Ông Obama phát biểu trước toàn dân về vấn đề Syria
Vào sáng nay theo giờ Việt Nam, tức tối 10/9 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu trước toàn dân về tình hình Syria, trong bối cảnh thế giới thảo luận giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng ngày 10/9.
Trong bài phát biểu phát trên truyền hình nhằm giải thích về chính sách của Mỹ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria, ông Obama nói chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad rõ ràng là chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tháng trước, vốn làm hơn 1.000 người thiệt mạng.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói ông sẽ hợp tác với Nga về đề xuất nhằm thuyết phục Syria phá hủy kho vũ khí hóa học.
Nhưng ông Obama tuyên bố, Mỹ sẽ vẫn giữ phương án sử dụng vũ lực nếu ngoại giao thất bại.
Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Obama nói từ lâu ông đã chống lại những lời kêu gọi về hành động quân sự tại Syria vì ông không tin vũ lực có thể giải quyết cuộc nội chiến. Nhưng ông đã thay đổi ý kiến sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8.
Ông Obama đã hoan nghênh đề xuất của Nga như một giải pháp thay thế hành động quân sự nhưng nói thêm: “Còn quá sớm để biết được liệu đề xuất này có thành công hay không”.
“Bất kỳ một thỏa thuận nào cũng phải kiểm chứng xem chính quyền Assad có giữ các cam kết hay không. Nhưng sáng kiến này có khả năng loại bỏ mối đe dọa về vũ khí hóa học mà không cần sử dụng vũ lực”, ông Obama nói.
Tổng thống Mỹ còn nói ông đã đề nghị các lãnh đạo quốc hội hoãn bỏ phiếu về việc cho phép sử dụng vũ lực “trong lúc chúng tôi theo đuổi con đường ngoại giao”.
Ông Obama cũng xác nhận rằng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và nói thêm: “Tôi cũng sẽ tiếp tục thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Ủng hộ đề xuất của Nga
Video đang HOT
Bài phát biểu diễn ra trong bối cảnh sự ủng hộ của quốc hội ngày càng giảm dần đối với nghị quyết sử dụng vũ lực tại Syria và sự xuất hiện của một giải pháp ngoại giao khả thi liên quan tới Nga và Liên hợp quốc.
Trước đó, hôm 9/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Syria “đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó tiêu hủy chúng”. Tổng thống Obama cũng tuyên bố có kế hoạch dừng tấn công Syria nếu chính quyền Tổng thống Assad từ bỏ vũ khí hóa học.
Vào hôm qua 10/9, ông Obama đã dành 2 giờ tại trụ sở quốc hội để tham gia các cuộc thảo luận kín nhằm giải thích lý do căn bản của việc tìm kiếm sự phê chuẩn cho một cuộc tấn công quân sự chống lại Syria.
Ông Obama đã hối thúc các nghị sĩ giúp ông tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho việc sử dụng vũ khí học tại Syria, nhưng nói thêm rằng ông vẫn muốn quốc hội để ngỏ phương án vũ lực.
Các nghị sĩ tham gia cuộc thảo luận cho hay ông Obama đã đề nghị quốc hội hoãn bỏ phiếu về nghị quyết sử dụng vũ lực để mở đường cho các nỗ lực ngoại giao tại Liên hợp quốc, nơi Hội đồng bảo an đang xem xét sáng kiến của Nga.
Syria đã tuyên bố chấp nhận đề xuất của Nga về kho vũ khí hóa học.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem ngày 10/9 nói rằng chính phủ nước này đã chấp thuận đề xuất của Nga về việc giao nộp kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế để tránh bị tấn công.
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông và Tổng thống Obama đã nhất trí trong các cuộc hội đàm hồi tuần trước trong khuôn khổ G20 nhằm đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria và thảo luận việc đặt kho vũ khí dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva vào ngày 12/9 để thảo luận về tình hình Syria.
An Bình
Theo AFP, BBC
Bốn kịch bản tháo ngòi nổ cuộc chiến tại Syria
Dù liên tục phát ngôn cứng rắn, nhưng cả Nga và Mỹ đều rất lo sợ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh lớn hao tổn rất nhiều nhân mạng và vật chất ở Syria.
Liệu tình hình Syria có bùng phát thành một cuộc chiến tranh khu vực hay không?
Tình hình căng thẳng ở Syria đã khiến hàng loạt các bên đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực với sự can dự của một bên là Mỹ, Israel và đồng minh của Mỹ với một bên là Syria, Iran, chưa kể những nước phản đối cuộc tấn công này và có thể tạo nên nhân tố bất ngờ như Nga.
Không thể lùi bước
Có thể thấy rằng tình hình ở Syria đang hết sức căng thẳng. Mỹ và liên quân đang vận hành hết công suất cỗ máy tuyên truyền cũng như đưa hàng loạt vũ khí áp sát Syria. Liệu sau khi đã mất rất nhiều nỗ lực về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế để có được cục diện như hiện nay thì Mỹ và liên quân có chịu "xuống nước" mà không đạt được mục đích gì hay không? Trong khi đó, chính phủ Syria thề chiến đấu đến cùng để chống lại mọi hành động quân sự của Mỹ và liên quân.
Nước Nga đang trong cơn khủng hoảng địa chính trị sâu sắc sau khi đã để mất ảnh hưởng tại hàng loạt nước Đông Âu, Trung Đông, Châu Phi qua hai chuỗi sự kiện Cách mạng màu và Mùa xuân Ả-rập. Syria là quân bài quan trọng để kiểm chứng vị thế vai trò của Nga trên thế giới. Vì vậy có thể giải thích vì sao đối với tình hình Syria, Nga lại tích cực đến cùng để ngăn chặn mọi hành động quân sự của Mỹ và liên quân cũng như sẵn sàng hỗ trợ Syria trong cuộc chiến với Mỹ.
Tướng Nga Ivashov đã nói rằng: "Nga có nghĩa vụ hỗ trợ Syria và thiết lập thế trận phòng thủ tập thể. Nếu để mất Syria, chúng ta sẽ bị cả thế giới phỉ nhổ vào mặt."
Không thể không nhắc tới yếu tố Iran và Hezbollah. Trong các nước Hồi giáo ở Trung Đông, Syria, Iran và tổ chức Hezbollah đứng trong trục chống Mỹ. Syria và Iran được coi là hai nước tài trợ cho tổ chức Hezbollah ở Li băng. Với vị thế như vậy của Syria thì rất dễ hiểu khi Iran và Hezbollah thề chiến đấu đến cùng vì Syria.
Nếu mất Syria, Iran sẽ trở thành mục tiêu cuối cùng của Mỹ và với thế "đơn thương độc mã" Iran sẽ khó chống cự với Mỹ. Còn Hezbollah ở Li băng tiếp giáp ngay với Syria lại không liền kề với Iran do vậy nếu Syria bị Mỹ kiểm soát đương nhiên Hezbollah cũng sẽ bị suy yếu nhanh chóng.
Và cuối cùng là Israel, nước luôn lên tiếng một cách mạnh mẽ ủng hộ Mỹ và liên quân tấn công Syria. Syria, Hezbollah nằm ngay sát cạnh Israel cùng với Iran luôn đòi xóa sổ nhà nước Israel nên nếu như trục Iran-Syria-Hezbollah bị đánh vào mắt xích tuy chưa phải mạnh nhất (Iran) mà là trọng yếu nhất (Syria) thì Israel chính là người được hưởng lợi nhất.
Sự gần gũi về địa lý nhưng đối lập nhau về sắc tộc, tôn giáo khiến căng thẳng giữa Israel cùng Syria, Hezbollah và Iran không biết bao giờ kết thúc.
Với tình thế như vậy thật khó để một bên nào rút lui vô điều kiện. Nhưng Mỹ và Nga cũng không bên nào muốn chiến tranh xảy ra với tương quan như hiện nay. Bởi khi có sự hỗ trợ của Nga, cộng với tình trạng không có gì để mất của Syria, Hezbollah, Iran rất dễ sa lầy vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn hao tổn cả người và của. Tuy nhiên cũng không thể kéo dài mãi tình trạng các bên đều phái quân dàn trận sẵn sàng như hiện nay. Vậy ngòi nổ Syria có thể được tháo bằng cách nào?
Kịch bản nào sẽ tháo ngòi nổ Syria?
Với tình trạng không ai chịu lùi bước thì để không xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực với sự can dự trực tiếp của Nga và Mỹ, các kịch bản sau đây có thể xảy ra:
1. Sáng tỏ thủ phạm đích thực của cuộc tấn công hóa học. Nếu là do quân chính phủ, không cách nào khác Nga sẽ gây áp lực buộc chính phủ hiện tại phải giải tán để bầu chính phủ mới. Sau đó chính phủ mới sẽ tiến hành xử tội ác này sau. Đây được xem như biện pháp "vớt vát" lại ảnh hưởng của Nga, bởi nếu không thực hiện phương án này thì một chính phủ hoàn toàn có lợi cho Mỹ sẽ thay thế chính phủ hiện nay.
Nếu thủ phạm là quân nổi dậy, Nga sẽ hỗ trợ quân chính phủ tấn công tiêu diệt nhóm nổi dậy chịu trách nhiệm chính. Khi đó khả năng Syria sẽ kéo vào cuộc nội chiến quy mô nhỏ kéo dài.
2. Không tìm ra thủ phạm đích thực của vụ tấn công hóa học, nhưng cuộc nội chiến vấn tiếp tục diễn ra, lượng người tham gia biểu tình tăng cao. Và khi này một kịch bản mới kiểu Ai Cập sẽ diễn ra. Dưới sức ép của Mỹ và liên quân, cùng sự tác động của Nga, tổng thống Syria sẽ tiến hành từ chức và người dân sẽ tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới. Đây được xem như một giải pháp có lợi cho cả nhiều phía, tất nhiên trước và sau cuộc tuyển cử này chúng ta sẽ được chứng kiến những cuộc biểu tình phản đối ứng cử viên cũng như kết quả bầu cử và khi đó guồng máy tình báo dưới vỏ bọc quan sát viên quốc tế của các nước sẽ hoạt động hết công suất.
Liệu kịch bản nào sẽ giúp tháo ngòi nổ Syria khi trùng điệp vũ khí đang áp sát Syria?
3. Thành lập một lực lượng quan sát viên quốc tế có sự tham gia đồng thời của Nga và Mỹ để kiểm soát các hoạt động quân sự của chính phủ Syria cũng như quân nổi dậy. Mặc dù giải pháp này trước mắt chưa thấy cơ chế nhưng nếu tình trạng dàn quân đề phòng lẫn nhau của các nước trên Địa Trung Hải kéo dài thì đây là một biện pháp khả thi nhất.
4. Syria bị cuốn vào cuộc nội chiến quy mô lớn với sự hỗ trợ của Nga và Mỹ một bên sẽ giành thắng lợi hoàn toàn. Sau đó sẽ diễn ra một phiên tòa xét xử do bên thắng trận làm thẩm phán kết án phía bên kia là thủ phạm của vụ tấn công hóa học. Kịch bản này rất dễ xảy ra, nhất là khi Mỹ đang tiến hành huấn luyện và hỗ trợ mạnh mẽ cho các nhóm quân nổi dậy. Còn quân chính phủ cũng đang tiến hành đánh chiếm lại một số vùng lãnh thổ.
Với một trong các kịch bản này ngòi nổ chiến tranh khu vực có thể được tháo một cách an toàn. Bởi ai cũng hiểu rằng, cả Nga và Mỹ đều rất lo sợ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh lớn hao tổn rất nhiều nhân mạng và vật chất ở Syria.
Theo Xahoi
Những đứa trẻ mắc kẹt giữa khói lửa chiến tranh Syria Chết vì tên rơi đạn lạc, vì vũ khí hóa học, sống phải đối mặt với lạm dụng, tra tấn, cưỡng hiếp, trẻ em Syria là nạn nhân lớn nhất của cuộc nội chiến kéo dài. Người cha gào khóc bên thi thể con trai. Theo tổ chức Cứu trợ Trẻ em, dựa trên bản thống kê do trường Đại học Bahcesehir, Thổ...