Ông Nguyễn Tử Quảng hồi tưởng điểm trùng lặp 26 năm trước với việc Bkav làm phần mềm chống dịch miễn phí hiện nay
Chủ tịch tập đoàn an ninh mạng Việt Nam nói về quá trình đóng góp cho công tác chống dịch, tiết lộ về những sản phẩm mới của Bkav và việc giảm giá Bphone.
Ông Quảng khẳng định Bkav đầu tư nguồn lực để phục vụ xã hội
Chia sẻ trên trang cá nhân mới đây, ông Nguyễn Tử Quảng liên hệ việc Bkav ra mắt phần mềm diệt virus nhiều năm trước và phát triển ứng dụng chống dịch ở Việt Nam hiện nay rằng: “Có sự trùng lặp đáng ngạc nhiên. Cách đây 26 năm, phần mềm diệt virus Bkav ra đời, xuất phát từ 1 vấn đề xã hội. Khi đó virus máy tính lần đầu tiên phá hủy diện rộng hàng loạt dữ liệu của người dùng máy tính Việt Nam, tại Hà Nội, TP.HCM.
Tôi khi đó là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đã viết phần mềm diệt virus cung cấp miễn phí cho hàng triệu người dùng, trong hàng chục năm sau đó. Lần này là virus sinh học COVID-19. Để chống lại sức lây lan khủng khiếp, không thể thiếu công nghệ, tuy không trực tiếp, nhưng góp phần ngăn chặn virus”.
CEO Bkav tiết lộ hiện khoảng 200 người của tập đoàn tham gia chống dịch, với 100 người thường xuyên, “tất cả đều miễn phí, vô vụ lợi”.
“Một lần nữa chúng tôi lại tình nguyện tích cực tham gia chống dịch, bằng khả năng phân tích logic, năng lực công nghệ và khả năng tổ chức thực hiện của mình. Làm các việc xã hội cần, bằng khả năng công nghệ là gen của Bkav”, ông Quảng tuyên bố.
Chủ tịch Bkav liên tưởng việc Bkav phát triển phần mềm diệt virus và ứng dụng phòng chống dịch đều vì mục đích xã hội
Hiện tại, Bkav phát triển 5 nền tảng phần mềm của hệ thống chống dịch gồm nền tảng quản lý lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả trực tuyến, nền tảng khai báo y tế và phản ánh dịch bệnh, nền tảng truy vết, nền tảng giám sát vào ra bằng quét mã QR, nền tảng giám sát nguy cơ dịch bệnh.
Từ tháng 4/2021, Bkav giới thiệu Bluezone, nền tảng truy vết người liên quan COVID-19. Ban đầu, team Bluezone có 40 nhân sự. Sau khi ra mắt ứng dụng, trong khoảng 3 tuần tiếp theo, đội ngũ lên tới 100 người bao gồm cả cán bộ nghiên cứu và các cán bộ truyền thông, thu thập dữ liệu, đào tạo… để hoàn thiện ứng dụng. Theo dữ liệu từ Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia, Bluezone cán mốc hơn 20 triệu lượt tải trên các kho ứng dụng.
Video đang HOT
Mới đây, Bkav cũng là đơn vị chính phát triển ứng dụng duy nhất chống dịch PC-Covid, bên cạnh Viettel và VNPT. PC-Covid là bản cập nhật của Bluezone, được thống nhất sử dụng chung trên cả nước.
Ứng dụng PC-Covid liên tục được cập nhật để sửa lỗi
PC-Covid bắt đầu được đưa lên 2 kho ứng dụng App Store và Google Play từ ngày 30/9 nhưng vẫn chưa được áp dụng đồng loạt trên cả nước. Tính đến ngày 20/10, số lượt tải gộp của PC-Covid và Bluezone đạt 53,2 triệu. Ứng dụng đang có 26,5 triệu người sử dụng thường xuyên, 29,2 triệu người đăng ký số điện thoại. Hiện tại, các tỉnh thành như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh… từng bước sử dụng PC-Covid làm ứng dụng chính, phục vụ phòng chống dịch.
PC-Covid cung cấp giải pháp về QR Code. Việc quét mã QR thông qua các ứng dụng phòng chống dịch khi ra vào các địa điểm công cộng giúp cơ quan y tế tìm được những người liên quan nếu họ vô tình xuất hiện cùng khung thời gian với ca F0. Tại Hà Nội, giải pháp này từng giúp tìm ra gần 400 người liên quan đến F0 tại chợ và siêu thị ở quận Hà Đông hồi đầu tháng 10.
Chủ tịch tập đoàn Bkav khẳng định: “Đây đều là các nền tảng phần mềm lớn, chúng phục vụ hàng chục triệu người dùng, hàng chục nghìn nhân viên y tế hay chính quyền được cấp quyền sử dụng theo các cấp đến phường, xã. Các tỉnh, thành được cấp tài khoản và cứ thế là dùng được luôn để chống dịch. Tôi biết có nhiều người vẫn nghĩ chúng tôi được Chính phủ trả phí cho việc này”.
Bphone có thể được Bkav giảm giá
Sau khi chia sẻ về những đóng góp của Bkav với công tác chống dịch, ông Nguyễn Tử Quảng tiết lộ về kế hoạch, sản phẩm mới của tập đoàn.
“Tham gia chống dịch nhưng chúng tôi vẫn miệt mài sáng tạo sản phẩm mới. Ngoài những nhân viên tham gia chống dịch, chúng tôi còn hơn 1.000 nhân viên khác. Cá nhân tôi tham gia chống dịch, công việc tăng gần gấp đôi, nhưng chúng tôi còn có hơn 10 Phó chủ tịch khác miệt mài nghiên cứu các sản phẩm”, ông Quảng nói.
Người sáng lập Bkav tiết lộ giới thiệu smartphone Bphone 5G, tai nghe không dây AirB True Wireless trong tuần sau. Ông Quảng cũng chia sẻ Bkav sẽ sớm công bố chính sách giảm giá Bphone.
'Rừng' ứng dụng khai báo y tế: Cần một chuẩn liên thông dữ liệu
Hàng chục ứng dụng khai báo y tế khác nhau khiến người dân hoang mang khi sử dụng. Chính vì vậy, trong tương lai gần cần quy về chung một mối.
Có quá nhiều ứng dụng trùng tính năng liên quan tới khai báo y tế tại Việt Nam
Rối với hàng chục phần mềm cùng chức năng
Hiện nay tính trên cả 2 kho ứng dụng di động cho Android và iOS tại Việt Nam có tới hàng chục phần mềm cùng chức năng khai báo y tế và thông tin liên quan tới Covid-19. Những chương trình này đa phần do cơ quan chính phủ phát hành như Văn phòng Bộ Y tế, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông)... hoặc các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam như VNPT, BKAV... Mạnh về số lượng nhưng các phần mềm này thiếu sự đồng nhất, cập nhật chậm và đa phần trùng chức năng.
Để giải quyết tình trạng đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 10.9 đã có chỉ đạo về việc ứng dụng phần mềm duy nhất để phục vụ công tác phòng, chống dịch, trong đó có chức năng khai báo y tế và theo dõi dịch tễ. "Ứng dụng, giải pháp phải thuận tiện để người dân sử dụng, phục vụ thiết thực cho phòng, chống dịch", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Một ứng dụng thống nhất như vậy sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong việc khai báo, theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19, tránh cảnh rối bời trong "ma trận" phần mềm như hiện nay. Nhiều chuyên gia công nghệ trong nước cũng đồng tình và đánh giá việc quy về một đầu mối này hoàn toàn khả thi, có khả năng hoàn thành nhanh chóng.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc BKAV cho biết diễn biến dịch liên tiếp có những bất ngờ trong 2 năm qua nên Chính phủ khuyến khích các công ty, tập đoàn cùng tham gia chống dịch bằng những ứng dụng công nghệ thiết thực. Vì thế, dựa trên nhu cầu và thế mạnh của đơn vị, mỗi nơi xây dựng một phần mềm riêng và cũng đã phát huy được hiệu quả trong từng thời điểm.
Đầu năm 2021, BKAV cũng là đơn vị tham gia tích cực với công việc này. Tuy nhiên, sự bất cập ở đây là vì có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch nhưng lại thiếu đi sự kết nối, liên thông do không có thiết kế bài bản từ đầu.
"Các ứng dụng này cần phải có sự thống nhất giống như xây một tòa nhà, phải có kiến trúc sư trưởng", ông Quảng nói. Cuối tháng 5, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập để thực hiện việc chuẩn hóa các dữ liệu ở các ứng dụng hiện có trên thị trường.
"Ba tháng qua, trung tâm đã có nhiều lần họp giữa các đơn vị cung ứng các ứng dụng phòng, chống dịch và đã đi đến được kết quả tương đối khả quan trong thống nhất các nội dung dữ liệu liên thông", lãnh đạo BKAV chia sẻ. Tập đoàn phần mềm này cũng đang đóng góp ứng dụng mang tên Bluezone cho cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam và được nhiều người dùng cài đặt trên máy.
Các chuyên gia công nghệ đều đồng tình với giải pháp một ứng dụng khai báo
Cần một chuẩn chung để liên thông dữ liệu
Theo Bộ Y tế, các ứng dụng đều thực hiện chức năng khai báo y tế, nhưng chưa có ứng dụng nào thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ về khai báo y tế theo hướng dẫn tại Quyết định 2666/QĐ-BYT ngày 29.5.2021 của Bộ Y tế. Đặc biệt, chưa liên thông được dữ liệu khai báo, gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát, khai thác, truy vết khi cần.
Có khá nhiều lý do dẫn đến nhiều bất cập, chẳng hạn như mã quét QR Code ứng dụng quản lý di biến động dân cư của Bộ Công an và QR khai báo y tế của một số địa phương chưa thống nhất theo chuẩn chung, khiến các ứng dụng chưa đọc được QR của nhau. Hệ thống quản lý điểm kiểm soát QR Code và tờ khai y tế chưa liên thông dữ liệu.
Anh Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia công nghệ cho rằng dữ liệu khai báo của người dân hiện nay bị phân mảnh, trùng lặp vì thực hiện trên quá nhiều chương trình khác nhau. Tuy vậy, việc tập hợp các thông tin đã có và chuẩn hóa thành bộ cơ sở dữ liệu duy nhất hoàn toàn khả thi và được thực hiện đơn giản đối với trình độ công nghệ thông tin như hiện nay.
"Mỗi người dân chỉ có một số căn cước công dân (CCCD) hoặc chứng minh thư (CMTND), nếu lấy đây là mã định danh chính rồi kết nối các dữ liệu đã có như lịch sử tiêm vắc xin, khai báo y tế, tình trạng di chuyển... sẽ dễ dàng trả về kết quả chính xác cho công dân cụ thể", anh giải thích. Bằng cách sàng lọc dựa trên số CCCD hoặc CMTND sẽ giảm tải việc so sánh dữ liệu trên các dữ liệu khác như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, số điện thoại...
Đồng quan điểm, anh Đoàn Hải Đăngm quản lý dự án thuộc Trung tâm phát triển phần mềm ICS.GLC (FPT Software) nói: "Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất này và cũng mong chờ ứng dụng khai báo duy nhất toàn dân từ lâu rồi". Hiện anh Đăng cũng chỉ sử dụng một phần mềm để khai báo dịch tễ là Sổ Sức khỏe điện tử do Bộ Y tế phát hành.
"Việc trích xuất và hợp nhất thông tin công dân từ các ứng dụng từng khai báo về một chương trình không có gì khó khăn bởi dữ liệu này không nhiều, chỉ là các thông tin định danh. Hiện nay các ứng dụng đều ôm đồm nhiều thứ nên mới dẫn tới hiện tượng dữ liệu dư thừa". Theo anh, có nhiều cách để lập trình viên có thể xử lý, chuyển đổi thông tin từ các ứng dụng khác nhau về thành dữ liệu cho một phần mềm, nhưng đơn giản nhất là cơ quan quản lý yêu cầu đơn vị phát triển chương trình hiện hành xuất những gì cần thiết theo chuẩn định dạng mà ứng dụng mới yêu cầu. Sau khi quá trình hoàn tất, việc còn lại chỉ là nhập hết số thông tin đó vào phần mềm mới.
Ông Lê Hoàng Nguyên, Giám đốc công nghệ của Công ty cổ phần Lendbiz, cũng đánh giá quyết định áp dụng một phần mềm khai báo là rất cần thiết vì việc quản lý dữ liệu cần có sự thống nhất. Hiện nay Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, vì vậy các ứng dụng cần có sự liên kết với cơ sở dữ liệu này để dễ quản lý, đồng thời thuận tiện cho người dân.
"Việc còn lại có lẽ là làm sao để trải nghiệm của người dùng trên ứng dụng mới được tối ưu, việc khai báo, truy xuất thông tin dễ dàng và thuận tiện, từ đó mới khuyến khích người dân cài về máy và sử dụng thường xuyên", ông Hoàng Nguyên bày tỏ.
Hiện tại, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đang sử dụng ứng dụng thống nhất cho việc khai báo, theo dõi tình hình Covid-19 như Campuchia, Brunei, Indonesia, Lào, Singapore, Thái Lan.
Thu 10 đồng lãi 6 lại được miễn thuế, công ty phần mềm diệt virus của BKAV được định giá gần 100 triệu USD Lợi nhuận ròng của BKAV Pro đạt trên trên 100 tỷ đồng trong 2 năm vừa qua. CTCP Phần mềm Diệt virus BKAV (BKAV Pro) vừa phát hành thành công 170 tỷ đồng trái phiếu nhằm tạo nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Theo thông tin chúng tôi có được, khối tài sản đảm bảo gồm 5,443 triệu cổ phần...