Ông giáo làng dạy sử Hoàng Sa
Nhiều năm nay, chương trình giảng dạy lịch sử địa phương cho học sinh khối THCS của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) có một tiết học đặc biệt về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trăn trở với một chương đau thương của lịch sử dân tộc, thầy giáo Trần Văn Vàng đã dày công nghiên cứu, soạn thảo với mong muốn Hoàng Sa, Trường Sa sẽ sống mãi trong tim những học trò của ông.
Đi tìm Hoàng Sa, Trường Sa
Thầy Trần Văn Vàng – tổ trưởng tổ lịch sử – địa lý – GDCD trường THCS Đức Chánh (H. Mộ Đức) năm nay tuổi khai sinh mới chỉ 56 nhưng tuổi thật đã qua lục tuần, với thâm niên hơn 30 năm giảng dạy môn lịch sử, thầy Vàng thường được Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức tín nhiệm phân công viết các chuyên đề liên quan đến đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.
Năm học 2007 – 2008, thực hiện quy chế của Bộ GD&ĐT về giảng dạy lịch sử địa phương, thầy Vàng được phòng phân công soạn thảo 7 bài học về lịch sử Quảng Ngãi để đưa vào chương trình của khối THCS. Trong 7 bài học ấy, “Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là bài học ông dành nhiều tâm huyết nhất. Ông chia sẻ: “Đó là nơi không chỉ tôi mà mỗi người Việt Nam đều đau một nỗi đau chung”.
Thầy Vàng kể: “Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 khi đất nước đang chia cắt, lúc đó tôi còn đi học và đã xuống đường để phản đối Trung Quốc, đến năm 1988 Trung Quốc lại đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đất nước thống nhất nhưng đang đối mặt vô vàn khó khăn”. Dù là người chứng kiến những mốc lịch sử bi hùng ấy, nhưng thầy Vàng cho biết quyết định viết về Hoàng Sa, Trường Sa là một lựa chọn “xương xẩu”. Bởi lịch sử không chỉ được viết bằng cảm xúc mà phải có dữ liệu chính xác, trong khi thời điểm đó các tài liệu chính thống về chủ quyền biển đảo được xuất bản khá ít ỏi, nhiều tài liệu nằm ngoài khả năng tiếp cận của một ông giáo làng.
Suốt nửa năm sau, thầy Vàng một mình rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm tư liệu lịch sử, tìm kiếm sự giúp đỡ của những nhà nghiên cứu lịch sử, thư viện tỉnh… để được tiếp cận tài liệu chính sử về Hoàng Sa – Trường Sa. Thầy Vàng chia sẻ: “Trong lúc nghiên cứu có một số khúc mắc về Đội Hùng binh Hoàng Sa chưa tìm ra lời giải thấu đáo, tôi phải khăn gói ra huyện đảo Lý Sơn để gặp những truyền nhân của họ, lịch sử lưu truyền trong dân gian kết hợp với các tài liệu thu thập được làm cho các khúc mắc được sáng rõ”. Giữa năm học 2007 – 2008, bài học “Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” đã hoàn thành, được sự ủng hộ của Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức, bài học được bố trí vào tiết học 56 trong chương trình lịch sử lớp 7 trên toàn huyện.
Bài học gây được tiếng vang, bởi đó là bài học đầu tiên dạy cho học sinh về Hoàng Sa – Trường Sa ở Quảng Ngãi, một tỉnh gắn bó mật thiết với chủ quyền biển đảo. Nhiều người tìm đến nhà không khỏi ngạc nhiên khi biết ông và vợ còn chăm đến 8 sào ruộng để nuôi con ăn học, nói vậy để thấy tâm huyết ông dành cho “bài học chủ quyền” ấy lớn đến nhường nào. Thầy Vàng tâm sự: “Nhiều khi quá bận rộn, tôi chỉ cần hình dung ra cảnh học trò sẽ chăm chú nghe giảng về Hoàng Sa, Trường Sa là bao mệt mỏi tự nhiên tan biến đâu hết”.
Thầy Trần Văn Vàng và tài liệu giảng dạy về Hoàng Sa – Trường Sa cho học sinh.
Video đang HOT
Thổn thức với bài học chủ quyền
Bài học đã “lên khuôn” nhưng tâm nguyện của ông vẫn còn dang dở, bởi điều cấp thiết nhất bấy giờ là phương pháp truyền đạt để kiến thức đến được với học trò trọn vẹn nhất. Thầy Vàng chia sẻ: “Trong lúc tập huấn nghiệp vụ để phổ biến chương trình, tôi đã nói với các đồng nghiệp rằng quan trọng nhất là ở người thầy, với mong muốn họ sẽ tìm tư liệu, hình ảnh để bài học thêm trực quan, sinh động”.
Về phần mình, thầy Vàng tiếp tục mày mò nghiên cứu công nghệ thông tin để thử nghiệm bài giảng điện tử, sưu tầm thêm hình ảnh về Hoàng Sa – Trường Sa cho trình chiếu trực quan. Cuối năm học 2007 – 2008, bài học chủ quyền kết hợp trình chiếu bằng những hình ảnh sống động, với sự giảng giải tận tình của thầy Vàng được học trò đón nhận một cách say mê. Thầy Vàng kể: “Đến đoạn tôi nói về những người lính hy sinh trong hai trận hải chiến làm nhiều em mắt đỏ hoen, có em bật khóc nức nở”.
Thầy Vàng chia sẻ: “Có em hỏi rất ngây ngô là Hoàng Sa còn mấy đảo của mình, tôi chỉ nhẹ nhàng giảng giải vì biết em chưa được học, không phải học sinh không quan tâm đến lịch sử mà do cách dạy của mình thôi”. Thầy Vàng giải thích: “Bài học về Hoàng Sa – Trường Sa được đưa vào giảng dạy cho lớp 7 vì trong sách giáo khoa có bài về giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, đó là thời điểm Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thành lập”. Sắp xếp các sự kiện bằng mối liên kết như vậy học sinh sẽ dễ liên tưởng và tiếp thu bài học.
Ngoài tiết học 56 về chủ quyền, thầy Vàng còn đề xuất trường THCS Đức Chánh mở cuộc thi về biển đảo hằng năm. Những phần thi như hát về biển đảo, viết về biển đảo quê em vừa là giờ “thực hành” của tiết học 56, vừa là chất xúc tác để hun đúc tình yêu quê hương, biển đảo trong các em.
Nặng lòng với Hoàng Sa – Trường Sa, tiết học thứ 56 thành nỗi trăn trở thường trực trong ông. Đến nay, bài học đã được chỉnh lý, bổ sung ba lần. Lần gần đây nhất là năm 2013, ông đã đưa bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh vào bài học để khẳng định cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. “Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện bài học này chừng nào tôi còn đứng lớp”, ông nói.
Gặp ông trong những ngày biển Đông dậy sóng, thầy Vàng cho biết ông không bỏ sót một chương trình thời sự nào để bám sát thông tin về tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển Việt Nam. Ông giáo làng vẫn đau đáu với biển, với Hoàng Sa – Trường Sa dù tuổi già, vai mỏi. “Tôi chỉ còn một tâm niệm, là không chỉ học sinh trường THCS Đức Chánh, học sinh huyện Mộ Đức, mà chương sử bi hùng về Hoàng Sa – Trường Sa sẽ được đưa cặn kẽ, chi tiết vào sách giáo khoa để thế hệ trẻ biết đến một thời ông cha rẽ sóng ra khơi mở cõi, biết đến những người lính hy sinh vì tổ quốc. Để Hoàng Sa – Trường Sa sống mãi trong tim các thế hệ mai sau”.
Theo Lao Động
"Quốc hội cần chỉ đạo việc khởi kiện Trung Quốc"
Phiên thảo luật về dự án luật Căn cước công dân tại hội trường Quốc hội sáng 19/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bất ngờ phát biểu... lạc đề. Ông Nghĩa nói về tình hình Biển Đông và yêu cầu cấp thiết cần một Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này.
Vị đại biểu là luật sư trao đổi thêm với báo chí về đề xuất "lạc đề" của mình bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Khởi kiện Trung Quốc không dễ dàng nhưng có lợi hơn là không làm gì" (ảnh: Việt Hưng).
Phần phát biểu của ông tạo ra một bất ngờ lớn tại phiên họp sáng nay. Dù "lạc đề", nội dung ông đề cập vẫn nhận được sự ủng hộ, đồng tình, tạo điều kiện của Quốc hội. Động lực nào thôi thúc ông có lựa chọn phát biểu về vấn đề Biển Đông, khác với chương trình phiên thảo luận như vậy?
Tôi thấy chương trình nghị sự của Quốc hội không có mục gì thể hiện quyết sách về Biển Đông. Từ đầu kỳ họp đến nay chỉ có một phiên thảo luận về tổ và thảo luận tại hội trường về việc này nhưng chưa có dự định về một nghị quyết hay một tuyên bố chính thức đối với những diễn biến trên biển. Do đó, không phải tôi mà chính là rất nhiều cử tri, nhiều tầng lớp đồng bào, từ những người dân bình thường đến cán bộ lão thành đều có ý kiến là Quốc hội không thể không có động thái gì chính thức.
Tôi xem trong chương trình từ nay đến ngày bế mạc kỳ họp (thứ 3 tuần tới) thì không còn một nội dung gì về Biển Đông nữa. Vấn đề cần thiết bố trí chương trình bây giờ không phải để bàn, thảo luận nữa mà là để thống nhất một hành động cụ thể nào đó. Vậy nên hôm nay tôi phải nêu ý kiến xen vào giữa nội dung thảo luận về luật căn cước. So với vấn đề Biển Đông, vấn đề chủ quyền thì việc bàn hoặc thông qua một số luật như dự kiến không cấp thiết và có thể nói là không quan trọng bằng.
Nếu Quốc hội ra Nghị quyết, ông mong muốn nội dung văn bản này thể hiện thế nào?
Trước hết, Quốc hội phải nói rõ, Việt Nam có lập trường chính nghĩa ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vừa rồi Trung Quốc tung ra thế giới, đưa cả lên Liên hợp quốc một cách chính thức những nội dung sai trái về cái gọi là chủ quyền của họ ở Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy chúng ta phải có lời đáp lại một cách chính thức, từ cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.
Nghị quyết cũng phải lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, nêu rõ hành vi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là đi ngược lại với tất cả những điều đã cam kết, tuyên bố với Việt Nam và các nước ASEAN. Trung Quốc đã thể hiện ý định không từ bỏ âm mưu hiện thực hoá đường lưỡi bò vô lý, mưu toan độc chiếm Biển Đông, cả về tài nguyên lẫn tự do hàng hải trên biển. An ninh trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì vậy bị ảnh hưởng. Việc kéo giàn khoan đến là một bước đi trong tiến trình thực hiện âm mứu lâu dài hơn như thế.
Sau nữa, trong tuyên bố của Quốc hội cần khẳng định tình hữu ghị của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Việt Nam dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Quốc hội cũng cần khẳng định trong Nghị quyết việc chỉ đạo các cơ quan nhà nước chuẩn bị, tiến hành việc khởi kiện Trung Quốc về việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực sai trái với luật pháp quốc tế. Ta làm thế để nhân dân ta, nhân dân toàn thế giới không bị đánh lừa bởi Trung Quốc, chỉ rõ họ nói một đằng làm một nẻo, họ vừa đấm vừa xoa. Họ nằm ở Biển Đông 2 tháng nay mà một mặt họ lại nói Đảng, Nhà nước Trung Quốc vẫn tôn trọng tình hữu nghị, đại cục... Họ nói những điều mà trước khi có giàn khoan đã nói rồi đến giờ vẫn nói như là chưa có cái giàn khoan đang nằm đó. Ta không chấp nhận lối lập luận và thái độ kiểu đó.
Mới đây đã có thông tin về việc giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc đang được nhăm nhe kéo vào Biển Đông. Sự cấp thiết của yêu cầu Quốc hội lên tiếng như ông nói càng cần xem xét?
Đúng thế, thực ra thông tin họ kéo giàn khoan thứ 2, 3 nữa đến thì cũng đã có từ lâu, được phán đoán thế. Điều đó càng chứng minh họ nói một đằng làm một nẻo, nói thì tốt, làm thì xấu. Nhưng nói chung, không chỉ là vấn đề 1-2 giàn khoan mà các hành vi đó của Trung Quốc nằm trong hệ thống, chắc chắn sẽ tiếp tục và liên tục.
Diễn biến mới đây, Trung Quốc còn tiến hành xây dựng trên đảo Gạc Ma. Có ý kiến cho rằng tính chất nguy hiểm của việc này còn cao hơn việc đặt giàn khoan?
Hành động của Trung Quốc không thể xem chỉ ở khía cạnh họ xây thêm một công trình hay đặt thêm một giàn khoan trên biển mà ngiêm trọng ở chỗ, họ sẽ dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để kiểm soát Biển Đông, chi phối tự do hàng hải ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tác động vào lợi ích của các quốc gia khác để phục vụ lợi ích ích kỷ của họ. Vậy nên có xây thêm gì ở Gạc Ma thì cũng là hành động nhằm phục vụ ý đồ đó mà thôi.
Về đề nghị khẳng định việc khởi kiện Trung Quốc trong Nghị quyết của Quốc hội như ông nêu ra, từ trước đến nay phương án này đã được cân đong đo đếm nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ khó khăn, không hề dễ dàng. Với tư cách là một luật sư, ông nhận định thế nào về việc này?
Khởi kiện là bắt đầu một quá trình đấu tranh pháp lý mà lại về một đề tài phức tạp như thế, trong bối cảnh phức tạp như thế, tại một cơ quan tài phán quốc tế thì rõ ràng là không bao giờ dễ dàng, thậm chí là không thuận lợi. Vấn đề liên quan đến chủ quyền, khi nào cũng có những điểm yếu và những điểm mạnh. Nhưng các chuyên gia pháp luật của Việt Nam và quốc tế từng nghiên cứu đã nói Việt Nam có những điểm mạnh và có thể đạt được nhiều mục tiêu. Tóm lại khởi kiện sẽ có lợi hơn là không làm gì. Tất nhiên, chúng ta phải rất khôn ngoan, hành động chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo.
Không khó hình dung cảm giác của người dân nếu Quốc hội không có hành động tương xứng?
Nếu Quốc hội không làm gì thì người dân chắc chắn sẽ thất vọng. Còn hiện tại, mọi người vẫn đang chờ đợi những động thái của Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)
Theo Dantri
Chất thép và thơ ở Trường Sa Ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc những ngày biển Đông dậy sóng, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Trường Sa và các nhà giàn DK vẫn luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và chứa chan tâm hồn nghệ sĩ. Chất thép nơi đầu sóng Theo đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo...