Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ: Sẵn sàng triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới chính thức được triển khai đối với lớp 1.
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đã tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực và nay đã sẵn sàng để thực hiện hiệu quả chương trình này. Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết:
- Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, còn chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển phẩm chất, năng lực người học; thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực để tổ chức hoạt động của người học, giúp người học phát triển toàn diện. Chương trình GDPT mới có 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) nhằm trang bị cho học sinh khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.
Điểm khác biệt rất quan trọng của Chương trình GDPT mới lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đó là việc xây dựng Chương trình GDPT tổng thể. Chương trình GDPT tổng thể giữ vai trò như “ nhạc trưởng” để đảm bảo tính liên thông, tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học với nhau. Điều này giúp cho nội dung giáo dục không bị trùng lắp, chồng chéo giữa các môn học và hoạt động giáo dục.
Chương trình GDPT mới là chương trình mở, theo đó các địa phương, nhà trường, giáo viên có nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình phát triển; triển khai chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục. Chương trình GDPT mới thực hiện một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa; cấp tiểu học triển khai thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày.
Giờ thực hành Tin học của học sinh Trường Tiểu học Trà Nóc 2. Ảnh: B.NG
* TP Cần Thơ đã có bước chuẩn bị như thế nào cho Chương trình GDPT mới này, thưa ông?
- Để có sự chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới, từ năm 2017, ngành giáo dục thành phố đã triển khai Mô hình “Trường Điển hình đổi mới” nhằm xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường tiệm cận với chương trình GDPT mới. Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục vận dụng những yếu tố tích cực của mô hình trong triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực. Ngành còn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; nhiều nội dung bồi dưỡng, tập huấn đã triển khai đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên nhằm giúp đội ngũ có đủ năng lực thực hiện hiệu quả chương trình.
Video đang HOT
Sở GD&ĐT thành phố cũng đã tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố ban hành những văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Chương trình GDPT mới. Ngành ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục chuẩn bị đội ngũ, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… giúp các đơn vị sẵn sàng thực hiện thành công chương trình này.
* Cụ thể những chỉ đạo đối với đơn vị trực thuộc là gì, thưa ông?
- Bên cạnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện dạy học đáp ứng Chương trình GDPT mới theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường tiểu học xây dựng kế hoạch thực hiện phải đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; có kế hoạch, lộ trình bảo đảm 100% học sinh khối lớp 1 từ năm học 2020-2021 được học 2 buổi/ ngày. Đồng thời thực hiện tốt công tác xã hội hóa theo các quy định hiện hành để bổ sung, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hiệu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.
Các đơn vị kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán ở các cấp học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên và triển khai chương trình GDPT mới; cử đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham dự đầy đủ các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Bộ GD&ĐT tổ chức; đồng thời tổ chức tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên của các đơn vị đảm bảo tất cả giáo viên đều hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình GDPT mới đối với từng cấp học.
* Thưa ông, để thực hiện Chương trình GDPT mới đạt hiệu quả, ngành cần sự hỗ trợ gì từ địa phương và các sở ban ngành thành phố ?
Qua thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đến tháng 11-2019, thành phố có hơn 232.200 học sinh các cấp học mầm non đến THPT, hơn 14.800 cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố có trên 6.000 phòng học (trong đó có trên 5.600 phòng học kiên cố); tỷ lệ phòng/lớp là 0,88. Lộ trình dự thảo đầu tư xây dựng giai đoạn 2020-2025 của thành phố là trên 2.000 phòng học và trên 4.000 phòng chức năng.
- Ngành giáo dục thành phố đã hoàn thành công tác triển khai, quán triệt Chương trình GDPT mới cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non. Từ nay đến cuối tháng 6-2020, ngành tập trung hoàn thành những công việc quan trọng, cụ thể triển khai tập huấn đại trà cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên về thực hiện Chương trình GDPT mới; trong đó ưu tiên cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1.
Kế đến, ngành tiếp tục hoàn thành một số công việc, như: Chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lớp 1 tại các quận, huyện; biên soạn, thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương của TP Cần Thơ; lựa chọn sách giáo khoa sử dụng cho lớp 1 năm học 2020-2021 theo các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 1 cho đội ngũ thầy cô, cán bộ quản lý trường tiểu học.
Năm học 2019-2020 là năm học bản lề để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới. Sở GD&ĐT thành phố mong muốn tiếp tục nhận được những chỉ đạo hiệu quả, sát sao của UBND thành phố đến các sở ngành hữu quan và UBND các quận, huyện cùng đồng hành, phối hợp hiệu quả với ngành giáo dục để triển khai chương trình.
Bởi khó khăn hiện nay trong việc thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 1 vẫn là chuyện bố trí một phòng học/lớp. Qua thống kê, thành phố còn thiếu gần 400 phòng học phục vụ cho lớp 2 buổi/ngày. Sở GD&ĐT thành phố rất mong UBND quận, huyện tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục, đáp ứng các điều kiện để thực hiện thành công chương trình. Về đội ngũ, đối với lớp 1, có thể đáp ứng yêu cầu cho năm học 2020-2021, nhưng trong 5 năm tới khi triển khai 100% ở giáo dục tiểu học, cần bổ sung thêm giáo viên cho một số môn học như Tin học, Ngoại ngữ…
Ngành cũng rất mong các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục hỗ trợ truyền thông về Chương trình GDPT mới, thông qua các hoạt động về đổi mới trong giáo dục, gương điển hình trong ngành nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất từ xã hội khi triển khai thực hiện chương trình.
Cần Thơ là một trong những địa phương được Bộ GD&ĐT đánh giá cao trong việc chủ động chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT mới. Có thể khẳng định, toàn ngành giáo dục TP Cần Thơ đã sẵn sàng để triển khai thành công chương trình.
* Xin cảm ơn ông!
Bích Kiên (Thực hiện)
Theo baocantho
Kỳ vọng gì vào chương trình giáo dục phổ thông mới?
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP HCM), chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được thực hiện từ năm học 2020. Đây có thể nói là cột mốc đáng nhớ không chỉ về thời điểm mà cả sự chuẩn bị mang tính bài bản ít nhất trong 3 năm qua.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.
Theo đó, chương trình GDPT mới chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 - 9 (9 năm) gồm tiểu học và THCS, nhằm trang bị cho học sinh (HS) tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của xã hội tương lai.
Qua đó đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS theo các hướng: Học lên THPT, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm từ lớp 10 - 12) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng HS, đảm bảo HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau GDPT có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Điểm mới tiếp theo là hệ thống các môn học gồm các môn học bắt buộc (là môn học mà mọi HS đều phải học), môn học bắt buộc có phân hóa (là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần), môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc (là môn học mà HS bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, 12 theo quy định của chương trình GDPT).
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên luôn là lực lượng quan trọng và trực tiếp trong việc biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Theo đó, người thầy trước hết là nhà giáo dục, bằng chính nhân cách của mình, tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách học sinh. Nhà giáo dục đòi hỏi phải nhìn nhận người học trong sự tôn trọng, đánh giá đúng năng lực, có xem xét triển vọng và tiềm lực để phát triển. Đó còn chưa kể đến vấn đề cần phải tạo cơ hội đúng nghĩa cho người học.
Đồng thời, giáo viên phải thật sự có năng lực nghề đúng nghĩa. Năng lực nghề của giáo viên thể hiện từ việc xây dựng mục tiêu phát triển, cụ thể việc xác định mục tiêu cho chủ đề, bài dạy phải cụ thể và rõ ràng cũng như có thể đánh giá và đo lường được.
Sau đó là năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục hay kế hoạch dạy học, trong đó bao gồm năng lực lựa chọn các hoạt động giáo dục và dạy học, triển khai và tổ chức hoạt động để người học hoạt động tích cực theo yêu cầu học tập chủ động, dạy học gợi mở...
Giáo viên còn phải tổ chức và phát triển năng lực của người học. Người thầy không phải chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà là người thúc đẩy việc học hành...
Trong một nền giáo dục mới, vai trò truyền thụ kiến thức một cách thụ động của người thầy sẽ giảm đi, nhưng phải làm tốt hơn vai trò của một người hướng dẫn các quá trình tìm kiếm tri thức, gợi mở những con đường phát hiện tri thức, qua đó trau dồi khả năng độc lập tư duy và sáng tạo cho người học. Công tác bồi dưỡng giáo viên cần tập trung phát triển về năng lực dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
N.Thương
Theo baophapluat
Làm giáo viên chủ nhiệm, tôi chỉ bảo, quan tâm học trò như con Lứa tuổi các em rất dễ nổi loạn, ương bướng, có thể sa đà vào game, yêu đương, bởi vậy giáo viên chủ nhiệm có phương pháp riêng để hóa giải, cùng tiến bộ. Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen,...