Ông Trump có thể bị mất lương hưu và một số đặc quyền nếu bị phế truất
Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ sẽ bị tước mất các quyền lợi mà một cựu tổng thống sẽ nhận được, bao gồm lương hưu trọn đời và khoản tiền lên đến 1 triệu USD mỗi năm dành cho việc đảm bảo an ninh và đi lại, nếu ông bị phế truất sau quá trình luận tội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy tay chào ttại Sân bay khu vực Tuscaloosa ở Alabama. Ảnh: Reuters
Trang Nikkei Asia đưa tin Tổng thống Trump cũng có thể bị mất quyền tranh cử một lần nữa trong tương lai nếu bị phế truất bằng hình thức luận tội. Đây cũng là một trong những lý do mà đảng Dân chủ muốn theo đuổi luận tội Tổng thống Trump, ngay cả khi chắc chắn quá trình luận tội và phán xử sẽ không thể kết thúc trong 9 ngày còn lại của nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, tính chất chưa từng có của một phiên luận tội trước khi tổng thống mãn nhiệm khiến nhiều khía cạnh vẫn còn rất mơ hồ. Đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden, điều này làm dấy lên lo ngại rằng phiên tòa luận tội kéo dài tại Thượng viện trong nhiệm kỳ của ông có thể khiến việc bổ nhiệm các quan chức chủ chốt bị trì hoãn.
Luật Cựu Tổng thống năm 1958 quy định rằng các cựu tổng thống Mỹ sẽ nhận được những quyền lợi, bao gồm lương hưu hàng tháng với mức “ngang với người đứng đầu bộ phận hành pháp”, trên 200.000 USD/năm; được hỗ trợ 96.000 USD mỗi năm để thuê các trợ lý và được cấp “không gian văn phòng được trang bị và trang bị phù hợp.”
Các cựu tổng thống cũng được hưởng các đặc quyền như bảo vệ an ninh và các chi phí đi lại, trị giá tối đa 1 triệu USD/năm, trừ khi cựu tổng thống đã được Sở Mật vụ bảo vệ suốt đời. Khi một cựu tổng thống qua đời, người vợ hoặc chồng của cựu tổng thống sẽ được nhận 20.000 USD lương hưu hàng năm.
“Luật Cựu Tổng thống quy định lương hưu và tiền trợ cấp sẽ áp dụng cho tất cả cựu tổng thống, trừ khi thời gian tại vị của họ bị chấm dứt do ‘bị phế truất theo mục 4, điều II của Hiến pháp Mỹ’ – nghĩa là luận tội”, ông Josh Blackman, Giáo sư Luật hiến pháp tại Đại học Luật Nam Texas, Houston, nói
Ông Blackman cho biết ông Trump sẽ bị mất lương hưu và các quyền lợi văn phòng và nhân viên. Tuy nhiên, có lẽ ông không bị tước đi mật vụ bảo vệ.
Trong trường hợp ông Trump bị luận tội, nhưng chưa bị kết tội và phế truất trước ngày 20/1, ngày ông Biden nhậm chức, ông sẽ vẫn là “cựu tổng thống” theo Luật Cựu Tổng thống. Ông Blackman cho rằng nếu ông Trump bị kết tội sau ngày 20/1, ảnh hưởng duy nhất đối với quyền lợi của ông Trump có thể chỉ là không được tranh cử tổng thống trong tương lai.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (trái) quyết tâm luận tội Tổng thống Donald Trump (phải). Ảnh: CNN
Sau khi một tổng thống bị Hạ viện luận tội, Thượng viện sẽ tiến hành một phiên tòa xét xử, trong đó phải cần có 2/3 số phiếu tán thành tại đây để kết án ông Trump. Nếu ông bị kết tội, Thượng viện cũng có thể tiếp tục bỏ phiếu để quyết định xem có cấm ông tranh cử một lần nữa hay không.
Video đang HOT
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny Hoyer nói với các thành viên Đảng Dân chủ rằng Hạ viện sẽ bắt đầu thủ tục luận tội vào ngày 13/1 nếu Phó Tổng thống Mike Pence không chấp nhận đề nghị kích hoạt Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp để phế truất ông Trump.
Ông Biden cho biết hôm 11/1 rằng ông đã thảo luận với một số đại diện và thượng nghị sĩ về việc luận tội. Câu hỏi đặt ra là liệu một phiên luận tội có thể được tổ chức cùng lúc với các thủ tục khác của Quốc hội hay không.
Sự thận trọng của ông Biden xuất phát từ lo ngại rằng thủ tục luận tội có thể kéo dài đến những ngày đầu tiên tại nhiệm của ông. Một phiên tòa luận tội được ưu tiên hàng đầu tại Thượng viện có thể trì hoãn đáng kể việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, bao gồm cả nội các.
“Liệu có thể dành nửa ngày để luận tội và nửa ngày để chấp thuận những người mà tôi đề cử, và thúc đẩy gói cứu trợ hay không. Tôi hy vọng như vậy”, ông Biden phát biểu trước các phóng viên ở Delaware.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa đã công khai tố cáo ông Trump. Song, nhiều người vẫn đứng về phía Tổng thống Mỹ. Một cuộc thăm dò của PBS NewsHour-Marist College cho thấy 18% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ cuộc bạo loạn tại Điện Capitol, 69% nói rằng Trump không đáng phải chịu trách nhiệm cho những hành động bạo lực của họ. Hơn nữa, ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người trung thành với ông và nhận được trên 74 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử.
Mốc thời gian do thành viên cấp cao đảng Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số sắp mãn nhiệm của Thượng viện, đặt ra là một phiên tòa luận tội Trump có khả năng không thể kết thúc trước ngày nhậm chức của ông Biden. Một số thành viên đảng Dân chủ đang thúc đẩy việc gửi yêu cầu luận tội lên Thượng viện sau 100 ngày tại vị đầu tiên của ông Biden – một giai đoạn quan trọng đối với bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống mới nào. Song, các chuyên gia nhận định rằng cuộc tranh luận về thời gian chính xác của quá trình luận tội Tổng thống Trump dự kiến sẽ ngày càng căng thẳng.
Cuộc chiến đảo chiều bầu cử đi đến đường cùng, Trump nỗ lực gấp đôi
Giữa bối cảnh những lựa chọn đảo chiều kết quả bầu cử cạn dần, Tổng thống Trump đã nỗ lực gấp đôi với một loạt biện pháp mạnh mẽ trong những ngày gần đây.
Nỗ lực gấp đôi
Hôm qua (20/12), Tổng thống Trump cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh rằng ông đã trao đổi với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Alabama về việc thách thức kết quả phiếu đại cử tri khi Quốc hội họp ngày 6/1 để chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
"Ông ấy rất hào hứng", ông Trump nói về ông Tuberville, đồng thời cho biết: "Ông ấy đã nói với tôi rằng tôi là chính trị gia nổi tiếng nhất ở Mỹ. Ông ấy là một thượng nghị sĩ tuyệt vời".
Dù vậy, chiến dịch của ông Tuberville vẫn chưa phản hồi về thông báo của Tổng thống Trump. Cuộc trao đổi của ông Trump với ông Tuberville là một phần trong nỗ lực rộng khắp của Tổng thống nhằm đảo chiều kết quả bầu cử. Gần đây, ông Trump đã tăng cường trao đổi với các đồng minh như luật sư Giuliani và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro. Hôm 18/12, ông Trump cũng gặp ông Giuliani, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và một số người khác.
Ông Flynn từng đề xuất trên Newsmax rằng Tổng thống Trump có thể triển khai quân đội tới các bang dao động quan trọng để đảo chiều kết quả bầu cử. Ngày hôm sau, xuất hiện tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, cựu cố vấn an ninh quốc gia tiếp tục đưa ra ý tưởng này, trong khi luật sư của ông - bà Sidney Powell đưa ra những cáo buộc vô căn cứ cho rằng các máy bỏ phiếu đã chuyển lá phiếu của Tổng thống Trump sang cho ông Biden.
Các quan chức trong Nhà Trắng cho biết, Chánh văn phòng Mark Meadows và luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone đã phản đối mạnh mẽ ý tưởng sẽ thiết quân luật mà đồng minh của Tổng thống Trump đưa ra như trên. Hai quan chức khác cũng cho biết hiện không có nỗ lực nào bên trong Nhà Trắng nhằm triển khai quân đội và ý tưởng này đã nhanh chóng bị bác bỏ tại cuộc họp.
Các chuyên gia cũng nhất trí rằng Tổng thống không có thẩm quyền để hành động như vậy.
Ông Trump cũng đề nghị sẽ cử bà Powell là công tố viên đặc biệt điều tra về việc gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua.
Tại cuộc họp trên, Tổng thống Trump một lần nữa yêu cầu các quan chức an ninh nội địa nên thu hồi các máy kiểm phiếu ở các bang và điều tra về việc gian lận.
Dù vậy, quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Chad Wolf và các quan chức trước đó đã khẳng định với Nhà Trắng rằng họ không có quyền làm vậy trừ khi các bang yêu cầu điều tra.
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump ngày càng tỏ rõ sự thất vọng khi nội các của ông không hành động nhiều hơn để hỗ trợ những nỗ lực đảo chiều kết quả bầu cử. Tại một cuộc họp nội các vào tuần trước ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã liên tục đưa ra những cáo buộc chưa có bằng về gian lận bầu cử song không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn hoặc yêu cầu cụ thể với các thành viên nội các. Tổng thống chỉ nói rằng ông Wolf lẽ ra nên nhanh chóng sa thải ông Christopher Krebs, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Hạ tầng và An ninh mạng sau khi ông Krebs chống lại những cáo buộc về gian lận bầu cử mà ông Trump đưa ra.
Hôm 20/12, chiến dịch của Tổng thống Trump cho biết họ đã nộp một đơn kiện lên Tòa án Tối cao về quy định bỏ phiếu qua thư của Pennsylvania. Tòa án Tối cao Mỹ đã 2 lần từ chối đề cập đến các thách thức bầu cử mà Tòa án Tối cao Pennsylvania đã ra quyết định, liên quan đến quy trình bỏ phiếu của bang này. Nhìn chung, Tòa án tối cao của Mỹ không can thiệp vào quyết định của tòa án các bang về những luật lệ của bang đó.
Cuộc chiến vô vọng
Các nhà chức trách và các lãnh đạo quân đội cũng từ chối tham gia vào những nỗ lực hậu bầu cử của Tổng thống Trump. Hôm 18/12, Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy và Tướng James C. McConville, một sĩ quan đứng đầu Lục quân đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định rằng: "Quân đội Mỹ không có vai trò quyết định kết quả bầu cử".
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, người thay thế vị trí của ông Mark Esper và Tướng Lục quân Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng không xuất hiện tại cuộc họp ở Phòng Bầu Dục tối 18/12.
Trong những ngày gần đây, ông Milley nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ tuân theo luật pháp của nước này, song không trực tiếp chỉ trích Tổng thống cũng như những người ủng hộ của ông.
Bộ Tư pháp hiện vẫn chưa "xuống nước" trước chiến dịch gây sức ép của Tổng thống Trump nhằm bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt điều tra các cáo buộc mà Tổng thống đưa ra về gian lận bầu cử, mặc dù một số quan chức kín đáo bày tỏ lo ngại việc này có lẽ sẽ xảy ra trong những tuần tới khi ông Trump ngày càng tuyệt vọng trong nỗ lực thay đổi kết quả.
Sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, trước những cáo buộc của Tổng thống Trump và các đồng minh của ông về gian lận bầu cử, Bộ Tư pháp luôn giữ thái độ hoài nghi im lặng. Dù vậy, vào đầu tháng 12, ông Barr đã nhận định với AP rằng ông "không nhận thấy bất kỳ sự gian lận nào trên quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử", một phát biểu trực tiếp đi ngược lại những cáo buộc của ông Trump. Tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã nộp đơn từ chức, tiết lộ rằng ông sẽ rời cơ quan này ngày 23/12.
Trong khi đó, những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện về tính hợp pháp của cuộc bầu cử dường như thu được kết quả thực tế hơn.
Một số thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện, trong đó có các hạ nghị sĩ Matt Gaetz, Marjorie Taylor Greene và Barry Moore đã cho thấy họ sẽ tham gia vào nỗ lực của hạ nghị sĩ Mo Brooks trong việc sử dụng đạo luật những năm 1880, theo đó cho phép các thành viên Quốc hội tranh luận về kết quả bầu cử của một bang và tiến hành một cuộc bỏ phiếu của lưỡng viện để thách thức kết quả này vào ngày 6/1. Tuần trước, trong khi vận động tranh cử cho các thượng nghị sĩ Kelly Loeffler và David Perdue ở Georgia, thượng nghị sĩ Tuberville đã nói rằng ông sẽ ủng hộ việc thách thức kết quả phiếu đại cử tri.
Tuy nhiên, nỗ lực trên chắc chắn sẽ thất bại tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và có thể vấp phải sự phản đối từ Thượng viện, nhất là sau khi Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã bác bỏ ý tưởng này.
Đồng minh lẳng lặng quay lưng
Trước công chúng, văn phòng báo chí của Tổng thống Trump cho biết ông vẫn tập trung vào việc điều hành đất nước: "Tổng thống Trump và Nhà Trắng vẫn tập trung vào việc đảm bảo các gói kích thích kinh tế cần thiết cho người dân Mỹ, đảm bảo ngân sách chính phủ, đảm bảo các bang và các cộng đồng được đáp ứng các nhu cầu để đối phó với dịch Covid-19, cũng như đảm bảo việc phân phối vaccine tới các nhân viên tuyến đầu và các cơ sở chăm sóc dài hạn", người phát ngôn Nhà trắng Judd Deere cho hay.
Tuy nhiên, những người thân cận với nhà lãnh đạo Mỹ thì lại vẽ nên một bức tranh khác. Theo 4 nguồn tin thân cận với ông Trump, Tổng thống dành hầu hết thời gian ở trong phòng, gọi điện cho các đồng minh và liên tục khẳng định trên Twitter rằng ông đã thắng cuộc bầu cử. Một cố vấn trò chuyện với Tổng thống Trump gần đây cho biết ông Trump đang tìm cách ở lại Nhà Trắng qua ngày 20/1. Theo người này "Tổng thống giận dữ ở một căn phòng tối. Tôi không chắc ông ấy đang thực sự tính toán điều gì".
Ông Trump cũng phàn nàn với các cố vấn của ông rằng các quan chức đảng Cộng hòa, chẳng hạn như ông Brian Hagedorn, một thẩm phán ở Tòa án Tối cao Wisconsin mà ông Trump từng ủng hộ, đã không còn đứng về phía ông nữa. Tổng thống Trump thường gọi điện cho các đồng minh của ông để tìm kiếm tin tốt cũng như liên tục hỏi các cố vấn của ông về những lựa chọn còn lại, từ việc đảo chiều kết quả phiếu đại cử tri tới gây sức ép với các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ.
4 nguồn tin trên cũng cho biết họ không nghĩ ông Trump sẽ dự lễ nhậm chức của ông Biden hoặc gặp Tổng thống đắc cử ở Cánh Tây. Tổng thống Trump thậm chí đã bắt đầu tham khảo ý kiến mọi người về việc tổ chức một chương trình song song vào thời điểm ông Biden tuyên thệ.
Cuộc chiến 'bang kiện bang': Chưa từng có tiền lệ trong bầu cử ở Mỹ Đơn kiện Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vi hiến của Texas nhận được sự hưởng ứng từ các bang Louisiana, Alabama. Cuộc chiến bang kiện bang của Mỹ bắt đầu khi bang Texas hôm 8/12 nộp đơn lên Tòa án tối cao Mỹ kiện quy trình bầu cử tại các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vi hiến. Đơn kiện của bang Texas...