Ông Bill Clinton đưa lời khuyên Tổng thống Trump đối phó điều tra luận tội
Cựu Tổng thống Bill Clinton, người từng bị luận tội, nhắn nhủ ông Trump tập trung phụng sự dân Mỹ, để nhân viên lo chuyện đối phó với cuộc điều tra luận tội.
“Tôi sẽ nói, tôi có luật sư và nhân viên xử lý cuộc điều tra luận tội này, và họ nên dồn sức cho nó. Trong khi đó, tôi sẽ làm việc phụng sự người Mỹ. Đó là những gì tôi sẽ làm”, ông Clinton nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNN hôm 14/11.
Cựu Tổng thống Bill Clinton. (Ảnh: AP)
Đây là lần đầu tiên ông Clinton đưa ra bình luận liên quan tới cuộc điều tra luận tội đang hâm nóng chính trường Mỹ.
Lời nhắn nhủ được vị cựu Tổng thống Mỹ đưa ra 1 ngày sau phiên điều trần luận tội Tổng thống Trump công khai đầu tiên của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, thay vì kỳ vọng, phiên điều trần hôm 13/11 không có gì mới mẻ ngoài tiết lộ về cuộc điện thoại giữa Tổng thống Trump và Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland. Dù vậy, tiết lộ này không đủ để thay đổi quan điểm của nhiều người Mỹ về cáo buộc lạm quyền mà đảng Dân chủ gắn cho ông Trump.
Trước Tổng thống Trump, ông Clinton là nhà lãnh đạo Mỹ gần nhất vướng vào một cuộc điều tra luận tội. Ông bị luận tội ở Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát năm 1998 nhưng được tha bổng trong phiên xét xử ở Thượng viện.
(Nguồn: Sputnik)
SONG HY
Video đang HOT
Theo vtc.vn
Điều tra luận tội ông Trump: Đảng Dân chủ khép chặt vòng vây
Những diễn biến mới nhất cho thấy đảng Dân chủ đã chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại ông Trump. Tuy nhiên, chính sự chuẩn bị quá suôn sẻ của đảng này có thể sẽ bộc lộ những điểm yếu không ngờ tới.
Kể từ ngày 13-11, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã bắt đầu khởi động các phiên điều trần công khai liên quan tới cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump về bê bối lạm dụng quyền lực để gây sức ép với Ukraine nhằm triệt hạ đối thủ tranh cử là cựu phó tổng thống Joe Biden. Các phiên điều trần đầu tiên diễn ra trong hai ngày 13 và 15-11 (theo giờ Mỹ) và được truyền hình trực tiếp, theo đài CNBC.
Ba nhân chứng tham gia điều trần tuần này bao gồm đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Á George Kent và cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Masha Yovanovitch.
Được biết Tổng thống Trump là tổng thống thứ tư trong lịch sử nước Mỹ bị Hạ viện luận tội với lần gần đây nhất là cựu tổng thống Bill Clinton liên quan đến bê bối tình ái giữa ông với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Đảng Dân chủ: Dục tốc bất đạt
Đảng Dân chủ hiện coi các phiên điều trần công khai có vai trò trọng yếu trong việc vận động sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với quá trình chính thức luận tội ông Trump. Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ buộc phải tổ chức một phiên tòa chính thức xét xử tổng thống.
Phe Dân chủ sẽ chiến đấu để bảo vệ quá trình luận tội tổng thống mà họ cố gắng thúc đẩy trước các nỗ lực phản kích của phe Cộng hòa. Các chính trị gia Dân chủ nhiều khả năng sẽ tìm mọi cách khiến công chúng chống lại ông Trump thông qua sử dụng các nhân chứng ở cả trong chính quyền và quân đội.
Trả lời đài CBS News, luật sư Jonathan Turley cho rằng điểm mấu chốt vụ luận tội lần này là hầu như có rất ít bằng chứng được đưa ra nhằm kết tội Tổng thống Trump. Ông Turley cũng nhận định mức độ của các động thái vi phạm liên quan đến Ukraine nhằm chống lại Tổng thống Trump không đạt được quy mô của các cáo buộc ở ba lần luận tội tổng thống trước.
"Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump hiện nay chủ yếu dựa trên cuộc điện đàm gây tranh cãi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Nếu họ tiếp tục theo hướng này, đây sẽ là cuộc luận tội với quy mô hẹp nhất lịch sử và bên điều tra sẽ có một hồ sơ phạm tội rất hạn chế" - ông Turley giải thích.
Trong khi đó, chuyên gia Major Garrett cảnh báo đảng Dân chủ đang tiến quá nhanh. "Nếu bạn tiến quá nhanh và công chúng không theo kịp những thực tế bạn đưa ra, bạn sẽ thua, ít nhất là thua trong mắt công chúng khi họ xem xét những bằng chứng của bạn" - ông Garrett nói.
"Do đó, đảng Dân chủ có một tiêu chuẩn cao cần phải đáp ứng ở đây. Luận tội không phải chỉ đơn giản là về việc họ có thích ông Trump hay không mà là phải thuyết phục để công chúng hiểu rằng tổng thống Mỹ đã làm điều gì đó hoặc tiếp tục làm điều gì đó đe dọa đến chính phủ và quốc gia" - chuyên gia Major Garrett nói thêm.
Tiến trình điều tra luận tội sắp tới sẽ khiến ông Trump gặp nhiều khó khăn. Ảnh: BBC
Dù vậy, Hạ viện mới đây cũng đã cho bản sao lời khai của một số nhân chứng tham gia điều trần kín về vụ việc. Theo hãng tin Reuters, trong số những thông tin đáng chú ý vừa được tiết lộ có những thông tin do bà Laura Coopera, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách giám sát chính sách của Mỹ với Ukraine, cung cấp.
Cụ thể, bà Coopera nói rằng bà cảm thấy khó hiểu và quan ngại trước việc ông Trump yêu cầu đóng băng khoản viện trợ quân sự gần 400 triệu USD cho Ukraine mà không đưa ra giải thích nào. Trong bản chi tiết về việc điều trần, bà Coopera khẳng định việc đóng băng khoản viện trợ trên là không bình thường.
Vẫn theo quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ này, ông Trump đã thông qua Văn phòng Quản trị và Ngân sách chỉ thị đóng băng viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine, đi ngược lại quyết định của giới chức Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan. Bà Coopera cho biết có hai cơ chế hợp pháp để tổng thống hoãn viện trợ, bao gồm thông báo cho Quốc hội hoặc cho Bộ Quốc phòng nhưng ông Trump đã không tuân thủ cơ chế nào.
Những tháng tiếp theo sẽ để lại vết sẹo buồn trong lòng người dân Mỹ giống như các vụ luận tội trước đó. Tiến trình này sẽ phản ánh và lột tả một cuộc đấu đá nội bộ về ý thức hệ có nguy cơ làm tổn hại đến sự thống nhất của chúng ta và đe dọa tương lai của nước Mỹ.
Chuyên gia về chính trị Mỹ Stephen Collinson, đài CNN
Đảng Cộng hòa sẽ bảo vệ ông Trump ra sao?
Theo giới phân tích, các đồng minh Cộng hòa của ông Trump dự kiến sẽ phản biện rằng những bằng chứng do các Ủy ban Hạ viện nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ thu thập được cho tới nay vẫn chưa thể chứng minh tổng thống hay những người thân cận trực tiếp liên quan đến việc trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine hay ép buộc Kiev phải thực thi các nhượng bộ chính trị. Đây được coi là lập luận mở màn đanh thép nhất nhằm phản bác vụ điều tra luận tội của phe Dân chủ nhằm vào Tổng thống Trump.
Một số chính khách Cộng hòa biện minh rằng ông Trump thực sự chỉ đang lo lắng về tình trạng tham nhũng ở Ukraine. Tuy nhiên, đây lại là chủ đề mà chủ nhân Nhà Trắng gần như chưa từng tỏ ra quan tâm ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
"Ở đây có hai khả năng. Một là tổng thống yêu cầu điều tra một đối thủ chính trị. Hai là tổng thống yêu cầu điều tra nghi án tham nhũng của ai đó vô tình lại là đối thủ chính trị của ông. Khả năng thứ hai là vì lợi ích quốc gia. Khả năng thứ nhất là vì lợi ích cá nhân của tổng thống và sẽ vượt quá giới hạn cho phép... Theo quan điểm của tôi, việc "có đi có lại" chỉ là sự hiểu nhầm" - thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy chia sẻ với đài CBS News.
Nga không muốn ông Trump bị luận tội?
Đài CNN cho hay truyền thông nhà nước Nga đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump và bác bỏ mọi cáo buộc Moscow can thiệp để giúp ông Trump đắc cử hồi năm 2016.
"Những vấn đề mà ông Trump gây ra đối với hệ thống chính phủ Mỹ đang tác động đến sức mạnh của Mỹ" - chuyên gia Karen Shakhnazarov, giám đốc một trong những đài truyền thông lớn nhất nước Nga phát biểu.
"Mỹ trở nên yếu hơn và giờ Nga đang giành chỗ ở Trung Đông. Đột nhiên Nga cũng bắt đầu xâm nhập mạnh mẽ vào châu Phi. Vì thế, khi họ nói ông Trump đang làm suy yếu nước Mỹ thì có thể đúng là như vậy và đó là lý do chúng tôi không chống ông ấy. Họ càng có vấn đề thì càng thuận lợi cho chúng tôi" - CNN dẫn lời ông Shakhnazarov nói.
PHẠM KỲ
Theo news.zing.vn
Nữ quan chức ngoại giao Mỹ thổi phồng lý lịch, ê chề khi bị bóc mẽ Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Mina Chang phụ trách các chiến dịch về ổn định và xung đột bị phát hiện làm giả và thổi phồng lý lịch cá nhân. Vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng khi bà Chang được đề cử vào một vị trí trị lãnh đạo tại Cơ quan Phát triển Quốc tế. Cụ thể, bà Chang,...