Ôn thi THPT quốc gia: Nơi tự học, nơi kèm cặp ráo riết
Trong khi học sinh thành phố không mặn với việc ôn thi thêm một tháng tại trường thì ở vùng khó khăn đây là thời điểm tập trung dốc sức để ôn tập cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM ôn tập chiều 4.6 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Năm nay, chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 7 nên trước đó đã có rất nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về “khoảng trống” tháng 6 khi năm học đã kết thúc mà kỳ thi chưa tới. Bộ và Sở GD-ĐT cho phép các trường được tổ chức cho học sinh (HS) lớp 12 ôn tập vào tháng 6 và thu kinh phí theo quy định dạy thêm, học thêm.
Sợ học sinh nghỉ luôn… quên thi
Căng thẳng vì mục tiêu đỗ tốt nghiệp
Video đang HOT
Trong khi đó, vẫn có những trường ở Hà Nội nhiều HS đăng ký ôn tập. Một số trường HS có học lực không cao như Trường dân lập Đinh Tiên Hoàng thì việc ôn tập tháng 6 được coi là mặc định và được tổ chức khá căng vì mục tiêu đặt ra là cố gắng hết sức để HS tốt nghiệp THPT. Theo bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội, trung bình có khoảng 90% HS lớp 12 của trường tham gia học ôn.
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang – một tỉnh miền núi có tới 60% HS chỉ đăng ký thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT, cho biết đa số HS là người dân tộc ít người, ý thức tự học còn kém. “Nếu hết tháng 5 mà bảo thôi cho các em về nghỉ ngơi để chuẩn bị thi là nhiều em… nghỉ luôn, ngày thi cũng quên không đến nữa”, ông Sử hài hước nói.
Chính vì vậy, theo ông Sử, Hà Giang phải tổ chức ôn tập cho tất cả HS lớp 12 của toàn tỉnh trong tháng 6 với kế hoạch cụ thể: huy động những giáo viên có kinh nghiệm nhất, phân loại theo đối tượng HS, theo nhu cầu về chọn môn thi của HS để tổ chức ôn tập.
Còn ông Lê Ngọc Xuyên, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Điện Biên, cho rằng tất cả HS lớp 12 đều tham gia ôn tập “nước rút” tổ chức đến 25.6 chứ không thể “thả” ra được.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, thông tin: “Chúng tôi yêu cầu các trường tổ chức ôn tập cho các em theo hướng bám sát đề thi minh họa của Bộ. Với những HS học lực yếu, cần tăng cường phụ đạo để tự tin bước vào kỳ thi sắp tới. Còn với những HS khá, giỏi có thể hướng dẫn cách luyện giải các phần đề nâng cao”.
Với HS các trường phổ thông dân tộc nội trú ở các tỉnh miền núi thì ngoài buổi học ban ngày dưới sự kèm cặp của giáo viên thì còn có thêm cả tiết học vào buổi tối.
Trường “tốp trên” không tổ chức ôn tập
Không gây quá tải
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho rằng thời điểm này việc tự ôn tập, hệ thống lại kiến thức và hoàn thiện kỹ năng làm bài cần đặc biệt được chú trọng để giúp HS bước vào kỳ thi tự tin hơn. Tinh thần của Bộ là các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với HS và phụ huynh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của HS, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại Hà Nội, những trường được xem là “tốp đầu” của TP như: Trần Phú, Việt Đức, Kim Liên, Yên Hòa… hầu hết đều không tổ chức ôn tập trong tháng 6.
Bà Nguyễn Thị Thúy Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, cho biết trường không tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 vào tháng 6 vì tôn trọng quyết định của HS. “Qua khảo sát nhu cầu của HS cho thấy lớp nào nhiều nhất cũng chỉ có gần 10 em đăng ký học ôn, các lớp còn lại từ 1 – 2 HS. Do vậy chúng tôi không tổ chức ôn tập mà để các em tự học”, bà Thúy Anh nói.
Cũng theo bà Thúy Anh, thường những trường có 100% HS có nguyện vọng tuyển sinh vào ĐH thì HS không trông chờ vào giai đoạn này để ôn tập. “Hầu hết các em đều có tâm lý chung là dồn sức vào 3 môn thi để xét tuyển ĐH, còn môn thi thứ tư để xét tốt nghiệp THPT thì các em không lo lắm, miễn là không bị điểm liệt, nhất là năm nay Bộ lại không xếp loại tốt nghiệp THPT như các năm trước”, bà Thúy Anh nói.
Tương tự, ông Phạm Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.Ba Đình, cho biết trường không tổ chức ôn tập trong tháng 6 mà dành 4 buổi cuối tháng 6 (không thu phí) để giáo viên giải đáp, tư vấn cho HS trước khi bước vào kỳ thi. Ông Hoan cho rằng thời điểm này việc ôn tập dồn dập là không cần thiết và không có tác dụng. “Thời gian này các em cần tự học, tự tổng hợp lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài theo đề thi minh họa”, ông Hoan nhấn mạnh.
Một HS lớp 12 Trường THPT Kim Liên cho biết vẫn học ôn ở các “lò” luyện, đến nhà của các giáo viên có tiếng để rèn kỹ năng làm bài và bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt. Do vậy, theo HS này, nếu học ở trường thời điểm này thì sẽ rất quá tải.
Học sinh ở TP.HCM than trường bắt buộc ôn
Ngay sau khi kết thúc học kỳ 2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu lãnh đạo các trường THPT dựa vào tình hình đăng ký các môn thi THPT để tổ chức ôn tập cho HS. Ông Lương Ngọc Duy, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng (Q.10), cho biết trường không tổ chức theo biên chế lớp cũ nữa mà thực hiện theo môn vì môn lịch sử chỉ có 5 trong tổng số hơn 200 HS lớp 12 chọn.
Nhà trường sắp xếp thời khóa biểu trung bình 5 – 6 tiết/môn/tuần để HS đăng ký thi môn nào sẽ học môn đó, thời gian còn lại dành cho việc tự học. Là trường học 2 buổi/ngày nên Ban Giám hiệu Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2) tổ chức ôn tập theo 2 hình thức, tùy vào mục đích thi chỉ để xét tốt nghiệp hoặc để xét tuyển vào ĐH.
Dù Sở GD-ĐT TP.HCM quy định việc tổ chức ôn tập cho HS phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện tham gia nhưng ngay trong những ngày đầu tháng 6, Báo Thanh Niên nhận được rất nhiều phản ánh của phụ huynh, HS tại quận Tân Phú và Phú Nhuận về tình trạng bắt ép HS phải ôn tập tại trường.
Theo TNO