Ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra tham nhũng
Ngày càng có nhiều nguồn tin xác nhận cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra tham nhũng.
Cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang – Ảnh: Reuters
Cuối tuần qua, báo The New York Times dẫn 5 nguồn thạo tin ở Trung Quốc cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình và một số lãnh đạo đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Chu từng được xem là “ông trùm an ninh” của Trung Quốc với chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương từ năm 2007 – 2012. Đây là lần đầu tiên một chính trị gia cấp cao như thế bị điều tra về tội tham nhũng kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, theo The New York Times.
“Điều tra chính thức”
Các nguồn tin của tờ The New York Times khẳng định Chủ tịch Tập Cận Bình và một số lãnh đạo đảng đã nhất trí giao Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) điều tra ông Chu vào đầu tháng 12. Theo đó, một quan chức cấp cao đã đến tận nhà ông Chu ở Bắc Kinh để thông báo về cuộc điều tra. Kể từ đó, ông Chu (71 tuổi) và vợ là bà Giả Hiểu Diệp (42 tuổi) đã bị quản thúc nghiêm ngặt.
Video đang HOT
Những người tiết lộ thông tin trên cho The News York Times gồm một cán bộ đài truyền hình nhà nước, một cựu điều tra viên cấp tỉnh, một luật sư và một nữ doanh nhân có quan hệ gia đình với giới lãnh đạo đảng và một nữ doanh nhân khác là cháu gái của một cố lãnh đạo. Vị luật sư nhận định: “Bây giờ mới là lúc ông Chu chính thức bị điều tra, không phải như mấy tháng trước, ông bị điều tra bí mật và không bị kiểm soát nhiều”. Cựu điều tra viên thì cho rằng: “Vấn đề thật sự của ông Chu là những cáo buộc tham nhũng liên quan đến vợ và con ông. Ông ấy cũng có thể chịu trách nhiệm, dù không dính líu”.
Các nguồn tin của tờ The New York Times xác nhận ông Chu đang bị điều tra bởi một nhóm đặc biệt của CCDI, với sự hỗ trợ của các sĩ quan công an cấp cao. “Họ đã tự tay chọn một số quan chức ở Bắc Kinh phụ trách vụ án nhằm kiểm soát chặt chẽ vụ này”, nữ doanh nhân là cháu gái của một cố lãnh đạo tiết lộ.
Hồi tháng 10, tờ South China Morning Post ở Hồng Kông dẫn một số nguồn tin cao cấp tiết lộ ông Tập Cận Bình và Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn đã lập một đơn vị đặc biệt do ông Phó Chính Hoa, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh, đứng đầu để điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến ông Chu. Đến đầu tháng 12.2013, báo United Daily News loan tin ông Chu bị bắt với cáo buộc tham nhũng. Cho đến nay, giới chức cũng như truyền thông chính thống Trung Quốc chưa đề cập hay có phản ứng trước các thông tin về ông Chu.
Tình huống bất ngờ
Theo tờ Los Angeles Times, giới quan sát vốn dự kiến rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thông báo về việc điều tra ông Chu trong tuần này, song có lẽ thời điểm công bố đã được dời lại vì lo ngại bị so sánh với tình hình ở Triều Tiên, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa mới xử tử người dượng đầy quyền lực Jang Song-thaek. Tờ Los Angeles Times dẫn lời học giả Trương Lập Phàm, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng: “Họ đã chuẩn bị công bố song Triều Tiên bất ngờ thông báo về vụ thanh trừng và điều này có vẻ gây bối rối”.
Kể từ khi ông Chu về hưu vào cuối năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu cách chức và điều tra những quan chức, lãnh đạo công ty từng có quan hệ với ông Chu. Theo đó, quan chức cấp cao đầu tiên ngã ngựa trong cuộc điều tra này là ông Lý Xuân Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên – nơi ông Chu từng có thời làm bí thư tỉnh (1999 – 2002). Vài tháng sau, giới chức điều tra thuộc Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương tiếp tục bắt giữ một số quan chức và doanh nhân ở Tứ Xuyên. Họ cũng mở điều tra tham nhũng đối với những người đã từng hoặc đang giữ các vị trí lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi ông Chu từng làm việc trong thập niên 1990. Trong đó, vài người bị bắt có quan hệ với con trai của ông Chu là Chu Bân, người bị thẩm vấn trong mấy tháng qua và vừa bị bắt cách đây vài tuần, theo các nguồn tin trên. Hôm qua, Reuters dẫn một số nguồn tin khác cho biết có thêm hai lãnh đạo cao cấp khác của CNPC đã bị bắt.
Theo cựu điều tra viên giấu tên nói trên, những ảnh hưởng trong ngành dầu khí của gia đình ông Chu có thể đã mang cơ hội làm giàu bất chính, như giành quyền vận hành các mỏ dầu, các hợp đồng cung cấp dịch vụ, mua bán thiết bị và phân phối dầu. Ngoài ra, theo tờ Los Angeles Times, tại phiên tòa xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai vào tháng 8, có nhiều lời khai về việc bộ máy an ninh dưới quyền ông Chu đã cố gắng bưng bít vụ vợ ông Bạc giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. Thậm chí có tin đồn ông Chu đã âm mưu đảo chính nhằm bảo vệ bằng được ông Bạc.
Theo TNO
Chu Vĩnh Khang đang bị quản thúc tại gia phục vụ điều tra?
Báo chí Mỹ ngày 11/12 dẫn một số nguồn tin cho biết, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, từng là một trong những chính trị gia Trung Quốc quyền lực nhất trong thập niên trước, đã bị quản thúc tại gia trong thời gian chính phủ điều tra cáo buộc tham nhũng chống lại ông này.
Cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang.
Chu là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc dính tới bê bối nhận hối lộ kể từ năm 1949. "Tự do của ông Chu Vĩnh Khang đã bị giới hạn và nhất cử nhất động của ông này đều bị giám sát", một nguồn tin có liên hệ với chính phủ, yêu cầu giấu danh tính, cho Reuters biết. Theo đó, ông Chu không được phép rời khỏi nhà mình ở Bắc Kinh hoặc tiếp khách mà không có sự cho phép.
Cũng theo nguồn tin trên, vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu thành lập một nhóm điều tra đặc biệt để xem xét một số cáo buộc chống lại Chu Vĩnh Khang. Ông Chu đang bị điều tra vì đã vi phạm kỷ luật đảng, cụm từ để chỉ hành vi tham nhũng - nguồn tin cho biết nhưng không nói rõ cáo buộc cụ thể là gì.
Với việc yêu cầu điều tra Chu Vĩnh Khang, ông Tập đã phá vỡ một luật bất thành văn ở Trung Quốc là các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị điều tra sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện vẫn chưa quyết định có truy tố công khai ông Chu hay không do cuộc điều tra nội bộ chưa thể hoàn tất.
Cũng theo nguồn tin của Reuters, Chủ tịch Trung Quốc từng tuyên bố quyết dẹp trừ nạn tham nhũng bằng chiến dịch "bắt hổ đập ruồi", hàm ý thể hiện sự cương quyết bắt "những con hổ" lớn như ông Chu và cả "những con ruồi" tham nhũng nhỏ.
"Ông Tập đã nhổ toàn bộ răng của con cọp", một nguồn tin khác của Reuters cho biết, ý muốn nói đến vụ ông Tưởng Khiết Mẫn, từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc chỉ trong 5 tháng cho đến tháng 9 vừa qua, khi truyền thông nhà nước đưa tin ông ta bị điều tra vì "những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". "Nay Chu Vĩnh Khang chỉ còn là con cọp mất nanh, giống như một con cọp chết rồi vậy. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu ông Tập có lột da cọp hay không?", nguồn tin này nói thêm, ám chỉ đến phiên tòa xét xử ông Chu.
Chu Vĩnh Khang được cho là "người đỡ đầu" của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, nhân vật đã bị tuyên án tù chung thân hồi tháng 9/2013 vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong vụ bê bối chính trị nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc kể từ sau sự sụp đổ của "Bè lũ Bốn tên" năm 1976, khi kết thúc Cách mạng Văn hóa.
Theo Dantri
Vì sao Trung Quốc quyết trừng trị "con hổ" Chu Vĩnh Khang? Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng trong Đảng Cộng sản, ông đã hứa sẽ điều tra từ "những con hổ" cho tới "những con ruồi". Vừa qua, có vẻ như ông Tập đã bắt giữ "con hổ" đầu tiên - thậm chí đây có thể được coi là "con cá voi". Hôm 2/12, tờ...