Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch LĐLĐ VN: “Tổng LĐLĐ VN chưa thu một đồng nào từ Đại học Tôn Đức Thắng”
Liên quan tới sự việc cho rằng, Tổng LĐLĐ VN buộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng – đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ VN (đã tự chủ hoàn toàn) phải trích nộp đến 30% chênh lệch thu chi, có thể lên đến vài chục tỷ đồng/năm, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đã trao đổi thêm thông tin với báo giới về vấn đề này.
Thưa ông, căn cứ nào Tổng Liên đoàn buộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) phải trích nộp về Tổng Liên đoàn (TLĐ) đến 30% chênh lệch thu chi?
- Hoàn toàn không có việc Tổng LĐLĐ VN buộc TDTU phải trích nộp về TLĐ đến 30% chênh lệch thu chi như dư luận nêu.
Vào năm 2017, Đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của TLĐ tiến hành kiểm tra tại TDTU.
Khi đó, ban đầu nhà trường phản đối, không đồng ý cho tiến hành kiểm tra. Sau đó Đoàn kiểm tra phải viện dẫn các quy định của pháp luật, Trường mới đồng ý cho kiểm tra nhưng khi có Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, Trường tiếp tục phản đối cho rằng cơ quan chủ quản không có quyền trực tiếp kiểm tra tài chính nhà trường.
Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch LĐLĐ VN
Sau quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra có kiến nghị: “Tổng LĐLĐ VN hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ VN theo quy định”. Theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ VN thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.
Kiến nghị này của Đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN phê chuẩn và triển khai.
Video đang HOT
Vì lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN cho rằng ngoài quy định của Tổng LĐLĐ VN, Trường còn thực hiện theo Quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể khẳng định, đến giờ phút này, Tổng LĐLĐ VN chưa thu của Đại học Tôn Đức Thắng một đồng nào.
Từ một trường đại học khi thành lập với vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nay trường đã lớn mạnh toàn diện với tổng giá trị tài sản 3.000 tỷ đồng, quy mô 26.000 sinh viên, học viên, vậy Tổng LĐLĐ VN đánh giá như thế nào về nỗ lực của nhà trường?
- Tổng LĐLĐ VN và cá nhân tôi đánh giá cao nỗ lực của các thế hệ thầy và trò nhà trường, trong đó có cả đóng góp của đội ngũ lãnh đạo LĐLĐ TP HCM và Tổng LĐLĐ VN (tham gia làm Chủ tịch Hội đồng trường và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của Trường).
Trong quá trình đó, LĐLĐ TP HCM trước đây và Tổng LĐLĐ VN sau này (với tư cách là đơn vị quản lý Trường) đã tạo điều kiện hết sức như cấp vốn, cho vay vốn, giao quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp đất, với số tài sản được giao cho Trường quản lý, sử dụng và cho vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trường có được cơ đồ như ngày hôm nay, không thể không nói đến sự quan tâm, tạo điều kiện của Tổng LĐLĐ VN và LĐLĐ TP HCM và công sức của cán bộ, đoàn viên công đoàn cả nước. Từ quả trứng nở thành con gà vàng, đó là công sức chung của nhiều người, nhiều thế hệ.
Có ý kiến lo ngại, từ câu chuyện của TDTU với cơ quan chủ quản là TLĐ, ước mơ tự chủ của nhiều trường đại học khó trở thành hiện thực?
- Tuyệt nhiên không, mà lẽ ra ta phải suy nghĩ ngược lại. Từ mô hình thành công của TDTU với cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ VN đã là sự tham khảo và kinh nghiệm quan trọng để Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục đại học và sắp triển khai đại trà.
Tổng LĐLĐ VN đã tạo mọi điều kiện để Trường được thực hiện tự chủ. Tự chủ trước hết và chủ yếu là tự chủ trong mối quan hệ với cơ quan chủ quản.
Kết quả Trường đạt được như thời gian qua là bằng chứng sinh động khẳng định Tổng LĐLĐ VN đã tạo điều kiện hết sức để Trường được tự chủ.
Lẽ ra phải coi Tổng LĐLĐ VN là điển hình tốt về việc cơ quan chủ quản tạo điều kiện để trường đại học trực thuộc được tự chủ theo đúng nghĩa. Nếu có đơn vị nào đến Tổng LĐLĐ VN tìm hiểu kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ.
Thời gian tới, khi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc tạo điều kiện để Trường tự chủ.
Tất nhiên, tự chủ phải trong khuôn khổ pháp luật và phải chịu trách nhiệm giải trình theo quy định. Trường, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật, còn phải thực hiện các quy định của Đảng và Tổng LĐLĐ VN, nhất là về công tác cán bộ.
Hà Ngô thực hiện
Theo Dân trí
Hiệp hội đề nghị tạo mọi điều kiện để ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện tự chủ
Ngày 21/5, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam đã có văn bản gửi nhiều cơ quan Nhà nước về việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Các cơ quan mà Hiệp hội gửi gồm: Ban Bí Thư TƯ Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công văn Hiệp hội các trường ĐH,CĐ gửi các cơ quan chức năng
Trong GS.TS Trần Hồng Quân Chủ tịch Hiệp Hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho biết, Hiệp hội nhận được công văn số 1463/2019/TĐT-CV ngày 13/5/2019 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề nghị Ban thường vụ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ủng hộ và kiến nghị lên cấp trên tạo điều kiện cho nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được để có thể làm tốt một mô hình tự chủ đại học, góp phần tích cực thực hiện chủ trương mang tầm chiến lược này của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 29/NQTW và Nghị quyết 19/ NQTW.
Là một cơ sở giáo dục đại học công lập có cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sớm được Tổng Liên Đoàn cho phép thực hiện một cơ chế có độ tự chủ cao so với nhiều trường khác, sau 22 năm thành lập, Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ một cơ sở giáo dục đại học nhỏ bé, có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ đã từng bước đảm bảo đáp ứng các điều kiện để mở rộng về quy mô, cải thiện chất lượng đào tao, nghiên cứu khoa hoc, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại như đã được thừa nhận qua kiểm định, giám sát, đánh giá trường của các cấp.
Có chiến lược phát triển bền vững, có giải pháp thực hiện bài bản khoa học theo hướng "phát huy vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập" như quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu tại Nghị quyết 19 của Đảng, đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định vị thế của mình không những trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có ảnh hưởng lan tỏa đối với hệ thống đại học, cao đẳng khắp cả nước.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong 14 cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ theo chủ trương của nhà nước (Nghị quyết 22 của Chính phủ) các hoạt động có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiện đại, tinh gọn, cơ cấu tổ chức hợp lý, bộ máy điều hành hiệu lực, năng động;
Trường đã tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư, chi thường xuyên, giảm được gánh nặng cho ngân sách mà vẫn huy động được nhiều nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật khang trang, hiện đại, thu hút người học, mạnh dạn áp dụng phương thức quản trị tiên tiến, đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.
Thành tựu và kinh nghiệm hoạt động có hiệu quả của Trường đáng được nghiên cứu.Từ những trình bày trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam mong muốn và đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục đào tạo cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:
1- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Tôn Đức Thắng, chủ động thực hiện tự chủ đại học có hiệu quả, thiết thực góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tế; mạnh dạn xây dựng kế hoạch thực thi Luật Giáo dục Đại học đã sửa đổi (Luật 34) được triệt để, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2- Trước mắt nên duy trì sự ổn định về tổ chức và nhân sự chủ chốt để giữ đà phát triển của Trường, góp phần xây dựng một mô hình tự chủ tốt trong thực tế, từ đó có thể nghiên cứu tổng kết nhiều kinh nghiệm quý giá mà nhân rộng ra.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Lãnh đạo, giảng viên trường đại học phản đối... cơ quan chủ quản Ngày 6.6, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, xác nhận ông và nhiều cán bộ, giảng viên trong trường đã viết đơn gửi đến BCH T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Quốc hội phản đối Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) VN (cơ quan chủ quản của trường này). Trường ĐH Tôn Đức Thắng Lý do...