Ông Trump kêu gọi giải giáp lực lượng vệ sĩ của bà Clinton
Ông Trump nói vệ sĩ của bà Clinton nên bỏ vũ khí, chế giễu ý tưởng thắt chặt luật kiểm soát súng của ứng viên đảng Dân chủ.
Ông Trump kêu gọi giải giáp lực lượng vệ sĩ của bà Clinton. Ảnh: Reuters.
“Tôi nghĩ các vệ sĩ của bà Clinton nên bỏ hết vũ khí của họ. Bà ấy không muốn súng đạn”, ông Trump hôm 16/9 nói với những người ủng hộ trong cuộc mít tinh ở Miami.
Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa nêu bật sự tương phản giữa ông với bà Clinton, ứng viên đảng Dân chủ. Ông cho hay những người bỏ phiếu cho mình ủng hộ cảnh sát và muốn giảm tỷ lệ tội phạm còn bà Clinton là người “sống sau những bức tường và quyên tiền từ các quỹ phòng hộ”.
“Hãy lấy hết vũ khí của họ và xem điều gì sẽ xảy ra với bà ấy. Rất nguy hiểm”, ông Trump nói. Hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ đều được các mật vụ bảo vệ trong nhiều tháng. Việc Trump nhằm vào các chi tiết về an ninh của đối thủ khiến ông hứng chịu nhiều phản đối, đặc biệt từ các đồng minh của bà Clinton.
Video đang HOT
Ông Trump từng đưa ra bình luận tương tự về lực lượng an ninh bảo vệ bà Clinton hồi tháng 5. Tỷ phú New York cho rằng việc bà Clinton ủng hộ thắt chặt luật sở hữu súng có thể sẽ “kết liễu” Tu chính án Thứ hai trong Hiến pháp Mỹ, đảm bảo quyền được sở hữu vũ khí.
Tháng 8, ông Trump bị chỉ trích khi nói những người ủng hộ luật trên có thể ngăn Hillary Clinton bổ nhiệm các thẩm phán làm suy yếu quyền sở hữu súng vào Tòa án Tối cao. Ý kiến của ông Trump bị coi là khuyến khích một vụ ám sát chính trị.
Clinton giải thích bà kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn việc sở hữu súng, nhưng bà không có kế hoạch từ bỏ Tu chính án thứ hai. Robby Mook, người đứng đầu cơ quan vận động tranh cử của bà Clinton, bình luận rằng ý kiến của ông Trump kích động mọi người hướng đến bạo lực.
“Cho dù đó là cách kích đông người ủng hộ mình, hay thậm chí là đùa thì cũng không thể chấp nhận được đối với một người muốn tìm kiếm vị trí Tổng Tư lệnh”, Mook tuyên bố.
Văn Việt
Theo VNE
Lựa chọn cây gậy và củ cà rốt của tân tổng thống Mỹ với Duterte
Sau một loạt phát ngôn gây sốc của Tổng thống Philippines Duterte về quan hệ đồng minh với Mỹ, Washington sẽ có hai lựa chọn khi có người đứng đầu Nhà Trắng mới.
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines được dự báo sẽ gặp thử thách khi ông Duterte nắm quyền. Ảnh: AFP
"Nếu tân tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton thì bà sẽ tìm cách vuốt ve Philippines, bớt chỉ trích chính sách của ông Duterte và thực hiện cuộc cạnh tranh quyền lực mềm với Trung Quốc để chiếm lấy trái tim của Manila", Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump thắng cử, ông có thể sẽ cắt giảm trợ giúp và rút quân Mỹ khỏi Philippines, thậm chí sẵn sàng từ bỏ quan hệ đồng minh nếu ông Duterte muốn vì hai người này có tính cách giống nhau, ông Vuving nhận định.
Theo chuyên gia này, trong khi Mỹ đang tiếp cận Philippines bằng chính sách dựa trên nguyên tắc hơn là quan hệ, thì Trung Quốc lại đang cư xử ngược lại. Vì thế Mỹ chỉ trích chính sách chống tội phạm của ông Duterte, còn Trung Quốc biết đây là trọng tâm trong chính sách của Tổng thống Philippines nên đã hứa giúp xây dựng trung tâm cai nghiện.
"Sự đối nghịch này khiến ông Duterte thêm bất mãn với Mỹ và ngả sang Trung Quốc. Đây có lẽ là món võ tổng thống Philippines sử dụng để có thể thực hiện chính sách đối ngoại độc lập như ông tuyên bố", Vuving nói.
Giáo sư cũng lưu ý "để hiểu ông Duterte cần chú ý đến kinh nghiệm cá nhân của ông". Với xuất phát điểm là thị trưởng, ông Duterte có thể nói chưa có kinh nghiệm gì trong chính sách với Trung Quốc, nhưng lại mang nặng tình cảm chống Mỹ và điều đó thể hiện trực tiếp trong các tuyên bố của ông. Cả cuộc đời của ông Dutete lớn lên ở miền nam Philippines và không có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế.
Tổng thống Philippines hôm 12/9 tuyên bố ông muốn quân đội Mỹ đóng ở Mindanao phải rời đi, ám chỉ sự có mặt của họ ở đây có thể khiến tình hình căng thẳng hơn. Tiếp đó ngày 14/9, ông Duterte khẳng định nước này sẽ không tuần tra chung với Mỹ hay quốc gia khác trên Biển Đông để tránh rắc rối với bên thứ ba. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasaycam mặc dù nói các phát ngôn của tổng thống bị hiểu lầm, trân trọng mối quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng vẫn cho biết "sẽ không để bị Mỹ đối xử như người em và nghe rao giảng về nhân quyền".
Vuving cho rằng quan điểm của Tổng thống Philippines là tránh khiêu khích với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Do đó, có thể dự đoán rằng Duterte không coi việc tuần tra chung với Mỹ hay phán quyết của tòa Trọng tài là vũ khí trong đàm phán với Bắc Kinh. Tòa trọng tài hồi tháng 7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Duterte nhiều khả năng sẽ thử nghiệm một số thay đổi trong chính sách đối ngoại, nhất là với Mỹ và Trung Quốc, ông Vuving nhận định. Trong khi đó, quan hệ với ASEAN có thể không thay đổi nhiều vì nếu hướng tới chính sách đối ngoại độc lập, ông Duterte sẽ phải dựa nhiều hơn vào hiệp hội. Sẽ có nhiều điều thú vị khi Philippines làm Chủ tịch ASEAN vào 2017.
"Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines sẽ trải qua thử thách trong thời gian Tổng thống Duterte cầm quyền", Vuving đánh giá.
Việt Anh
Theo VNE
24 giờ trong bão tố truyền thông của ái nữ, quý tử nhà Trump Các ái nữ, quý tử nhà Trump đang có những biểu hiện mất kiên nhẫn và xoay sở đầy khó khăn để bám giữ những thông điệp của mình khi cuộc vận động tranh cử tổng thống đi vào giai đoạn nước rút. Ivanka Trump giới thiệu một chân dung mềm mại của Donald Trump tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa...