Ông Trump kêu gọi FED giảm lãi suất, nới lỏng định lượng
Tổng thống Donald Trump ngày 5/4 kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED) giảm lãi suất và có các biện pháp phi truyền thống khác để giải tỏa bớt áp lực đối với nền kinh tế mà ông cho là chính FED đã gây giảm tốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước báo giới ngày 5/4 – Ảnh: Reuters.
“Tôi cho rằng họ nên hạ lãi suất”, hãng tin Reuters ông Trump nói với các nhà báo. “Tôi nghĩ đúng là họ đã khiến nền kinh tế của chúng ta giảm tốc. Chẳng hề có lạm phát gì cả”.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng gợi ý FED nên theo đuổi chính sách tiền tệ phi truyền thống có tên gọi “ nới lỏng định lượng” (QE) để kích cầu nền kinh tế. Đây là biện pháp mà FED đã triển khai trong thời gian 2008-2014, bằng cách mua vào hàng nghìn tỷ USD trái phiếu, nhằm đưa kinh tế Mỹ hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Video đang HOT
“Giờ đây, họ thực sự nên nới lỏng định lượng”, ông Trump nói.
Những tháng gần đây, ông Trump liên tục công khai chỉ trích các chính sách của FED. Ngoài ra, ông cũng đề cử hai đồng minh chính trị của minh vào Hội đồng Thống đốc của ngân hàng trung ương này. Những động thái như vậy khiến một số nhà phân tích lo ngại rằng sự độc lập của FED đang bị tấn công.
Tuy nhiên, Nhà Trắng luôn khẳng định không có mong muốn làm suy yếu sự độc lập của FED.
Ông Trump cho rằng FED nên kết hợp giữa QE và cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, khuyến nghị này của ông Trump bị giới chuyên gia cho là không phù hợp. Các quan chức của FED vốn cho rằng “đơn thuốc” như vậy chỉ phù hợp khi nền kinh tế có sự suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng.
Hôm thứ Năm tuần này, ông Trump công bố kế hoạch bổ nhiệm ông Herman Cain, một đồng minh chính trị của ông, vào một trong hai ghế trống của Hội đồng Thống đốc 7 thành viên của FED. Ông Cain từng điều hành một nhóm huy động ngân sách chính trị đến nay đã chi hơn một nửa ngân quỹ để ủng hộ chiến dịch tranh cử 2020 của ông Trump.
Cách đây 2 tuần, ông Trump tuyên bố sẽ đề cử ông Stephen Moore vào ghế trống còn lại trong Hội đồng Thống đốc FED. Ông Moore, một nhà bình luận kinh tế theo trường phái bảo thủ, là một đồng minh lâu năm của ông Trump và cũng có quan điểm chỉ trích công khai đối với các đợt tăng lãi suất của FED trong năm 2018.
Cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Trump, ông Larry Kudlow, nói với hãng tin Bloomberg rằng cả ông Cain và ông Moore đều ủng hộ quan điểm rằng tăng trưởng kinh tế mạnh chưa chắc gây lạm phát – vấn đề mà FED tìm cách ngăn chặn bằng cách nâng lãi suất.
Trong mấy ngày gần đây, nhiều quan chức FED đã có những phát biểu nhấn mạnh rằng sức khỏe cốt lõi của nền kinh tế Mỹ đang tốt. Họ lập luận rằng loạt dữ liệu xấu gần đây về các hoạt động kinh tế ở Mỹ chẳng qua chỉ là nhất thời chứ không kéo dài. Không vị nào xem việc giảm lãi suất là cần thiết, thậm chí nói sẽ đến lúc FED phải tiếp tục nâng lãi suất.
Sau 4 lần nâng lãi suất trong năm 2028, FED đến nay đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt này. Sau cuộc họp tháng 3, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố FED có thể sẽ không có đợt nâng lãi suất nào trong 2019, với lý do có nhiều rủi ro tăng trưởng, bao gồm sự giảm tốc của kinh tế châu Âu và Trung Quốc.
Lãi suất chính sách của FED hiện ở khoảng 2,25-2,5%.
Diệp Vũ
Theo vneconomy.vn
FED giữ nguyên lãi suất: Lựa chọn an toàn
Sau cuộc họp chính sách dài hai ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng của nước này sẽ vẫn được giữ nguyên ở mức 2,25-2,5%. Theo phần lớn quan chức cấp cao về hoạch định chính sách của FED, việc tăng lãi suất trong suốt năm 2019 cũng sẽ không cần thiết.
Quyết định giữ nguyên lãi suất của FED cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục ổn định.
Lý do được ông J.Powell nêu ra cho quyết định lần này là FED không thấy biến động nào đáng để thay đổi lãi suất trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Mỹ đang ổn định, thậm chí các yếu tố vốn là cơ sở của việc nâng lãi suất cũng đã suy yếu. Trong khi đó, việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chiến tranh thương mại, bất đồng nội bộ khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa... đang tạo ra nhiều bất định. Trong bối cảnh ấy, lãnh đạo FED cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, theo dõi sát tình hình và chỉ khi nào xuất hiện xu hướng rõ ràng, đặc biệt là những diễn biến trên thị trường việc làm và lạm phát, mới có thể đưa ra những quyết định tương ứng.
Giới phân tích cũng đánh giá quyết định trên của FED là hợp lý, và cơ quan này không còn nhận thấy sự cần thiết phải nâng lãi suất như một biện pháp chống lạm phát dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đang thấp hơn mục tiêu 2% mà FED đề ra. Bên cạnh đó, việc FED phát tín hiệu dừng tăng lãi suất có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hài lòng. Thời gian qua, ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích FED và ông J.Powell về việc nâng lãi suất, cho rằng động thái này khiến đồng USD trở nên quá mạnh, gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Mỹ. Trước đó, sau khi hạ lãi suất về ngưỡng gần 0% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, FED bắt đầu nâng lãi suất kể từ cuối năm 2015. Và cho đến ngày 19-12-2018, FED đã 9 lần điều chỉnh lãi suất và riêng trong năm 2018, cơ quan này nâng lãi suất tới 4 lần.
Nhìn ở góc độ lạc quan, việc FED giữ nguyên lãi suất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong một trạng thái tốt và có triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích nhấn mạnh tới một số bất cập mà các nhà hoạch định chính sách tài chính của xứ Cờ hoa nên cân nhắc, bao gồm việc Anh vẫn loay hoay với tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu và những diễn biến của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng giảm trong chi tiêu của các hộ gia đình và đầu tư của các công ty từ đầu năm 2019 đến nay khá rõ nét. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có nguy cơ chững lại, nhất là khi tác dụng của chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của chính quyền Tổng thống D.Trump suy giảm.
Ngoài ra, lãi suất hiện tại của FED vẫn khá thấp so với trung bình trước đây. Nếu không tăng, cơ quan này sẽ có rất ít lựa chọn chính sách để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái nào nếu xảy ra. Điều này kết hợp với tình trạng lạm phát dưới ngưỡng về lâu dài có thể tạo ra bất lợi cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, FED dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,1% của năm 2018. Cùng giai đoạn này, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 3,7%, cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 12-2018. Lạm phát được đánh giá sẽ ở ngưỡng 1,8%, thấp hơn mức dự báo 1,9%.
Cho dù phải đối mặt với một số yếu tố không thuận lợi nhưng việc lãi suất cơ bản của Mỹ không thay đổi là một tín hiệu tích cực, lựa chọn an toàn đối với nền kinh tế nước này trong ngắn hạn. Điều đó cũng phù hợp với kỳ vọng của thị trường, mong muốn sự ổn định về chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi của kinh tế Mỹ vốn vẫn còn những "di chứng" của "cơn đại hồng thủy" khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ.
Theo hanoimoi.vn
Giá vàng nội, vàng ngoại đồng loạt đi lên trước thềm cuộc họp FED Kim loại màu vàng nhận được nhiều hỗ trợ kể từ khi thảm kịch Boeing 737 Max 8 và bê bối Facebook xảy ra, không ngừng gây sức ép lên thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi các nhà đầu tư đang trông chờ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) trong tuần này để tìm kiếm thêm manh...