Ông Tập nỗ lực thúc đẩy bình đẳng xã hội
Khi ông Tập tuyên bố “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu được Trung Quốc” năm 2012, thông điệp này không nhận được nhiều sự chú ý trong nền kinh tế thị trường.
Nhiều người Trung Quốc khi đó cho rằng đó chỉ là một câu nói mang tính khẩu hiệu của Tập Cận Bình, người vừa mới lên nắm quyền tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một loạt động thái chính sách gần đây của chính phủ Trung Quốc nhắm đến các công ty Internet, ngành dạy thêm chạy theo lợi nhuận, game online, sao giải trí…, cùng những phát biểu về “cùng nhau thịnh vượng” dường như cho thấy sự nghiêm túc của Chủ tịch Tập trong việc định hướng đất nước trở lại với giá trị của chủ nghĩa xã hội.
Theo giới quan sát, ông Tập đang thúc đẩy một “cuộc cách mạng nhỏ”, nhằm kiềm chế sự thái quá của chủ nghĩa tư bản và loại bỏ những ảnh hưởng văn hóa tiêu cực từ phương Tây. Các chính sách được đưa ra bao trùm mọi lĩnh vực, từ chương trình giảng dạy trong trường học đến siết chặt hơn quy định về bất động sản và ngành giải trí mà chính phủ coi là không lành mạnh.
Những quyết sách này khiến các nhà đầu tư bối rối, buộc giới chức và truyền thông Trung Quốc phải nhanh chóng tìm cách trấn an. Peoples Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8/9 cho biết sự ủng hộ của chính phủ dành cho khu vực tư nhân “không thay đổi”, giải thích rằng các quy định mới nhằm “chấn chỉnh trật tự thị trường”, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và “hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mục đích của các chính sách mới rất rõ ràng. “Ông Tập muốn giải quyết một vấn đề mang tính thời đại, trong đó những cuộc cải cách theo xu hướng tân tự do đã khiến Trung Quốc trở nên kém bình đẳng hơn rất nhiều”, Rana Mitter, giáo sư về lịch sử và chính trị Trung Quốc tại Đại học Oxford của Anh, nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai giảng tại trường đảng thuộc Học viện Hành chính Quốc gia ở Bắc Kinh hôm 1/9. Ảnh: Xinhua .
Các nhà phân tích cho biết tình trạng bất bình đẳng đó, cùng việc tài sản và quyền lực ngày càng dồn vào một số lĩnh vực, tiềm ẩn mối đe dọa làm suy yếu sự ổn định xã hội, cuối cùng gây ảnh hưởng đến việc điều hành đất nước của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thời điểm đưa ra loạt chính sách mới dường như còn phản ánh niềm tin rằng Trung Quốc có thể xử lý các vấn đề bằng mô hình quản trị của riêng mình, thay vì bắt chước “khuôn mẫu nhiều thiếu sót” của phương Tây, được thể hiện qua cách ứng phó Covid-19, hay sự hỗn loạn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chiến dịch Washington rút quân khỏi Afghanistan.
“Mô hình quản trị của Trung Quốc dường như đáp ứng tốt cuộc chiến chống Covid-19″, Chen Daoyin, phó giáo sư từng làm việc tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải, nhận xét, nói thêm rằng ông Tập có lẽ tự tin cân bằng được giữa cách điều hành của chính phủ với thị trường, giữa quyền lực nhà nước và dòng vốn đầu tư.
Video đang HOT
Dưới thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương giải phóng người dân khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản, phá bỏ tư hữu và đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm ông Mao, đã tiến hành bước ngoặt lớn mang tính thực dụng, khi cho phép thị trường thúc đẩy sản xuất, mở ra 4 thập kỷ tăng trưởng thần tốc và thúc đẩy tích lũy khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, đây được cho là nguyên nhân gây bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, ông Tập quyết định tháo gỡ hàng loạt vấn đề xã hội, từ việc tỷ lệ sinh liên tục suy giảm, bệnh thành tích trong giáo dục, đến tình trạng thế hệ trẻ quá căng thẳng vì vòng xoáy xã hội và quyết định bỏ cuộc. Đây được coi là động lực để chính phủ Trung Quốc ra những quy định mới ngăn thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian chơi game online và đổ quá nhiều tiền cho thần tượng giải trí.
“Ông Tập hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề khiến người dân khốn khổ, như nạn tham nhũng của quan chức và khoảng cách giàu nghèo”, phó giáo sư Chen cho biết.
Dù vẫn tồn tại những hoài nghi về khả năng chính quyền khuyến khích người dân sinh thêm con, hay giúp giá nhà ở các thành phố lớn trở nên hợp lý hơn, một số động thái đã giành được ủng hộ rộng rãi. Nhiều phụ huynh hoan nghênh việc giảm tải giáo dục và quy định trẻ em chỉ được chơi điện tử ba giờ mỗi tuần.
Theo một số nhà phân tích, những tính toán của ông Tập không chỉ dừng lại ở việc ổn định xã hội, mà còn vươn xa hơn nữa.
“Ông Tập là một lãnh đạo đầy tham vọng với tầm nhìn xa. Ông ấy thực sự muốn đi vào lịch sử với tư cách người giữ vững đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa đất nước trở nên hùng mạnh”, Yang Chaohui, giảng viên chính trị tại Đại học Bắc Kinh, đánh giá.
Người dân Vũ Hán tự tin có đủ kinh nghiệm đối phó với biến chủng Delta
Trong khoảng 48 giờ sau khi phát hiện 7 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, đã gấp rút triển khai xét nghiệm trên toàn thành phố, dừng giảng dạy trực tiếp và giảm một nửa lượng khách tới các điểm du lịch.
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho một người dân địa phương ở huyện Dongxihu, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Ảnh: The Paper
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, đối với những thành phố khác trên thế giới, những nơi đã quen ghi nhận hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày, những phản ứng này có thể bị cho là thái quá. Nhưng đối với Vũ Hán, tất cả các biện pháp đó đều vô cùng ý nghĩa.
Chỉ vài giờ sau khi chính quyền Vũ Hán thông báo về 7 ca mắc trong cộng đồng hôm 2/8, ứng dụng mã y tế địa phương đã quá tải do quá nhiều người truy cập để kiểm tra xem họ có tiếp xúc gần với ca nhiễm virus hay không.
"Tôi đã vô cùng lo lắng cho đến khi hệ thống thông báo tôi đã an toàn", Luo Ning, cư dân Vũ Hán, cho biết. Tuy nhiên, cô vẫn xin làm việc tại nhà hôm 3/8 vì "tốt hơn là bây giờ không nên ra ngoài, ở ngoài rất nguy hiểm" .
Làn sóng bùng phát COVID-19 mới giống như quả bom dội xuống một thành phố vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng trong đợt dịch đầu tiên, dù không ghi nhận bất kỳ ca mắc mới nào kể từ tháng 6/2020. Trong 2 ngày qua, tàu điện ngầm và xe buýt vốn đông đúc bỗng vắng bóng người đi lại. Tại các trung tâm mua sắm ở Vũ Hán, người bán nhiều hơn người mua và một số nhà hàng đã tạm thời đóng cửa.
"Diện mạo của thành phố đã thay đổi. Thành phố đột nhiên trống trải, khiến tôi có cảm giác quay lại những ngày đầu tiên khi đại COVID-19 bùng phát", Luo nói.
Một video lan truyền trên mạng xã hội hôm 4/8 cho thấy một lái xe taxi ở Vũ Hán đeo khẩu trang, găng tay, chạy theo và xịt khử trùng hành khách đang lên xe. Anh tiếp tục công việc của mình đến khi hành khách nhấc chân lên để khử trùng đế giày.
"Mọi người bắt đầu dự trữ thực phẩm, nước sát khuẩn và khẩu trang, nhưng theo cách có trật tự. Không ai tranh cướp của nhau hay bất cứ thứ gì", Chen Jingyuan, một cư dân địa phương khoảng 30 tuổi, mô tả cách người Vũ Hán đang đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh mới. "Mọi thứ diễn ra có tổ chức bởi người dân khá có kinh nghiệm đối phó tình huống thế này" .
Người dân đi mua sắm nhu yếu phẩm tại một siêu thị ở thành phố Vũ Hán ngày 2/8. Ảnh: AP
Giới chức Vũ Hán hôm 3/8 đảm bảo với công chúng rằng thành phố có đủ nguồn cung nhu yếu phẩm hàng ngày và sẽ không tăng giá các mặt hàng. Thành phố miền trung Trung Quốc cũng nhanh chóng bắt đầu xét nghiệm toàn thành phố. Ông Li Tao, Phó Bí thư Thành ủy thành phố, cho biết Vũ Hán là "trung tâm giao thông quan trọng" nên việc xét nghiệm toàn thành phố sẽ "loại bỏ mối nguy tiềm ẩn". Đến tối 4/8, khoảng 2,52 triệu mẫu xét nghiệm đã được thu thập.
Cheng Cai, một bác sĩ tại Bệnh viện Tongji Vũ Hán, người đã chiến đấu với COVID-19 suốt hơn 2 tháng hồi năm 2020, chia sẻ một số đồng nghiệp của ông đã được cử đến để tiến hành xét nghiệm cho người dân địa phương.
Zheng Jing, một bác sĩ khác cho biết: "Chúng tôi có thể lấy vài nghìn mẫu xét nghiệm trong một giờ. Chúng tôi không thể phàn nàn. Tôi biết thành phố sẽ không thể để xảy ra một đợt bùng phát lớn khác". Bác sĩ nói đùa rằng quá trình này giống như ở trong một phòng tắm hơi miễn phí, vì các nhân viên y tế phải mặc những bộ đồ bảo hộ dày cộp giữa mùa hè nóng ẩm ở Vũ Hán.
Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là thành phố hứng chịu làn sóng dịch bệnh COVID-19 lớn nhất và sớm nhất của Trung Quốc. Thời điểm đó, giới chức đã áp lệnh phong toả 76 ngày từ ngày 23/1 đến ngày 8/4/2020. Thành phố cũng không ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm cộng đồng nào kể từ tháng 6/2020.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Vũ Hán ngày 3/8. Ảnh: Tân Hoa xã
Sau hơn một năm "sạch bóng" COVID-19, ngoài 7 ca nhiễm được xác nhận hôm 2/8, Vũ Hán đã phát hiện thêm 9 ca mắc mới hôm 4/8. Cơ quan y tế địa phương cùng ngày cũng xác nhận đợt bùng phát ở thành phố lần này là do biến chủng Delta gây ra.
Ông Li Tao cho biết Vũ Hán đã chuẩn bị 31.300 phòng cách ly và cam kết sẽ có thêm 9.000 phòng trong 3 ngày tới. Chính quyền thành phố cũng đã phong tỏa 56 khu dân cư và 11 công trường xây dựng liên quan đến các ca nhiễm.
Một người dân Vũ Hán họ Dong cho rằng phản ứng quyết liệt của người dân Vũ Hán là do thời kỳ khó quên đầu năm 2020.
"Sự hoảng loạn của người Vũ Hán không nên bị chê bai hay chế giễu. Chúng tôi là những người đã trải qua thời kỳ bất lực và đen tối nhất, chúng tôi tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang lâu hơn bất kỳ thành phố nào. Chúng tôi thậm chí còn sẵn sàng ở nhà nếu chính quyền yêu cầu. Chúng tôi biết rõ hơn ai hết cách tự bảo vệ mình", ông nói.
Trung Quốc đang phải đối phó với sự trỗi dậy tồi tệ nhất của dịch COVID-19 kể từ đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, với trên 300 trường hợp được phát hiện tại hơn 20 thành phố trên khắp cả nước.
Đợt bùng phát ở Vũ Hán lần này đã trở thành tiêu đề của nhiều bài báo nước ngoài, trong đó mô tả phản ứng của thành phố này là "thái quá" và gợi nhớ đến những ngày đầu tiên bùng phát COVID-19 vào năm 2020. Song một số người dân Vũ Hán lại có suy nghĩ khác.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một cậu bé ở Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa xã
Wang Wei, một nhân viên xã hội ở Vũ Hán, từng tham gia chống dịch năm ngoái, cho biết rút kinh nghiệm năm trước, cán bộ công tác xã hội đang thực hiện đúng quy trình, không bỏ sót một người nào. Bất kỳ ai tiếp xúc gần hoặc trở về từ các khu vực nguy cơ cao đều phải bị cách ly.
Trong khi đó, các nhà dịch tễ học nhận định Trung Quốc sẽ không phải hứng chịu thêm đợt bùng phát nghiêm trọng như năm ngoái.
Ông Wang Guangfa - chuyên gia về hô hấp tại bệnh viện thuộc Đại học Bắc Kinh, người từng là thành viên nhóm điều tra chung của WHO - Trung Quốc tại Vũ Hán hồi tháng 2 - cho biết: "Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát mới nhất này và không thể ước tính quy mô chính xác. Nhưng giờ đây, đất nước đã có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn về dịch bệnh. Chúng ta có hệ thống hoàn chỉnh để sàng lọc, truy vết tiếp xúc. Vì vậy, mặc dù các ca mắc đang gia tăng, nhưng đợt bùng phát đang được kiểm soát".
Ông Wang nói rằng hiện nay là "thời kỳ vàng" để ngăn chặn ổ dịch vì nó vẫn đang trong giai đoạn đầu, điều này đòi hỏi chính quyền các cấp phải cảnh giác, thận trọng và bịt mọi kẽ hở có thể xảy ra.
"Vì vậy, việc xét nghiệm toàn thành phố Vũ Hán không phải là thái quá, từ góc độ dịch tễ học," Wang nói. "Hơn nữa, do thành phố nhạy cảm với dịch bệnh, nên người dân có trách nhiệm chấp hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Điều đó sẽ khiến họ yên tâm hơn".
Nam sinh đỗ thủ khoa Gaokao bị 11 đại học Mỹ từ chối bây giờ ra sao? Lý Thái Bách đỗ thủ khoa kỳ thi đại học với số điểm 703 nhưng bị 11 đại học hàng đầu ở Mỹ từ chối hồ sơ. Sau 11 năm, chàng trai cảm thấy may mắn vì đã bị từ chối. Năm 2010, Lý Thái Bách trở thành tâm điểm của truyền thông Trung Quốc khi đỗ kỳ thi Gaokao với số điểm...