Ông Trump chọn nữ tỷ phú làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ
Người mới được tổng thống đắc cử nước Mỹ chọn đứng đầu ngành giáo dục là Betsy DeVos. Bà hiện giữ chức chủ tịch của tổ chức Liên minh Trẻ em Mỹ.
Theo CNN, hôm 23/11, nhóm chuyển giao quyền lực của tân Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố tỷ phú 70 tuổi lựa chọn bà Betsy DeVos vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục trong nội các mới.
Betsy DeVos là chính trị gia, doanh nhân kiêm nhà hoạt động giáo dục, từng giữ chức chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Michigan. Chồng bà – ông Dick DeVos – là người thừa kế của Tập đoàn Amway với tài sản ước tính đạt 5,1 tỷ USD, theo Forbes.
Nữ tỷ phú 58 tuổi chấp thuận đề cử của ông Trump và coi đó là niềm vinh dự. Dù trước đó, nhà tài trợ lớn cho đảng Cộng hòa từng phản đối việc ông Trump đại diện cho đảng này ra tranh cử vào Nhà Trắng năm nay.
Bà Betsy cũng đã diện kiến tân Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng “phó tướng” Mike Pence hôm 19/11 để trao đổi về sứ mệnh của hệ thống giáo dục, các chuẩn mực giáo dục cao cấp hơn, cũng như thúc đẩy sự phát triển của việc chọn lựa chương trình giáo dục trên toàn nước Mỹ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt tay người ông chọn giữ chức Bộ trưởng Giáo dục trong chính quyền mới – tỷ phú Betsy DeVos . Ảnh: NBC.
Ông Trump ca ngợi bà Betsy DeVos không chỉ là nhà vận động say mê cho giáo dục, mà còn là lãnh đạo nổi bật đại diện cho nước Mỹ trên trường quốc tế.
“Dưới sự lãnh đạo của bà, chúng ta sẽ cải cách hệ thống giáo dục Mỹ và phá vỡ tình trạng quan liêu đang kìm hãm con em chúng ta. Từ đó, nước Mỹ có thể cung cấp hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới và sự lựa chọn trường học cho mọi gia đình”, tân tổng thống đắc cử tuyên bố.
Là người ủng hộ loại hình trường học bán công hơn giáo dục công đại trà, nữ tỷ phú đến từ bang Michigan đã chi nhiều triệu USD để thúc đẩy chương trình hỗ trợ học phí cho các gia đình có con em theo học tại trường tư và trường tôn giáo.
“Chúng ta hãy cùng nhau cải cách nền giáo dục để mọi học sinh Mỹ có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình”, bà Betsy DeVos tuyên bố.
Trên Facebook, cựu Tổng thống Bush ca ngợi quyết định bổ nhiệm bà Betsy của ông Trump là lựa chọn đúng đắn.
Trong khi đó, những người ủng hộ nền giáo dục công phản đối kịch liệt vì cho rằng nỗ lực của nữ tỷ phú 58 tuổi trong những năm qua đã làm suy yếu giáo dục công nhiều hơn là hỗ trợ học sinh.
Video đang HOT
Theo Zing
Vụ điều giáo viên tiếp khách: Bộ trưởng có đau lòng không?
Tại phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng bà thật sự đau lòng sau vụ việc nữ giáo viên ở Hà Tĩnh bị điều đi tiếp khách.
Chiều 16/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo thêm Quốc hội về giáo dục.
Liên quan việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều cô giáo đi tiếp khách (đại biểu Quốc hội chất vấn buổi sáng), Phó thủ tướng cho rằng việc này rất không tốt.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, gần đây, một số cơ quan yêu cầu nhân viên nữ tiếp khách trong những dịp lễ, kỷ niệm. Đây là những việc không cần thiết, cần chấn chỉnh.
'Mong đại biểu thông cảm'
Trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói thêm về chủ đề này khi bắt đầu trả lời chất vấn đầu giờ chiều nay.
Ông Nhạ cho biết câu trả lời của mình buổi sáng "nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo" nhấn mạnh việc điều động giáo viên tiếp khách là không đúng mục đích và không phù hợp.
"Có lẽ, tôi diễn đạt chưa rõ ý, trong đó có từ vui vẻ. Khi yêu cầu địa phương giải thích, họ cũng nói đây là hoạt động đối ngoại, vui vẻ. Có lẽ là diễn đạt chưa được rõ ý, xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định luôn ưu tiên vấn đề bình đẳng với phụ nữ vì lực lượng giáo viên nữ lớn, đóng góp quan trọng cho ngành. Bộ GD&ĐT cũng có Ban tiến bộ phụ nữ và tổ chức nhiều hoạt động nhằm ghi nhận, biểu dương đóng góp của nữ giáo viên.
Đại biểu Quốc hội: Tôi rất đau lòng
Trong phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều hàng chục giáo viên nữ tiếp kháchtrong các hoạt động không liên quan công việc của họ.
Theo ông Chiến, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng họ không có thẩm quyền quản lý, xử lý.
"Ngành giáo dục địa phương đã làm hết trách nhiệm với giáo viên chưa? Bộ GD&ĐT có nên ban hành chỉ thị để giúp chấm dứt hiện tượng phi giáo dục, giáo viên phải đi làm tiếp viên như thế không?", ông Chiến đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là sự việc có thật. Sau khi nhận được thông tin, ông đã có ý kiến, trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và gửi công văn về tỉnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá cao việc chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ra công văn yêu cầu chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh và sở GD&ĐT báo cáo vụ việc.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 16/11. Ảnh: Anh Tuấn.
Ông Nhạ nhận định trường hợp này không chỉ xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh. "Thực tế, nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo. Đây là hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ phải rút kinh nghiệm, bởi vì để xã hội phải nóng lên về vấn đề này, rõ ràng là không được", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông cho biết thêm việc linh hoạt phải trong chừng mực chứ để xã hội nóng lên như thế là không được. Ông Phùng Xuân Nhạ cũng nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô.
"Tư lệnh" ngành giáo dục cho biết bộ này sẽ rút kinh nghiệm để chủ động chứ không bị động, khi báo chí phản ánh mới có ý kiến.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đồng tình với việc bộ trưởng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, bà không hài lòng khi đại biểu Nguyễn Văn Chiến dùng từ "tiếp viên" để nói về điều động cô giáo tiếp khách ở Hồng Lĩnh.
Bà Hiền cho rằng cách dùng từ này quá nặng và gây tổn thương đến các nữ giáo viên. Nữ đại biểu cũng muốn tranh luận lại về cách nhận định của Bộ trưởng GD&ĐT.
Trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập 3 nhóm vấn đề.
Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Nhóm vấn đề về công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề cập việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp.
"Mặc dù nhận trách nhiệm, bộ trưởng nói rằng cũng chỉ là vui vẻ thôi, dưới góc độ giới và đặc biệt là nữ đại biểu, tôi không biết bộ trưởng có đau lòng không; sau những sự việc như vậy, tôi thực sự đau lòng", bà Hiền nói.
Nữ đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng với vai trò người chỉ đạo, định hướng và vì tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục, bộ trưởng phải có giải pháp tiếp theo để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành, danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên.
Tiếp lời đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tranh luận với đại biểu Nguyễn Văn Chiến rằng đây không phải là tiếp tân (ông Chiến dùng từ tiếp viên) và tranh luận với bộ trưởng đây không phải chuyện vui vẻ. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 14/11, người đứng đầu ngành giáo dục nói trước hết phải xem xét các cô giáo.
"Tôi nghĩ rằng giáo viên chắc chắn đau lòng với câu nói đó của bộ trưởng", ông Vân nói.
Hồi tháng 8, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi trong văn bản hành chính. Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết việc huy động giáo viên tiếp khách có từ nhiều năm qua. Năm nay, thị xã có nhiều sự kiện lớn nên huy động là cần thiết, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mến khách mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quê hương.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 14/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc nhở giáo viên phải rút kinh nghiệm, giữ vững hình ảnh nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh.
Chiều cùng ngày, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc bố trí giáo viên làm công việc có thể ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của giáo viên và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp.
Sáng 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh báo cáo, giải trình.
Theo Zing
'Thí sinh không thể gian lận khi thi trắc nghiệm' Sáng 16/11, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thí sinh không thể học tủ, nhìn bài, nhắc đáp án khi làm bài trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017. Sáng 16/11, 48 đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT. Các câu hỏi liên quan vấn đề lựa chọn thi trắc nghiệm nhiều...