Ông Trump có thể bị điều tra vì sắc lệnh hạn chế nhập cư
Tổng công tố bang Washington cam kết sẽ phơi bày sự thật về động cơ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư, Reuters cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)
Tổng công tố bang Washington Bob Ferguson hôm qua 12/2 đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ nỗ lực thu thập các văn bản viết tay cũng như các email của các quan chức chính phủ. Các dữ liệu này có thể chứa các bằng chứng chứng minh sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump là vi hiến, phân biệt đối xử với người Hồi giáo.
Giới học giả luật cho rằng, động thái này là chưa từng có tiền lệ với một tòa án. “Ý tưởng điều tra động cơ chưa từng áp dụng đối với một tổng thống. Nó sẽ cho thấy sự mở rộng quá mức vai trò giám sát của hệ thống tư pháp đối với hoạt động của tổng thống cũng như của toàn bộ hệ thống hành pháp”, John Yoo, cựu luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống, nhận định.
Sắc lệnh ban hành ngày 27/1 nêu rõ, Mỹ sẽ dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 nước – gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen – nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Ông Trump nói rằng, sắc lệnh này là một trong những biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ. Ông Trump cho rằng, sắc lệnh này nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, giới tư pháp và các cựu quan chức cho rằng, sắc lệnh này là vi hiến, đi ngược lại với giá trị Mỹ.
Thẩm phán tòa án ở thành phố Seatle (Washington) hồi đầu tháng này đã ra phán quyết tạm dừng sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Trump trên toàn nước Mỹ. Chính quyền của ông Trump đã kháng cáo và đề nghị khôi phục ngay lập tức sắc lệnh. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm khu vực số 9 của Mỹ đã bác kháng cáo và tiếp tục đóng băng sắc lệnh.
Video đang HOT
Cố vấn của Tổng thống Mỹ, ông Stephen Miller, hôm qua đã tiết lộ 5 phương án khác nhau nhằm bảo vệ Sắc lệnh di trú của chính quyền ông Trump. “Chúng tôi đang xem xét tất cả các khả năng có thể. Trong số các biện pháp đó, chúng tôi có thể kháng cáo tại Tòa án phúc thẩm khu vực số 9 và yêu cầu Tòa án tối cao ra lệnh đình chỉ khẩn cấp. Chúng tôi có thể sắp xếp một buổi điều trần tại tòa án khu vực hoặc có thể tiến hành phiên điều trần tại Tòa án khu vực 9 với thành phần mở rộng. Chúng tôi có thể làm hơn thế nữa nhờ có các sắc lệnh hành pháp. Thực tế chúng tôi có thể làm tất cả các bước để đảm bảo an ninh của đất nước chúng ta khỏi chủ nghĩa khủng bố”, ông Miller nói.
Tổng thống Trump cuối tuần trước cũng tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý, song cũng nhấn mạnh sẽ cân nhắc ban hành một sắc lệnh mới về nhập cư ngay tuần này.
Minh Phương
Theo Dantri
Trump dọa đưa vụ kiện lệnh cấm nhập cư lên tòa tối cao
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7.2 đề cập đến khả năng kháng cáo lên Tòa án Tối cao, về sắc lệnh cấm công dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngoại trừ khả năng đưa vụ kiện sắc lệnh cấm nhập cảnh lên Tòa án Tối cao.
Theo tờ Independent, chính quyền Donald Trump đang nỗ lực khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh, trong khi những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước.
Sắc lệnh ông Trump ký hồi cuối tháng 1 chỉ có hiệu lực được một tuần, trước khi thẩm phán do cựu Tổng thống Mỹ Geogre W Bush đề cử quyết định ngừng lệnh này.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump kiên quyết giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử, dù điều này gây tranh cãi lớn.
"Chúng ta có một phiên tòa lớn. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra", ông Trump nói trước các phóng viên. "Vụ kiện có thể được đưa lên Tòa án Tối cao. Dù tôi hy vọng điều này không xảy ra".
"Có những thứ gọi là luật pháp và tôi hoàn toàn ủng hộ những thứ đó", ông Trump nói thêm.
Ông Trump cũng nhấn mạnh nguy cơ tấn công khủng bố mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Tổng thống Mỹ nói khủng bố IS có thể lợi dụng hình thức nhập cư để tấn công khủng bố nước Mỹ. Nhưng ông Trump không đưa ra bằng chứng rõ ràng.
"Chúng ta sẽ đưa sắc lệnh này vượt qua thách thức của hệ thống", ông Trump nói trước các phóng viên. "Chúng ta sẽ bảo đảm an ninh cho đất nước".
Cuối ngày 7.2 (giờ địa phương), tòa phúc thẩm liên bang số 9 ở San Francisco đã điều trần về sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối sắc lệnh của ông Trump.
Noah Purcell, đại diện cho hai bang Washington và Minnesota, đề nghị tòa bác kiến nghị từ Bộ Tư pháp. Ông Purcell nêu những tổn hại không thể khắc phục khi thực hiện lệnh cấm, bao gồm "gia đình bị chia tách, những người thường trú không thể ra nước ngoài, thiệt hại doanh thu thuế".
Trong khi đó, August Flentje, đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ, mô tả lệnh cấm chỉ là "tạm thời dừng" nhập cảnh đối với người đến từ những nước "tạo ra mối đe dọa đặc biệt".
Ông Flentje nhấn mạnh phán quyết từ thẩm phán liên bang có quy mô "quá rộng", cấp quyền nhập cảnh cho cả những người "chưa từng đến Mỹ". Ông đề nghị tòa phải ngừng thi hành phán quyết liên quan đến người ở ngoài nước Mỹ.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ tranh luận, 3 thẩm phán ở tòa phúc thẩm số 9 nói sẽ cố gắng để đưa ra phán quyết sớm nhất có thể, song không nêu thời hạn cụ thể nào.
Phán quyết nhiều khả năng sẽ chỉ được công bố sớm nhất vào cuối tuần này.
Theo Danviet
Thẩm phán Mỹ chặn sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump Một thẩm phán liên bang ở Seattle (Washington) đã yêu cầu ngừng thực thi trên toàn quốc sắc lệnh tạm thời dừng tiếp nhận người tị nạn và cấm người nhập cư từ 7 quốc gia mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 27/1 Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối sắc lệnh di trú gây tranh...