Ông ngoại 70 tuổi ba lần đi thi tốt nghiệp THPT
TT – Sinh năm 1945, đúng tuổi “thất thập cổ lai hi”, ông Hồ Ngọc Cảnh, ngụ xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, đang quyết lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp III cho kỳ được. Đây đã là lần thứ ba ông dự thi THPT!
Ông ngoại Hồ Ngọc Cảnh cần mẫn ôn tập chuẩn bị cho kỳ “vượt vũ môn” sắp tới – Ảnh: Ngọc Tài
Liên tiếp hai mùa thi 2013, 2014, ông Cảnh là thí sinh cao tuổi nhất của tỉnh Bến Tre. Cả hai lần ông đều trượt. Sáng 19-6, chúng tôi gọi mấy lần vào số điện thoại của ông để hỏi thăm tình hình đều không ai nhấc máy.
Liên hệ với cháu ngoại của ông mới hay “ông ngoại Cảnh đang ngồi thiền”. Đến trưa, ông Cảnh gọi lại cười khà khà: “Học miệt mài cả năm rồi, giờ ngồi thiền trước kỳ thi để lấy lại phong độ”.
Video đang HOT
Chuyện ông ngoại Cảnh đi thi tốt nghiệp cùng với cháu vào năm 2013 gần như cả xứ dừa đều biết. Ông Cảnh có cả thảy bảy người con, bốn cháu nội và bốn cháu ngoại.
Từng đỗ tú tài I tại Trường trung học công lập Kiến Hòa năm 1968, việc học của ông Cảnh bị dang dở vì chiến tranh. Ông chuyển hướng làm ăn và từng làm đến chức giám đốc một xí nghiệp khai thác gỗ.
Về hưu, ông Cảnh tham gia hội đông y của địa phương và học tiếp bằng trung cấp đông y. Chuyện đi thi tốt nghiệp của ông bắt đầu từ ý định mở cơ sở khám chữa bệnh đông y vào năm 2012.
Theo quy định của Nhà nước, nếu muốn mở phòng khám đông y phải có bằng tốt nghiệp phổ thông. Ngày biết quy định đó, ông Cảnh giong xe máy chạy luôn lên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm đăng ký học lớp 12.
Năm 2013, lần đầu tiên thay vì chỉ chở con, cháu đến trường thi rồi thấp thỏm đứng ngoài chờ, ông Cảnh đường hoàng bước vào phòng thi cùng cháu ngoại sau một hồi… làm thủ tục chứng minh, giải thích với cán bộ coi thi vì họ tưởng ông là phụ huynh “xâm nhập” vào khu vực thí sinh.
“Cả hai năm học hành nghiêm túc, học lực đều được tiên tiến mà đến giờ thi đều trớt quớt hết. Đúng là học tài thi phận!”- ông Cảnh vừa nói vừa cười tếu táo về hai lần trượt tốt nghiệp THPT của mình.
Lần thứ ba đi thi, quyết tâm thi đậu của ông không còn dừng lại ở cái nguyên cớ để mở phòng khám nữa. Ông nói tiếp: “Lần đầu đi thi với thằng cháu ngoại, nó đậu tốt nghiệp ngon ơ rồi đậu luôn đại học. Mừng cho cháu, nhưng thiệt tình mình cũng… hơi quê”.
Chưa kể vô số lần đánh vật với các bài hóa, toán… ngày này qua tháng khác, và chuyện học đã trở thành niềm vui tuổi già của ông lúc nào không hay. “Người ta nói lúc nào cũng cần phải học một cái gì đó đầu óc mới minh mẫn, thiệt đúng. Tui càng học càng thấy mình trẻ ra”- ông Cảnh lại cười.
Năm học vừa qua ông Cảnh lại đạt được học lực tiên tiến. Tuy nhiên, lần đi thi này dù có quyết tâm rất cao nhưng ông Cảnh cũng… hơi thiếu tự tin.
“Vừa rồi làm đề thi thử của Bộ Giáo dục – đào tạo ra sao mà khó quá, tui làm vừa ngấp nghé điểm đậu. Nói thiệt, mấy ngày tới mà gặp đề khó cỡ đó chắc tui… lại chờ sang năm nữa quá”- ông Cảnh than vãn, dù cô Trần Thị Tâm – giáo viên chủ nhiệm của ông – khẳng định ông Cảnh là một trong những “học trò” siêng năng và học khá nhất của lớp cô.
“Một năm ông ngoại Cảnh chỉ nghỉ có vài buổi, mà buổi nào cũng xin phép. Tập vở nào của ông cũng ghi chép tỉ mỉ hai màu mực, đi thi vở sạch chữ đẹp còn được. Ông cũng là người xung phong dò bài nhiều nhất của lớp”- cô Tâm kể.
Dù sao việc một ông lão quần áo chỉnh tề, ngồi cần mẫn đọc đề giữa một phòng thi cũng là điểm sáng giữa kỳ “vượt vũ môn” ở điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Định, huyện Giồng Trôm sắp tới.
Cuối buổi trò chuyện, chúng tôi chúc ông ngoại Cảnh thi tốt, để trên giảng đường đại học lại có một sinh viên đặc biệt, như lời ông khẳng định: “Quen học rồi, riết mê. Tui mà đậu tốt nghiệp thì nhất định học lên tiếp chớ không dừng”.
Theo TTO