Ông chồng Singapore kể về khó khăn của vợ khi làm giáo viên mầm non
Công việc bận rộn khiến giáo viên khó cân bằng cuộc sống cá nhân, nhưng họ vẫn thường bị đánh giá thấp và bị phụ huynh trút giận.
Là chồng của một giáo viên mầm non, Ismail Tahir chứng kiến những khó khăn mà vợ anh, Aliya đã trải qua trong sáu năm gắn bó với nghề từ năm 2013, theo Coconuts Singapore.
Trong một bài đăng trên Facebook đầu tháng 3, anh đáp trả những quan điểm tiêu cực mà một số phụ huynh hoặc nhà quản lý giáo dục thường nghĩ về giáo viên mầm non. Trái ngược với suy nghĩ giáo viên mầm non khá “nhàn”, vợ Ismail và rất nhiều đồng nghiệp thực tế đang bỏ ra nhiều công sức hơn mức được yêu cầu.
Ismail và Aliya đều làm việc trong ngành giáo dục, nhưng phục vụ các nhóm tuổi khác nhau. Ismail từng nghĩ công việc của mình ở cấp độ đại học là rất khó khăn, nhưng những gì được vợ chia sẻ hàng ngày khiến anh phải suy nghĩ lại.
Giáo viên mầm non dạy trẻ vẽ. Ảnh: Pixels
Theo Ismail, hầu hết thời gian hai người ở bên nhau, Aliya luôn nghĩ về những đứa trẻ ở trường. Khi đi mua sắm, cô luôn bị cuốn hút bởi những món đồ dành cho lớp học. Thi thoảng, họ vô tình gặp phụ huynh và học sinh ở ngoài phố. Mỗi khi đứa trẻ nào đó nhận ra và hét lên “Chào cô Aliyaaaa!”, vợ Ismail rất vui.
Nhà của Ismail giống một nhà sách thu nhỏ và khá lộn xộn với đủ thứ văn phòng phẩm như máy in, máy đục lỗ, băng dính, hồ dán, bút đánh dấu, giấy màu… Những thứ này dùng để trang trí góc học tập ở lớp hoặc là nguyên liệu cho bài tập thủ công của trẻ và không phải tất cả được mua bởi ngân sách trường học. Nhiều giáo viên tự bỏ tiền túi do ngân sách nhà trường hạn hẹp hoặc thủ tục đề xuất mua văn phòng phẩm mất quá nhiều thời gian.
Video đang HOT
Nhiều tối, những giáo viên như Aliya có thể về nhà muộn vì phải ở lại soạn nốt chương trình của ngày hôm sau, hoặc phải giữ con cho một phụ huynh đến đón muộn. Kế hoạch buổi tối của đôi vợ chồng thường bị phá hỏng bởi những lý do tương tự. “Đôi khi cô ấy phải hy sinh thời gian dành cho gia đình vào thứ bảy, bởi vì đó là ngày mà tất cả giáo viên đều rảnh để đi họp”, Ismail viết.
Giờ ăn trưa, giáo viên mầm non thường không thể ra ngoài vì bọn trẻ có thể thức dậy bất cứ lúc nào. Họ ăn luôn những món được nấu cho trẻ, nhiều khi đói nhưng không dám ăn thêm vì sợ trẻ sẽ thiếu phần.
Là giáo viên mầm non, Aliya kiêm cả nhiệm vụ của người dọn dẹp, nhà thiết kế lớp học, nhân viên sơ cứu… Những công việc hành chính thường được mang về nhà, bởi cô không đủ thời gian để làm ở trường khi quá bận rộn với việc chăm sóc trẻ. Do vậy, không gian riêng ở nhà cũng có thể được xem là văn phòng làm việc thứ hai của cô.
Đôi khi, vợ Ismail trở về nhà và buồn bã vì cách quản lý quá cứng nhắc của nhà trường khiến giáo viên khó linh hoạt trong công việc. Đôi khi, cô nhận được nhiều ý kiến hoặc đòi hỏi vô lý từ phụ huynh. Các bậc cha mẹ đã trải qua một ngày làm việc dài và mệt mỏi có thể tìm cách trút giận lên người đã chăm sóc con của họ từ 7h sáng.
Giáo viên mầm non được yêu cầu cải thiện trình độ chuyên môn liên tục. Do đó, ngoài công việc bận rộn hàng ngày, họ còn tham dự nhiều khóa đào tạo để hiểu thêm về giáo dục sớm, trong khi vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình.
“Hoàn toàn không có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đối với các nhà giáo dục mầm non, nhưng họ vẫn bị chỉ trích là làm không đủ tốt. Nhiều phụ huynh không hề nghĩ đến sự hy sinh các giáo viên dành cho con cái họ”, Ismail chỉ ra.
Anh nhắn nhủ phụ huynh rằng, lần tới khi họ đưa con tới trường từ 7h sáng và đón con rất muộn, quá giờ làm việc của giáo viên, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nổi giận và đổ lỗi cho giáo viên vì một vết xước nhỏ trên tay con hay chai đựng nước bị nhầm với đứa trẻ khác.
Bài đăng của Ismail nhận được sự quan tâm của hàng nghìn người trên Facebook. Đa số đồng tình với những chia sẻ này, khen ngợi anh là người chồng tốt và biết cảm thông với vợ. Họ hy vọng ngày càng nhiều người tiếp cận được với bài viết để thấu hiểu những gì giáo viên mầm non phải đối mặt hàng ngày, đồng thời mong phụ huynh và giáo viên phối hợp cùng nhau để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho trẻ thơ.
Thùy Linh
Theo VNE
Trường Đại học Hà Tĩnh cấp hàng nghìn chứng chỉ ngoại ngữ trái quy định!
Việc làm trái quy định của nhà trường đã và đang gây ra những khó khăn cho các sinh viên sau khi ra trường.
Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh TL
Tháng 7 năm 2018, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành chủ trương cho phép các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tuyển dụng 410 giáo viên mầm non, tiểu học, các địa phương ở trên địa bàn Hà Tĩnh đã thành lập hội đồng tuyển dụng, đồng thời công khai chỉ tiêu, tiêu chí tuyển dụng. Nắm bắt thời cơ, em Nguyễn Thị Hiền, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Mầm non năm 2017 tại Trường Đại học Hà Tĩnh đã đến hội đồng tuyển dụng giáo viên huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nộp hồ sơ và đăng ký tuyển dụng vào vị trí tương ứng với chuyên ngành đào tạo.
Thế nhưng, sau khi kiểm tra hồ sơ, hội đồng tuyển dụng giáo viên huyện Nghi Xuân cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ mà Trường Đại học Hà Tĩnh cấp cho Nguyễn Thị Hiền không hợp lệ, vì vậy hồ sơ dự tuyển dụng bị gác lại. Theo đại diện hội đồng tuyển dụng giáo viên huyện Nghi Xuân, không riêng gì thí sinh Nguyễn Thị Hiền, tất cả chứng chỉ tiếng Anh TOEIC do trường Đại học Hà Tĩnh cấp cho các thí sinh trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay đều không hợp lệ. Căn cứ vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hà Tĩnh không đủ điều kiện và thẩm quyền cấp chứng chỉ tiếng Anh TOEIC. Do đó, hồ sơ dự tuyển của những thí sinh này chưa đảm bảo yêu cầu.
Qua tìm hiểu thực tế công tác tuyển dụng giáo viên tại huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên... được biết, chứng chỉ ngoại ngữ của hầu hết các thí sinh được trường Đại học Hà Tĩnh cấp trong thời gian qua đều không hợp lệ và không có giá trị sử dụng.
Theo tiến sỹ Nguyễn Hoài Sanh, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Hà Tĩnh), thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc áp dụng chuẩn đầu ra đối với sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại nhà trường. Ngoài việc phải hoàn thành các nội dung kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành theo từng ngành học, các sinh viên tốt nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Trong quá trình triển khai chuẩn đầu ra, nhà trường nhận thấy một số vướng mắc trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ nên đến khóa đào tạo thứ 7 (năm 2018), nhà trường đã lồng ghép chuẩn đầu ra ngoại ngữ vào nội dung học phần ngoại ngữ theo kế hoạch đào tạo và dừng việc sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo nội dung của chương trình TOEIC.
Lý giải về những bất cập xẩy ra trong quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại đơn vị thời gian qua, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo thường xuyên (Trường Đại học Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Hải Yến cho biết: Theo thẩm quyền quản lý và chương trình giáo dục thường xuyên, trước đây nhà trường chỉ đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ngoai ngữ theo chương trình ngoại ngữ thực hành trình độ A, B, C. Thế nhưng, sau khi có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc áp dụng chương trình đào tạo tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì nhà trường đã ngừng toàn bộ việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ thực hành trình độ A, B, C như trước đây. Tuy vậy, thực hiện quy định chuẩn đầu đối với sinh viên tốt nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường đã cho phép Trung tâm ngoại ngữ, Công nghệ thông tin (nay là Viện Đào tạo thường xuyên) bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn TOEIC.
Từ năm 2013 - 2017, Trường Đại học Hà Tĩnh đã cấp chứng chỉ tiếng Anh TOEIC cho 1.888 sinh viên với khoản học phí từ 200.000 đ đến 500.000 đ để nhận chứng chỉ ngoại ngữ này. Ảnh PV
Trả lời câu hỏi vì sao Trường Đại học Hà Tĩnh lại dùng phôi vốn chỉ dùng cho các chứng chỉ đào tạo theo chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành để làm phôi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo nội dung chuẩn quốc tế và thực hiện việc sát hạch tại Trường Đại học Hà Tĩnh, Phó Viện Phó Viện trưởng Viện Đào tạo thường xuyên cho rằng, do nhà trường linh hoạt, tận dụng số lượng phôi còn thừa trước đây để cấp cho loại chứng chỉ mới này?
Theo số liệu thống kê từ phòng Đào tạo Trường Đại học Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến năm 2017, Trường Đại học Hà Tĩnh đã cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo nội dung của chứng chỉ tiếng Anh TOEIC cho 1.888 sinh viên. Qua tìm hiểu được biết thêm, để có trải qua đợt sạt hạch và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ này, mỗi sinh viên phải đóng thêm khoản học phí (bao gồm cả học phí ôn thi) từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng để nhận chứng chỉ ngoại ngữ.
Qua trao đổi với chúng tôi, đa phần người trong cuộc đều cho rằng, mặc dù không có chức năng, thẩm quyền, đặc biệt là chưa đủ điều kiện để đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ tiếng Anh TOEIC, song, cả một quá trình dài, Trường Đại học Hà Tĩnh vẫn tiến hành cấp hàng ngàn chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên. Những bất cập này được phát sinh từ đâu và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những thiệt thòi mà sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh phải gánh chịu trong quá trình tìm kiếm cơ hội, việc làm thời gian qua? Câu hỏi này đang cần được Trường ĐH Hà Tĩnh trả lời cho những người trong cuộc.
Trần Phong - Ngô Tuấn
Theo congluan
Phạt trẻ không mặc quần áo, hai giáo viên mầm non Mỹ bị đình chỉ Để giữ kỷ luật lớp học, giáo viên bắt học sinh phạm lỗi cởi hết đồ đang mặc và đứng trong tủ quần áo vài phút. Hai giáo viên mầm non (26 và 41 tuổi) ở Illinois, Mỹ bị đình chỉ công tác trong tuần này do phạt trẻ không phù hợp, theo Seattle Times ngày 20/3. Cả hai được tuyển dụng để...