Oracle – công ty của tỷ phú từng hai lần bỏ học
Oracle hiện là công ty phần mềm lớn thứ hai thế giới, nhưng được cho là đã thắng Microsoft, đối thủ số một của họ, trong cuộc đua thâu tóm TikTok.
Hồi tháng 8, cả Oracle và Microsoft cùng khẳng định tham gia đàm phán mua lại bộ phận TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Walmart cũng tuyên bố liên minh với Microsoft trong thương vụ. Tuy nhiên, đến 13/9, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, từ chối bán ứng dụng cho Microsoft, trong khi một số nguồn tin cho biết Oracle đã giành được quyền kinh doanh TikTok tại Mỹ.
Tương tự Microsoft, Oracle cũng cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây. Tuy nhiên, Oracle thậm chí không nằm trong số 5 nhà cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây lớn nhất thế giới xét theo doanh thu, trong khi Amazon hiện đứng đầu và Microsoft xếp thứ hai theo thống kê của Gartner.
Do đó, cả Microsoft lẫn Oracle đều nhắm tới TikTok – ứng dụng hoạt động phụ thuộc vào điện toán đám mây. Nếu sáp nhập thành công, Microsoft sẽ thu hẹp đáng kể khoảng cách với Amazon. Ngược lại, việc ByteDance từ chối Microsoft sẽ mở ra cơ hội cho Oracle trở thành một “ông lớn” về cloud.
Larry Ellison, đồng sáng lập Oracle. Ảnh: Reuters.
Con đường thành công của Oracle
Oracle ra đời năm 1977 bởi ba nhà đồng sáng lập là Larry Ellison, Bob Miner và Ed Oates, trong đó, Ellison được coi là thủ lĩnh mạnh mẽ nhưng cũng đầy ngông cuồng của công ty. Hãng có trụ sở ở Redwood Shores, California, chuyên cung cấp cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, phần mềm doanh nghiệp…
Larry Ellison, sinh năm 1944 tại New York, là con của một bà mẹ đơn thân, sau đó chuyển đến sống dùng chú dì tại Chicago. Khi đang học năm thứ hai tại Đại học Illinois, người dì qua đời, khiến ông phải thôi học. Ông tiếp tục đăng ký vào Đại học Chicago nhưng bỏ dở chỉ sau vỏn vẹn một học kỳ để đi làm kiếm tiền.
Năm 1966, Ellison chuyển tới Berkeley, gần Thung lũng Silicon – nơi ngành công nghệ bắt đầu khởi sắc. Để tìm kiếm cơ hội, ông liên tục thay đổi công việc. Bước ngoặt diễn ra khi ông tới làm việc cho công ty Ampex và tham gia vào một hợp đồng thiết lập cơ sở dữ liệu cho CIA có tên “Oracle”.
Năm 1977, Ellison và các cộng sự thành lập công ty riêng mang tên Software Development Laboratories, với phần lớn số vốn ban đầu là tiền túi của Ellison. Năm 1982, công ty đổi tên thành Oracle Systems Corp, đặt theo tên sản phẩm Oracle đình đám của họ thời đó.
Hướng đi của công ty chịu ảnh hưởng bởi học thuyết về mối quan hệ trong các cơ sở dữ liệu của nhà khoa học máy tính IBM Edgar F.Codd. Ngày nay, cơ sở dữ liệu là khái niệm rất phổ biến, nhưng cách đây nửa thế kỷ, nó là một cuộc cách mạng.
Với tầm nhìn và hướng đi đúng đắn, Oracle tăng trưởng nhanh chóng và nổi tiếng trong giới công nghệ. Công ty thực hiện IPO năm 1986.
Tuy nhiên, năm 1990, Oracle mắc sai lầm nghiêm trọng và phải sa thải 10% số nhân viên (khoảng 400 người). Khi đó, Oracle cho phép nhân viên bán hàng của mình đặt hàng cho tương lai, tức kêu gọi khách hàng tiềm năng mua lượng phần mềm lớn nhất có thể cùng lúc. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tương lai đó không thành hiện thực, dẫn tới doanh thu ảo và hàng loạt vụ kiện.
Oracle rơi vào tình cảnh gần như phá sản, bị các đối thủ chiếm gần hết thị phần. Đến 1992, họ mới lấy lại vị thế với sự ra đời của cơ sở dữ liệu Oracle 7.
Từ cuối thế kỷ 20, Oracle thịnh vượng nhờ kinh doanh cơ sở dữ liệu cho các công ty Internet lúc đó đang nở rộ. Khi trở lại Apple năm 1997, Steve Jobs từng mời Ellison vào hội đồng quản trị, nhưng ông từ chối do quá bận.
Năm 2009, Oracle mua lại công ty máy chủ Sun Microsystems – thương vụ gây xôn xao thời đó và giúp Oracle nắm trong tay nhiều công nghệ tiên tiến, như cơ sở dữ liệu MySQL.
Năm 2016, Oracle chi 9,3 tỷ USD mua lại công ty điện toán đám mây NetSuite. Đến năm 2018, họ tiếp tục thâu tóm nền tảng đám mây DataScience. Còn hiện nay, họ tiếp tục nhắm tới ứng dụng video TikTok.
“Việc mua TikTok có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đám mây của Oracle, tăng mức sử dụng lên đến 10%”, Holger Mueller, nhà phân tích tại Constellation Research, nhận định.
Bên cạnh đó, thương vụ TikTok – Oracle cũng được cho là nhận được sự ủng hộ của chính quyền Donald Trump. CEO Oracle Safra Catz từng tham gia đội ngũ vận động tranh cử của Trump năm 2016, trong khi Larry Ellison chủ trì một sự kiện gây quỹ cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ đầu năm nay.
Ellison không còn là CEO Oracle từ 2014, nhưng vẫn đảm nhiệm chức Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ. Ông đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg với khối tài sản trị giá 67,2 tỷ USD.
Trong khi đó, Oracle xếp thứ 82 trong danh sách Fortune 500. Các chuyên gia phân tích dự đoán doanh thu 2021 của hãng sẽ đạt 39,9 tỷ USD.
Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos,... trở thành tỷ phú vào năm bao nhiêu tuổi?
'Ông chủ' Facebook - Mark Zuckerberg - là tỷ phú tự thân trẻ nhất mọi thời đại khi mới chỉ 23 tuổi đã nắm trong tay số tài sản 'siêu to khổng lồ'.
Năm 1987, Bill Gates đã trở thành người trẻ nhất gia nhập câu lạc bộ tỷ phú USD khi bước sang tuổi 31.
Đến năm 2008, CEO Facebook - Mark Zuckerberg - đã giành lấy ngôi vị này từ tay 'cha đẻ' Microsoft khi anh chỉ mới 23 tuổi.
Dù vậy, không phải ai cũng trở thành tỷ phú USD khi còn trẻ. Chẳng hạn như Larry Ellison, ông trùm công nghệ đang nắm giữ trong tay đế chế Oracle, chỉ kiếm được 1 triệu USD đầu tiên năm 42 tuổi và 49 tuổi mới thành tỷ phú USD.
Theo Business Insider, đây là những mốc thời gian mà các đại gia công nghệ vụt sáng thành tỷ phú đô la.
Warren Buffett - 56 tuổi
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett trở thành tỷ phú vào năm 56 tuổi. (Ảnh: Getty Images)
Nhà đầu tư huyền thoại kiêm CEO của Berkshire Hathaway - Warren Buffett - trở thành tỷ phú tự thân ở tuổi 56 vào năm 1986. Tài sản ròng của ông vượt mốc 1 tỷ USD sau khi Berkshire Hathaway bán cổ phiếu hạng A lần đầu tiên. Hiện tại, vị tỷ phú đã bước sang tuổi 89 và đang nắm giữ trong tay khoảng 79,7 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.
Carlos Slim - 51 tuổi
Đại gia viễn thông Carlos Slim trở thành tỷ phú USD vào năm 51 tuổi.
Đại gia viễn thông Mexico - Carlos Slim - cũng là một trong những tỷ phú tự thân nổi tiếng nhất thế giới. Năm 1991, ông trở thành tỷ phú USD khi đã 51 tuổi. Phần lớn tài sản của ông đến từ các thương vụ đầu tư bất động sản. Vào năm 2015, ông còn từng là người giàu thứ hai thế giới. Carlos Slim (80 tuổi) hiện đang nắm trong tay khối tài sản ròng ước tính khoảng 51,2 tỷ USD.
Larry Ellison - 49 tuổi
Nhà sáng lập Oracle Larry Ellison trở thành tỷ phú USD năm 49 tuổi. (Ảnh: MobyGeek)
Larry Ellison là nhà sáng lập Oracle - hãng phần mềm, hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến trên thế giới. Ông đi lên từ hai bàn tay trắng và trở thành tỷ phú ở tuổi 49. Sau khi từ bỏ vị trí CEO năm 2014, Larry Ellison dành nhiều thời gian cho thú vui du thuyền, máy bay phản lực. Tài sản ròng ước tính của ông hiện vào khoảng 71,4 tỷ USD.
Meg Whitman - 42 tuổi
'Bà trùm' Meg Whitman trở thành tỷ phú USD năm 42 tuổi. (Ảnh: ZDNet)
Cựu CEO eBay, HP và là CEO hiện tại của Quibi - Meg Whitman - trở thành tỷ phú USD năm 42 tuổi sau khi đưa eBay lên sàn chứng khoán. Hiện tại, Meg Whitman đang sở hữu khoảng 5,1 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.
Elon Musk - 41 tuổi
Elon Musk trở thành tỷ USD vào năm 41 tuổi. (Ảnh: REUTERS/Mike Blake)
Đồng sáng lập PayPal, Tesla Motors và SpaceX - Elon Musk - trở thành tỷ phú khi ông 41 tuổi, sau khi giá trị cổ phiếu của Tesla tăng vọt vào năm 2012. Hiện tại, tài sản ròng ước tính của Elon Musk là vào khoảng 68 tỷ USD.
Jeff Bezos - 35 tuổi
Người đàn ông giàu nhất thế giới hiện nay - Jeff Bezos - trở thành tỷ USD năm 35 tuổi
Năm 1999, với việc cổ phiếu Amazon tăng giá đã giúp Jeff Bezos - nhà sáng lập kiêm CEO Amazon - từ triệu phú USD vụt sáng thành tỷ phú USD ở tuổi 35. Hiện tại, Jeff Bezos đang nắm giữ ngôi vị người giàu nhất hành tinh và cũng là người đầu tiên trên thế giới có tài sản ròng vượt 100 tỷ USD. Khối tài sản ròng ước tính của vị tỷ phú 56 này hiện là 188,1 tỷ USD.
Bill Gates - 31 tuổi
Bill Gates trở thành tỷ phú khi ông ở độ tuổi 31.
Bill Gates trở thành tỷ phú vào năm 1987 khi ông ở độ tuổi 31. Nhà sáng lập Microsoft được biết đến là nhà từ thiện nổi tiếng thế giới. Dù đã quyên góp phần lớn tài sản cho việc từ thiện, song vị tỷ phú 64 tuổi vẫn đang nắm trong tay khối tài sản ròng ước tính vào khoảng 113,5 tỷ USD và là người giàu thứ 2 thế giới.
Larry Page - 30 tuổi
Đồng sáng lập Google - Larry Page - trở thành tỷ phú USD vào năm 30 tuổi
Larry Page là một trong 2 nhà đồng sáng lập của Google. Ông gia nhập câu lạc bộ tỷ phú USD vào năm 30 tuổi khi Google phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong năm 2004. Hiện tại, tài sản ròng của Larry Page vào khoảng 66,8 tỷ USD.
Evan Spiegel - 25 tuổi
Evan Spiegel và vợ - cựu thiên thần Victoria's Secret Miranda Kerr.
Đồng sáng lập kiêm CEO Snapchat - Evan Spiegel - trở thành tỷ phú năm 25 tuổi. Anh cũng là một trong những người trẻ nhất trở thành tỷ phú USD. Evan Spiegel năm nay hiện 30 tuổi và đang nắm trong tay khối tài sản ròng khoảng 4,5 tỷ USD.
Mark Zuckerberg - 23 tuổi
CEO Facebook Mark Zuckerberg - là tỷ phú tự thân trẻ nhất mọi thời đại. (Ảnh: Getty Images)
Đồng sáng lập kiêm CEO Facebook - Mark Zuckerberg - là tỷ phú tự thân trẻ nhất mọi thời đại. Sau khi Facebook IPO năm 2008, Mark Zuckerberg đã trở thành tỷ phú USD ở tuổi 23. Sau hơn 10 năm, tài sản ròng của Mark Zuckerberg hiện đã lên đến khoảng 99,6 tỷ USD.
7/10 siêu tỷ phú thế giới xuất thân từ giới công nghệ Mọi thành viên của "câu lạc bộ trên 100 tỷ" đều là những nhà sáng lập công nghệ. Phiên giao dịch ngày 31/8 vừa qua chứng kiến tỷ phú Elon Musk leo lên vị trí người giàu thứ 3 thế giới với tổng tài sản 115 tỷ USD, vượt nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg với 101 tỷ USD. Chỉ trong một ngày,...