Ông già cử nhân
Niềm vui sắp bước sang tuổi “ thất thập cổ lai hi” của ông Lê Văn Xê ở ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An là tấm bằng kỹ sư nông học loại khá của Trường đại học Nông lâm TPHCM.
Thế là đã qua 12 năm ròng rã miệt mài việc học, từ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và liên thông lên đại học, ông Lê Văn Xê (69 tuổi) đã có thể cầm tấm bằng tốt nghiệp với bảng điểm chỉ toàn điểm 8, 9 và 10 để khoe với con cháu.
Ông Lê Văn Xê với tấm bằng tốt nghiệp ĐH loại khá.
“Tôi sẽ còn học tiếp”
Tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp năm 17 tuổi, ông Xê học thêm một năm sư phạm rồi đi dạy tiểu học như một số bạn bè đương thời. Dạy học, nhưng niềm mơ ước được tiếp tục với tri thức không bao giờ ngừng. Mười năm dạy học và tự học, ông Xê tiếp tục trở thành sinh viên của một trường hành chính thời bấy giờ.
Tưởng chừng giấc mơ suôn sẻ thì trường hành chính này giải thể khi chỉ còn nửa năm học cuối. Ông Xê trở về quê nhà chấp nhận làm nông dân, làm đội trưởng đội sản xuất số 3 Hợp tác xã nông nghiệp ấp Bình Cang.
Cưới cô giáo làng Nguyễn Thị Bê, nhưng cả hai vợ chồng ông Xê bấy giờ đành phải hi sinh chuyện sách vở mà tìm hiểu các luống cày, mùa gieo sạ. Lần lượt năm đứa con ra đời, niềm ham mê được học của ông Xê tiếp tục bị cơm áo cả gia đình bảy miệng ăn đè nén.. Năm 1988, ông Xê mở cửa hàng vật tư nông nghiệp đầu tiên ở xã Bình Thạnh.
Đến đầu năm 2000, khi cả năm người con đã trở thành những luật sư, nhân viên ngân hàng ở TP.HCM và Nhà nước có quy định cá nhân muốn kinh doanh ngành bảo vệ thực vật phải có tối thiểu bằng trung cấp ngành trồng trọt bảo vệ thực vật, sự ham học của ông lại trỗi dậy. Một mặt để chuẩn hóa nghề nghiệp, một mặt thỏa mãn tâm nguyện “cử nhân” của cả đời, ông Xê đăng ký vào chuyên ngành trồng trọt của Trường trung học dạy nghề NN&PTNT Nam bộ (bây giờ là Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ ở Tiền Giang).
Tốt nghiệp trung cấp, ba năm sau niềm vui lại đến với ông khi Trường trung cấp dạy nghề NN&PTNT Nam bộ phối hợp với Trường cao đẳng Nông lâm Bắc Giang mở lớp liên thông cao đẳng. Năm 2009, ông Xê có trong tay tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng loại khá.
Vừa tốt nghiệp cao đẳng, lại hay tin Trường đại học Nông lâm TP.HCM phối hợp cùng Trường trung cấp dạy nghề NN&PTNT Nam bộ mở lớp đại học liên thông hệ vừa học vừa làm, ông Xê đăng ký thi luôn và nhận tấm bằng tốt nghiệp loại khá vào ngày 13/11/2012. Nhưng ông Xê cho biết “sự học” sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Video đang HOT
Mỗi ngày đi học là một niềm vui
Học ở Tiền Giang, thầy chủ nhiệm Phạm Hữu Nguyên (thạc sĩ – giảng viên Trường đại học Nông lâm) cho biết “học trò Xê” là người siêng năng nhất lớp. Hơn 70km đi học hằng ngày gần như không là gì với vòng xe máy của ông già gần 70 tuổi. Có bữa vì trật khớp chân, ông Xê buộc bằng được vợ mình bắt xe ôm đến trường gửi giấy xin phép. “Đi học đều rồi mới biết nghỉ một buổi thì tiếc lắm luôn, nó như thói quen của mình vậy đó!” – ông cười kể.
Cứ phải cười khà hoài với câu “bể học mênh mông” mỗi khi có người đùa “gần đất xa trời rồi còn học làm gì?”, ông Xê viết hẳn một bài “Để trả lời một câu hỏi” đăng trên tập kỷ yếu của trường. Trong đó, ông dẫn đầu bằng lời nhạc nghêu ngao: “Mỗi ngày, ta có một niềm vui/Cùng bạn đạp xe đến trường/Lắng nghe thầy dạy nhiều điều mới/Thấy lòng nao nức với tương lai…” và câu kết: “Chỉ có tri thức mới là tài sản chân thực nhất của đời người”.
Nghe ông Xê kể chuyện học, bà Bê cứ ngồi bên cười giòn. Ông Xê tốt nghiệp, người vui nhất phải kể đến là bà Bê. Từ nay, bà sẽ không còn buồn khi phải ngồi một mình với xe nước mía trước nhà, lục đục nấu nửa lon gạo, luộc cái trứng chờ chồng tối mịt mới về. Ông Xê đi, bà Bê buồn là vậy nhưng bao giờ bà cũng luôn là người động viên chồng nhiều nhất. Đã mười năm nay, niềm vui đi học và câu chuyện lớp, chuyện thầy hằng ngày cũng là niềm vui chính của bà Bê. Để tết vừa qua, bà Bê có thể gọi cả sáu đứa cháu nội ngoại của mình lại mà dặn rằng: “Học làm sao hơn ông của bay thì học!”.
Theo Sơn Lâm
Tuổi Trẻ
Công bố những điểm mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013
Rút ngắn thời gian xét tuyển; thành lập Ban chấm thanh tra tuyển sinh; tuyển thẳng vào ĐH, CĐ những học sinh tham gia đội tuyển; tăng chỉ tiêu khối ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật...
Đó là những điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố trong Hội nghị tuyển sinh tổ chức hôm qua 22/1.
Tại Hội nghị tuyển sinh, ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT cho biết kỳ tuyển sinh 2012 đã đạt được nhiều kết quả. Cả nước có 370 lượt trường tổ chức thi (246 trường đại học và 124 trường cao đẳng). Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2012 của thí sinh là 2.023.541, giảm 160.089 hồ sơ, tương đương giảm xấp xỉ 7,3% so với năm 2011. Số hồ sơ đăng ký dự thi giảm đã cho thấy tác động tích cực, có hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường THPT, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường và các cơ quan thông tấn báo chí, để thí sinh có cân nhắc, lựa chọn đúng đắn, phù hợp hơn trong đăng ký dự thi. Việc tổ chức thêm các cụm thi đã tiết kiệm chi phí cho hàng chục ngàn thí sinh.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, như nhiều Hội đồng tuyển sinh cơ sở vật chất không đảm bảo, phòng thi chật hẹp, không đúng quy định. Bộ đã chấm thẩm định bài thi tự luận và đã tổ chức chấm 1.405 bài thi các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của một số trường. Kết quả chấm thẩm định cho thấy, công tác chấm thi của các trường có sai sót, chưa nghiêm túc, không chấm 2 vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài;... đến nay, các trường này đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc và xử lý kỷ luật các đơn vị, cá nhân có liên quan theo quy định.
Bên cạnh đó, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng. Kết quả thanh tra 30 trường ĐH, CĐ trên cả nước không đạt tiêu chí. Bộ GD-ĐT đã đề nghị các Bộ chủ quản các trường có hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách đối với hiệu trưởng những trường vi phạm này và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường tuyển sinh vượt từ 5% trở lên chỉ tiêu năm 2012 và trong năm 2013, sẽ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với 17 trường.
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trong công tác xét tuyển, kéo dài thời hạn xét tuyển đến hết ngày 30/11/2012... đã phát sinh những bất cập, gây không ít khó khăn và bức xúc cho thí sinh, nhất là thí sinh vùng cao, vùng xa...
Tuyển sinh 2013 sẽ rút ngắn thời gian xét tuyển.
Không tuyển đủ chỉ tiêu do thiếu sức hút
Về việc tuyển không đủ chỉ tiêu ở một số trường hoặc tuyển được số lượng thí sinh ít, theo Cục trưởng Ngô Kim Khôi, do các trường không có sức thu hút đối với thí sinh, chưa khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong xã hội. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa chuẩn bị đầy đủ, thiếu thốn. Ngành đào tạo đơn điệu, tập trung chủ yếu các ngành thuộc khối kinh tế - quản trị kinh doanh, thiếu các ngành khối kỹ thuật - công nghệ. Một số trường đóng ở các địa phương, tỉnh lẻ, không xa so với các khu đô thị, thành phố lớn.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế đất nước khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, tác động đến tâm lý của thí sinh, nhất là thí sinh đăng ký dự thi vào các trường, các ngành khối kinh tế - quản trị kinh doanh. Thí sinh ở các địa phương vùng cao, vùng sâu (Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ) lại có nguyện vọng về học các trường ở thành phố lớn, có cơ hội học thêm, làm thêm và tìm kiếm việc làm. Một số trường công lập tốp trên (kể cả trường tư thục đã khẳng định được thương hiệu) không những chỉ tiêu nhiều, mà còn tuyển vượt chỉ tiêu, làm cho nguồn tuyển vào các trường khác bị hạn chế; Việc kéo dài thời hạn xét tuyển và cho một số trường thuộc khu vực Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ hạ điểm sàn và tổ chức học dự bị, cũng gây khó khăn cho một số trường trong việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.
Bổ sung nhiều điểm mới trong tuyển sinh 2013
Ông Ngô Kim Khôi cho biết: Tuyển sinh 2013 về cơ bản giữ ổn định như những năm trước. Tuy nhiên, khắc phục hạn chế, yếu kém của tuyển sinh năm 2012, Bộ có điều chỉnh, bổ sung đối với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013.
Cụ thể,bổ sung Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm Thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận.Bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông, là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng hoặc đại học.Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy.
Thí điểm cho 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật tuyển sinh riêng, cụ thể: các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Văn hóa (khối C), không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dự vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT. Các trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật được giao thí điểm thi tuyển sinh riêng xây dựng phương án, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trước ngày 31/01/2013 và báo cáo Bộ GD-ĐT.
Tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20/8/2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30/10/2013.
Tuyển thẳng vào ĐH, CĐ những học sinh tham gia đội tuyển
Bộ GD-ĐT bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 như sau: Tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và Quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học.
Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng.
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
Tăng chỉ tiêu các ngành nông lâm, thủy sản, y dược...
Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013: Giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật;...
Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính qui của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường đại học trước năm 2017.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Năm 2013, không tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ Sáng 27/12, Bộ Giáo dục đào tạo đã tổ chức hội nghị kế hoạch ngân sách các trường, đơn vị trực thuộc Bộ để bàn công tác phân bổ ngân sách cho năm 2013. Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Giáo dục) cho biết: Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, trong năm 2013 và những năm tiếp...