‘Ông hội đồng’ Trương Vĩ Kiến và những dự án tai tiếng
Ngày 11/9, trong phiên khai mạc, kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM, Phó chủ tịch Trương Thị Ánh chính thức thông báo đại biểu Trương Vĩ Kiến đã bị bắt để điều tra về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Thường trực HĐND TPHCM trước đó quyết định đình chỉ nhiệm vụ đại biểu của ông Kiến từ ngày 27/8.
Ông Kiến bị Cục CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an bắt tạm giam sau khi xảy ra nhiều vụ “lùm xùm” liên quan đến các dự án của Công ty Tân Cường Thành ở Đà Nẵng.
Người dân nhiều lần tụ tập trước trụ sở Cty Tân Cường Thành đòi sổ đỏ.
Bội tín với khách hàng?
Tháng 7/2011, Công ty Tân Cường Thành mở bán 600 lô đất nền trong tổng số 1.311 lô đất nền của dự án Khu dân cư Liên Chiểu. Dự án trên có diện tích 161.949 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Mới đây, gần 100 người dân đã bao vây, xô ngã cánh cổng nhà máy của Công ty Tân Cường Thành tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) và ghi lên các dòng chữ phản đối gay gắt ông Trương Vĩ Kiến và Công ty Tân Cường Thành. Lực lượng công an và chính quyền địa phương phải có mặt để đảm bảo an ninh trật tự.
Làm việc với chính quyền địa phương và đại diện cơ quan chức năng, nhiều người dân cho biết Công ty Tân Cường Thành đã nhiều lần không thực hiện cam kết với khách hàng theo hợp đồng kinh doanh. Nhiều người đã nộp đủ 90% số tiền từ năm 2011 và theo hợp đồng sẽ được chủ đầu tư giao sổ đỏ để làm thủ tục xin phép xây dựng và người dân sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại nhưng suốt ba năm qua, phía công ty liên tục hứa hẹn rồi không thực hiện việc giao sổ đỏ.
Trong khi đó, bức bách về chỗ ở, nhiều người phải vay mượn tiền để nộp cho chủ đầu tư nên nợ nần chồng chất. Bức xúc tìm đến nhà máy để hỏi cho ra nhẽ thì chỉ làm việc với bảo vệ, không được gặp lãnh đạo công ty.
Video đang HOT
Một dự án khác cũng được công bố hết sức rình rang vào tháng 6/2011 là Khu đô thị Thien Park nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích hơn 974.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Công ty Tân Cường Thành và Công ty Asia-Star Consulting Group (Nhật Bản) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trong đầu tư xây dựng, mua và phân phối lại các biệt thự sau khi hoàn thành.
Được Công ty Tân Cường Thành quảng bá là dự án khu phố Nhật Bản (Japan Centre) với các trung tâm mua sắm ngang tầm Tokyo, Harajuku, chỉ cần đi chân trần là có thể từ phòng khách biệt thự bước lên du thuyền… song nhiều khách hàng đặt cược vào dự án này đã vỡ mộng.
Một doanh nhân khá nổi tiếng ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên) nói với Tiền Phong: Tháng 7/2011 qua sàn bất động sản Đất Xanh miền Bắc, doanh nhân này mua một lô đất dự án của Công ty dây cáp điện Tân Cường Thành ở Đà Nẵng. Dự án tọa lạc tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), văn phòng giao dịch tại Đà Nẵng đặt tại 79 Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu), văn phòng giao dịch tại TPHCM ở số 426 – 430 Nguyễn Trãi (quận 5).
“Theo yêu cầu của công ty tôi đã đóng đến 90% số tiền mua lô đất ở dự án Thien Park. Sau hơn hai năm chờ đợi, đến nay, công ty này không giao đất cũng không trả lại tiền. Tôi nhiều lần liên hệ với lãnh đạo công ty nhưng không được” – ông cho biết.
Đà Nẵng – Nhiều người hoang mang
Sáng qua, 11/9 người dân tại khu dân cư Tân Cường Thành (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã kéo tới trước cổng Cty yêu cầu trả lời về việc nợ sổ đỏ của dân. “Ai bị bắt không biết, nhưng nợ sổ đỏ của dân là phải trả” – ông Nguyễn Kim Sơn (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu), một người mua đất của Tân Cường Thành, bức xúc.
Có 68 hộ dân ở Đà Nẵng ở đây đang dở khóc dở cười vì đã trả 90% tiền mua đất, nhưng chờ rất nhiều năm không có sổ đỏ. Ông Sơn, kể: “Tôi mua lô đất của Công ty Tân Cường Thành từ đầu năm 2012, trả trước 90%, còn 10% khi công ty giao sổ đỏ sẽ trả nốt, nhưng đã hơn hai năm trời vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Cùng cảnh ngộ là anh Trần Ngọc Long (phường Hòa Khánh Nam), sau khi mua lô đất của Công ty Tân Cường Thành từ năm 2011, anh Long vẫn chưa có sổ đỏ. Do không có sổ đỏ, một số người mua đất rồi không được cấp giấy phép xây dựng, không được quận đồng ý cho bắt điện, nước.
Ông Nguyễn Văn Nhị (52 tuổi) nói: “Giai đoạn mới bán những lô đất đầu, chưa kịp cấp sổ đỏ thì Công ty Tân Cường Thành sẽ làm giấy xác nhận để người dân có thể xin giấy phép xây nhà, bắt điện nước, nhưng những lô tiếp theo thì công ty không cấp bất kì một giấy xác nhận nào, nên những người mua đất rồi gặp rất nhiều khó khăn”.
Tuy đã nhiều lần kéo đến công ty đòi giải quyết, song người dân đều thất vọng đi về vì không nhận được bất kì phản ứng nào từ phía công ty. Trước thông tin ông Trương Vĩ Kiến bị bắt, những hộ chưa được giao sổ đỏ như ngồi trên đống lửa vì lo cho số phận lô đất của mình. Được biết, hầu hết các hộ dân mua đất của dự án Công ty Tân Cường Thành ở Đà Nẵng đều là những hộ có nhu cầu về nhà ở.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đàm Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, lãnh đạo quận đang đau đầu về chuyện này và thường xuyên theo dõi, giải thích cho dân hiểu.
“Người dân hoang mang là đúng. Đặc biệt khi có thông tin bắt lãnh đạo Tổng Cty ở trong TPHCM. Theo trình tự, Sở TN&MT sẽ là cơ quan tham mưu chính việc cấp sổ đỏ dự án này. Nói gì thì nói, lãnh đạo bị bắt nhưng tài sản có thể vẫn còn đó. Việc cấp sổ cho dân cần phải nhanh chóng hoàn tất” – ông Hưng nói.
Từng là Doanh nhân tiêu biểu
Theo Sở Nội vụ TPHCM, ông Trương Vĩ Kiến sinh năm 1965, (quê quán Phúc Kiến, Trung Quốc), cử nhân chính trị, cao cấp quản lý kinh tế và là chuyên gia kỹ thuật điện. Ông Kiến là đại biểu HĐND TPHCM khoá VII, được tiếp tục giới thiệu ra ứng cử và trúng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016) tại đơn vị bầu cử số 9 (quận 8).
Trước khi trở thành Tổng giám đốc Công ty cổ phần dây cáp điện Tân Cường Thành, Phó Chủ tịch HĐQT trường dân lập song ngữ Vĩnh Xuyên (quận 6, TPHCM), ông Kiến đã có một quá trình phấn đấu rất “đáng nể”. Từ hai bàn tay trắng, sau nhiều năm dành dụm, tích luỹ kinh nghiệm, năm 1982, ông Kiến lập tổ hợp sản xuất dây cáp điện Kiến Thành.
Từ một hộ kinh doanh cá thể, sau 10 năm, ông Kiến thành lập và trở thành giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tân Cường Thành. Ông Trương Vĩ Kiến là tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành kiêm phó Chủ tịch HĐQT trường dân lập Song ngữ Vĩnh Xuyên, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ TPHCM.
Bản thân vị Tổng giám đốc Trương Vĩ Kiến từng được bầu chọn danh hiệu “Doanh nhân Việt tiêu biểu” năm 2006, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2007 cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ ngành và UBND TPHCM.
Theo Tiền phong
Sự thật về một đại biểu HĐND TPHCM bị bắt tạm giam
Ông Kiến đã sử dụng hàng hoá của công ty mình và hàng hóa của AMN đang gửi kho để ký hợp đồng thế chấp vay 150 tỉ đồng.
Ngày 11/9, cơ quan tố tụng cho biết, trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với ông Trương Vĩ Kiến, sinh năm 1965, trú tại phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành (Công ty Tân Cường Thành), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh. Trước đó, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND đối với ông Kiến.
Ông Trương Vỹ Kiến (Ảnh: Dân trí)
Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 11/1998 đến tháng 12/2010, ông Kiến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Cường Thành, và từ tháng 1/2011 đến nay, ông Kiến là Tổng Giám đốc Công ty Tân Cường Thành.
Trong các ngày 28/2/2007 và 26/2/2008, Công ty Tân Cường Thành và Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (AMN) ký 3 Hợp đồng kinh tế có nội dung về việc Công ty Tân Cường Thành bán cho AMN dây dẫn và dây chống sét để thực hiện 3 dự án điện.
Tổng giá trị 3 hợp đồng trị giá hơn 85 tỉ đồng. Tuy nhiên, số hàng hoá đã mua AMN lại gửi tại kho của Tân Cường Thành ở Đà Nẵng do chưa có mặt bằng thi công dự án. Trong thời gian gửi hàng, AMN đã xuất hàng để thi công dự án và đến năm 2010 còn số hàng có tổng trị giá hơn 44 tỉ đồng.
Ngày 4/5/2010, ông Kiến đã sử dụng hàng hoá của công ty mình và hàng hóa của AMN đang gửi tại kho của Tân Cường Thành để ký hợp đồng thế chấp hàng hoá tồn kho luân chuyển với một ngân hàng thương mại để vay 150 tỉ đồng.
Sau khi vay số tiền này, Công ty Tân Cường Thành không trả được tiền gốc và lãi cho ngân hàng nên ông Kiến đã ký tiếp hợp đồng bán cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng này theo phương thức bán hàng trả chậm trong thời gian 4 tháng.
Sau 4 tháng Công ty Tân Cường Thành không thực hiện việc mua lại số hàng trên nên công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng này đã bán thanh lý số hàng hóa, thu được hơn 53 tỉ đồng để khấu trừ nợ.
Sau khi phát hiện Công ty Tân Cường Thành thế chấp lô hàng của mình, AMN đã nhiều lần có văn bản yêu cầu hoàn trả số hàng nhưng công ty này không thực hiện. Do đó, cơ quan tố tụng xác định Công ty Tân Cường Thành còn nợ AMN số hàng trị giá hơn 44 tỉ đồng./.
Theo_VOV
Vì sao Đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM bị bắt? Ngoài liên quan đến việc bị điều tra tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của đối tác, công ty của ông Trương Vĩ Kiến còn vướng vào bê bối mua bán bất động sản. Sáng 11-9, tại phiên họp bât thương kỳ họp lân thư 15 HĐND TP HCM khoa VIII, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Trương Thị Ánh...