Ông Vàng hiến đất
Về xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) hỏi thăm ông Vàng hầu như ai cũng biết. Họ thường kể về những đóng góp của ông cho viêc trông người nơi đây. Ông Vừ A Vàng, 78 tuổi, ở bản Séo Lèng 1, là người đã hiến gần 4.000 m2 đất để xây trường học.
Phần lớn thời gian, gia đình ông Vừ A Vàng ở lán nương.
Khi chúng tôi tìm về bản Séo Léng 1, bà con cho biết hiện giờ ông Vàng và gia đình đang ở dưới nương, nơi mà người dân ở đây vẫn quen gọi “nương ông Vàng”. Con đường mòn lởm chởm đá tai mèo dẫn chúng tôi xuống nương ông Vàng. Nương chỉ cách đường tỉnh lộ 129 khoảng 3 km theo đường chim bay, nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ đi bộ mới tới nơi.
Phía trước, một căn nhà gỗ xinh xinh nằm lọt thỏm bên trong bụi tre, quanh nhà được trồng nhiều cây ăn trái. Từ trong rừng bước ra là một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm dao phát, gùi bắp nặng trĩu sau lưng. Có lẽ ông mới từ nương ngô về. Hạ gùi xuống bên hiên, ông chào chúng tôi bằng một câu quen thuộc: “Cán bộ về đấy à, vào nhà đi!”.
Chúng tôi bước vào, chiếc đài bán dẫn chạy bằng pin vẫn đều đều phát thanh như xua đi sự im ắng chốn sơn lâm. Trong nhà chật ninh ních ngô là ngô, chỉ còn duy nhất lối đi. Ông thết chúng tôi bằng bát chè tươi hãm nước suối mát lịm. Từ lâu, nghe bà con kể chuyện gia đình ông hiến tặng toàn bộ mảnh đất ở, khu đất nương để xây dựng trường học, ủy ban, trạm xá và sẵn sàng chuyển đi nơi khác mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào.
Bên chén trà, ông mở lòng về tuổi thơ khốn khó của mình. Thuở nhỏ cậu bé Vừ A Vàng mồ côi cả cha lẫn mẹ phải ở với chú thím. Khi xã có chủ trương khuyến khích con em đồng bào đi học, A Vàng nghĩ, phải học giỏi cái chữ sau này làm cán bộ về giúp bà con mình. A Vàng ham học lắm, bạn bè ngại xa nhà nên bỏ dở hết, còn cậu vẫn quyết tâm theo học hết lớp 7/10, mãi ở tận Quỳnh Nhai – Khu tự trị Thái Mèo, cả năm cũng chỉ được về nhà một, hai lần.
Năm 1962, ông được xã cử đi học lớp Sơ cấp Nông nghiệp sau khi ra trường, ông về công tác tại Trại chăn nuôi Mao Sà Phìn, rồi chuyển sang Phòng Nông nghiệp huyện. Năm 1965, ông chuyển về xã làm thư ký ủy ban, rồi phó Chủ tịch Hội đồng, rồi Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Thời ấy, chủ tịch xã ở đâu thì ủy ban họp ở đó. Lớp học đầu tiên của xã được bà con dựng tạm bằng tranh tre nứa lá ngay trên đồi cao thuộc bản Phìn Hồ. Thấy lớp học nằm ở địa điểm xa các bản, không thuận lợi cho việc đi lại học tập của con em, năm 1971, ông bàn bạc với gia đình hiến một phần đất ở để làm lớp học. Và lớp học bằng gỗ hai gian, ông và bà con tự tay vào rừng xẻ gỗ, lấy ranh về lợp, vị trí lớp học ngày đó, chính là tiền thân của ngôi trường trung tâm xã Phìn Hồ ngày nay.
“Mỗi khi về bản thấy con em đói chữ mà tủi, nhìn bọn nhỏ cực nhọc leo mãi lên tận đỉnh đồi mới đến lớp, mùa đông gió thốc hất cả mái ranh mà thương chúng nó quá! Nắng thì còn đỡ, chứ hôm mưa khổ lắm, có lớp học kiên cố, địa điểm thuận lợi, trước tiên con cháu mình được học cái chữ đỡ vất, các thầy cô về dạy cũng yên tâm gắn bó với bản hơn”, ông trải lòng.
Video đang HOT
Những ngày đầu, trường có duy nhất một thầy giáo, mọi việc ăn ở, sinh hoạt của thầy tất cả đều ở trong gia đình ông. Huyện, tỉnh ở xã thiếu thốn đủ thứ, nhưng các thầy ai cũng vui coi gia đình ông như người thân. Ông nhớ mãi một kỷ niệm về thầy giáo Nguyễn Nhất Định, khi lên nhận công tác có đưa cả vợ mới cưới cùng lên. Khi đó nhà trường chưa có phòng tập thể, tất cả các thầy cô lên đây đều tá túc ở nhà bà con, ông và vợ đã phải nhường căn buồng của mình cho thầy làm phòng hạnh phúc.
Năm 2000, nhà nước có kế hoạch xây trường lớp học kiên cố, nhưng ngặt nỗi hạn hẹp về mặt bằng, ông và gia đình tiếp tục hiến thêm đất để xây thêm 6 phòng học, 3 phòng ở cho học sinh và một dãy nhà hiệu bộ.
Thầy giáo Trần Đăng Châu, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phìn Hồ, người có 16 năm gắn bó với giáo dục Phìn Hồ tâm sự: “Ngày chúng tôi về nhận công tác, mọi sinh hoạt cũng về nhà ông Vàng, ngày đó các ban ngành đoàn thể xã, mọi hoạt động đều ở nhà ông Vàng cả. Ông Vàng là đại biểu đặc biệt của nhà trường trong các ngày lễ. Chúng tôi vẫn mang câu chuyện hiến đất xây trường của gia đình ông kể với các thế hệ giáo viên và học sinh trong các giờ ngoại khóa, các ngày kỷ niệm như một sự biết ơn”.
Mỗi khi từ nương về, ông Vàng tranh thủ lên thăm các thầy, cô Trường tiểu học Phìn Hồ.
Sự nghiệp giáo dục xã Phìn Hồ ngày một phát triển, để theo học lên THCS, các em phải học nhờ bên các xã bạn và nhiều em bỏ học giữa chừng vì ngại đi xa. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã, phòng giáo dục triển khai kế hoạch xây trường THCS. Đã nhiều lần các ban ngành khảo sát mặt bằng, nhưng chưa tìm được vị trí thích hợp, khi tìm được địa điểm, thì lại khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Không tính toán thiệt hơn, một lần nữa gia đình ông lại tình nguyện hiến mảnh đất còn lại, chính là ngôi nhà sàn gia đình đang ở để nhường đất xây dựng trường.
Cảm phục nghĩa cử cao đẹp của ông với sự nghiệp giáo dục xã nhà, đơn vị thi công đã hỗ trợ gia đình ông bằng việc xây tặng một căn nhà cấp bốn, ba gian mái lợp proximang, cũng là để tri ân và giúp gia đình sớm sổn định cuộc sống khi về nơi ở mới. Năm 2003, trụ sở ủy ban và trạm y tế xã cũng xây tạm trên đất của gia đình ông. Năm 2010, ủy ban và trạm y tế xã chuyển về địa điểm mới, toàn bộ cơ sở được bàn giao cho trường mầm non. Như vậy với hơn 3.841 m2, diện tích đất ở và đất nương của gia đình ông đã hiến tặng hoàn toàn cho việc xây trường.
Không chỉ quan tâm đến giáo dục, khi xã, bản có chuyện, ông cùng với các ban, ngành vào cuộc tháo gỡ. Trước đây trong bản nhiều người nhẹ dạ, nghe theo lời kẻ xấu, bỏ bản đi tuyên truyền tà đạo, với tư cách là già bản gương mẫu, người có uy tín trong dòng họ, ông cùng trưởng bản đến tận nhà vận động nói lời phải trái.
“Với vai trò già bản, của người đảng viên lão thành, có nhiều người còn có những suy nghĩ lệch lạc, nhiều bà con chưa thông tỏ về đường lối chủ trương, trong các cuộc họp bác Vàng dùng uy tín khuyên nhủ, phân tích đúng sai, bà con thấy có lý, thấy đúng bà con nghe. Người dân Phìn Hồ coi các thế hệ cao niên như bác là những cây cổ thụ chở che, tỏa bóng cho cả cánh rừng”, Trường bản Séo Lèng 1 Vừ A Phái chia sẻ.
Chia tay ông Vàng và gia đình khi mặt trời đang lẩn khuất sau những dãy núi phía chân trời. Bỗng nhiên trong chúng tôi những ý nghĩ thật vui ập đến. Ngày mai, trời lại sáng, những tia nắng bình minh lại bắt đầu. Cảnh trẻ em ríu rít như bầy chim non tung tăng cắp sách đến trường. Xa xa, những ngôi trường khang trang vững chãi mọc lên trong nắng sớm. Đó là nơi ươm mầm cho những chồi non. Cuộc đời thật đẹp khi có những con người như thế.
Nghĩa cử của gia đình ông được bà con dân bản biết ơn, ghi nhớ. Và sự nghiệp giáo dục nơi đây ngày một phát triển, đến nay, xã được công nhận xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, nhiều con em trong xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Ông Lý A Phử, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: “Với 30 năm tuổi đảng, đảng viên Vừ A Vàng luôn nêu cao vai trò già làng trưởng bản gương mẫu, đầu tàu, ông là tấm gương, niềm tự hào của bà con người Mông xã Phìn Hồ”.
Theo nhandan.com.vn
Bạn đọc viết: Thiêng liêng hai tiếng "thầy cô"
Đang chạy xe trên đường, bỗng tiếng "thưa cô" vang lên. Thanh âm gọi với theo từ mấy em học sinh tan trường ấy làm lòng người vui đến lạ...
Ảnh minh họa
Khi tôi đang gõ những dòng này thì chiếc điện thoại rung nhẹ và hiện lên dòng chữ "Cô ngủ chưa cô?" từ trò cũ. Em ấy là một trong số những "đứa con" đầu tiên của tôi hơn mười năm về trước. Ngày ấy, tôi là cô giáo trẻ bỡ ngỡ về trường, các em thỉnh thoảng vẫn gọi "chị" đầy mến thương. Giờ các em đã tung cánh về nhiều phương trời nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên và kỷ niệm vẫn đầy ắp, ấm áp trong tim.
Trò mới thì ngày ngày vẫn léo nhéo "cô ơi", "ơi cô", "cô ơi cô" mỗi khi giải bài tập không xong hoặc là muốn năn nỉ khuất hẹn thời gian nộp bài. Đang chạy xe trên đường, bỗng tiếng "thưa cô" vang lên. Thanh âm gọi với theo từ mấy em học sinh tan trường ấy làm lòng người vui đến lạ. Vào quán cơm bụi, đang loay hoay gọi cơm, lại giật mình vì hai tiếng "thưa cô". Cô trò cùng cười nhìn nhau, e thẹn...
Giữa bao nhiêu bộn bề tất bật của cuộc sống và vòng vây ảm đạm của nhiều câu chuyện buồn về giáo dục, may mắn thay ngày ngày tôi vẫn bắt gặp những lời thưa gửi, lời chào hỏi "Cô ơi" ấm áp. Lòng tôi bỗng nhẹ tênh trút bỏ bao ưu phiền đeo đẳng lâu nay.
Nghề giáo, đâu đơn giản là ngày ngày lên lớp truyền đạt kiến thức cho lớp lớp thế hệ học trò. Nghề giáo còn là nghề "trồng người", gieo tính cách, uốn tâm hồn và vun xới nhân cách cho con trẻ. Và muốn "dạy người", lẽ tất nhiên thầy phải là một tấm gương mẫu mực, sáng trong.
Tấm gương của thầy cô không nhất thiết phải chỉn chu trong mọi hành động, lời nói, suy nghĩ, thái độ. Nhưng mỗi thái độ, suy nghĩ, lời nói, hành động ấy lại cần đạt được sự chuẩn mực nhất định, vừa đủ để trò vừa kính vừa mến và phục.
Làm thầy khó lắm, ngoài việc trau dồi một vốn tri thức uyên thâm, "biết mười dạy một" còn phải trui rèn sự kiên nhẫn, lòng bao dung. Và quan trọng nhất là phải trang bị cho mình một tình yêu thương con trẻ.
Có tình yêu thương, người thầy mới đủ kiên nhẫn giảng lại bài toán khó. Có tình yêu thương, thầy mới quyết tâm vượt đường xa đón trò quay lại lớp. Có tình yêu thương, thầy mới đủ bao dung trước lỗi lầm của trò, dẫu cho mọi người có quay lưng, phê phán thì tấm lòng của thầy vẫn còn chỗ cho em nương náu và vòng tay thầy vẫn sẵn sàng nắm lấy tay em đi tiếp chặng đường dài chông gai...
Bởi vậy, không yêu thương con trẻ, xin đừng làm nhà giáo. Đối tượng bạn tiếp xúc mỗi ngày không phải là đống giấy tờ, sản phẩm may mặc, dây chuyền máy móc... như nhiều ngành nghề khác. Mỗi chuyến "đò" tri thức hàng năm, bao nhiêu học sinh là bấy nhiêu con người với những cá tính riêng biệt.
Người thầy còn phải là một người cha, người mẹ và người bạn của trò. Phải nhanh nhạy nắm bắt được ánh mắt cô bé này hôm nay sao buồn quá, theo dõi được lực học cậu bé kia bỗng dưng sút hẳn,... Một vẻ mặt nghi ngại, một lời nói ấp úng... cũng sẽ là những "tín hiệu" khiến thầy biến thành nhà tâm lý giải mã và giải tỏa những vướng mắc trong lòng trò.
Hành trình gieo con chữ, gieo nết người dài đăng đẳng và đầy chông gai. Nhưng tôi tin rằng với những hạt mầm yêu thương, kiên nhẫn và bao dung mỗi ngày bạn gieo xuống, quả ngọt vẫn đang đợi chờ bạn ở phía trước.
Nhìn lại chặng đường cầm phấn của mình, tôi không dám khẳng định mình đã đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn, đủ bao dung với trò. Lẽ tất nhiên đôi lúc chúng ta còn sơ sài bài giảng, xuề xòa trong cách rèn nếp người... Và chúng ta - những người thầy cần phải nhận ra rằng thỉnh thoảng chúng ta đã sai trong cách dạy trò nhưng "quên" thêm vào trong lời nói, hành động của mình một chút "yêu thương".
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các đồng nghiệp, hãy chậm lại một chút để ngẫm, lắng lại một chút để nghĩ và bạn sẽ nhận ra rằng mình cần cho đi nhiều hơn nữa món quà - thương yêu. Để hai tiếng "thầy cô" mãi mãi thiêng liêng và ấm lòng, bạn nhé!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Hà Tĩnh: Ước mơ của "cô giáo 20 năm cắm bản trồng người" đã thành hiện thực Xúc động trước ước nguyện đầy niềm yêu thương điểm trường mầm non có cái sân chơi cho những lũ trẻ người dân tộc Chứt của cô giáo 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở Bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), nhiều bạn đọc báo Dân trí đã chung tay quyên góp, giúp cô trò...