Ông Nguyễn Thiện Nhân ‘đặt hàng’ trường Bách khoa xây dựng đô thị thông minh
Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị ĐH Bách khoa nghiên cứu sâu 3 lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, vi mạch và thiết bị nông nghiệp.
Ngày 27/10, tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM), Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang cần nền tảng mới về nguồn nhân lực cũng như khoa học, công nghệ chất lượng và bền vững hơn để phát triển.
Bối cảnh này đòi hỏi các trường đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học phải nỗ lực đáp ứng được những đòi hỏi và yêu cầu của xã hội.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan vườn ươm công nghệ Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.
Ông cho biết, TP HCM vừa đặt hàng Đại học Quốc gia TP HCM và một số đại học rà soát quy hoạch ba quận phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) trở thành khu đô thị sáng tạo. Khẳng định Đại học Bách khoa với thế mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, ông muốn trường tham gia triển khai hiệu quả đề án xây dựng đô thị thông minh của thành phố.
Một số công việc trọng tâm như xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP HCM, nghiên cứu các giải pháp thông minh cho các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục.
Ông Nhân đề nghị đại học này đẩy mạnh chương trình nghiên cứu, thiết kế vi mạch của thành phố để sản xuất các sản phẩm đầu cuối thông minh có tính ứng dụng cao.
“Trường cần tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp thông minh, chi phí thấp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh thành phía Nam. Bởi nhu cầu công nghệ cho ngành này hiện rất lớn”, ông Nhân nói.
Từng giảng dạy rồi làm Hiệu phó Đại học Bách khoa, Bí thư TP HCM bày tỏ sự xúc động khi được trở về thăm lại trường cũ. Ông gửi lời tri ân đến các thế hệ cán bộ, giảng viên của Đại học Bách khoa trong 60 năm đã cùng góp sức xây dựng một trung tâm đào tạo nhân lực kỹ thuật, công nghệ lớn ở Việt Nam.
Video đang HOT
“Người 60 tuổi thì nghỉ hưu. Nhưng trường đại học thì không có tuổi hưu, tôi mong trường sẽ lớn mạnh hơn nữa”, ông nhắn nhủ.
Tại buổi lễ, GS.TS Vũ Đình Thành (Hiệu trưởng Đại học Bách khoa) cho biết, trường được thành lập từ năm 1957, tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật hình thành từ bốn cơ sở đào tạo: Cao đẳng Công chánh, Cao đẳng Điện học, trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, trường Việt Nam Hàng hải.
Năm 1995 trường trở thành thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM với tên gọi là Đại học Kỹ thuật, 6 năm sau trở lại với tên gọi Đại học Bách khoa. Tính đến nay, trường đã đào tạo hơn 80.000 kỹ sư, cử nhân và 10.000 thạc sĩ, 200 tiến sĩ.
Sinh viên Đại học Bách khoa với một sáng chế cơ khí. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo ông Thành, sắp tới trường sẽ cải tiến mô hình quản lý và quản trị, hướng tới trường tự chủ. Trường sẽ xây dựng triết lý giáo dục khai phóng, kích thích sự sáng tạo của người học dựa trên kiến thức chuyên môn khoa học công nghệ vững chắc.
“Chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thông qua số lượng các bài báo quốc tế ISI, các dự án quốc tế, các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, địa phương”, ông Thành cho biết.
Hiệu trưởng khẳng định, trường tiếp tục tham gia các hoạt động tư vấn và đào tạo hướng nghiệp, tham gia các dự án về khoa học công nghệ của TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo VNE
Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Sinh viên vào đời kiếm tiền, phải nghĩ đến gia đình'
Bí thư Thành ủy TP HCM khuyên sinh viên ra trường khởi nghiệp phải biết nghĩ đến nguồn cội gia đình và có trách nhiệm xã hội.
Sáng 12/10, là diễn giả của lễ khai khóa Đại học Quốc gia TP HCM năm học 2017-2018, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân có những chia sẻ về chủ đề Sinh viên với khởi nghiệp.
Nói với hàng nghìn giảng viên, sinh viên, ông Nhân khẳng định khởi nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố và cơ hội dành cho lĩnh vực này rất lớn. Các đại học ngoài việc đào tạo cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp, tư duy khởi nghiệp, sáng tạo cho sinh viên.
"Sinh viên với khởi nghiệp - có thể hiểu là các em vừa là nhân viên, vừa là người chủ hoặc cao hơn là tự mình thành lập doanh nghiệp rồi tuyển nhân viên vào cùng làm", ông Nhân nói.
Bí thư TP HCM cũng đưa ra ba khó khăn sinh viên sẽ gặp phải khi bắt tay vào khởi nghiệp là: thiếu kinh nghiệm, tiền và đất (cơ sở vật chất, hạ tầng khởi nghiệp). Dẫn chuyện của một trong những người giàu nhất thế giới - Bill Gates khởi nghiệp chỉ với 2.000 USD, ông Nhân khuyên sinh viên phải có ý chí lập nghiệp bền bỉ và chịu khó học hỏi.
"Khởi nghiệp của cá nhân phải gắn liền với sự phát triển của gia đình, xã hội", ông Nhân nói và kể về cuộc gặp gỡ với hai vị khách ở quốc gia phát triển hàng đầu thế giới - khi ông đang làm Bộ trưởng Giáo dục. Họ nói Việt Nam có cơ hội trở thành nơi có môi trường đại học tốt bởi còn gìn giữ được văn hóa truyền thống, nền tảng gia đình. Họ khuyên Việt Nam đừng phá vỡ điều đó trong quá trình công nghiệp hóa đất nước như nhiều nước mắc phải.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân diễn thuyết tại Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
"Các em ra đời, kiếm tiền nuôi bản thân nhưng phải biết nghĩ đến gia đình và sự phát triển chung của xã hội", ông Nhân nhắn nhủ và khuyên sinh viên phải tận dụng thời gian "học những gì bổ ích, càng nhiều càng tốt"; có thể là ngoại ngữ, lịch sử, văn hóa, công nghệ thông tin.
Ông Nhân cho biết TP HCM hiện có bốn chương trình khởi nghiệp đang vận hành, tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp do Thành Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TP HCM - Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức.
Ông gợi ý một số nhu cầu của xã hội mà các chương trình khởi nghiệp có thể nhắm tới như sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp thông minh cho Đồng bằng sông Cửu Long; thiết bị cho văn phòng và đồ dùng cho gia đình với tiêu chí "rẻ, tốt và an toàn cho người Việt"; trí tuệ nhân tạo...
Người đứng đầu Thành ủy đề nghị Đại học Quốc gia TP HCM nghiên cứu, xây dựng các chương trình khởi nghiệp chung cho các trường đại học, từ những tài năng và ước mơ khởi nghiệp của sinh viên.
"Trường cần quan tâm nâng cao thu nhập, tạo điều kiện để giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu khoa học, phát triển các ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho khởi nghiệp", ông nói.
Ông cũng "đặt hàng" khối đại học phối hợp với các sở ngành nghiên cứu quy hoạch 3 quận ở khu Đông thành phố trở thành một khu đô thị sáng tạo, có không gian hạ tầng và công nghệ hoàn chỉnh.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Lễ khai khóa là hoạt động thường niên của Đại học Quốc gia TP HCM, mỗi năm sẽ có một lãnh đạo cấp cao làm diễn giả khách mời với các chủ đề khác nhau.
Năm ngoái, Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm diễn giả với chủ đề "Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống".
Được thành lập từ năm 1995, hiện Đại học Quốc gia TP HCM có 7 thành viên gồm Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quốc tế, Kinh tế - Luật và Viện Môi trường và Tài nguyên cùng hơn 30 đơn vị trực thuộc.
Khối đại học này có hơn 5.400 cán bộ, giảng viên với hơn 300 người có trình độ giáo sư, phó giáo sư; gần 1.200 tiến sĩ.
Theo VNE
TPHCM phải "thông minh" hơn để bắt kịp xu thế hội nhập Đến nay TPHCM vẫn còn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực Đông Á - đứng cuối bảng trong số 12 thành phố khi so sánh về năng lực cạnh tranh và chất lượng sống. Mục tiêu của thành phố lớn nhất nước là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, quản...