Ông Obama sẽ đề cập điều gì trong Thông điệp Liên bang 2015?
Vào 21h00 ngày 20/1 giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đọc Thông điệp Liên bang năm 2015 trước lưỡng viện quốc hội.
Dù Nhà Trắng và một số lãnh đạo đảng Cộng hòa nhiều lần tuyên bố muốn tìm tiếng nói chung và nhân nhượng thỏa hiệp, song người đứng đầu Nhà Trắng được dự báo sẽ trình bày một loạt đề xuất chính sách khó có thể được Quốc hội thông qua trong hai năm cuối nhiệm kỳ.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ
Thông điệp Liên bang năm nay được đông đảo chính giới và dư luận Mỹ chờ đợi vì đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama trình bày các chương trình nghị sự và các đường hướng chính sách của chính phủ trước Quốc hội do đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát. Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của kênh tin tức NBC, người phát ngôn Nhà Trắng Dan Pfeiffer cho biết chủ đề chính của thông điệp là “kinh tế của tầng lớp trung lưu” và cách thức cải thiện vấn đề tiền lương cũng như kích thích kinh tế.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo của nước Mỹ cũng sẽ công bố một loạt đường hướng đối nội và đối ngoại của chính quyền trong năm 2015, trong đó có cả những vấn đề bị các nghị sĩ Cộng hòa nhiều lần đe dọa ngăn chặn tại cơ quan lập pháp.
Về đối nội, các đề xuất kinh tế sẽ là trọng tâm trong Thông điệp Liên bang năm nay. Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ đề nghị tăng thuế đối với thiểu số những người giàu để giúp tầng lớp trung lưu, theo đó tầng lớp giàu có nhất tại Mỹ, đặc biệt là giới tài phiệt Wall Street, sẽ phải đóng thuế nhiều hơn khi bán các khoản đầu tư hoặc tài sản.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch này sẽ giúp mang về 320 tỷ USD trong vòng 10 năm tới và số tiền này sẽ được rót vào các quỹ an sinh xã hội để phục vụ tầng lớp trung lưu, người nghèo. Kế hoạch cũng bao gồm việc mở rộng chính sách chăm sóc trẻ em và miễn thuế đào tạo cho những người có thu nhập trung bình. Tổng thống Obama cũng có thể nhắc lại chương trình cải cách nhập cư, vấn đề gây chia rẽ sâu sắc giữa chính quyền và quốc hội thời gian qua.
Video đang HOT
Sau một số vụ tấn công mạng táo bạo nhằm vào hãng giải trí Sony Pictures và đặc biệt là tài khoản mạng xã hội Twitter của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENCOM) quân đội Mỹ, Tổng thống Obama dự kiến cũng sẽ kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật mới cho phép chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ dễ dàng chia sẻ thông tin về các mối đe dọa an ninh mạng.
Đây có thể là đề xuất hiếm hoi trong Thông điệp Liên bang sẽ nhận được sự tán thành của phe Cộng hòa. Trước đó, cả thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đều lên tiếng ủng hộ đề xuất này.
Về giáo dục, ông Obama có thể sẽ nhắc lại lời kêu gọi mới đây về việc miễn học phí hai năm cho sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng nhằm giảm gánh nặng chi phí học đường, cũng như tạo cơ hội cho những gia đình nghèo và thu nhập thấp. Theo tính toán, đề xuất trên sẽ giúp mỗi sinh viên tiết kiệm được trung bình 3.800 USD/năm và có tới 9 triệu sinh viên tại Mỹ được hưởng lợi từ chương trình này.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng sẽ đề xuất thực thi chương trình nghỉ phép được hưởng lương có tổng kinh phí 2 tỷ USD nhằm khuyến khích các bang xây dựng chương trình phúc lợi mới để trả lương tạm thời và chăm sóc y tế cho các lao động buộc phải nghỉ việc 7 ngày/năm vì gia đình có người bệnh nặng hoặc mới sinh con.
Về đối ngoại, trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Obama sẽ nêu bật các kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Cuba và hối thúc Quốc hội nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm vận mà ông cho là “đã lỗi thời” nhằm vào quốc đảo này. Ông Obama cũng sẽ kêu gọi Quốc hội không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.
Theo Nhà Trắng, siết chặt trừng phạt vào thời điểm này sẽ hủy hoại các kết quả đàm phán hạt nhân đạt được mới đây giữa Iran với Nhóm P5 1. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán về hai hiệp định thương mại tự do với châu Á và châu Âu đang tiếp diễn và còn nhiều khó khăn, Tổng thống Obama cũng sẽ hối thúc quốc hội gia hạn Quyền xúc tiến thương mại (TPA) để trao cho chính phủ “quyền đàm phán nhanh” trong lĩnh vực thương mại. Đề xuất này nhiều khả năng cũng sẽ được phe Cộng hòa ủng hộ.
Đối với cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Obama sẽ tiếp tục hối thúc Quốc hội cho phép ông sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết mối đe dọa bắt nguồn từ “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu mới đây tại Sydney (Australia) và Paris (Pháp), giới phân tích nhận định ông Obama sẽ nhận được sự ủng hộ của Quốc hội trong vấn đề trên.
Ngoài ra, Tổng thống Obama có thể sẽ nhắc lại chủ trương đóng cửa nhà tù của quân đội Mỹ tại Vịnh Guantanamo của Cuba, đồng thời hối thúc các nghị dỡ bỏ các rào cản trong vấn đề chuyển tù nhân khỏi trung tâm giam giữ gây tranh cãi này.
Đây là Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Obama kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2014. Bài phát biểu là tâm điểm của đời sống chính trị nước Mỹ đầu năm 2015 và có thể sẽ định hình chương trình nghị sự của chính quyền và đảng Dân chủ từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống 2016, cũng như định hình những di sản mà ông Obama sẽ để lại sau 8 năm làm ông chủ Nhà Trắng./.
Theo NTD
Tổng thống Obama bị "nhắc nhở" giữ lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo
Ngày 11-1, hàng chục người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Nhà Trắng ở Washington để "nhắc nhở" Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo ở Cuba.
Christopher Knestrick , thành viên của Tổ chức Nhân chứng chống tội ác (WTA) trao đổi với Spunik rằng: "Chúng tôi đang ở đây để nhắc nhở Tổng thống Barack Obama, nhân dân Hoa Kỳ và trên toàn thế giới rằng đây là một tội ác. Chúng ta cần phải tiếp tục yêu cầu đóng cửa nhà tù tại Guantanamo".
Các tù nhân tại trại giam Guantanamo hồi tháng 1-2002
Những người biểu tình, mặc trang phục các tù nhân tại Guantanamo phải sử dụng hàng ngày: quần áo màu cam, che mặt với mũ trùm đầu màu đen. Sau đó, họ đã yêu cầu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đặt một bông hoa cẩm chướng cho mỗi tù nhân ở Guantanamo.
Ông Knestrick cho biết, những người biểu tình sẽ diễu hành đến Washington D.C để lên án việc giam giữ số lượng lớn tù nhân ở Guantanamo và phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.
Cuộc biểu tình được bắt đầu bởi các diễn giả đến từ các tổ chức tôn giáo, các tổ chức nhân quyền. Họ đứng trước đám đông, kể lại câu chuyện của các tù nhân tại tù nhân Guantanamo, những người họ đã từng tiếp xúc, cuối cùng đưa ra lý do để đóng cửa nhà tù.
Trao đổi với Sputnik, Joan Stallard, nhà hoạt động nhân quyền cho biết: "Chúng tôi sẽ không giải tán, sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi tất cả các tù nhân Guantanamo được thả và nhà tù được đóng cửa. Công lý cần được thực thi".
Một người biểu tình là Bill Streit, 60 tuổi, đã từng đến thăm nhà tù Guantanamo vào năm 2005, bày tỏ: "Chúng tôi muốn cho các tù nhân tại Guantanamo biết rằng, không phải tất cả công dân Mỹ đều phỉ báng họ, vẫn có những người ủng hộ họ".
Theo Lầu Năm Góc cho biết, kể từ tháng 10, Hoa Kỳ đã thả 28 tù nhân tại Guantanamo sang các nước như Afghanistan, Uruguay, Saudi Arabia, Slovakia và Kazakhstan, để lại 127 tù nhân còn lại tại các cơ sở giam giữ.
Trong năm 2009, Tổng thống Obama đã ký một sắc lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo và mô tả các cơ sở giam giữ như một "chương buồn trong lịch sử nước Mỹ". Tuy nhiên nhà tù này vẫn hoạt động cho đến ngày hôm nay.
Trước đó, các nhà tù ở Cuba đã là chủ đề của những lời chỉ trích gay gắt bởi các nhà hoạt động nhân quyền, chính phủ và các phương tiện truyền thông kể từ năm 2002. Các nhân viên y tế, thanh tra và người bị giam giữ trước đây đã mô tả các điều kiện tại đây là độc ác và vô nhân đạo.
Theo_An ninh thủ đô
Tổng thống Mỹ lạc quan về cuộc đàm phán hạt nhân với Iran Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/12 bày tỏ lạc quan nhóm P5 1 gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức có thể đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Thứ trưởng Iran Abbas Araqchi tới dự vòng đàm...