu, hành... ở Huế tuy chẳng phải "đặc sản", nhưng đã qua tay chế biến ở các đầu bếp dân gian trở nên nổi tiếng khắp nước.
Bánh bột lọc bọc tôm điểm bằng rừng ớt tươi
Đơn cử như ớt ở Huế có nhiều loại: ớt mọi, ớt hiểm, ớt chỉ thiên, ớt chìa vôi. Cách pha trộn làm nước ớt Vinh Xuân (Phú Vang) giúp gia vị này trở nên vô cùng nổi tiếng. Nước ớt Vinh Xuân không bị lên men, nấm mốc khi để cả năm trời, nhưng lại cực kỳ thơm ngon, từng được xuất khẩu sang Đông Âu và là món đặc sản của Huế không kém gì rượu làng Chuồn, cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh, thanh trà Nguyệt Biều, quýt Hương Cần...
Hai ông "vua ớt" Bùi Ngọc Vinh, Bùi Ngọc Khánh từng được Đài KBS Hàn Quốc thực hiện phóng sự người ăn ớt như ăn khoai cũng xuất thân từ Huế. Ngày xưa ở Huế còn có làng Phong Lai được cho ăn ớt trừ cơm vào những ngày vụ mùa thất bát, đủ thấy người Huế ăn cay "siêu đẳng" đến cỡ nào!
Lý giải cho đặc điểm ẩm thực này là do người dân muốn chống lại cái lạnh và mưa dầm như một phương thức thích nghi với cuộc sống. Trong sử sách còn ghi, khi Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, cư dân Việt đã học tập người Chăm về việc sử dụng gia vị cay (đặc biệt là ớt) để dung hòa với vùng đất và khí hậu còn lạ lẫm, mà Tố Hữu từng viết: "Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?".
Đa dạng món cay
Hằng ngày, trên bàn ăn của người Huế (gồm món canh, cá, thịt, dĩa rau sống...) luôn có một dĩa muối tiêu ớt, dĩa tương ớt hay một chén nước mắm ớt tỏi. Đặc biệt không thể thiếu tương ớt.
Tương ớt Huế là hỗn hợp gồm ớt tươi, tỏi tươi, muối, đường, dầu ăn và nước mắm ngon trộn lại. Người Huế dùng tương ớt nhiều trong những món ăn buổi sáng sớm (bánh mì, bánh canh...). Hiện nay, tương ớt Huế đã trở thành một món quà du lịch bên cạnh tôm chua, mè xửng vì nó hoàn toàn không có chất phụ gia độc hại mà còn rất tiện dụng trong những bữa ăn hàng ngày.
Chén nước chấm cho tô bánh canh Nam Phổ ở Huế
Đến Huế trong mùa này, khi cảm thấy sức nóng của những tách trà, độ ấm những chiếc áo bông không đủ làm nóng thân thể, du khách hoàn toàn có thể dùng đến các gia vị cay như ớt, tỏi, tiêu... trong buổi ăn để giữ thân nhiệt và đẩy lùi những căn bệnh mùa đông như nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm...
Đầu tiên, phải kể đến bún bò Huế, món ăn có gốc tích từ thời các chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa. Ăn bún bò Huế vào những ngày mưa rét, du khách sẽ có ngay cảm giác cả thân thể được sưởi ấm tức thì bởi sức nóng hừng hực khi áp tay vào tô bún bò Huế vừa mới được múc từ nồi đỏ lửa đem lên.
Nồi bún bò Huế với nước bún, thịt bò, giò heo, chả tôm, gạch cua, huyết... được người phụ nữ Huế nêm nếm sả, ớt màu, ớt bột, tiêu, tỏi, hành... rất tính toán, cẩn thận, cốt sao để phù hợp với khí trời. Du khách chưa đủ "ép phê" còn có thể tự mình nêm nếm thêm ớt tươi, ớt tương hay nước mắm ớt tỏi.
Kế đến, không thể không nhắc đến món cơm hến, món ăn bình dân đặc trưng của cư dân cố đô. Một tô cơm hến, ngoài hến, lá môn, rau ngò, tóp mỡ, khế chua, nước hến... còn có vị cay đặc trưng của ớt, tỏi và gừng.
Vào một ngày mưa rét mà ăn được một tô cơm hến vào buổi sáng sớm, ắt hẳn du khách ai cũng phải xuýt xoa. Vị ớt, tỏi cay xè từ miệng, xộc lên sống mũi, nóng đến từng thớ thịt. Ăn xong tô cơm hến và uống một tô nước hến có gừng, du khách sẽ cảm thấy mồ hôi đổ ra, lưỡi tê rần, người "bốc hỏa" cả lên như ngồi bên bếp lửa hồng chống rét. Quả thật, cơm hến là một liều thuốc ẩm thực khá công hiệu khi vui chơi ở Huế trong những ngày giá lạnh.
Cơm hến đỏ màu nước ớt
Ngoài bún bò, cơm hến, Huế còn có rất nhiều những món ăn có vị cay khá thú vị. Đó là vị cay của sả, ớt trong món ốc Trường An; vị cay của nước mắm ớt trong tô bánh canh Nam Phổ, trong dĩa bánh lọc bà Đỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm; vị cay của dĩa muối ớt ở quán chân gà nướng Mai Thúc Loan; vị cay của nồi nước lẩu của món lẩu dê Kim Long, lẩu hải sản Thuận An...
Bởi vậy, trong những ngày này, lượng khách đến những quán xá, địa điểm ẩm thực nói trên đều chật kín. Ai đến Huế đều nhớ về vị cay xứ Huế, như một trải nghiệm độc đáo vào những giá rét, mưa dầm trên mảnh đất cố đô.
Theo ihay
[Chế biến] - Xôi nếp bọc thịt xay Cách làm cực đơn giản, nhanh gọn, lại có hương thơm lừng của nếp mới quện vị béo ngậy của thịt xay. Cũng là cách biến tấu từ món bánh khúc quen thuộc, bạn hãy thử ngay cho bữa sáng cuối tuần nhé. Nguyên liệu: - 1 lon gạo nếp - 250g thịt lợn xay - 1 quả trứng gà, chút muối, gừng,...